1. Các Giám mục Liên Hiệp Âu Châu bầu Chủ tịch mới và gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 22 tháng 3 tại Rome

Các Giám mục của Liên minh Âu Châu sẽ tập trung tại Rome từ 22 đến 24 tháng 3 năm 2023 để bầu Chủ tịch mới. Cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong bối cảnh của Đại hội đồng COMECE mùa xuân, trong chương trình nghị sự sẽ có buổi yết kiến Đức Thánh Cha Phanxicô và phiên đối thoại với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ý, Antonio Tajani.

Trong ngày đầu tiên của Đại hội đồng, vào Thứ Tư, ngày 22 tháng 3, các Đại biểu của Ủy ban các Hội đồng Giám mục Liên minh Âu Châu, gọi tắt là COMECE, sẽ bầu một Chủ tịch mới và bốn Phó Chủ tịch cho nhiệm kỳ 5 năm cho giai đoạn 2023 -2028.

Vị chủ tịch tương lai sẽ kế nhiệm Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng Giám mục của Luxembourg, người được bầu vào năm 2018 và nắm quyền điều hành COMECE trong thời kỳ được đánh dấu bởi những thách thức khó khăn như Brexit, đại dịch COVID-19 và cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Bốn Phó Chủ tịch sẽ được bầu theo sự phân bố địa lý của các Hội đồng Giám mục Liên Hiệp Âu Châu. Cùng ngày, các Giám mục Liên Hiệp Âu Châu sẽ gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Lần gần đây nhất ngài tham dự Hội nghị COMECE là vào tháng 10 năm 2020. Nhân dịp đó, Đức Hồng Y Parolin đã chia sẻ sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các Giám mục Liên Hiệp Âu Châu nhân dịp kỷ niệm 40 năm COMECE.

Vào ngày thứ Năm, 23 tháng 3, tân Chủ tịch, cũng như tất cả các Đại biểu Giám mục Liên Hiệp Âu Châu và các thành viên của Ban Thư ký COMECE, sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp. Buổi tiếp kiến sẽ mang đến cơ hội chào đón để thảo luận với Đức Thánh Cha về một số chủ đề quan trọng nhất đối với Âu Châu, đặc biệt nhấn mạnh đến việc thúc đẩy hòa bình, về các chính sách tị nạn và di cư của Liên Hiệp Âu Châu và về cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu năm 2024.

Cùng ngày, các Giám mục Liên Hiệp Âu Châu cũng sẽ có cuộc gặp đối thoại với Ngài Alexandra Valkenburg, Đại sứ Liên Hiệp Âu Châu tại Tòa thánh. Vào buổi chiều, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh sẽ phát biểu trước các Giám mục của COMECE. Vào buổi tối, các ngài sẽ thăm Hội đồng Giám mục Ý và cử hành Thánh lễ với Đức Hồng Y Matteo Zuppi.

Vào thứ Sáu ngày 24 tháng 3, Hội đồng sẽ bầu Chủ tịch của các Ủy ban COMECE. Hiện tại, có ba Ủy ban: Các vấn đề pháp lý, Các vấn đề xã hội và Hành động đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu. Cuối cùng, Hội đồng COMECE sẽ có cuộc gặp đối thoại với ông Antonio Tajani, Bộ trưởng Ngoại giao Italia, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Âu Châu và nguyên Chủ tịch Nghị viện Âu Châu.


Source:COMECE

2. Tổng thống Zelenskiy cho biết Ukraine tìm kiếm 'sự độc lập tinh thần'

Các hành động trừng phạt của Ukraine đối với một chi nhánh của Chính thống giáo có liên hệ với Nga là một phần trong nỗ lực đạt được “sự độc lập về tinh thần”, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết như trên trong bài phát biểu trước quốc dân đồng bào.

Zelenskiy và các nhà lãnh đạo Ukraine khác đã cáo buộc Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa phá hoại sự thống nhất của Ukraine và hợp tác với Mạc Tư Khoa.

Các nhà chức trách đã ra lệnh cho các thành viên của UOC rời khỏi cơ sở của nó trong khu phức hợp tu viện Pechersk Lavra 980 năm tuổi, khiến Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác giúp ngăn chặn điều mà ông ta gọi là một cuộc đàn áp tôn giáo.

“Một bước nữa để củng cố sự độc lập về tinh thần của chúng ta đã được thực hiện trong tuần này,” Zelenskiy nói trong bài phát biểu qua video hàng đêm của mình mà không đề cập trực tiếp đến lệnh trục xuất ở tu viện Pechersk Lavra.

Ông nói, người Ukraine đã phản ứng tích cực trước các diễn biến này.

Ông nói: “Chúng ta sẽ tiếp tục phong trào này. Chúng ta sẽ không cho phép nhà nước khủng bố có bất kỳ cơ hội nào để thao túng đời sống tinh thần của người dân chúng ta, phá hủy các đền thờ Ukraine hoặc đánh cắp các giá trị từ những đền thờ ấy.”

Kirill đã ủng hộ mạnh mẽ cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Trong lời kêu gọi của mình, ông kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo và các tổ chức quốc tế “nỗ lực hết sức để ngăn chặn việc đóng cửa tu viện”.

Kể từ tháng 10, Cơ quan An ninh Ukraine đã tiến hành khám xét các nhà thờ của UOC, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các giám mục và những người ủng hộ tài chính của họ, đồng thời mở các vụ án hình sự đối với hàng chục giáo sĩ.

Chính thống giáo là tôn giáo chính ở Ukraine và Giáo Hội liên kết với Mạc Tư Khoa đã cạnh tranh để giành được các tín hữu với một Giáo Hội Chính thống độc lập, được thành lập sau sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 và được Tòa Thượng Phụ Đại Kết Chính Thống Giáocông nhận vào năm 2018.

Bộ văn hóa Ukraine cho biết nhà thờ liên kết với Mạc Tư Khoa có thời hạn đến ngày 29 tháng 3 để rời khỏi khu phức hợp tu viện Pechersk Lavra.


Source:Reuters

3. Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov gửi thư cho những người đứng đầu Liên Hiệp Quốc và OSCE về việc quấy rối Giáo hội Chính thống giáo ở Ukraine

Vào ngày 14 tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov đã gửi thư tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Csaba Korosi, Chủ tịch Văn phòng An ninh và Hợp tác Âu Châu, gọi tắt là OSCE, Bujar Osmani và Tổng thư ký OSCE Helga Maria Schmid về điều mà ông ta gọi là những vi phạm rõ ràng đối với quyền tự do hiến định của các tín hữu Chính thống giáo ở Ukraine.

Lavrov tố cáo rằng những vi phạm này xuất phát từ chính sách đàn áp của chế độ Kyiv nhằm tiêu diệt Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC. Ông Lavrov trích dẫn nhiều trường hợp sách nhiễu UOC như việc tịch thu hàng loạt các nhà thờ UOC và các biện pháp trừng phạt đối với các giám mục của Giáo hội Chính thống; tước quyền công dân Ukraine của một số giám mục và đe dọa tâm lý và thể chất đối với các giáo sĩ và giáo dân. Ông Lavrov coi hành động của chính quyền Ukraine là vi phạm trắng trợn các quyền của Kitô hữu Chính thống giáo và phân biệt đối xử với họ. Những hành động này vi phạm một số tài liệu pháp lý quốc tế được công nhận rộng rãi như Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về Xóa bỏ Mọi Hình thức Không khoan dung và Phân biệt đối xử Dựa trên Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng, v.v.

Lavrov tin rằng quyết định gần đây của chính quyền Kyiv về việc trục xuất UOC khỏi Kyiv-Pechersk Lavra là một nỗ lực đàn áp nhằm tước bỏ một trong những đền thờ chính của Giáo hội Chính thống giáo bằng một cái cớ xa vời. Trên thực tế, đây là đỉnh điểm của cuộc đàn áp nhắm vào Giáo hội Chính thống giáo ở Ukraine.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc tế đưa ra đánh giá nguyên tắc về các hành động bất hợp pháp của chế độ Ukraine liên quan đến UOC. Họ nên yêu cầu Kyiv ngừng đối xử tùy tiện và đàn áp Giáo hội Chính thống giáo, tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết của mình theo các văn kiện quốc tế được công nhận rộng rãi và ngăn chặn việc trục xuất cưỡng bức các nhà sư khỏi Kyiv-Pechersk Lavra.

Theo cách giải thích của Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinope, Kitô Giáo đến Ukraine trước khi đến Nga. Vào thế kỷ thứ 10, Tòa Thượng Phụ Constantinople đã bổ nhiệm một Tổng Giám Mục cho Kyiv và toàn Ukraine. Tòa Tổng Giám Mục đặt ở Kyiv. Nhưng đến thế kỷ 13 do bị Mông Cổ xâm lược, Tòa Tổng Giám Mục phải dời về Vladimir và sau đó dời sang Mạc Tư Khoa. Sau khi hết giặc Mông Cổ, Tòa Tổng Giám Mục lại đặt ở Kyiv.

Dân số Chính Thống Giáo tăng mạnh nên người Nga muốn tách riêng thành một Giáo Hội khác. Khu phức hợp Tu viện Kyiv-Pechersk Lavra nguyên là của Giáo Hội Chính Thống Ukraine, ngày nay gọi tắt là OCU. Năm 1688, Sa hoàng Nga đã tịch thu trao cho Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Bọn cầm quyền cộng sản đã quốc hữu hóa và trao cho Chính Thống Giáo trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa sử dụng theo hình thức thuê mướn miễn phí. Nay Bộ văn hóa Ukraine không cho thuê nữa, không thể coi là đàn áp tôn giáo. Đó là một vấn đề công bằng và hoàn toàn thuộc chủ quyền hợp pháp của một nước.
Source:Foreign Ministry Of Russia