Về các biến cố sau cùng của Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 tại Lisbon, Bồ Đào Nhà, thông tín viên Filipe d'Avillez của The Pillar, ngày 8 tháng 8, có bài tường trình như sau:

Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 đã kết thúc. Và thành thật mà nói, thật khó để tưởng tượng rằng nó có thể diễn ra tốt hơn như vậy. Đức Giáo Hoàng đã nói như thế, cho thấy rằng đây là ấn bản được tổ chức tốt nhất.

Mặt trời mọc trên sông Tagus vào ngày bế mạc Đại hội Giới trẻ Thế giới. (Ảnh: Filipe d’Avillez)


Sau buổi canh thức hôm thứ Bảy, khoảng một triệu rưỡi người đã qua đêm ngoài trời, chờ đợi Đức Giáo Hoàng Phanxicô trở lại vào buổi sáng để cử hành Thánh lễ bế mạc.

Là một phần của đoàn báo chí, tôi đã lên kế hoạch về nhà và ngủ vài giờ trên chiếc giường êm ái. Nhưng bị cuốn hút bởi sự nhiệt tình, tôi quyết định ở lại và qua đêm ngoài trời với vợ và những đứa con lớn.

Tất nhiên, tôi đã không chuẩn bị trước, vì vậy sau cái nóng gay gắt của ban ngày, tôi thực sự khá lạnh vào ban đêm.

Loa bắt đầu hoạt động vào khoảng 6:30 sáng, đúng lúc mặt trời mọc trên sông Tagus trước mặt chúng tôi.

Sau một vài phút âm nhạc khá dễ chịu để thu hút mọi người đứng dậy và có tâm trạng vui vẻ, nhiều người đã sửng sốt trước sự thay đổi đột ngột sang nhịp điệu điện tử và các bản phối lại [remixes] của “Hallelujah,” bài ca Ngày Giới trẻ Thế giới, và “Jerusalem” của Master KG, cung cấp bởi Cha Guilherme Peixoto, còn được gọi là Linh mục DJ, đến từ Tổng giáo phận Braga, Bồ Đào Nha.

Tôi biết bạn đang nghĩ gì: “Một linh mục DJ? Trời đất! Nhưng ngài thực sự thành công một cách đáng kinh ngạc, thậm chí “thực sự tuyệt vời”, theo những người hành hương người Zimbabwe mà tôi đã trò chuyện. Và ngài chắc chắn đã khiến mọi người đứng lên và tham gia vào không khí lễ hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô đến ngay sau 8 giờ sáng, và lần này ngài đi một vòng, đi qua một số khu vực để đông đảo khách hành hương có thể có được tầm nhìn gần gũi.

Trong bài giảng của ngài, và mặc dù có một số chỗ ứng khẩu, nhưng hầu như ngài vẫn giữ nguyên bản văn soạn sẵn và nhấn mạnh những điểm tương đồng giữa Việc Biến hình và những gì những người hành hương đang trải qua vào thời điểm này.

Ngài nói, “Qua luồng ánh sáng rực rỡ này, Chúa Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ trong đêm tối mà họ sẽ phải trải qua; kinh nghiệm ánh sáng choáng ngợp này sẽ giúp các ngài chịu đựng được các giờ khắc đen tối của Vườn Diệtsimani và đồi Canvariô”.

Sau Thánh Lễ, trong giờ Kinh Truyền Tin, ngài nói: “Tôi muốn nói với anh chị em: hãy giữ lấy ký ức về những ngày này, ghi nhớ những khoảnh khắc đẹp nhất này. Sau đó, khi những lúc mệt mỏi và chán nản không thể tránh khỏi xảy đến, và có lẽ bị cám dỗ từ bỏ hoặc khép mình lại, hãy hồi tưởng lại những kinh nghiệm và ân sủng của những ngày này.”

Tất nhiên, đây là một trong những câu hỏi chính nảy sinh với mọi sự kiện tôn giáo lớn (và chúng không lớn hơn bao nhiêu so với Ngày Giới trẻ Thế giới). Thành quả của cuộc tụ họp này sẽ là gì, cho cả những người hành hương và cho các quốc gia nơi họ có chỗ đứng?

Tôi đã nói chuyện với Charles Mercier, một sử gia người Pháp đã viết một cuốn sách về Ngày Giới trẻ Thế giới. Anh nói với tôi rằng những tác động đối với các quốc gia tổ chức không đủ để ngăn chặn bước tiến của quá trình thế tục hóa và đối với những người hành hương, có những biến số quan trọng cần xem xét.

Anh nói: “Những người thực sự chuẩn bị cho sự hiện diện của họ, theo quan điểm tâm linh, và sau đó sống Ngày Giới trẻ Thế giới một cách mãnh liệt, vốn tường trình những tác động đáng kể đến cuộc sống của họ sau biến cố này. Tuy nhiên, đối với những người bị cuốn vào thời điểm này và tham gia mà không có sự chuẩn bị trước, hiệu quả thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.”

Sau khi nói chuyện với rất nhiều người hành hương, tôi cảm thấy một yếu tố khác là tầm quan trọng của loại kinh nghiệm này đối với những người sống ở những nơi hoặc hoàn cảnh mà họ thuộc nhóm thiểu số và có thể bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Sự an ủi và nhiệt tình mà họ có được khi hiểu rằng họ là một phần của Giáo hội hoàn vũ, và được hàng triệu người đánh giá cao và trân qúy, là điều rất đáng khích lệ, và một số người trong số họ đã nói với tôi như vậy.

Những người hành hương của người Zimbabwe đội mũ truyền thống chờ đợi Đức Giáo Hoàng đến để cử hành Thánh lễ cuối cùng. (Ảnh: Filipe d’Avillez)


Lướt sóng tình yêu

Sự kiện cuối cùng của Ngày Giới trẻ Thế giới là cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các tình nguyện viên ở Algés. Trước đây tôi đã viết rằng có lẽ thử nghiệm lớn nhất đối với việc hậu cần là đưa các tình nguyện viên từ nơi cử hành Thánh lễ cuối cùng đến Algés, với hơn một triệu người khác đang làm tắc nghẽn các con đường. Nhưng ngay cả điều đó cũng được tổ chức tốt một cách hoàn hảo, và cảnh sát đã hỗ trợ hộ tống các xe buýt qua lại.

Đối với các tình nguyện viên, sự kiện cuối cùng có nghĩa là thêm hai hoặc ba giờ nữa dưới ánh mặt trời mà không có bóng râm. Tôi thấy một số người được các bác sĩ dẫn ra ngoài sau khi cảm thấy không ổn vì nóng. Nhưng dường như không có bất cứ điều gì nghiêm trọng để báo cáo.

Trong bài phát biểu cuối cùng trước các tình nguyện viên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc đến Nazaré, bãi biển Bồ Đào Nha giữ kỷ lục về con sóng lớn nhất từng được lướt sóng, ở độ cao 86 feet.

Ngài nói, “Trong những ngày này, các bạn cũng phải đối mặt với một làn sóng thực sự và độc đáo, không phải từ nước, mà từ những người trẻ tuổi, những người trẻ tuổi như các bạn, những người đã đến thành phố này. Nhưng với sự giúp đỡ của Chúa, với rất nhiều lòng quảng đại và hỗ trợ lẫn nhau, các bạn đã cưỡi trên làn sóng vĩ đại này. Hãy xem, các bạn dũng cảm như thế nào!"

Đức Giáo Hoàng nói, “Tôi muốn xin các bạn tiếp tục như thế, tiếp tục cỡi trên những con sóng của tình yêu, những con sóng của lòng bác ái. Hãy là ‘những người lướt sóng của tình yêu’”.

Sau đó, ngài nắm tay những người tổ chức chính và cảm ơn họ rất nhiều vì tất cả những gì họ đã làm, trước khi ra sân bay trở về Rome.

Nhìn 25,000 người hành hương kiệt sức nhưng vui vẻ tràn ra khỏi địa điểm Algés, tôi tự hỏi liệu các giáo xứ và giáo phận địa phương của họ có đủ khôn ngoan để tận dụng sự nhiệt tình mới tìm thấy của họ hay không, hay họ sẽ thất vọng khi gặp phải những hệ thống cũ và những trở ngại đối với sự tham gia của họ.

Đây là cơ hội ngàn năm có một cho Giáo hội Bồ Đào Nha; nó không thể bị lãng phí.

Những người hành hương Albania ở Công viên Tejo. (Ảnh: Filipe d’Avillez)


Một phép lạ Ngày Giới trẻ Thế giới?

Bạn có thể nghĩ rằng mọi việc diễn ra tốt đẹp như vậy đã là một điều kỳ diệu, nhưng theo COPE, một nhóm truyền thông Công Giáo Tây Ban Nha có uy tín, một cô gái 16 tuổi người Tây Ban Nha đã báo cáo rằng cô đã được khỏi bệnh một cách kỳ diệu trong một Thánh lễ sau chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đến Fátima.

Cô gái không được nêu tên trong bài báo trực tuyến đã mất gần 95% thị lực chỉ hơn hai năm trước. Trước khi đến Lisbon, cô đã nhờ bạn bè và gia đình cùng cô cầu nguyện một tuần cửu nhật kính Đức Mẹ Xuống Tuyết, ngày lễ của Đức Mẹ trùng với chuyến viếng thăm Fatima của Đức Thánh Cha vào ngày 5 tháng 8.

“Tôi đã rất lo lắng khi chờ rước lễ, và khi tôi ngồi xuống sau khi rước lễ, tôi bắt đầu khóc,” cô nhớ lại. “Tôi không muốn mở mắt, nhưng khi tôi mở mắt, tôi có thể nhìn thấy, tôi có thể nhìn thấy một cách hoàn hảo. Tôi có thể thấy bàn thờ, nhà tạm. Tôi có một người bạn bên cạnh và tôi cũng có thể nhìn thấy cô ấy một cách hoàn hảo.”

Tôi đã hỏi văn phòng báo chí Ngày Giới trẻ Thế giới, nhưng họ chưa nghe về vụ việc và do đó không có bất cứ bình luận nào.

Đương nhiên, Giáo hội sẽ tiếp cận vấn đề với sự thận trọng thông thường, nhưng nếu một cuộc kiểm tra y tế tiết lộ một phương pháp chữa trị không thể giải thích được, thì chúng ta có thể đang xem xét một phép lạ của Ngày Giới trẻ Thế giới.

Tranh cãi về việc rước lễ

Như Ed và JD đã chỉ ra trong Pillar Podcast mới nhất của họ, các Thánh lễ lớn ngoài trời luôn là chủ đề tranh luận gay gắt.

Một trong những điểm gây tranh cãi chính là sự kính trọng Bí tích Thánh Thể. Với quá nhiều linh mục xung quanh, một số người đã hỏi liệu có thực sự cần thiết phải có các thừa tác viên Rước Lễ ngoại thường hay không.

Tuy nhiên, điều mà điều đó không tính đến là hầu hết các linh mục đi cùng với các nhóm khách hành hương, có nghĩa là, từ quan điểm thực tế, sẽ không thể chuẩn bị cho các ngài, huấn luyện cho các ngài, nói cho các ngài biết nơi đến nơi đi và tiến hành như thế nào, trong khi các thừa tác viên ngoại thường đã được chuẩn bị trong nhiều tháng.

Ngoài ra, đại đa số các linh mục có chứng nhận cho phép các ngài ở trong một khu vực cụ thể, gần bàn thờ, để các ngài có thể đồng tế. Có lẽ các ngài phải mất hơn một giờ đồng hồ mới đến được một số điểm xa nhất của công viên...

Thay vào đó, như đã xảy ra trong Thánh lễ khai mạc, các thừa tác viên ngoại thường đã trải ra khắp khu vực và cho Rước lễ bằng Bánh thánh đã truyền phép trước. Tôi có thể nói, việc Rước lễ được phân phát hiệu quả và khá nhanh chóng.

Một người hành hương Hàn Quốc trong trang phục truyền thống. (Ảnh: Filipe d’Avillez)


Hán Thành 2027

Khi Thánh lễ bế mạc kết thúc, Đức Giáo Hoàng đã đọc Kinh Truyền tin và, như dự kiến, đã thông báo rằng Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc.

Vì năm 2025 là Năm Thánh, với các sự kiện đặc biệt được lên kế hoạch cho Rome, nên Ngày Giới trẻ Thế giới Seoul sẽ được tổ chức vào năm 2027.

Hàn Quốc là một sự lựa chọn đáng lưu ý. Đây là lần đầu tiên Ngày Giới trẻ Thế giới quay trở lại châu Á kể từ Manila năm 1995, nơi vẫn giữ kỷ lục về số người tham dự Thánh lễ bế mạc đông nhất, với hơn bốn triệu người hành hương.

Nhiều người muốn xem lần đầu tiên ở châu Phi, nhưng có những nghi ngờ nghiêm trọng về khả năng của bất cứ quốc gia châu Phi nào có thể tổ chức một sự kiện quy mô như thế này một cách an toàn.

Hàn Quốc cũng nổi bật vì những lý do khác. Bên cạnh yếu tố rõ ràng là ở trong một khu vực căng thẳng, Giáo hội Hàn Quốc là một trong số ít ở châu Á không bắt nguồn từ hoạt động truyền giáo, mà là sự trở lại của một nhóm người Hàn Quốc đã tiếp cận Kitô giáo thông qua việc theo đuổi tri thức và đọc các tác phẩm thần học du nhập qua Trung Quốc.

Mặc dù là một tôn giáo thiểu số, Kitô giáo rất sôi động và sống động ở Hàn Quốc. Các lớp giáo lý đã đầy và hàng ngàn người gia nhập Giáo hội mỗi năm.

Dừng báo chí lại! Công Giáo là người bình thường

Có một số bất ngờ trong tuần này khi một tờ báo hàng đầu của Bồ Đào Nha đăng một số đặc biệt về Ngày Giới trẻ Thế giới, với những hình ảnh “gây sốc” về những người hành hương Ngày Giới trẻ Thế giới trẻ uống bia và nói chung là có một khoảng thời gian vui vẻ.

Một số người trong số họ rõ ràng là đã uống hơi nhiều và đang quậy phá trong đài phun nước, mặc quần đùi, nhưng dường như không có gì đáng lo ngại đang diễn ra.

Đối với phần lớn giới thượng lưu thế tục, bao gồm cả giới báo chí, việc nhận ra rằng giới trẻ Công Giáo cũng giống như những đứa trẻ bình thường là điều hơi khó hiểu.

Các nhà báo thậm chí còn vớ được một nhóm các cô gái Tây Ban Nha ngồi ở một bàn uống bia để họ thừa nhận rằng “không ai tuân theo các giá trị của họ mà không xa rời chúng một chút.”

Họ nói: “Chúng tôi là con người, không phải người máy và không phải Thiên Chúa. Người duy nhất chưa bao giờ phạm tội là chính Thiên Chúa, mọi người khác đều phải chịu thất bại trong cuộc sống. Điều quan trọng là bạn phải có lý tưởng rõ ràng, để bạn có thể nhận ra khi mọi thứ đang diễn ra không như ý muốn và khắc phục chúng.”

Đối với tôi, âm thanh giống như một quan điểm Công Giáo chính thống về nhân loại.

Điều đã tác động đến tôi trong suốt Ngày Giới trẻ Thế giới này là tôi đã thấy rất nhiều người tham gia. Có những linh mục mặc áo dòng màu đen và những linh mục mặc quần soóc và mang dép xỏ ngón đi loanh quanh, những cô gái mặc áo choàng và những cô gái mặc quần đùi và áo hở rốn (crop top) để chống chọi với cái nóng.

Vào thời điểm mà Giáo hội ngày càng phân cực, thật sảng khoái khi thấy rằng tất cả những người này được quy tụ ở cùng một nơi, vì cùng một lý do, cùng nhau thờ phượng.

Tôi không phải là người duy nhất có ấn tượng. Vào sáng Chúa nhật, tôi nhận được tin nhắn từ Helena Vilaça, một nhà xã hội học về tôn giáo sống ở Porto.

“Như bạn đã biết, tôi là một Kitô hữu Thệ phản, nhưng tôi phải tạ ơn Thiên Chúa vì Ngày Giới trẻ Thế giới,” cô viết. “Từ góc độ xã hội học, thật không thể tin được rằng ở một đất nước bị thế tục hóa đáng kể như vậy, một sự kiện như thế này đã diễn ra một cách hòa bình, với sự hỗ trợ hoàn toàn của thế lực chính trị. Những người theo chủ nghĩa thế tục cấp tiến hơn không lấy làm thích thú, nhưng là Kitô hữu, chúng tôi đáp lại sự ghét bỏ bằng tình yêu thương.”

Bạn bè nâng xe lăn của Lourenço Abreu để anh có thể nhìn rõ hơn Đức Giáo Hoàng trong Thánh lễ cuối cùng. (Nguồn: mạng xã hội)


Cám ơn!

Khi tôi viết hướng dẫn cho những người hành hương Ngày Giới trẻ Thế giới, điều đầu tiên tôi đưa vào là Bồ Đào Nha không phải là Tây Ban Nha và người Bồ Đào Nha không nói tiếng Tây Ban Nha. Nhưng dạo quanh Lisbon những ngày qua, bạn sẽ được tha thứ nếu nghĩ khác. Đội ngũ Tây Ban Nha rất lớn và dường như có mặt ở khắp mọi nơi.

Khi bài báo được đăng, tôi đã không thể nhịn được cười vì bình luận đầu tiên là một câu oái oăm “gracias” (cám ơn, tiếng Tây Ban Nha). Chữ Bồ Đào Nha là “obrigado”, và nó nổi bật trong các bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô vào Chúa nhật.

“Có một thành ngữ mà chúng ta thường nghe trong những ngày này: 'cảm ơn', hay đúng hơn là 'obrigado.' Đức Thượng phụ Lisbon vừa nói với chúng ta một điều quan trọng: obrigado đó không chỉ truyền đạt cảm giác biết ơn đối với những gì chúng ta đã nhận được, mà còn là mong muốn cho đi để đền đáp,” Đức Thánh Cha nói...

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau đó đã liệt kê tất cả những điều mà ngài và những người hành hương biết ơn:

“Trước khi chúng ta đường ai nấy đi, tôi cũng muốn nói obrigado. Trước hết, xin gửi tới Đức Hồng Y Clemente, cùng với ngài là Giáo hội và toàn thể người dân Bồ Đào Nha!”

“Xin gửi tới Tổng thống Cộng hòa [Marcelo Rebelo de Sousa], người đã đồng hành cùng chúng tôi trong các sự kiện của những ngày này; tới các tổ chức quốc gia và địa phương vì sự hỗ trợ và giúp đỡ của họ; tới các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân.”

Obrigado cũng xin gửi tới Lisbon, nơi mà những người trẻ này sẽ luôn nhớ đến như một ‘ngôi nhà huynh đệ’ và ‘thành phố của những giấc mơ’! Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đến Đức Hồng Y Farrell và những người đã chuẩn bị Ngày Giới trẻ Thế giới này, cũng như những người đã đồng hành với những ngày này bằng lời cầu nguyện.”

“Xin gửi lời cảm ơn đến các tình nguyện viên, những người mà tất cả chúng ta đều hoan nghênh vì sự phục vụ tuyệt vời của họ. Chúng ta phải đặc biệt cảm ơn những người đã theo dõi Ngày Giới trẻ Thế giới từ trên cao, cụ thể là các vị thánh bảo trợ cho sự kiện này: đặc biệt là Đức Gioan Phaolô II, người đã làm cho những Ngày Giới trẻ Thế giới này trở nên sống động.”

Việc đề cập đến Đức Gioan Phaolô II đã nhận được những tràng pháo tay vang dội, điều này thật đáng chú ý, đặc biệt là vì những người hành hương Ngày Giới trẻ Thế giới hiện nay không phải là thế hệ của Đức Gioan Phaolô II.

Những người trong chúng tôi, như trích lời một người bạn linh mục, “đã trẻ lại thêm một thời gian nữa” đã cảm động trước sự thể hiện tình cảm này đối với vị giáo hoàng, người đã có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng ta. Điều thú vị là tiếng vỗ tay duy nhất có thể so sánh được đã đến khi Đức Thánh Cha đề cập đến sự đau khổ của người dân Ukraine.

Ngày Giới trẻ Thế giới cuối cùng đã kết thúc. Những người hành hương đang về nhà, cuộc sống trở lại bình thường, để lại cho chúng ta cảm giác nhẹ nhõm và trống rỗng lẫn lộn.

Gửi tới những ai đã ở đây và biến Lisbon trở thành trung tâm của thế giới Công Giáo trong một tuần, và tới tất cả những ai đã đọc những dòng nhật ký này và khuyến khích chúng tôi bằng những bình luận và thông điệp thân thiện, muito, muito obrigado! (Cám ơn nhiều, rất nhiều).