1. Tổng giáo phận Hartford xin Tòa Thánh điều tra về hiện tượng lạ lùng có thể là phép lạ Thánh Thể

Hôm mùng 04 tháng Năm vừa qua, ông David Elliot, phát ngôn viên của tổng giáo phận Hartford, tiểu bang Connecticut nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng tổng giáo phận đã xin Bộ Giáo lý đức tin hướng dẫn mở cuộc điều tra về một sự kiện lạ lùng có thể là phép lạ Thánh Thể xảy ra ở địa phương.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Một đài truyền hình địa phương ở Connecticut đưa tin rằng Tổng giáo phận Hartford đang điều tra một phép lạ Thánh Thể có thể xảy ra trong khi cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Công Giáo St. Thomas ở Thomaston.

Vào ngày 5 tháng 3 vừa qua, khi kết thúc Thánh lễ, Cha Joseph Crowley thông báo rằng một thừa tác viên Thánh Thể đã chứng kiến một điều gì đó không thể giải thích được khi ông cho rước lễ.

“Một trong những thừa tác viên Thánh Thể của chúng tôi đã hết bánh thánh và đột nhiên có thêm bánh thánh trong bình thánh. Chúa vừa tự nhân bản mình trong bình thánh,” Cha Crowly xúc động nói với các tín hữu.

Vị linh mục nói: “Thật là tuyệt vời khi Chúa làm những điều này, và thật tuyệt vời khi chúng ta nhận ra những gì Ngài đã làm và nó mới xảy ra ngày hôm nay.”

“Rất mạnh mẽ, rất tuyệt vời, rất thật, rất gây sốc. Nhưng nó đã xảy ra, và hôm nay nó đã xảy ra,” ngài nói. Khi phép lạ xảy ra vị linh mục thường ngày có tài thuyết giảng đã tỏ ra lúng túng, lắp bắp, trước khi có thể giải thích một cách rành mạch với cộng đoàn của ngài chuyện gì đã xảy ra.

“Họ đã hết bánh thánh và đột nhiên có thêm nhiều bánh thánh ở đó. Vì vậy, hôm nay chúng ta không chỉ có phép lạ Thánh Thể, mà chúng ta còn có một phép lạ lớn hơn nữa là phép lạ hóa bánh ra nhiều. Rất tuyệt vời” vị linh mục nói.

Tổng giáo phận lưu ý rằng Nhà thờ Công Giáo St. Thomas ở Thomaston là thánh đường nơi chân phước Michael McGivney sinh năm 1852 và qua đời năm 1891, vị sáng lập Hội Hiệp Sĩ Colombo, đã làm cha sở và qua đời tại đây năm 1890 lúc mới 38 tuổi.

Ngày 28 tháng Ba vừa qua, Tòa Tổng giám mục Hartford ra thông cáo nói rằng: “Là những người có đức tin, chúng ta biết các phép lạ có thể và thực sự xảy ra, như trong cuộc sống trần thế của Chúa Kitô. Các phép lạ là những dấu hiệu của Chúa mời gọi chúng ta hãy tin tưởng hoặc đào sâu đức tin của chúng ta. Các tín hữu Công Giáo cảm nghiệm một phép lạ hằng ngày vì mỗi lần thánh lễ được cử hành, bánh trở thành Mình Chúa Kitô và cũng vậy rượu trở thành Máu Chúa”.

“Điều được kể lại đã xảy ra tại giáo xứ chúng ta ở Thomaston, nơi chân phước Michael McGivney làm cha sở. Nếu được xác nhận thì sẽ là một dấu chỉ hoặc một phép lạ chỉ có thể là do quyền năng của Chúa để củng cố đức tin vào phép lạ Thánh Thể hằng ngày. Đây cũng là một phúc lành thiên quốc cho cố gắng mà các giám mục Mỹ đang thực hiện để canh tân và đào sâu đức tin và việc hành đạo của các tín hữu Công Giáo đối với bí tích cao cả này”.

2. Lễ phong vương của Vua Charles III, bước ngoặc trong liên hệ Công Giáo-Anh Giáo

Elise Ann Allen, trên tờ CruxNow ngày 6 tháng 5, 2023 cho rằng Khi Vua Charles III và vợ của ông, Hoàng hậu Camila, đăng quang vào thứ Bảy, sự kiện này sẽ đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong quan hệ Công Giáo-Anh giáo, vì đây sẽ là lần đầu tiên một giám mục Công Giáo tham gia buổi lễ trong bốn thế kỷ.

Trong một tuyên bố ngày 5 tháng 5, Đức Hồng Y Vincent Nichols, đã gọi lễ đăng quang hôm thứ Bảy là “một sự kiện lịch sử đối với quốc gia, và cũng đối với cộng đồng Công Giáo”.

“Lần đầu tiên sau hơn 400 năm, một Tổng Giám mục Công Giáo sẽ tham gia Lễ đăng quang ở đất nước này”.

Các đại diện Công Giáo khác tại lễ đăng quang là Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican người Ý và Sứ thần Tòa Thánh mới được bổ nhiệm tại Vương quốc Anh, Đức Tổng Giám Mục người Tây Ban Nha Miguel Maury Buendía, cũng như Đức Tổng Giám Mục Mark O'Toole của Cardiff, Đức Giám Mục Hugh Gilbert của Aberdeen, Scotland, và Tổng giám mục của Armagh và Giáo chủ của toàn bộ Ái Nhĩ Lan, Eamon Martin.

Đức Hồng Y Nichols nói rằng ngài “có vinh dự” được tham gia lễ đăng quang, nói rằng ngài sẽ đứng bên cạnh Tổng Giám mục Canterbury và các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác “để cầu xin Chúa ban phước lành cho Nhà vua”.

Đại sứ Anh tại Tòa thánh, Chris Trott, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi Đức Hồng Y Parolin sẽ đại diện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Lễ đăng quang,” lưu ý rằng vị Hồng Y cuối cùng làm như vậy “có lẽ là Reginald Pole. Năm 1553.”

Vua Charles lên ngôi vào mùa thu năm ngoái sau cái chết của mẹ ông, Nữ hoàng Elizabeth II, người đã trị vì 70 năm, lập kỷ lục lịch sử khi trở thành vị quân chủ trị vì lâu nhất nước Anh. Bà vừa kỷ niệm Năm Bạch kim khi bà qua đời ở tuổi 94.

Vua Charles đã chính thức được đăng quang trong một buổi lễ Anh giáo do Tổng giám mục Canterbury, Justin Welby, chủ trì tại Tu viện Westminster ở London vào ngày 6 tháng Năm.

Căng thẳng lịch sử giữa Công Giáo và Anh giáo bắt đầu từ năm 1534, khi Henry VIII ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo và tuyên bố mình là người đứng đầu Giáo hội Anh. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Nichols và nhiều nhà quan sát khác đã nói rằng sự rạn nứt và những căng thẳng xảy ra sau đó cuối cùng đã phai nhạt trong thời gian Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi.

Triều đại 70 năm của bà trải qua bảy triều giáo hoàng khác nhau, bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Piô XII. Bà đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào năm 2014. Vị giáo hoàng cuối cùng gặp bà ở Vương quốc Anh là Đức Bênêđíctô XVI trong chuyến thăm của ngài vào năm 2010.

Khi Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi vào năm 1953, bối cảnh tôn giáo của đất nước khác hẳn, và căng thẳng giữa người Công Giáo và Anh giáo trở nên gay gắt hơn.

Theo tuyên bố của Tổng giáo phận Westminster, vào năm 1953, “bất cứ người Công Giáo nào cũng không được phép vào nhà thờ Tin Lành, chứ đừng nói đến việc tham gia lễ Đăng quang. Bước quan trọng này là kết quả của nhiều thập kỷ quan hệ đại kết”.

Trước lễ đăng quang vào Thứ Bảy, các nhà thờ trên khắp Vương quốc Anh đã được mời tổ chức ba ngày cầu nguyện, đại loại như vậy, cho Vua Charles từ ngày 3 đến ngày 5 tháng Năm. Đức Hồng Y Nichols đã mời những người Công Giáo tham gia bằng cách dâng các công việc hàng ngày của họ và thông qua những lời cầu nguyện chính thức như chuỗi Mân côi và Thánh lễ.

Sáng kiến cầu nguyện kéo dài ba ngày đã kết thúc vào tối thứ Sáu khi, theo yêu cầu của các giám mục Anh và xứ Wales, mỗi cộng đồng Công Giáo được yêu cầu dâng một Thánh lễ đặc biệt để vinh danh Nhà vua trước lễ đăng quang hôm thứ Bảy.

Đức Hồng Y Nichols và các Chủ tịch của các Giáo Hội Với nhau ở Anh kêu gọi các Kitô hữu thuộc mọi tín ngưỡng tham gia vào khoảnh khắc cầu nguyện, gọi đó là “thời điểm vô cùng quan trọng và niềm vui cho quốc gia này.”

Tuyên bố của Tổng giáo phận Westminster hôm thứ Sáu dẫn lời Đức Hồng Y Nichols nói rằng lễ đăng quang sẽ mang tính biểu tượng, “bởi vì nó tôn trọng lịch sử của chúng ta, nó xây dựng trên lịch sử của chúng ta và nó bổ sung cho lịch sử, theo cách này, cũng như với sự hiện diện và lời chào mừng của các nhà lãnh đạo đức tin từ các tôn giáo lớn khác hiện đang có mặt tại đất nước này.”

Bất kể sự kiện lễ đăng quang là một nghi lễ của Anh giáo, Đức Hồng Y Nichols cho biết vẫn còn dấu vết của Công Giáo, và chỉ ra ba thời điểm cụ thể mà ngài nói làm nổi bật “bản chất Kitô giáo sâu sắc” của sự kiện.

Ngài cho biết, đầu tiên là việc nhà vua giữ một khoảnh khắc im lặng cầu nguyện, “Tôi được biết đây là cách nhà vua bày tỏ lòng trung thành đầu tiên của mình với Thiên Chúa Toàn năng. Và rồi, sau khi điều đó đã được thực hiện, ngài mới dám chấp nhận lòng trung thành của người khác.”

Lần đầu tiên trong một buổi lễ đăng quang, sau Lời thề Hiến pháp, Nhà vua sẽ cầu nguyện lớn tiếng nhân danh mình, đại diện cho một 'thời điểm công khai' trong buổi lễ.

Đức Hồng Y Nichols cho biết khoảnh khắc thứ hai là việc xức dầu của Nhà vua, điều mà ngài gọi là “biểu hiện hữu hình của ơn Chúa Thánh Thần, có từ thời Cựu Ước,” và là một điều “quý giá và trong bối cảnh lễ đăng quang này rất thân mật và do đó riêng tư.”

Phần này của buổi lễ sẽ diễn ra đằng sau một bức bình phong, và dầu dùng để xức cho Vua Charles đã được làm phép ở Giêrusalem. Tại thời điểm này của buổi lễ, Tổng Giám Mục Welby sẽ xức dầu cho Nhà vua trên đầu, tay và ngực, một hành động cũng phản ảnh hành động xức dầu của Công Giáo trong các bí tích Rửa tội, Truyền chức thánh và Xức dầu Bệnh nhân.

Đức Hồng Y Nichols nói, khía cạnh thứ ba của buổi lễ mang ý nghĩa Công Giáo là khi Vua và Hoàng hậu rước lễ.

Đề cập đến lời tuyên thệ mà Vua Charles sẽ thề duy trì sự kế tục Thệ phản trong khi các giám mục Công Giáo tham gia buổi lễ, Đức Hồng Y Nichols cho biết lời tuyên thệ là một hành động hợp hiến, phản ảnh “mong muốn của chúng ta về sự liên tục” và rất quan trọng đối với “sự ổn định và trưởng thành hiến pháp” của đất nước, vì Nhà vua là một quân chủ lập hiến.

Ngoài đại diện Công Giáo tại lễ đăng quang, các nhà lãnh đạo của các truyền thống tín ngưỡng khác, bao gồm Phật giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái, Hồi giáo và các nhà lãnh đạo đạo Sikh, cũng đã được mời tham dự.

Sự hiện diện của các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác và các nhà lãnh đạo của các cộng đồng tín ngưỡng khác đã được ca ngợi rộng rãi như một phần trong cam kết của Nhà vua nhằm duy trì lối sống ở một đất nước đa dạng về tôn giáo hơn nhiều so với khi mẹ ông lên ngôi vào những năm 1950.

Bảy mươi năm trước, hơn 80% dân số nước Anh theo Kitô giáo, nhưng chủ nghĩa thế tục và sự di cư ồ ạt trong nhiều thập niên qua đã thay đổi điều đó. Theo Tạp chí Fortune, số người theo Kitô giáo ở Anh hiện chưa đến một nửa, với số liệu điều tra dân số mới nhất cho biết 37% nói rằng họ không có tôn giáo, trong khi 6.5% tuyên bố mình là người Hồi giáo và 1.7% theo Ấn độ giáo.

Sự thay đổi này được cảm nhận sâu sắc nhất ở Luân Đôn, nơi có hơn một phần tư công dân theo một tín ngưỡng không phải là Kitô giáo.

Trong một cuộc phỏng vấn nổi tiếng vào những năm 1990, khi vẫn còn giữ vai trò là Hoàng tử xứ Wales, Vua Charles đã đưa ra tuyên bố lịch sử rằng ông muốn được biết đến với tư cách là “người bảo vệ đức tin [không viết hoa]”, đánh dấu một sự khác biệt nhỏ nhưng có ý nghĩa sâu sắc đối với danh hiệu lịch sử của quốc vương Anh là “người bảo vệ Đức Tin [viết hoa]”, có nghĩa là Kitô giáo và đặc biệt là Giáo hội Anh.

Sự nhấn mạnh của ông về sự đa dạng tôn giáo đã được ca ngợi là đặc biệt quan trọng trong một quốc gia ngày càng đa dạng, nơi xung đột giữa các cộng đồng tín ngưỡng khác nhau như người Ấn giáo và người Hồi giáo vẫn đang diễn ra, nơi mà chủ nghĩa bài Do Thái đã trở thành một vấn đề chính trị, và nơi mà những khác biệt lịch sử giữa người Công Giáo và người Tin lành vẫn còn được cảm nhận ở Bắc Ái Nhĩ Lan.

Ngoài việc cử Đức Hồng Y Parolin làm đại diện của mình từ Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã tặng cho Vua Charles thánh tích được cho là Thánh giá thật mà trên đó, Chúa Kitô bị đóng đinh, thánh tích này sẽ được đính vào một Thánh giá rước kiệu mới của xứ Wales để sử dụng tại Lễ đăng quang của vua Charles.

Trong tuyên bố của mình hôm thứ Sáu, Đức Hồng Y Nichols cho biết ngài thấy sự tham gia đa dạng trong lễ đăng quang hôm thứ Bảy là một phần trong cam kết của Vua Charles về sự cởi mở đối với tất cả các tín ngưỡng và biểu hiện tự do của họ trong xã hội Anh, bên cạnh nguồn gốc Kitô giáo của đất nước.

Đề cập đến đề nghị của Tổng Giám mục Canterbury trong buổi lễ rằng mọi người cam kết trung thành với Nhà vua, Nichols cho biết đó là một lời mời, không phải mệnh lệnh.

Ngài nói “Đó là một lời mời đáng yêu và tôi hy vọng mọi người sẽ đón nhận nó theo cách riêng của họ để bày tỏ rằng họ cầu mong sự phù hộ của Thiên Chúa cho Vua Charles, và họ cầu chúc ông mọi điều tốt đẹp trong tinh thần phục vụ tốt mà ông mang đến cho lễ đăng quang này”.

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 7 Tháng Năm

Chúa Nhật 7 Tháng Năm, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 5 Mùa Phục Sinh.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì

Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.”

Ông Tôma nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”

Đức Giêsu đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

Ông Philípphê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.”

Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Ga 14,112) được trích từ diễn từ cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi chịu chết. Lòng các môn đệ xao xuyến, nhưng Chúa nói với các ông những lời trấn an, mời gọi các ông đừng sợ, đừng kinh hãi. Ngài không bỏ rơi họ, nhưng sẽ chuẩn bị một chỗ cho họ và hướng dẫn họ đến đích. Do đó, Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta tất cả những nơi tuyệt vời để đến, đồng thời cho chúng ta biết làm thế nào để đến đó, Ngài chỉ cho chúng ta con đường. Ngài nói cho chúng ta biết phải đi đâu và làm thế nào để đến đó.

Trước hết, đi đâu. Chúa Giêsu nhìn thấy nỗi đau khổ của các môn đệ, Người nhìn thấy nỗi sợ hãi bị bỏ rơi của họ, điều như thế cũng xảy ra với chúng ta khi chúng ta buộc phải xa cách người mà chúng ta chăm sóc. Và vì thế, Người nói: “Thầy đi dọn chỗ cho các con… để Thầy ở đâu các con cũng ở đó” (c. 23). Chúa Giêsu dùng hình ảnh quen thuộc về gia đình, nơi của những tương quan và mật thiết. Chúa Giêsu nói với các bạn của Ngài, và với mỗi người chúng ta rằng trong nhà của Cha có chỗ cho các con, các con được chào đón, các con sẽ luôn được đón nhận bằng một cái ôm ấm áp, và Ta ở trên Thiên Đàng để chuẩn bị một chỗ cho anh em! Ngài chuẩn bị cho chúng ta cái ôm với Chúa Cha, nơi vĩnh cửu.

Anh chị em thân mến, Lời này là nguồn an ủi và là nguồn hy vọng cho chúng ta. Chúa Giêsu không tách rời chúng ta, nhưng đã mở đường cho chúng ta, báo trước điểm đến cuối cùng của chúng ta: đó là cuộc gặp gỡ với Chúa Cha, Đấng có chỗ cho mỗi người chúng ta trong trái tim của Ngài. Vì vậy, khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi, hoang mang và thậm chí thất bại, chúng ta hãy nhớ lại cuộc đời mình đang hướng về đâu. Chúng ta không được đánh mất đích đến, ngay cả khi chúng ta có nguy cơ bỏ qua nó, quên đi những câu hỏi cuối cùng, những câu hỏi quan trọng: tôi sẽ đi đâu? Tôi đang đi về đâu? cuộc sống để làm gì? Không có những câu hỏi này, chúng ta nén cuộc sống của mình vào hiện tại, chúng ta nghĩ rằng mình phải tận hưởng nó càng nhiều càng tốt và kết thúc cuộc sống ngày qua ngày, không mục đích, không mục tiêu. Trái lại, quê hương của chúng ta ở trên trời (x. Pl 3,20); chúng ta đừng quên sự vĩ đại và vẻ đẹp của điểm đến của chúng ta!

Khi đã tìm ra mục tiêu, chúng ta cũng như tông đồ Tôma trong bài Tin Mừng hôm nay, tự hỏi: làm sao để đến được đó, đâu là đường đi? Đôi khi, đặc biệt là khi có những vấn đề lớn phải đối mặt và có cảm giác rằng cái ác mạnh hơn, chúng ta tự hỏi: tôi nên làm gì, tôi nên đi theo con đường nào? Chúng ta hãy lắng nghe câu trả lời của Chúa Giêsu: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6). “Thầy là đường”. Chính Chúa Giêsu là con đường phải theo để sống trong sự thật và có sự sống dồi dào. Ngài là con đường và do đó niềm tin vào Ngài không phải là một “gói ý tưởng” để tin, mà là một con đường phải đi, một hành trình phải đảm nhận, một con đường cùng với Ngài. Đó là đi theo Chúa Giêsu, vì Người là con đường dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu. Theo Chúa Giêsu và noi gương Người, nhất là bằng những việc làm gần gũi và thương xót người khác. Đây là kim chỉ nam để đến Thiên Đàng: hãy yêu mến Chúa Giêsu, là con đường, và hãy trở thành dấu chỉ tình yêu của Người trên trái đất.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy sống hiện tại, chúng ta hãy nắm lấy hiện tại, nhưng đừng để chúng ta bị choáng ngợp; chúng ta hãy nhìn lên, chúng ta hãy nhìn lên Thiên Đàng, chúng ta hãy nhớ đến mục tiêu, chúng ta hãy nghĩ rằng chúng ta được mời gọi đến cõi vĩnh hằng, đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Và, từ Thiên đường cho đến tâm hồn, hôm nay chúng ta hãy lập lại sự lựa chọn Chúa Giêsu, sự lựa chọn yêu mến Người và bước theo Người. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng theo Chúa Giêsu đã đến đích, nâng đỡ niềm hy vọng của chúng ta.

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Hôm qua hai lễ tuyên Chân Phước đã được cử hành. Tại Montevideo, Uruguay, Đức Cha Jacinto Vera, sống vào thế kỷ 19, đã được phong chân phước. Là một mục tử chăm lo cho giáo dân của mình, ngài đã làm chứng cho Tin Mừng với lòng nhiệt thành truyền giáo quảng đại, thúc đẩy sự hòa giải xã hội trong bầu không khí căng thẳng của cuộc nội chiến. Ở Granada, Tây Ban Nha, cô gái trẻ Maria de la Concepción Barrechegurn y García đã được phong chân phước. Nằm liệt giường vì một căn bệnh hiểm nghèo, cô ấy đã chịu đựng những đau khổ của mình bằng nghị lực tinh thần to lớn, khiến mọi người ngưỡng mộ và an ủi. Cô qua đời năm 1927 ở tuổi 22. Xin một tràng pháo tay cho hai Chân phước!

Tôi chân thành chào tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương từ Ý và nhiều quốc gia, đặc biệt là các tín hữu từ Úc, Tây Ban Nha, Anh và các sinh viên từ trường Saint Thomas College ở Lisbon.

Tôi xin chào Hiệp hội Đồng hồ đo và người sáng lập Don Fortunato Di Noto, những người tiếp tục cam kết ngăn ngừa và chống lại bạo lực đối với trẻ vị thành niên; hôm nay họ mừng ngày thứ 27 các nạn nhân trẻ em; trong 30 năm họ đã bảo vệ tuổi thơ khỏi lạm dụng và bạo lực. Tôi gần gũi với anh chị em, và tôi đồng hành với anh chị em bằng những lời cầu nguyện và tình cảm của tôi. Đừng bao giờ mệt mỏi khi đứng về phía nạn nhân, Chúa Hài Đồng đang chờ anh chị em, cảm ơn anh chị em!

Tôi chào nhóm bệnh nhân đau xơ cơ của Khu vực Y tế của Giáo phận Rôma; các nữ tu của Thánh Joseph Benedict Cottolengo; Hiệp hội Giáo dân Lòng Thương Xót; Gia đình Dòng Ba Camilô; tín hữu của Pozzuoli, Caraglio và Valle Grana; và dàn hợp xướng Empoli và Ponte Buggianese.

Xin gửi lời chào đặc biệt tới các tân Vệ binh Thụy Sĩ, gia đình và bạn bè của họ, và các nhà chức trách Thụy Sĩ đã tham gia lễ kỷ niệm Quân đoàn xuất sắc này. Một tràng pháo tay cho các Vệ binh nào mọi người!

Ngày mai tại Pompeii, Kinh Cầu Đức Mẹ Mân Côi theo truyền thống sẽ được cử hành, trong Đền Thờ mà Chân Phước Bartolo Longo muốn cung hiến cho hòa bình. Trong tháng Năm này, chúng ta hãy lần chuỗi Mân Côi, cầu xin Đức Trinh Nữ ban ơn hòa bình, đặc biệt cho Ukraine đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Xin các nhà lãnh đạo các quốc gia hãy lắng nghe nguyện vọng của những người dân đau khổ và những người muốn hòa bình!

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.