Filipe d'Avillez của The Pillar, ngày 4 tháng 8 năm 2023, cho đăng tải phóng sự của anh về ngày Đức Phanxicô tới Lisbon và gặp gỡ giới trẻ:

Khi máy bay của Đức Giáo Hoàng hạ cánh xuống Bồ Đào Nha hôm thứ Tư, trời Lisbon nhiều mây một cách bất thường nhưng là thứ mây nhân từ.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói chuyện với các nhà lãnh đạo chính phủ và đại diện của xã hội dân sự tại Trung tâm Văn hóa Belém ở Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 2 tháng 8 năm 2023. (Nguồn: Vatican Media)


Đức Phanxicô được đưa đến dinh tổng thống, rất gần với Thành phố Niềm vui, một trong những địa điểm trung tâm của Ngày Giới trẻ Thế giới bao gồm 150 tòa giải tội do các tù nhân xây dựng bằng tay. Đích thân Đức Giáo Hoàng sẽ giải tội ở đó vào Thứ Năm.

Hàng ngàn khách hành hương Ngày Giới trẻ Thế giới và các gia đình địa phương tràn ra đường để thoáng nhìn thấy Đức Giáo Hoàng khi ngài lái xe ngang qua, và ít nhất một người cha đã cố gắng chuyển một đứa trẻ sơ sinh cho một thành viên trong đội an ninh của Đức Giáo Hoàng, người này sau đó đã mang nó đến cho Đức Phanxicô để ngài ban phước và hôn ẵm.

Sau việc tiếp đón của tổng thống, Đức Phanxicô đến trung tâm văn hóa gần đó, nơi ngài có bài phát biểu đầu tiên trong ngày. Ngài khiến khán giả Bồ Đào Nha thích thú khi nhắc đi nhắc lại các nhân vật văn hóa như ca sĩ nhạc dân gian (fado) Amália Rodrigues, các nhà thơ Fernando Pessoa và Sophia de Mello Breyner Andresen, và người đoạt giải Nobel José Saramago, cũng như chỉ trích việc hợp pháp hóa trợ tử gần đây. Tuy nhiên, chủ đề chính trong bài phát biểu của ngài là Châu Âu.

Tất nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vị giáo hoàng không phải người châu Âu đầu tiên trong hơn một nghìn năm. Khi ngài được bầu, mọi người sớm nhận ra rằng triều đại của ngài sẽ không phải là một vị giáo hoàng lấy châu Âu làm trung tâm, và thực sự ngài vẫn chưa đến thăm các quốc gia châu Âu có lịch sử Công Giáo như Áo, Croatia và Tây Ban Nha, đó mới chỉ kể một vài quốc gia.

Chuyến thăm Pháp duy nhất của ngài cho đến nay là chuyến đi kéo dài một ngày tới Strasbourg, để phát biểu trước Nghị viện Châu Âu, vào năm 2014. Tôi tình cờ đưa tin về chuyến đi đó và tôi nhớ rằng bài phát biểu của ngài là một lời quở trách rất mạnh mẽ đối với tình trạng hiện tại của Châu Âu. Đây không phải là một vị giáo hoàng phớt lờ châu Âu, mà là một vị giáo hoàng nói với người châu Âu một số sự thật phũ phàng: Rằng họ không phải là những gì họ đã từng là, và chưa phải là những gì họ có tiềm năng trở thành.

Ngài nói rằng châu Âu có một vai trò nhất định và cần phải đứng lên.

Một người hành hương từ Lào tại Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Lisbon. (Ảnh: Filipe D’Avillez)


Chín năm sau, mọi thứ cũng không khá hơn. Một trong những thành viên chính của Liên minh châu Âu đã rời bỏ. Những thành viên khác đang phải đối mặt với sự phân cực và chủ nghĩa dân túy đang gia tăng. Thái độ đối với người nhập cư và người tị nạn tiếp tục tiêu cực ở nhiều nơi, và các tập tục xã hội và luật pháp ngày càng xa rời giáo huấn Công Giáo.

Tại Lisbon hôm thứ Tư, Đức Phanxicô lặp lại lời kêu gọi Châu Âu hãy trở về cội nguồn và hoàn thành sứ mệnh của mình.

Ngài nói: “Thế giới cần châu Âu, một châu Âu đích thực. Nó cần vai trò của châu Âu như một cầu nối và người kiến tạo hòa bình ở phần phía đông của nó, ở Địa Trung Hải, Châu Phi và Trung Đông.”

“Bằng cách này, châu Âu sẽ có thể đóng góp cụ thể của riêng mình trên trường quốc tế, dựa trên khả năng mà châu Âu đã thể hiện trong thế kỷ trước, sau hậu quả của các cuộc chiến tranh thế giới, để đạt được sự hòa giải và hiện thực hóa tầm nhìn của những kẻ thù cũ, cùng nhau làm việc vì một tương lai tốt đẹp hơn.”

Trong một câu đầy cảm kích, ngài đã tóm tắt nhiều căn bệnh của châu Âu, đặt câu hỏi: “Châu Âu và phương Tây, bạn đang chèo thuyền đi đâu, với việc vứt bỏ người già, những bức tường dây thép gai, số lượng lớn người chết trên biển và những chiếc nôi trống rỗng?”

Ngài bày tỏ hy vọng rằng năng lực và sự nhiệt tình của Ngày Giới trẻ Thế giới sẽ giúp thúc đẩy Châu Âu phục hồi tinh thần trẻ trung của chính mình.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng lạm dụng

Thứ Tư cũng là ngày Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến chủ đề lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Ngài đã làm như vậy trước tiên qua một nhận xét trong bài phát biểu của ngài tại Kinh Chiều với hàng giáo sĩ, trong Tu viện Jerónimos hoành tráng, kêu gọi Giáo hội thực hiện “cuộc thanh tẩy liên tục và khiêm tốn, bắt đầu từ tiếng kêu đau đớn của các nạn nhân, những người phải luôn được chào đón và lắng nghe.”

Khi cuộc họp đó kết thúc, ngài trở lại Tòa Khâm sứ, nơi ngài tiếp 13 nạn nhân của nạn giáo sĩ lạm dụng.

Trong khi đó, một nhóm ẩn danh gồm các nhà hoạt động trực tuyến đã dựng ba bảng quảng cáo ở Lisbon vào sáng thứ Ba, nhắc nhở những người hành hương Ngày Giới trẻ Thế giới rằng một ủy ban độc lập gần đây đã kết luận rằng đã có gần 5,000 nạn nhân bị lạm dụng tình dục trong Giáo hội ở Bồ Đào Nha kể từ năm 1950.

Vấn đề lạm dụng tình dục luôn hiện diện tại Ngày Giới trẻ Thế giới, nhưng các giám mục Bồ Đào Nha đang phải chịu qui lỗi về một loạt các quyết định trước cuộc gặp gỡ của giới trẻ: Đầu tiên, họ cho ủy ban độc lập một năm để điều tra và soạn thảo một báo cáo, hy vọng giải quyết vấn đề trước Ngày Giới trẻ Thế giới... Sau đó, họ làm suy yếu nỗ lực đó bằng lời hứa sẽ thiết lập một đài tưởng niệm các nạn nhân bị lạm dụng trong Ngày Giới trẻ Thế giới, nhưng sau đó, dường như để làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, họ đã tuyên bố chỉ vài ngày trước Ngày Giời trẻ Thế giới rằng đài tưởng niệm bị hoãn lại vô thời hạn.

Đây là điều đã thúc đẩy các nhà hoạt động trực tuyến đặt các bảng quảng cáo. Trang web của họ thông báo rằng Giáo hội “không có gì ngoài sự im lặng” kể từ khi vụ tai tiếng nổ ra.

Các nhà tranh đấu nói, “Kể từ khi báo cáo được công bố, đã có rất ít hoặc không có chuyển động nào từ các định chế Công Giáo. Và vào đêm trước Ngày Giới trẻ Thế giới, Giáo Hội Công Giáo Bồ Đào Nha dường như hài lòng với việc giả vờ rằng báo cáo này không hiện hữu. Một đài tưởng niệm đã được công bố vào tháng 3, sẽ được khánh thành ở Belém trong sự kiện này, nhưng đã bị hoãn lại.”

Một số người cho rằng những người biểu tình đang phát biểu một kiểu tức giận có chọn lọc. Điều đáng chú ý là nhóm đã quyết định hướng hành động của họ vào định chế nổi bật nhất ở Bồ Đào Nha phải làm bất cứ điều gì quan trọng để giải quyết vấn đề xã hội về lạm dụng tình dục trong hàng ngũ của mình. Và hoàn toàn không đúng khi cho rằng các nhân vật của Giáo hội đã im lặng về vấn đề này, nếu không vì lý do nào khác ngoài việc họ được hỏi về nó mỗi khi họ gặp mặt một nhà báo.

Một góc nhìn từ bàn thờ tại Công viên Eduardo VII của Lisbon.( Ảnh: Filipe D'Avillez)


Các tin đồn về việc cho rước lễ

Việc phân phát Thánh Thể cho hàng trăm ngàn khách hành hương không phải là điều dễ dàng. Cách đây vài tháng, các nhà tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới đã bắt đầu mời các thừa tác viên Rước Lễ ngoại thường, những người đã được huấn luyện đặc biệt trong vài tuần qua. Tổng cộng có 1,800 thừa tác viên Thánh Thể hiện diện trong Thánh lễ khai mạc.

Chỉ vài phút sau khi Thánh lễ khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới bắt đầu vào thứ Ba, hàng trăm thừa tác viên Thánh Thể bắt đầu tiến vào đám đông và vào vị trí của họ với bình thánh trong tay, đứng đó suốt Thánh lễ cho đến khi Rước lễ. Điều này dẫn đến tin đồn rằng bánh thánh đã được truyền phép từ xa. Nhưng The Pillar xin xác nhận rằng tin đồn này không đúng: Bánh thánh đã được truyền phép trước đó, trong một Thánh lễ khác, và được cất giữ trong một chiếc lều được dùng làm nhà nguyện cho nhân viên.

Tôi không biết liệu đây có phải là thông lệ tiêu chuẩn tại các biến cố có nhiều người Công Giáo như thế này không, hay nó đã xảy ra ở các Ngày Giới trẻ Thế giới khác, nhưng từ góc độ thực tế thuần túy, sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể, có các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ tại chỗ ngay sau khi truyền phép.

Điều 85 của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma nói rằng “điều đáng mong đợi nhất là các tín hữu, cũng như chính linh mục buộc phải làm, rước Mình Thánh Chúa từ Bánh Thánh đã được truyền phép trong cùng một Thánh Lễ,” nhưng điều này rõ ràng được coi là không thực tế.

Cha Kinley, Yeshi, và Jivan, từ Bhutan. (Ảnh: Filipe D’Avillez)


Một tấm thiệp Giáng sinh và một sự im lặng nói rất nhiều

Vào chiều thứ Năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cuối cùng sẽ chào đón những người hành hương Ngày Giới trẻ Thế giới tại một buổi lễ chào đón tại Công viên Eduardo VII của Lisbon, nơi Thánh lễ khai mạc đã được tổ chức. Một phần của buổi lễ sẽ bao gồm các người trẻ hành hương diễu hành cờ từ tất cả các quốc gia trên thế giới.

Chàng trai trẻ cầm cờ Eritrea trong buổi thử trang phục hôm thứ Tư dường như không đến từ Eritrea, nhưng đó là vì các thành viên của phái đoàn Eritrea đã bị từ chối cấp thị thực ngay trước khi họ lên đường, mặc dù vẫn có hy vọng rằng ít nhất một em sẽ được cấp.

Tôi đã đuổi kịp một cô gái mang cờ Nicaragua. Tôi hỏi cô có thực sự đến từ Nicaragua không, và cô nói có. Khi tôi hỏi cô tình hình ở đất nước của cô lúc này như thế nào, cô quay đi trong sự im lặng nói lên nhiều điều.

Ngược lại, các thành viên của phái đoàn Bhutan lại nói rất nhiều. Bhutan chỉ có 100 người Công Giáo trong dân số 800,000 người, tất cả đều đã trở lại đạo. Đối với Yeshi ăn nói nhỏ nhẹ, đây là một trải nghiệm khó quên.

Yeshi nói, “Thật ngạc nhiên khi được ở đây, nhìn thấy mọi người từ các quốc gia khác nhau, tất cả đều chia sẻ tình yêu, văn hóa của họ và một số người đánh giá cao các phái đoàn của chúng tôi, thật tuyệt vời”.

Ba thanh niên Bhutan được dẫn dắt bởi Cha Kinley Tshering, linh mục người Bhutan đầu tiên và duy nhất cho đến nay, người đã giải thích rằng sự trở lại đạo của ngài bắt đầu khi ngài tình cờ nhận được một tấm thiệp Giáng sinh.

Ngài nói, “Tôi trở thành người Công Giáo nhờ đọc sách. Ở đất nước của chúng tôi không có biểu tượng Kitô giáo, không có thánh giá, không có văn học, không có gì cả. Nhưng tôi tình cờ nhìn thấy một tấm thiệp Giáng sinh, và đó là điểm khởi đầu của tôi.”

“Tôi rất tò mò về em bé đó, rồi khi lớn lên, tôi nhận ra rằng em bé ấy chính là người đàn ông trên Thập giá, và đó là cách đức tin của tôi tiếp tục lớn lên, và sau đó tôi nhận ra rằng em bé không chỉ chết mà còn sống lại, một lần nữa... Thật là một câu chuyện tuyệt vời! Câu chuyện Kitô giáo và cuộc đời của Chúa Giêsu thật tuyệt vời đến nỗi, ngay cả khi nó không có thật, nó vẫn đáng để chúng ta sống.”

Đức Hồng Y Manuel Clemente và Đức Hồng Y Pietro Parolin tại Vườn Bách thảo Nhiệt đới Lisbon vào ngày 2 tháng 8 năm 2023. (Ảnh Filipe D’Avillez)


Đức Hồng Y Parolin và những cây trồng

Cũng trong ngày thứ Tư, trẻ em và người trẻ thuộc các tôn giáo khác nhau đã tập trung tại Vườn Bách thảo Nhiệt đới để trồng cây đại diện cho các tôn giáo khác nhau của họ. Đây là một trong những điểm nổi bật của chương trình liên tôn trong Ngày Giới trẻ Thế giới này, nhưng nó luôn có ý nghĩa thứ yếu.

Do đó, nhiều người ngạc nhiên khi cả Đức Hồng Y Manuel Clemente, Thượng Phụ Lisbon, và Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đều có mặt.

Đức Hồng Y Parolin rất thân thiện, mỉm cười và chào những người có mặt trong một bầu không khí rất thân mật, nhưng không nói gì.

Do Thái giáo và Kitô giáo được đại diện bởi cây ô liu do đại sứ quán Israel tặng; đại diện Hồi giáo – người Shia và người Sunni cùng nhau – trồng một cây chà là; những người theo Lão giáo trồng một cây đào, những người theo đạo Hindu và đạo Phật trồng những loại cây vả khác nhau.

Lưu ý cuối cùng, trong nhật ký ngày hôm qua, tôi đã đề cập rằng một phụ nữ Pháp đã bị ngã và hôn mê. Tôi được biết rằng bà không phải là một nữ tu, mà là một bà mẹ giáo dân có ba con, và thật đáng buồn là bà đã qua đời vào thứ Tư tại bệnh viện, được quây quần bởi gia đình và sau khi nhận những nghi thức cuối cùng. Bốn người họ hàng của bà đã tham dự Thánh lễ sáng thứ Năm của Đức Giáo Hoàng tại Tòa Khâm sứ.