Theo tạp chí mạng The National Catholic Register, với mục đích và nghị bàn, trong bầu khí cầu nguyện, Phiên họp Thượng Hội đồng Lục địa của Trung Đông đã nhóm họp từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 2 tại Libăng.



Phiên họp quy tụ đại diện của bảy Giáo Hội Công Giáo Đông phương — Maronite, Melkite, Syriac, Chaldean, Coptic, Armenian cũng như Latinh — đến từ Ai Cập, Syria, Jordan, Thánh địa, Iraq, Libăng và các quốc gia vùng Vịnh.

120 người tham dự, nhóm họp tại Trung tâm Hội nghị Bethany gần đền thánh Harissa, Đức Bà Libăng, bao gồm tất cả các thượng phụ của bảy nghi lễ cũng như các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Phát biểu với tờ Register trong cuộc họp mặt, Thượng phụ Công Giáo Syriac Ignace Joseph III Younan, một trong 15 thành viên của hội đồng chuẩn bị của thượng hội đồng, đại diện cho các Giáo Hội Công Giáo ở Đông phương, cho biết “chúng ta đang đi đúng đường về tính đồng nghị này.

“Tuy nhiên, chúng ta phải rất cẩn thận để nó không chỉ là ‘cùng nhau bước đi’. Đi đâu?” Ngài hỏi như thế.

Thượng phụ Công Giáo Syriac nhấn mạnh, “Chúng ta phải có một mục tiêu cuối cùng: Đó là Chúa Giêsu Kitô, là chi thể của thân thể Người, và là những người truyền giáo. Nếu không, chúng ta biến Giáo hội thành một loại hiệp hội của các đảng phái chính trị hoặc nghiệp đoàn của những người lao động. Chúng ta là thành viên của Nhiệm thể Chúa Kitô”.

Sau chuyến thăm mục vụ tới Iraq, Thượng phụ Younan đã từ Syria trở lại tòa thượng phụ ở Libăng một ngày trước thượng hội đồng, nơi ngài đặc biệt đến thăm Aleppo, nơi bị tàn phá bởi trận động đất 7.8 độ richter tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào ngày 6 tháng Hai.

Tại Aleppo, Thượng phụ cho biết ngài đã chứng kiến “sự hiệp thông giữa tất cả mọi người - Kitô hữu và Hồi giáo - để giúp đỡ, mở cửa nhà cho tất cả những người hiện không có nơi ở, và các Giáo Hội cũng như các định chế của họ cung cấp tất cả những gì các nạn nhân cần như sự trợ giúp nhân đạo. ”

Đức Hồng Y Hollerich đã đến Phiên họp Trung Đông sau khi bế mạc Phiên họp Châu Âu ở Praha; ngài đến Libăng lúc 4 giờ sáng, kịp giờ để khai mạc hội nghị lúc 9 giờ sáng, và khi kết thúc hội nghị, dự kiến sẽ tham dự phiên họp cấp châu lục ở Bangkok, Thái Lan.

Ngài nói với Register rằng Thượng hội đồng Trung Đông liên quan đến một “sự phức tạp hơn, sự đa dạng hơn”.

Đức Hồng Y Hollerich nói “Đó là vẻ đẹp của thượng hội đồng, mỗi lục địa có thể đóng góp một điều gì đó của riêng mình cho Giáo hội hoàn vũ”. Đối với Trung Đông, một khu vực mà ngài nói được đặc trưng bởi “sự đau khổ vô cùng”, sự đóng góp đó bao gồm “đối thoại với các tôn giáo, chủ nghĩa đại kết và một thông điệp hòa bình”.

Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, Pierbattista Pizzaballa, nói với tờ Register tại thượng hội đồng rằng đối với các Giáo Hội Công Giáo ở Trung Đông, “thật không may, điều đoàn kết chúng ta lại là sự chia rẽ chính trị, chia rẽ tôn giáo, chủ nghĩa bè phái, chủ nghĩa bộ lạc và các loại xung đột khác nhau”.

Ngài lưu ý: “Ở các nước phương Tây, chúng ta không thể nói về Chúa. Nhưng ở đây, ở Trung Đông, Thiên Chúa rất hiện diện, đối với cả người Do Thái lẫn người Hồi giáo. Thiên Chúa là nguồn của mọi quyết định. Nhưng có vẻ như Chúa đang 'nói' những điều khác nhau” với người Do Thái và người Hồi giáo.

Ngài lưu ý, thách thức là “làm thế nào để sống, trong cuộc xung đột này với tư cách là những Kitô hữu”.

Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa nói, “Người dân của chúng tôi, đặc biệt là giới trẻ, muốn cảm thấy mình là một phần trong đời sống của Giáo hội. Đây là thách thức chính, và điều này cũng sẽ củng cố cảm thức cộng đồng”.

Các nhóm làm việc trong phiên họp đều bao gồm những người phát xuất từ nhiều quốc gia và nghi lễ Công Giáo khác nhau, với những người tham gia từ thượng phụ tới giáo dân.

Ngay từ đầu, Linh mục Dòng Tên Dany Younes, giám tỉnh Trung Đông, đã hướng dẫn những người tham gia cách thức “đối thoại tâm linh”, dựa trên mô hình của Thánh Inhaxiô, như một cách tiếp cận để nói và lắng nghe từ trái tim.

Sawsan Bitar, một nữ giáo dân Nghi lễ Latinh từ Giêrusalem, nói với Register sau một buổi làm việc, “Tôi rất lạc quan. Nó rất mạnh mẽ. Tôi cảm thấy Chúa Thánh Thần ở với chúng tôi.” Đặc biệt, bà lưu ý rằng việc nghe trực tiếp từ hàng giáo phẩm của Giáo hội “có nghĩa là biết chính xác những gì đang diễn ra trên thực địa. Họ đang thực sự tìm kiếm một sự thay đổi, và đó là tất cả những gì mà thượng hội đồng hướng tới.”

Bà nói, một trong những vấn đề chính được thảo luận trong những buổi làm việc của bà là “gia đình và tầm quan trọng của việc đào tạo cho những người trẻ tuổi, cũng như các linh mục”.

Linh mục nghi lễ Melkite người Libăng, Gabriel Hachem, chủ tịch ủy ban tâm linh và phụng vụ của Phiên họp Lục địa Trung Đông, đã cho tờ Register biết, “Chúng tôi là các Giáo hội tông truyền, và chúng tôi vừa là các Giáo hội đồng nghị vừa là các Giáo Hội thượng phụ. Điểm đặc biệt của chúng tôi là chúng tôi đang mang truyền thống tông đồ này trong khi sống trong những điều kiện khó khăn ở mọi bình diện.”

“Chúng tôi là một Giáo hội đang đau khổ, nhưng chúng tôi cũng luôn hy vọng,” Cha Hachem nói như thế, đồng thời lưu ý rằng “di cư là một nguồn đau khổ lớn cho tất cả chúng tôi.”

“Chúng tôi có kinh nghiệm về sự đa dạng và cách quản lý sự đa dạng, bất chấp mọi áp lực và điều kiện khắc nghiệt mà chúng tôi phải đối diện. Vì vậy, có những điều chúng tôi có thể đóng góp vào tiến trình hoàn cầu” về tính đồng nghị, ngài nói thế, đồng thời nói thêm rằng “chúng tôi luôn phải rất khiêm tốn trong việc chia sẻ kinh nghiệm, cuộc sống của mình”.

Thánh lễ được cử hành mỗi ngày trong suốt thượng hội đồng theo một nghi lễ khác nhau.

Cử hành Thánh lễ khai mạc tại Vương cung thánh đường Đức Bà Harissa, Đức Hồng Y người Libăng Bechara Rai, thượng phụ Maronite, cho biết Giáo hội đồng nghị là “con tàu đi trên biển của thế giới này, gặp nhiều khủng hoảng của chiến tranh và những tai họa của chúng.”

Cuối tuần đó, Thượng phụ Công Giáo Coptic Ibrahim Isaac Sedrak, trong bài giảng Thánh lễ tại nhà thờ Trung tâm Hội nghị Bethany đã thừa nhận, “Kể từ khi bắt đầu quá trình chuẩn bị cho thượng hội đồng, chúng ta cảm thấy mình lạc lối. Có lẽ bởi vì chúng ta đang bước đi một cách khác thường, và chúng ta đang suy nghĩ về một chủ đề vốn là bản chất của Giáo hội trong yếu tính của nó. Những vấn đề như vậy đòi hỏi thời gian, lòng can đảm, sự hối cải và cởi mở với Chúa Thánh Thần, và do đó với nhau, và lắng nghe những gì đằng sau lời nói.”

Tuy nhiên, Thượng phụ Ai Cập đã khẳng định: “Vì vậy, chúng ta cảm thấy dường như càng đi sâu vào đại dương này, khả năng bơi lội và đi vào độ sâu của chúng ta càng lớn hơn”.

Trong tuyên bố bế mạc ngày 17 tháng 2, Phiên họp cho biết cuộc họp của họ “diễn ra trong hoàn cảnh khó khăn đối với khu vực của chúng tôi,” đặc biệt là về kinh tế và nhân đạo, đặc biệt là “trận động đất kinh hoàng đã tấn công những người anh em của chúng tôi ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ”. Tuyên bố cho biết những người tham gia “dừng lại trước sự kiện đau đớn và đau lòng này và dâng lời cầu nguyện hàng ngày theo ý của các nạn nhân, những người bị thương và những người phải di tản trong các khu vực bị ảnh hưởng”.

Trong tuyên bố kết thúc gồm 13 điểm của họ, những người tham gia đã tái khẳng định các hằng số căn bản của Giáo Hội Công Giáo, bao gồm:

Tuyên bố cho biết: “Chủ nghĩa đồng nghị là một trong những yếu tính của di sản các Giáo hội Đông phương của chúng tôi”. Nó trưng dẫn “sự hiện diện và tài năng của giáo dân trong việc phục vụ Nhiệm thể Chúa Kitô, đặc biệt là vai trò của những người trẻ tuổi, khả năng của họ và kỳ vọng của họ đối với một Giáo hội đổi mới phản ảnh những thách thức mà họ phải đối diện và tầm quan trọng của vai trò và sứ mệnh của phụ nữ trong Giáo Hội và sự tham gia của họ vào việc ra quyết định và phục vụ.”

“Phụng vụ là sự sống của chúng tôi,” tuyên bố nói thế, thừa nhận rằng “lời kêu gọi đổi mới phụng vụ tương ứng với nguyện vọng của giới trẻ chúng tôi trong khi vẫn bảo tồn yếu tính và các biểu tượng của nó.”

Tuyên bố kêu gọi “một chủ nghĩa đại kết sáng tạo và đổi mới và khuyến khích đối thoại đại kết,” cũng như “Giáo hội cởi mở với những người khác biệt về giáo hội và tôn giáo, bằng cách lắng nghe, đối thoại và đoàn kết, cùng chung sống, đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, nhằm biểu lộ khuôn mặt của Thiên Chúa duy nhất.”

Họ cũng khẳng định “sứ mệnh, chứng tá và các cơ cấu đổi mới của một Giáo hội đồng nghị hơn” và “các phụ nữ mục vụ chuyên môn hóa trong gia đình, phụ nữ và giới trẻ”.

“Chúng tôi là con cái của Sự Phục Sinh,” họ khẳng định trong tuyên bố của mình như thế, đồng thời nhấn mạnh “những điều tích cực sâu sắc hợp nhất các Giáo hội của chúng tôi … với tư cách một Giáo hội của hy vọng ở các quốc gia Trung Đông, bất chấp sự hiện diện của họ ở giữa lòng của nghịch cảnh.”