Theo CNA, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xin mọi người cầu nguyện khi ngài nói về tương lai của Giáo hội và triều đại giáo hoàng của ngài cho đến nay trong một cuộc phỏng vấn được đăng vào những giờ đầu tiên hôm Chúa Nhật.



Phát biểu với nhật báo Ý Il Fatto Quotidiano, Đức Phanxicô từ chối đánh giá triều đại giáo hoàng của ngài cho đến nay, nói rằng Chúa sẽ phán xét cuộc đời của ngài một ngày nào đó dựa trên việc ngài có thực hành các Công việc Thương xót Phần xác như Chúa Giêsu đã dạy hay không.

Theo một bản dịch tiếng Anh đăng trên Il Fatto Quotidiano ngày 12 tháng 3, ngài nói, “Giáo hội không phải là một doanh nghiệp, hay một tổ chức phi chính phủ, và giáo hoàng không phải là một quản trị viên được giao nhiệm vụ cân bằng các con số vào cuối năm”.

Cuộc phỏng vấn, một trong hàng loạt các cuộc phỏng vấn gần đây của Đức Giáo Hoàng sẽ được công bố, đánh dấu ngày 13 tháng 3 kỷ niệm ngày ngài được bầu làm giáo hoàng.

“Làm giáo hoàng không phải là một công việc dễ dàng. Không ai đã học tập trước khi làm điều này,” Đức Thánh Cha nói thế, nhắc mọi người nhớ Thánh Phêrô cũng đã “ngã qụy” như thế nào khi chối bỏ Chúa Kitô.

Đức Phanxicô giải thích, “Nhưng, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã chọn [Phêrô] một lần nữa. Đó là lòng thương xót của Chúa đối với chúng ta. Cũng đối với giáo hoàng nữa. ‘Servus inutilis sum.’ Tôi là một đầy tớ vô dụng, như Thánh Phaolô VI đã viết trong ‘Suy nghĩ về cái chết’ của ngài.”

Theo Đức Đức Giáo Hoàng, không dễ chú ý đến ý Chúa và đem ra thực hành: “Điều cần thiết là hòa hợp bản thân với Chúa, chứ không phải với thế gian.”

Cuộc phỏng vấn Đức Giáo Hoàng mới nhất tập trung vào những hy vọng của Đức Phanxicô về tương lai của Giáo hội, thế giới và cuộc sống của chính ngài.

Ngài cho biết “chương trình điều hành” trong triều đại giáo hoàng của ngài là thực hiện các yêu cầu của phiên họp toàn thể Hồng Y đoàn, tức các cuộc họp diễn ra trước mật nghị bầu chọn ngài.

Ngài cũng nói rằng vào năm 2013, ngài thường suy tư về một đoạn trích từ bài giảng Thánh lễ đầu tiên của Đức Bênêđictô XVI.

Ngày 24 tháng 4 năm 2005, Đức Bênêđíctô nói: “Vào thời điểm này, tôi không cần thiết phải trình bày một chương trình cai trị. … Chương trình điều hành thực sự của tôi là chương trình không tuân theo ý muốn của riêng tôi, không theo đuổi những ý tưởng của riêng tôi, mà là lắng nghe, cùng với toàn thể Giáo hội, những lời nói và ý muốn của Chúa và để bản thân được Ngài hướng dẫn, để chính Người hướng dẫn Giáo Hội trong giờ phút này của lịch sử chúng ta.”

Đức Phanxicô cũng công nhận Đức Bênêđictô XVI đã can đảm giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng trong Giáo hội.

Khi được hỏi về mong muốn của ngài cho thế giới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời: “hòa bình.”

Ngài cũng chỉ trích điều ngài gọi là “việc hoàn cầu hóa lòng thờ ơ” trước những thảm kịch như chiến tranh: “Việc nhắm mắt làm ngơ và nói, 'Tại sao tôi phải quan tâm? Nó không quan hệ đến tôi! Đó không phải là vấn đề của tôi!’”

Đức Phanxicô cho biết một trong những ước mơ của ngài về tương lai của Giáo hội là một Giáo hội dấn thân ra thế giới và ở giữa mọi người.

Ngài cũng đề cập đến chủ đề giáo sĩ trị.

Trích lời Đức Hồng Y Henri-Marie de Lubac, ngài nói, “Tôi mơ về một Giáo hội không có chủ nghĩa giáo sĩ trị”.

Đức Thánh Cha nói Lubac từng viết rằng đối với một linh mục, chủ nghĩa giáo sĩ trị “sẽ vô cùng tai hại hơn bất cứ tính thế gian luân lý đơn giản nào”.

Ngài nói thêm: “Chủ nghĩa giáo sĩ trị là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Giáo hội, còn tồi tệ hơn cả thời kỳ giáo hoàng đồi bại. “Một linh mục, một giám mục hay một Hồng Y mắc bệnh chủ nghĩa giáo sĩ trị sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho Giáo hội. Đó là một bệnh truyền nhiễm. Tệ hơn nữa là những người giáo dân bị giáo sĩ hóa: họ là một mối phiền toái trong Giáo hội. Giáo dân nên là giáo dân.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết một vấn đề đã khiến ngài phải đau đầu rất nhiều trong triều đại giáo hoàng của ngài là nạn đồi bại.

Ngài nói, “Tôi không những chỉ nói về tham nhũng tài chính, bên trong và bên ngoài Vatican, tôi muốn nói về sự sa đoạ của cõi lòng. Đồi bại là một vụ tai tiếng”.

Ngài nói, hy vọng cho tương lai của chính ngài là Chúa sẽ thương xót ngài.

Phát biểu với độc giả của tờ báo, ngài xin các lời cầu nguyện từ những người cầu nguyện và “những rung cảm tốt” từ những người không cầu nguyện. “Giáo hoàng yêu bạn và đang cầu nguyện cho bạn.”

“Ngay cả khi những điều tồi tệ xảy ra, ngay cả khi bạn có trải nghiệm tồi tệ với một người nào đó từ Giáo hội, đừng để điều đó ảnh hưởng đến bạn. Chúa luôn mở rộng vòng tay chờ đợi bạn. Tôi hy vọng bạn thành công trong việc trải nghiệm nó trong cuộc sống của bạn giống như tôi đã có trong cuộc sống của tôi nhiều lần. Chúa đã luôn ở bên cạnh tôi, nhất là trong những thời khắc đen tối nhất.”