1. Tổng giáo phận Mạc Tư Khoa kêu gọi trả lại một tấm bia tưởng niệm vị giám mục bị chế độ Stalin cầm tù

Tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa của Công Giáo tại Mạc Tư Khoa đang thúc giục Nghĩa trang Hoàng tử Vladimir ở Vladimir, Nga, khôi phục một tấm bia tưởng niệm vinh danh một tổng giám mục Công Giáo đã bị chế độ Joseph Stalin cầm tù ở Liên Xô cho đến khi ngài qua đời.

Đầu tháng này, các tấm bia tưởng nhớ các tù nhân chính trị và tôn giáo đã chết tại Nhà tù Trung tâm Vladimir dưới chế độ cộng sản đã bị dỡ bỏ. Điều này bao gồm một tấm bảng vinh danh Đức Tổng Giám Mục Mecislovas Reinis, người đang được điều tra án phong thánh. Ngài bị cộng sản giam trong Nhà tù Trung tâm Vladimir từ năm 1947 cho đến khi qua đời năm 1953.

Cha Kirill Gorbunov, tổng đại diện của tổng giáo phận, cho biết: “Ký ức về Đức Cha Reinis được lưu giữ trong lòng những người Công Giáo ở Nga, đặc biệt, một tấm bảng tưởng niệm đã được lắp đặt cho ngài trong Nhà thờ Mân côi Đức Trinh Nữ Maria ở Vladimir”, theo hãng truyền thông nhà nước RIA Novosti.

Cha Gorbunov nói thêm rằng Đức Cha Reinis “xứng đáng được lưu giữ ký ức bất tử tại nơi ngài tử đạo” và rằng “ông là một Kitô hữu chân chính và là người chăn chiên một chứng nhân đã làm chứng lòng trung thành của mình với Chúa Kitô bằng cách tử đạo trong tù, nơi ngài bị buộc tội oan uổng” cùng với những người khác là tù nhân của bọn cầm quyền cộng sản.

Đức Cha Reinis sinh ra ở đế quốc Nga vào năm 1884 và trở thành linh mục năm 1907 và giám mục năm 1926. Ngài lãnh đạo khoa tâm lý học lý thuyết và thực nghiệm tại Đại học Kaunas ở Lithuania và giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của chính phủ Lithuania từ năm 1925 đến năm 1926.

Đức Tổng Giám Mục lần đầu tiên phải đối mặt với sự đàn áp tôn giáo từ những người Bolshevik ở Lithuania, những người đã bắt giữ ngài vào năm 1919 cho đến khi ngài được thả về Ba Lan hai năm sau đó thông qua Hiệp ước Riga. Ngài trở lại Lithuania và bị bắt lại vào năm 1947 sau khi chế độ Stalin sáp nhập đất nước này. Ngài bị kết án 8 năm tù nhưng chỉ thụ án được 6 năm trước khi qua đời vào năm 1953.

Cha Gorbunov nói: “Đức Cha đã chia sẻ số phận của nhiều tín hữu khác, bao gồm cả các giám mục Chính thống giáo đã chết ở đó, trong nhà tù Trung tâm Vladimir. “Điều quan trọng đối với chúng tôi là cuộc đời của Đức Tổng Giám Mục Reinis gắn bó chặt chẽ với văn hóa Nga - ngài tốt nghiệp Học viện Thần học ở St. Petersburg, viết luận án tiến sĩ về Vladimir Solovyov, và tham gia vào việc phổ biến triết học và tâm lý học Nga ở thế giới Phương Tây.”

Bộ Ngoại giao Estonia cũng chỉ trích việc dỡ bỏ các tấm bảng, trong đó có tấm bảng vinh danh tướng quân Estonia, Johan Laidoner, người đã lãnh đạo lực lượng vũ trang trong Chiến tranh giành độc lập của Estonia và chống lại âm mưu đảo chính của cộng sản năm 1924. Chính phủ đã yêu cầu cơ quan này trao cho Estonia tấm bia.

Phát ngôn nhân của Bộ cho biết: “Estonia đã đưa ra tuyên bố lấy làm tiếc về việc dỡ bỏ tượng đài Laidoner và yêu cầu trả lại tấm bia cho Estonia vì nó không còn phù hợp với nghĩa trang ở Vladimir”. “Chúng tôi cũng muốn được hỗ trợ trong việc xác định vị trí hài cốt của Tướng Laidoner và đưa về Estonia.”

Đại sứ Ba Lan tại Mạc Tư Khoa, Krzysztof Krajewski, cũng chỉ trích nhà tù vì đã dỡ bỏ một số tấm bảng vinh danh các tù nhân Ba Lan dưới chế độ Stalin.

Theo đài phát thanh dịch vụ công cộng Ba Lan, Polskie Radio 24, “Chúng tôi rất buồn khi quan sát chính sách tiêu cực nhất quán của chính quyền Nga, trong đó loại bỏ các địa điểm tưởng niệm người Ba Lan”.

Đại sứ nói thêm: “Nó xảy ra trong bóng tối, không có nhân chứng, không ai có thể giải thích khi nào và tại sao, và nếu có những lời giải thích thì rất tiếc là chúng không đúng sự thật”. “Điều đáng buồn và đau lòng nhất là những hành động như vậy lại diễn ra ở nghĩa trang”.

Krajewski đã tổ chức một buổi lễ vào Chúa Nhật, ngày 22 tháng 10 cùng vợ và các đồng nghiệp tại địa điểm từng là đài tưởng niệm.


Source:Catholic News Agency

2. Người Công Giáo có tin vào chuyện có ma quỷ không? Giáo huấn của Giáo hội về Luyện ngục

Nhân dịp tháng Các Linh Hồn, chúng ta, những người Công Giáo, hãy cùng nhau tìm hiểu về những gì về cái gọi là “thế giới huyền bí” mà rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay say mê kiếm tìm. Nhan nhản trên mạng, người ta thấy những bài viết, những video Youtube làm về cái gọi là “tâm linh”, trong đó là vô số những điều liên quan đến thế giới vô hình đầy ma mị như nghi thức gọi hồn, cầu cơ, giải bùa, trị vong nhập v.v... với số lượng độc giả càng tăng cao khi mức độ ma quái của video càng lớn. Nhưng khi trí tò mò của con người bị cuốn hút bởi những hiện tượng thần bí của thế giới siêu hình, có mấy ai để ý đến lời thánh Phêrô đã căn dặn chúng ta về ma quỷ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8)?

Để cùng nhau tìm hiểu về thế giới vô hình với ma, quỷ là những vật thể mà chúng ta luôn bị thu hút và muốn tìm hiểu - dưới ánh sáng và theo quan điểm của Giáo Hội Công Giáo- để không bị dẫn dụ sang bên kia lằn ranh giới nơi ma quỷ luôn sẵn sàng chào đón chúng ta bước qua bằng những cạm bẫy khôn khéo quỷ quyệt dưới danh nghĩa “khám phá tâm linh” và “tiếp xúc với cõi âm”, mời quý vị cùng đọc bài viết của Adam Blai, chuyên gia về bộ môn tà ma và trừ quỷ, thuộc tổng giáo phận Pittsburgh ở tiểu bang Pennsylvania. Ông hiện là thành viên Hiệp Hội Trừ Tà Quốc Tế tại Roma trong nhiều năm qua. Ông cũng là tác giả của cuốn “Ma ám, Quỷ ám và Trừ Quỷ”, một cẩm nang hướng dẫn cho mọi người áp dụng trong trận chiến chống lại những thế lực ma quỷ.

Bài viết có nhan đề “Do Catholics Believe in Ghosts?: Church Teaching on Purgatory”, nghĩa là “Người Công Giáo có tin vào chuyện có ma quỷ không? Giáo huấn của Giáo hội về Luyện ngục”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Giáo Hội Công Giáo luôn minh định về sự tồn tại của linh hồn trong cơ thể con người, một giá trị trước Thiên Chúa, và là một tình trạng vĩnh cửu trên thiên đường hay địa ngục. Người Công Giáo cũng tin vào một chốn gọi là luyện ngục: một tình trạng tạm thời để linh hồn của người qua đời dù đã vượt qua phần phán xét riêng nhưng vẫn còn vướng mắc chút tội lỗi tạm thời có cơ hội được chuộc tội trước khi được đến trước nhan thánh. Trong Giáo hội vẫn có truyền thống là dâng lễ và cầu nguyện cho người chết để thúc đẩy tiến trình thanh luyện này cho nhanh chóng hơn.

Nhiều vị thánh, khi còn sống, đã viết về chuyện những linh hồn hiện ra để xin các ngài cầu nguyện, sám hối, hoặc ý lễ để qua đó họ được đền bù tội lỗi mình đã phạm khi còn sống. Sau khi đã thực hiện những điều trên, thánh nhân đó thường được phép thăm viếng những linh hồn này lần cuối trước khi họ về trời. Có rất nhiều sách được Giáo hội chấp thuận mô tả các trường hợp linh hồn hiện ra với người còn sống để báo hiệu nhu cầu cầu nguyện của họ.

Mặc dù các linh hồn trong luyện ngục đôi khi được phép nói chuyện với các vị thánh, nhưng điều đó thường không xảy ra với người bình thường. Kinh Thánh từng nói rõ về việc tìm cách tiếp xúc để trò chuyện với người đã chết bị cấm đoán ra sao (Đnl 18: 10–13). Làm như vậy thể hiện sự mất tin tưởng nơi Thiên Chúa khi tìm cách qua mặt Ngài và thay vào đó là tìm kiếm sự giúp đỡ của một hồn ma hoặc một người trung gian (nhà ngoại cảm) như một nguồn an ủi, hướng dẫn hoặc thông tin. Đây chính là một vi phạm của điều răn đầu tiên trong Mười Điều Răn.

Trong trường hợp những thánh nhân đã từng nói chuyện với các linh hồn, họ không triệu hồi các linh hồn hoặc tìm kiếm sự hướng dẫn, thông tin, hoặc sự an ủi từ những linh hồn này. Một khi linh hồn xin được cầu nguyện, việc giữa hai bên sẽ dừng lại. Điều thú vị đáng ghi nhận là trong hầu hết các trường hợp của những nhà điều tra về hiện tượng siêu nhiên khi giao tiếp với các vong hồn, điều đầu tiên họ thường được nghe các linh hồn nói là: “Hãy giúp tôi”. Đáng buồn thay, hầu hết mọi người lại không biết cách cầu nguyện cho người chết như thế nào, và vì vậy không có sự giúp đỡ nào được đưa ra. Bất cứ sự giao tiếp nào vượt quá hạn mức này gần như chắc chắn chỉ là sự lừa dối từ phía ma quỷ.

Một số dấu hiệu tiêu biểu cho thấy có sự hiển hiện của linh hồn người đang còn trong luyện ngục là âm thanh của một người cứ đia qua đi lại, một mùi vị liên quan đến người đó, tiếng gõ trên vách tường và, trong trường hợp của những người tự tử, là cảm giác nặng nề và buồn bã trong khu vực xảy ra vụ tự tử. Hầu như luôn luôn không có lời nói nào của những linh hồn này ngoài cụm từ “Giúp tôi” hoặc “Có” để trả lời cho câu hỏi “Anh chị em có cần được cầu nguyện cho mình không?” Các linh hồn trong luyện ngục luôn biết rõ về việc Thiên Chúa cấm (người còn sống) tìm kiếm thông tin từ người chết (Đnl 18:9–14; Lv 19:31 và 20:6; Is 8:19) và do đó họ sẽ không bao giờ lôi kéo người sống vào việc phạm tội này khi để cho việc giao tiếp vượt quá nhu cầu xin lễ hoặc cầu nguyện.

Thể loại ma ám phổ biến nhất là trong trường hợp có linh hồn của người đã chết vì tự sát cũng như nạn nhân bị người khác giết chết. Những linh hồn này thường tạo ra một cảm giác rất mạnh và hiệu ứng của sự buồn rầu, trầm cảm và bất an gần nơi họ chết. Họ có thể gây ra một số biểu hiện, chẳng hạn như gõ hoặc đập vào thời điểm họ chết hoặc khi họ được nhắc đến trong câu chuyện. Chúng ta phải cẩn thận vì ma quỷ có thể lợi dụng một vụ tự sát hoặc giết người đã được biết rõ và giả làm nạn nhân tại ngay địa điểm đó. Ngoài ra, con quỷ đã từng giúp hoặc khuyến khích người ta giết người hoặc tự sát vẫn có thể còn ở đó. Các loại ma ám khác cũng thường xảy ra ngay trong nhà thờ và nhưng cơ sở liên quan đến tôn giáo như nhà xứ hay tu viện.

Trong nhiều trường hợp khi có người tiến hành những cuộc điều tra về hiện tượng siêu nhiên, đã có dấu hiệu cho thấy có cả sự hiện diện của những linh hồn trong luyện ngục và ma quỷ. Điều này xảy ra vì ma quỷ thường bị thu hút đến những nơi mà con người đã cố gắng giao tiếp với các vong hồn. Khi cố kiếm tìm những kiến thức huyền bí từ các vong hồn, con người mặc nhiên cho phép ma quỷ hiện ra và trả lời. Trong những tình huống này, thường có một giao tiếp thiết yếu ban đầu là “giúp tôi” — kế tiếp là tạm ngưng, và sau đó là một số giao tiếp mang tính cách khuynh đảo và sâu rộng hơn nữa. Trong tình huống này, ma quỷ chỉ đơn giản là lợi dụng một cánh cửa đã mở. Người ta thường mô tả về các tín hiệu ban đầu thường không thể bị phá hủy và nỗ lực của họ để đối thoại với vong hồn trong khi bị bám theo bởi những năng lượng tiêu cực và bạo lực khiến họ phải kêu gọi sự giúp đỡ của Hội Thánh.

Nếu một trường hợp có vẻ là do một linh hồn con người thực sự theo ám, biện pháp khắc phục thông thường là một Thánh lễ hoặc những kinh cầu hồn cho người chết tại địa điểm đó. Thường thì việc dâng Thánh lễ taị nơi người đó qua đời là hiệu quả nhất, nhưng điều này không bắt buộc. Một Nghi Thức dành cho Kẻ Chết cũng đã được sử dụng trong nhiều trường hợp và đã thành công. Những kinh cầu này cần phải được nguyện với lòng bác ái và tình yêu thương. Những lời cầu nguyện bổ sung cũng có thể cần được thêm vào.

3. Tiểu luận của Đức Cha James Sean Wall: Vì phần rỗi các linh hồn

Một số chính trị gia Hoa Kỳ luôn tự hào mình là người Công Giáo rất sùng đạo nhưng lại công khai ủng hộ phá thai quyết liệt hơn cả những người không Công Giáo. Trước gương mù tỏ tường này, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ dự định trong kỳ họp khoáng đại vào tháng 6 tới, sẽ thảo luận viễn ảnh đưa ra một tuyên bố về việc rước lễ của các chính trị gia phò phá thai cũng như “phò” nhiều vấn đề khác mâu thuẫn gay gắt với giáo huấn của Hội Thánh.

Đức Cha James Sean Wall, giáo phận Gallup có bài nhận định nhan đề “For the Care of Souls” nghĩa là “Vì sự chăm sóc cho các linh hồn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trong vài tháng qua, một số giám mục Công Giáo đã đưa ra tuyên bố đối với câu hỏi liệu có nên công khai từ chối Bí tích Thánh Thể đối với các chính trị gia ủng hộ phá thai hay không. Tôi biết ơn tất cả các giám mục anh em của tôi, những người đã can đảm lên tiếng về chủ đề hóc búa này. Khi các giám mục chia sẻ theo lương tâm của mình và lắng nghe quan điểm của người khác, họ thúc đẩy đối thoại chân chính — là một bước cần thiết trên con đường dẫn đến sự hiệp nhất.

Do đó, tôi muốn trả lời bài luận gần đây của Đức Cha Robert McElroy. Ngài nói rằng: “Bí tích Thánh Thể đang được dùng như một vũ khí vì mục đích chính trị. Điều này không được xảy ra”. Tiêu đề của ngài gợi ý rằng các động cơ chính trị đang thúc đẩy cuộc thảo luận hiện tại của các giám mục về các chính trị gia ủng hộ phá thai và sự tiếp nhận xứng đáng bí tích Thánh Thể. Mặc dù tôi không giả định là mình biết điều gì trong tâm trí và trái tim của các giám mục anh em của tôi, bản thôi tôi không bị thúc đẩy bởi các mục đích chính trị, và cả những người mà tôi đã thảo luận về chủ đề này với họ cũng vậy. Mối quan tâm của chúng tôi không phải là chính trị mà là mục vụ; là nhằm cứu rỗi các linh hồn. Vấn đề này có thể có những hệ quả chính trị, nhưng không vì thế mà chúng ta phải trốn tránh vào thời điểm quan trọng này.

Đức Cha McElroy cũng lo ngại rằng việc loại trừ các chính trị gia ủng hộ phá thai ra khỏi tình hiệp thông Thánh Thể sẽ làm suy yếu sự hiệp nhất của Giáo hội. Chúa Giêsu cầu nguyện rằng tất cả các Kitô hữu có thể nên một (Ga 17:21), và đây là nghĩa vụ mà tất cả chúng ta phải nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng nói, “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12:51). Đôi khi việc nói ra sự thật dường như tạo ra sự chia rẽ, nhưng thường thì nó chỉ đơn giản là phơi bày sự chia rẽ đã tồn tại rồi. Nếu người Công Giáo không thể đồng ý về việc bảo vệ những đứa trẻ vô phương tự vệ, thì sự hiệp nhất của chúng ta nói nhẹ nhàng một chút là hời hợt, còn nói tệ hơn thì đó là ảo tưởng.

Đức Cha McElroy sau đó phê bình cái mà ngài gọi là “thần học về sự không xứng đáng”. Ngài lập luận rằng những người từ chối không cho các chính trị gia ủng hộ phá thai được rước lễ đang áp dụng một thử nghiệm “cực kỳ tùy tiện” khi “áp dụng các biện pháp trừng phạt rất có chọn lọc và không nhất quán”. Tôi tự hỏi có đúng như thế không?

Giáo luật quy định: “Ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước, thì không được làm lễ và không được rước lễ, nếu chưa đi xưng tội” (Giáo luật 916). Vì phá thai là một trong số những tội lỗi mang vạ tuyệt thông tiền kết (xem Giáo luật 1398), nên chắc chắn rằng một chính trị gia tích cực bảo vệ việc phá thai và cố gắng làm cho nó dễ tiếp cận hơn rất có nguy cơ đối với phần rỗi linh hồn. Chắc chắn không phải là quá “tùy tiện” khi xếp tệ nạn này vào loại các tội nghiêm trọng.

Thật công bằng khi đặt vấn đề liệu chúng ta có chọn lọc không khi chỉ tập trung vào việc phá thai. Tại sao chúng ta không tìm kiếm các biện pháp trừng phạt thánh thể đối với các tệ nạn khác đang tràn lan trong xã hội? Câu trả lời là mặc dù có nhiều tội trọng làm giảm đi sự xứng đáng của chúng ta khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, nhưng chỉ những tội trọng nhất mới dập tắt hoàn toàn sự xứng đáng đó. Với tư cách là một nhóm các giám mục, chúng tôi đã đọc “những dấu chỉ của thời đại” (Gaudium et Spes), và nhận ra rằng phá thai là một tệ nạn lớn trong nền văn hóa của chúng ta, và đã gọi nó như vậy trong nhiều thập kỷ. Trở lại năm 1998, Hội Đồng Giám Mục của chúng tôi đã nêu đích danh phá thai là “mối đe dọa hàng đầu” và vào năm 2019, chúng tôi tái khẳng định rằng “mối đe dọa phá thai vẫn là âu lo hàng đầu của chúng tôi vì nó tấn công trực tiếp vào chính sự sống”. Các nhà lãnh đạo chính trị ủng hộ phá thai đã không chú ý đến những lời kêu gọi này, và bây giờ chúng tôi tìm cách áp dụng phương án chữa bệnh cuối cùng và nghiêm khắc nhất mà chúng tôi có: đó là các biện pháp trừng phạt thánh thể.

Đức Cha McElroy khi xem xét các lý lẽ từ chối không cho các chính trị gia ủng hộ phá thai được rước lễ đã đặt câu hỏi “Có bao nhiêu nhà lãnh đạo chính trị Công Giáo của hai đảng có thể vượt qua được bài kiểm tra đó?” Tôi cho rằng đây là câu hỏi sai. Chúa Giêsu không quan tâm đến những con số, nhưng đến sự cứu rỗi các linh hồn. Một câu hỏi hay hơn có thể là “Liệu tôi đã làm hết tất cả những gì một Giám Mục có thể làm để cố gắng đưa tất cả các chính trị gia Công Giáo ủng hộ việc phá thai trong đàn chiên của tôi trở lại tình trạng ân sủng hay chưa?”


Source:First Things