Lá thư Canada

ĂN NEM ĂN CHẢ

Trời đã vào thu, lá vàng bắt đầu rơi, nhiệt độ bắt đầu xuống, ra khỏi nhà đã phải mang áo ấm. Làng An Lạc của tôi vẫn họp hàng tuần, dân làng bây giờ đa số là các nhà quân tử cao niên nên không có ồn ào náo nhiệt nhưng vẫn luôn đầy tiếng cười. Lúc này đang giữa tháng 10, tháng của các lễ Tạ Ơn. Nhưng cũng là tháng có nhiều việc ra đi vĩnh hằng. Bên Mỹ có Bà Đặng Tuyết Mai, mẹ của cô MC Kỳ Duyên. Bên Canada này, các cụ ra đi nhiều lắm, riêng tôi, tôi mất 2 người bạn thân cuối tháng 9 vừa qua.

Người thứ nhất là GS Nguyễn Long Thao ở San Jose Hoa Kỳ, phó Giám Đốc của ngành truyền thông Công Giáo VietCatholic, bạn thân với cha giám đốc sáng lập Trần Công Nghị, đã ròng rã 27 năm (1996-2023) phụ trách các bài vở tứ phương gủi về. Chúng tôi thân nhau như anh em. Ở VN trước 1975 anh đã là giáo sư của Viện Dại Học Cần Thơ. Loạt bài Lá Thư Canada mà tôi gửi hàng tháng được anh trân quý, anh còn tìm thêm vào nhiều hình ảnh phụ họa cho bài tươi đẹp hơn. Anh cho giữ bài của tôi trên đài lâu hàng tháng. Thế mà anh đột ngột ra đi, 18-9-2023, thọ 78. Tôi đâu có biết anh bệnh đã 3 tháng. Ai cũng yêu mến anh. Ai cũng bảo tìm được một ông Thao thứ hai quả là khó.

Ngưởi bạn thứ hai là GS Đỗ Khánh Hoan, cùng ở Toronto như tôi. Mới tuần trước ông còn muốn rủ tôi xuống phố ăn phở, thế mà đùng một cái, ngày 23-9-2023, sau ông Thao 5 ngày, ông ra đi. Trước đó ông chỉ kêu khó thở. Ông thọ 90. Ông là một hoc giả thứ thiệt, từng du học ở Úc và Mỹ. Ngay từ thập niên 1960 ông đã nổi tiếng khi viết cuốn Lịch Sử Văn Học Anh, và Khái niệm về ngôn ngữ và thi pháp tiếng Anh, tái bản 2 lần, Cây Đàn Miến Điện tái bản 6 lần. Ra hải ngoại, ông dịch các tác phẩm lớn của thế giới như Shakespeare, Homer và còn nhiều nhiều nữa. Sau này, các tác phẩm lớn của ông được nhà xuất bản Học Viện Công Dân / Institute for Civic Education in VietNam ở Hoa Kỳ xuất bản. Trước và sau 1975, ông là trưởng ban Anh Văn ở Đại Học văn Khoa Saigon. Cũng như ông Nguyễn Long Thao ở trên, ở hải ngoại này chưa một ai nổi trội hơn Học giả Đỗ Khánh Hoan về ngành dịch thuật. Ở Saigon đầu thập niên 1960, nói tới GS Đỗ Khánh Hoan thì ai cũng biết. Giữa tháng 9 vừa qua ông rủ tôi xuống phố ăn phở, tôi chưa kịp hẹn ngày thì đùng một cái ông ra đi giữa sự ngỡ ngàng của mọi người.

Trong buổi họp làng An Lạc của tôi tuần qua, dân làng ai cũng biết và thương tiếc hai người bạn thân của tôi. Mãi rồi cái không khí thương tiếc này mới tan đi, khi dân làng chuyển qua chuyện thời sự Do Thái đánh nhau với Hamas, lần này dân làng không thèm nói tới ông Putin xâm lăng Ukraine, chuyện đã cũ rồi và chưa biết kết thúc sẽ ra sao. Riêng chuyên Do thái và Hamas, làng tôi không bàn về các trận giao tranh, mà bàn về cái gốc Abraham. Phe các bà có vẻ thích cái gốc này. Cụ tổ phụ của hai sắc dân thù nghịch nhau là cụ Abraham. Cụ có vợ là bà Sarah. Hai người lấy nhau đã lâu mà không có con, bà Sarah thương chồng liền chọn cô nữ ty Hagar làm vợ bé cho ông. Cô này gốc Palestine, và cô có bầu ngay với Abraham, rồi đẻ ra cậu con trai đầu lòng đật tên là Ishmael. Mãi mãi về sau bà vợ chính thức Sarah mới có con. Thế là ông Abraham có 2 vợ, vợ cả Sarah gốc Do Thái, vợ bé Hagar gốc Palestine. Đứa con của vợ bé sinh trước. Cái gốc Do Thái và Palestine thù nhau bắt đầu ngay từ nhà Abraham, do việc vợ chính bắt chồng lấy vợ bé.

Cụ già B.95 lên tiếng: bây giờ lão mới biết chính bà vợ Do Thái thứ thiệt của Abraham đã đem giặc Hồi Giáo vào gia đình, bây giờ Do thái đánh nhau với Hồi giáo là do cái gốc Abraham.

Cụ Chánh tiên chỉ liền giơ tay xin dân làng chuyển đề tài, vì chuyện này dài và chắc chưa ai tìm thấy đoạn kết, có dư luận còn bảo thế chiến thứ ba đang bắt đầu từ đây.

Chị Ba Biên Hòa liền gật đầu xin tuân lênh chuyển đề ngay. Chị đang chỉ huy bữa ăn dưới bếp. Bữa nay phe các bà đãi làng món gà luộc, nhưng chưa biết chặt gà thế nào. Ông ODP liền chỉ ngay vào ông Từ Hòe: Thưa đây là thiên tài chặt gà. Ông này chặt gà không thua gì anh Tàu ở hiệu gà Siu Siu ở Chợ An Đông Chợ lớn ngày xưa. Các cụ còn nhớ hiệu gà nổi tiếng ngày xưa này không? Tôi có tới ăn mấy lần và đã chiêm ngưỡng ông đầu bếp chặt gà. Hấp dẫn và đẹp mắt vô cùng. Hình như có một ông nhà văn náo đó cũng mê như tôi và đã nói rõ cái gốc món gà luộc này, tôi già rồi bây giờ quên mất tên. Đại để như thế này:

…Khi luộc gà thì nước luộc chỉ xấp xỉ, vừa ngập gà là đủ. Trước khi luộc thì cho mấy hạt muối để da gà se lại. Đợi sước sôi chừng ăn giập miếng trầu thì tắt lửa, chin quá sẽ làm nát da gà. Khi gà chin thì phải vớt ra ngay, và để nguội mới chặt. Phải dùng giao thật sắc. Đầu tiên chia đôi theo ngực gà, rồi sẽ chia thân gà thành từng ô, mỗi nhát là một miếng. Thịt gà cần ăn với lá chanh, vừa thơm vừa chống được phong ngứa, Các cụ ta đã nói từ xưa: ‘Con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi’ là thế.

Cụ B.95 nghe đến đây thì gật gù. Cụ bảo các bác làm lão già này ăn gà mà lại nhớ đến mấy món khác ở Bắc Kỳ cũ ngày xưa, như món chuối xanh ốc nhồi, chả rươi, canh cua đồng nấu rau đay, mực luộc, rạm rang, ám cá mè…

Nói xong thì cụ quay vào ông Từ Hòe và hỏi: Lâu nay toàn nghe bác kể chuyện tiếu lâm mà chuyện nào hay thì toàn có gốc VN. Vậy cái gốc tiếu lâm VN như thế nào?

Câu hỏi này đã gõ đúng cửa, Ông Từ Hòe liền kể ngay: Chuyện ngày xưa chép rằng có hai cha con nhà kia đi thi hoài mà đều không đỗ, bèn quay ra làm nghề dạy học. Những lúc rảnh thì cả hai cha con tìm các chuyện cười trong dân gian và góp các chuyện hay lại thành một tập và đặt tên là Tiếu Lâm. Vì không định ấn hành nên hai cha con chép lại rất bạo và phóng túng, bất kể chuyện gì hay và gây ra tiếng cười đều được chép vào tập. Khi tập đã dầy, hai cha con lấy một ngày nghỉ, nấu một bữa thịt chó vừa để tự thưởng cho công mình, vừa để chọn lọc thêm. Thế là sau tiệc thịt chó no nê, hai cha con duyệt lại công trình nghiên cứu. Từ chuyện này sang chuyện khác, hai bố con ôm nhau vừa đọc vừa cười sằng sặc. Cười cho đến lúc duyệt xong thì cả hai cha con hết hơi, liền lăn đùng ra chết mà miệng vẫn còn cười. Chết vì cười. Trên thế giới tôi chưa hề nghe có ai chết vì cười, trừ ở VN, trừ hai cha con ông tổ chuyện cười này.

Phe các bà nghe xong chuyện này nhưng vẫn chưa thỏa ý hoàn toàn, đòi ông Từ Hòe kể chuyên nào có chi tiết cụ thể cơ. Ông Từ Hòe bèn cười hà hà rồi kể một chuyện cười trong tập chuyện trên đây: Có một anh chàng kia mặt lúc nào củng hiêu hiêu tự đắc cho là mình nhiều chữ. Hè đó anh và mấy người bạn về làng quê chơi, bữa đó khi đi qua cánh đồng đang mùa cấy lúa. Chàng nhìn mấy cô gái lom khom cấy mạ, bèn nổi hứng làm thơ ghẹo:

… Nào em tội lỗi gì đâu, mà sao em chổng phao câu lên trời !

Không ngờ một cô cấy lúa có tài liền đáp lại ngay:

… Này anh ơi, nông vụ đến kỳ, em mà không chổng lấy gì anh xơi!

Sách không chép tiếp là cái anh chàng ngông này đối đáp ra sao, hay có đối đáp được không, chỉ biết anh tịt và phải nuốt nhục mà đi.

Viêc nuốt nhục này là làm tôi nhớ chuyện anh khóa Vũ Diệm ngày xưa. Sách kể rằng thuở ấy, năm 1733 thì phải, bà Đoàn Thị Điểm đã nổi tiếng lắm, vừa văn hay vừa sắc đẹp. Cậu khóa họ Vũ bèn nhờ bạn bè mon men dẫn tới ra mắt. Nữ sĩ họ Đoàn không ra tiếp nhưng sai nữ tỳ bưng ra đĩa trầu và một vế thách đối ‘ Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang’, cái rắc rối là câu này có 2 nghĩa: ‘Trước sân cô gái trẻ mời chàng rể mới’ và ‘Trước sân cơn gió nhẹ thổi phất cây cau’, Vũ Diệm không đối được phải bẽ bàng ra về. Để hết nhục, anh quyết chí học tập. Sáu năm sau, 1739, Vũ Diệm đi thi và đỗ hoàng giáp, tức là cao hơn bằng tiến sĩ một bậc. Không nghe nói Vũ Diệm có trở lại thăm bà Đoàn thị Điểm nữa hay thôi.

Viết đến đây tự nhiên tới nhớ tới cụ Tú Xương. Cụ là người không biết sợ, cụ chửi tuốt luốt, nhất là chửi Tây: Lọng cắm rợp trời quan sứ tới, Váy lê quét đất mụ đầm ra…Chí cha chí chóe khoe giày dép, Đen thủi đen thui cũng lượt là.

Cụ nói thẳng tuột, không hề nói tốt về mình:

Vị Xuyên có Tú Xương

Dở dở lại ương ương

Cao lâu thường ăn quỵt

Thổ đĩ lại chơi lường.

Cụ tả cái nghèo của cụ, nghe mà thương cụ quá sức:

Một tuồng rách rưới con như bố

Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi…

Vì cụ ương ngạnh ba gai như vậy nên chắc không học hành chu đáo, chỉ đậu đến tú tài.

Tấp tểnh người đi tớ cũng đi

Cũng lều cũng chõng cũng đi thi

Tiễn chân cô mất ba đồng lẻ

Sờ bụng thày không một chữ gì…

Ấy thế mà Xuân Diệu đã xếp Tú Xương vào danh sách 5 nhà thơ lớn nhất trong văn học cổ điển VN: Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm và Tú Xương.

Nhiều người bảo tài thơ phú của ông chả thua gì Lý Bạch bên Tàu. Tôi không đồng ý như vậy, Tú Xương của chúng ta là thiên tài về thi phú nhưng không làm quan và có uy như Lý Bạch bênTàu. Chuyện Tàu kể rằng thi hào Lý Bạch được vua Huyền Tông phong chức Hàn lâm Học sĩ, uy quyền tột cùng. Ngài không muốn ở chốn cung đình, mà thích đi ngao du sơn thủy. Một hôm ngài tới huyện Hoa Âm. Ngài nghe rằng quan huyện ở đây rất mực tham ô nên ngài có ý dạy ông ta một bài học. Bữa đó Lý Bạch cỡi lừa đi vào dinh ông quan này. Quan liền cho lính bắt giam Lý Bạch và đưa bút giấy cho Lý Bạch tự khai lý lịch. Lý Bạch khai ngay như sau: Ta là Lý Bạch, quê ở Câm Châu, ta thường vung bút tố loài nịnh, thảo chiếu trừ Phiên Quốc, điện ngọc ta thường vào uống rượu giải trí với vua, canh nóng có vua khuấy, chảy rãi ở mép có vua lau, Dương Thái sư mài mực, Cao Thái Úy cởi giày, trước sân rồng hoàng đế còn cho ta cỡi ngựa, huống chi cái huyện Hoa Âm này sao các ngươi lại buộc ta không được cỡi lừa. Quan huyện đọc xong toát mồ hôi sụp xuống lậy.

Cụ Tú của chúng ta không có ngông và phạm thượng như vậy, thế mà được coi gang tầm với Lý Bạch. Nghĩa là về mặt văn chương thi phú thì cụ Tú Xương cao lắm, vua cũng phải kính nể.

Cụ già B.95 nghe đến đây thì giơ tay xin ngưng các chuyện thi phú vì cụ chả hiểu gì cả, cụ cầu cứu anh John thần tượng của cụ cho cụ tiếng cười. Anh John vâng lời ngay. Anh kể ngay. Rằng nhà kia có cậu con trai lớn đến tuổi lấy vợ. Anh yêu cô Mai ở xóm đông và anh thưa với bố, xin bố cưới cô Mai cho anh. Bố anh ta cười tủm tỉm rồi nói nhỏ: không được con ơi vì cái Mai là em của con. Anh ta buồn quá vì thế có nghĩa rằng bố đã ngủ với mẹ Mai. Ít lâu sau anh ta cũng trình với bố là anh yêu cô Lan ở xóm tây, bố cũng nói nhỏ là không được vì cái Lan cũng là em của anh ta. Bẵng một thời gian anh ta lại nói với bố là mình yêu cái Cúc ở xóm nam, bố bảo cũng không được. Cuối cùng anh bá cáo anh yêu bé Trúc ở xóm bắc, bố anh vẫn lắc đầu. Thì ra bố anh dê quá, bố đã ngủ với cả làng. Thế là anh con trai này thất tình không tìm được vợ. Mẹ anh ta thấy mặt mũi con mình buồn rầu bèn hỏi nhỏ. Anh này đem hết các chuyện tình kể cho mẹ nghe. Nghe xong, mẹ anh cười rồi nói: Con cứ cưới đi, đứa nào con thich nhất, đứa nào cũng được vì con không phải là con của bố…

Phe các bà các cô nghe xong thì cười như nắc nẻ, đấm nhau thùm thụp. Phe các ông cũng cười như phá, vừa cười vừa nói: các bà thấy chưa, xưa nay các bà toàn nói rằng chỉ có liền ông chúng tôi là lăng nhăng…

Cụ chánh tiên chỉ để làng cười xong một lúc rồi nói: làng cười vì chuyện ông ăn chả bà ăn nem, như vậy là đủ rồi. Nhiều gia đình đổ vỡ vì chuyện ăn nem ăn chả này. Đây là bài học ta cần phải dạy cho con cho cháu. Đó là điều răn Thứ Sáu trong 10 Giới Răn mà Chúa dạy tổ tiên loài người ngay từ đầu.

Làng tôi còn nhiều chuyện vui cười lắm, hay hơn cả chuyện ăn nem ăn chả trên đây, còn hơn cả chuyện Tú Xương, và Lý Bạch. Anh John cũng gật đầu và hứa lần sau sẽ kể thêm chuyện cười Canada. Xin hẹn các cụ lần sau nha.