Theo Kate Scanlon của tạp chí mạng Our Sunday Visitor, những người tham gia trong cuộc hội thảo ngày 28 tháng 2 về Tư tưởng Xã hội Công Giáo và Đời sống Công cộng, do Sáng kiến của Đại học Georgetown tổ chức, có sự tham gia của Đức Hồng Y Wilton Gregory, Tổng Giám Mục Washington, các người tham gia cho biết, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô chuẩn bị đánh dấu kỷ niệm 10 năm triều đại giáo hoàng của ngài vào tháng 3, một dấu hiệu nổi bật trong triều đại giáo hoàng của ngài là làm cho cả hai phe của nền chính trị Hoa Kỳ “không thoải mái”.



Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nguyên là Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, được bầu làm giáo hoàng ngày 13 tháng 3 năm 2013, sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tuyên bố từ chức.

Các tham dự viên cho biết: Trong triều đại giáo hoàng của ngài, Đức Phanxicô đã bác bỏ khái niệm coi Giáo Hội như một thực thể chính trị, thay vào đó nhấn mạnh các chủ đề như chăm sóc những người ở vùng ngoại vi và sáng thế. Nhưng cách tiếp cận của ngài đối với các chủ đề liên kết với nhau trong giáo huấn xã hội Công Giáo như một chiếc áo không đường nối không hoàn toàn phù hợp phẳng phiu với các ý thức hệ chính trị của Mỹ.

Đức Hồng Y Gregory nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã làm cho người Mỹ “hoàn toàn không thoải mái trong bất cứ khía cạnh nào của giáo huấn xã hội của Giáo hội”.

Nhận định rằng khán giả Washington nhận thức rõ sự phân cực chính trị gia tăng ở Hoa Kỳ, Đức Hồng Y nói thêm, “có rất nhiều điển hình cho thấy chúng ta thấy khó nói chuyện với nhau”.

Đức Hồng Y Gregory nói, “Và (Đức Giáo Hoàng Phanxicô) khiến chúng ta có thể nói rằng, nếu bạn thực sự muốn thích nghi, bạn phải chấp nhận toàn bộ giáo huấn xã hội của Giáo hội. Vì vậy, bạn không thể thoải mái với biểu ngữ phò sự sống; bạn không thể thoải mái với chỉ những (vấn đề) xã hội cấp tiến—bạn phải có tất cả.”

Đức Hồng Y Gregory cho biết bốn năm của ngài ở Washington đã cho ngài thấy đất nước phải khẩn trương giải quyết “những thách thức” liên quan đến sự phân cực.

Đức Hồng Y Gregory nói, “Rõ ràng là chúng ta phải làm điều gì đó để cho phép mọi người nói chuyện với nhau một cách lễ độ, trung thực, bác ái, và không cảm thấy có kẻ thắng người thua, cảm thấy như tôi thắng hoặc bạn thắng. Đức Phanxicô nói, tại sao tất cả chúng ta không giành chiến thắng bằng cách hiểu được chiều rộng của đức tin Công Giáo và tiếp cận các vấn đề phức tạp với việc tôn trọng đầy tôn kính đối với sự thật?”

Nữ tu Norma Pimentel, giám đốc điều hành Tổ chức từ thiện Công Giáo của Thung lũng Rio Grande ở Brownsville, Texas, đã ca ngợi Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì đã “phá vỡ các rào cản” và khuyến khích Giáo hội thoát ra khỏi “bong bóng” của mình để gặp gỡ “những người ở bên lề”.

Nữ tu Pimentel nói về công việc của tổ chức của bà ở biên giới “Bạn biết đấy, tôi luôn mời mọi người đến và xem; (bạn) cần nhìn thấy các gia đình, bạn phải nhìn thấy các khuôn mặt, những đứa trẻ và những giọt nước mắt, và phải thực sự gần gũi, để bạn có thể hiểu những gì ngài đang nói tới. Chỉ khi đó bạn mới biết mình cần phải làm gì. Bởi vì tôi nghĩ rằng Chúa đã tạo ra chúng ta để quan tâm lẫn nhau. Và Đức Giáo Hoàng Phanxicô biết điều đó một cách hoàn hảo và ngài thực sự mời gọi chúng ta làm điều đó—đó là lý do tại sao ngài đẩy chúng ta ra các vùng ngoại vi bởi vì đó là nơi hiện hữu những người bị bỏ rơi, những người bị gạt ra bên lề, những người đang thực sự gặp khó khăn—họ không phù hợp với giáo hội mà chúng ta đã xay dựng nên”.

E.J. Dionne, một người viết chuyên mục cho tờ The Washington Post, người đã viết về Đức Giáo Hoàng Phanxicô và cách ngài ảnh hưởng đến đời sống công cộng của Hoa Kỳ, đồng thời là thành viên cao cấp tại Viện Brookings và giáo sư tại Trường Chính sách Công McCourt của Đại học Georgetown, nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã buộc người Công Giáo nhìn thấy “những thiếu sót” của cả hai phe chính trị.

Dionne nói, “thí dụ, về vấn đề phá thai, trong đó có rất nhiều người Công Giáo cấp tiến thực sự không tin việc phá thai nên bị coi là bất hợp pháp, nhưng tôi nghĩ điều Đức Phanxicô làm là buộc họ phải suy nghĩ về việc, chẳng hạn, bạn sẽ làm gì? Đâu là trách nhiệm? Trách nhiệm làm giảm số ca phá thai là gì nếu bạn không biến nó thành bất hợp pháp. Và rõ ràng, đối với các Kitô hữu bảo thủ hơn, ngài thách thức họ về các vấn đề liên quan đến công bằng xã hội, giúp đỡ của chính phủ cho người nghèo. Và vì vậy, ngài buộc bạn phải suy nghĩ kỹ xem những gì bạn tin có liên quan ra sao đến giáo huấn của Giáo Hội và tư tưởng xã hội Công Giáo”.

Đức Hồng Y Gregory đã ca ngợi Đức Phanxicô về một ngôi vị giáo hoàng “dễ tiếp cận” cả trong những lần xuất hiện trước công chúng và trong các bài viết của ngài.

Đức Hồng Y nói, “Thật khó để không thích một người thích bạn”.