Về tang lễ của Đức Hồng Y George Pell tại Sydney, điều buồn là các tờ báo thế tục, ngay ngày 2 tháng 2, 2023, tức ngày tang lễ, đã có bài tường thuật đầy ác ý về ngài, thì báo chí Công Giáo, kể cả tờ Catholic Weekly, tức tờ tuần báo chính thức của tổng giáo phận Sydney, mãi một ngày sau, tức ngày 3 tháng 2, mới có bài tường thuật.



Theo tờ Catholic Weekly, Giáo Hội Công Giáo ở Sydney đã tiễn biệt cựu Tổng Giám mục của mình, Đức Hồng Y George Pell, trong một tang lễ lúc thì long trọng, tôn kính, lúc thì thách thức và đau buồn, xen lẫn với sự hài hước châm biếm của người Úc, với sự tham dự của những người chịu tang từ mọi tầng lớp xã hội.

Đức Hồng Y vẫn là một dấu hiệu của sự mâu thuẫn cho đến phút cuối cùng. Những tiếng la hét “George Pell, hãy xuống địa ngục” của những người biểu tình có thể nghe thấy rõ ràng bên trong Nhà thờ St Mary ở một số điểm, và cộng đoàn nổ ra những tràng pháo tay tự phát và những tiếng hô “nghe, nghe” trong các bài giảng và điếu văn.

Sau Thánh lễ An táng Kitô giáo vào ngày 2 tháng 2 tại nhà thờ mẹ của Úc, hài cốt của Đức Hồng Y được an táng trong hầm mộ nhà thờ cùng với những người tiền nhiệm của ngài.

Trong bài giảng của mình, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher OP, người kế nhiệm Đức Hồng Y với tư cách là Tổng Giám mục Sydney, đã mô tả ngài như “con sư tử của Giáo hội”, một “người khổng lồ với tầm nhìn lớn”, người đã loan báo Tin Mừng “một cách không hổ thẹn, mạnh mẽ, can đảm cho đến cùng".

Đức Tổng Giám Mục Fisher nói, “Ngài cũng có một trái tim bao la, đủ mạnh mẽ để đấu tranh cho đức tin và chịu đựng sự ngược đãi, nhưng cũng đủ mềm mỏng để chăm sóc các linh mục, giới trẻ, người vô gia cư, tù nhân và các Kitô hữu bất toàn,”.

“Cuối cùng, trái tim đó đã ra đi, nhưng chỉ sau hơn 80 năm dần dần nên giống với Thánh Tâm Chúa Giêsu.”

Em trai của Đức Hồng Y Pell, David Pell, đã đọc điếu văn chính, mô tả ngài là “hoàng tử của Giáo hội, một người tốt và thánh thiện, và là một người Úc đáng tự hào”.

Ông Pell nói với những người dự tang lễ về sự thiệt hại mà “chiến dịch không ngừng nhằm bôi nhọ cuộc đời của George” đã giáng xuống gia đình ông và lên tiếng lần cuối để bênh vực cho anh trai mình; ông nói rằng “việc ngài thường bị tường trình thiếu thiện cảm với các nạn nhân đơn giản là sai sự thật”.

Ông nói, “Chúng tôi có thiện cảm với những nạn nhân hợp pháp và hoàn toàn ghê tởm bọn tội phạm. Chính gia đình chúng tôi cũng không tránh khỏi tội ác này.”

Ông Pell cũng nói khá dài về 404 ngày biệt giam của Đức Hồng Y và cuối cùng được tuyên bố trắng án, ca ngợi cả lính canh và tù nhân tại trung tâm tạm giam Barwon vì cách đối xử đàng hoàng của họ đối với anh trai ông.

Ông Pell nói: “Vào thời điểm George và nhóm của anh ấy tìm thấy 1.2 tỷ Euro chưa được hạch toán, số phận của anh ấy đã được an bài". Ông khẳng định anh trai mình là “bạn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”, người đã được Đức Giáo Hoàng chào đón nồng nhiệt với đoàn tùy tùng Vệ binh Thụy Sĩ khi trở về Rome.

Ông Pell nói, “Một giám mục đương nhiệm của Úc, khi thảo luận về George với Đức Thánh Cha, đã bị ngài thúc vào ngực và nói: ‘Ông ấy là một người trung thực’”.

Ông Pell có lời nhắn nhủ sau đây, có thể ngụ ý những người như Thủ Hiến Victoria, Daniel Andrews,: “Những bình luận gia, chuyên viên và nhân vật công được gọi là “Công Giáo” có lẽ từng được giáo dục bởi Giáo Hội Công Giáo... chúng tôi nài nỉ các ông tự cởi bỏ cái thứ giải thuật hồi tỉnh sai sự thật, nửa sự thật, và hoàn toàn dối trá đang bị biến thành trường cửu. Hãy tự tìm tòi đi. Hãy nói với các bậc trưởng thượng đi” (Ghi chú của người dịch)

Buổi lễ kéo dài gần bốn giờ đồng hồ, đủ thời gian để ca đoàn Nhà thờ St Mary biểu diễn một dàn nhạc tuyệt vời được lựa chọn với sự tôn trọng đặc biệt đối với ý muốn của Đức Hồng Y Pell đối với thánh nhạc.

Nhà soạn nhạc Công Giáo đáng kính Sir James MacMillan đã sáng tác một bài hát dâng lễ đặc biệt cho tang lễ, dựa trên đoạn văn của sách Khôn Ngoan 3:1-4 và phương châm của Đức Hồng Y, “Đừng sợ.”



Buổi phụng vụ kéo dài và cái nóng mùa hè oi ả ở Sydney không làm nản lòng những người tiếc thương và ủng hộ Đức Hồng Y; họ đã lấp đầy Nhà thờ St Mary, với khoảng 2,000 người đã bất chấp cái nóng ở sân trước của Nhà thờ từ 7:30 sáng để cố gắng giành được một chỗ ngồi bên trong.

Khoảng 30 giám mục, 220 linh mục và hàng chục chủng sinh đã tham dự, trong đó có Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe SDB, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc, Đức Tổng Giám Mục Charles Balvo, Sứ thần Tòa Thánh tại Úc, Cha Frank Brennan SJ, một trong những người ủng hộ công khai mạnh mẽ nhất của Đức Hồng Y trong suốt thời gian thử thách của ngài, và Cha Joseph Hamilton, thư ký gần đây nhất của Đức Hồng Y.

Anh trai của Đức Hồng Y là David và vợ là Judith được tháp tùng bởi các con cháu, họ hàng và bạn bè của họ.

Trong những cảnh chưa từng thấy ở Úc kể từ Ngày Giới trẻ Thế giới ở Sydney năm 2008, các linh mục và giám mục rời Nhà thờ Chính tòa để cho hàng ngàn người Công Giáo đứng chật kín sân trước rước lễ.

Cộng đoàn tham dự tang lễ bao gồm hàng chục nữ tu từ các Nữ tu Bác ái, Dòng Đa Minh, Nữ tu Lòng Thương Xót và các dòng khác được Đức Hồng Y hỗ trợ; những người đàn ông và phụ nữ từ David's Place, một cộng đồng có trụ sở tại Sydney dành cho những người vô gia cư và những người bị thiệt thòi; các nhà thần học, giáo dục hàng đầu và người đứng đầu các cơ quan Công Giáo; gia đình trẻ và bà mẹ tương lai; Người Úc bản địa, người Công Giáo gốc Ái nhĩ lan và Anh và những người di cư gần đây từ người Libăng, người đảo Thái Bình Dương, người Việt Nam và các cộng đồng khác đã trở thành trụ cột của Giáo hội Sydney.

Thủ tướng, Thủ hiến NSW và Lãnh đạo phe đối lập – tất cả đều là người Công Giáo – đã không thể tham dự và cử các nghị sĩ tín hữu được Giáo hội quen biết làm đại diện thay cho họ.

Lãnh đạo phe đối lập liên bang, Peter Dutton, và các cựu Thủ tướng John Howard và Tony Abbott, đã đích thân đến tiễn biệt Đức Hồng Y.



Trong bài điếu văn gửi tới người bạn, người cố vấn và người cha tinh thần của mình, ông Abbott đã gọi Đức Hồng Y Pell là “người Công Giáo vĩ đại nhất mà nước Úc từng tạo ra, và là một trong những người con vĩ đại nhất của đất nước chúng ta”.

Ông nói rằng Đức Hồng Y đã bị coi là vật tế thần cho Giáo hội và không bao giờ nên bị điều tra, chứ đừng nói đến việc kết án.

Ông Abbott cũng gọi Đức Hồng Y là “một vị thánh của thời đại chúng ta” và nói đùa rằng ngài đã làm nhiều phép lạ.

Ông Abbott nói: “Khi tôi nghe tiếng hô vang ‘Đức Hồng Y Pell nên xuống Địa Ngục’, tôi nghĩ, ‘À ha!, ít nhất nay họ cũng đã tin có đời sau!’ Có lẽ đây là phép lạ đầu tiên của Thánh George Pell”.

Cả cộng đoàn đều cười hoan hô vang dội trước nhận định của Tony Abbott, khiến Đức Tổng Giám Mục Fisher, khi cám ơn lời phát biểu của cựu Thủ Tướng, đã nói đùa: “tôi nghĩ tôi nghe có tiếng từ trong quan tài nói: đừng phong thánh vội chứ!” (ghi chú của người dịch)

Bất chấp việc các phương tiện truyền thông đưa tin tiêu cực rộng rãi và bầu không khí căng thẳng trước khi diễn ra buổi phụng vụ, cuộc biểu tình theo kế hoạch đã không làm gián đoạn diễn trình tang lễ. Một nhóm nhỏ nhưng lớn tiếng của người biểu tình đã đụng độ với những người chịu tang bên ngoài Nhà thờ lớn, với cảnh sát bước vào để trấn an đám đông.

Khoảng 150 người phản đối quan điểm bảo thủ của nhà thờ về quyền LGBT và phản ứng với cuộc khủng hoảng lạm dụng trẻ em đã hô vang “Pell, cút xuống địa ngục”. Khoảng bốn hoặc năm người chịu tang đã trở nên tức giận trước những người biểu tình, với cảnh sát đứng giữa hai nhóm. Chỉ có một vụ bắt giữ được thực hiện, một người đàn ông mang ô cầu vồng kích động các tín đồ.

Nhóm biểu tình chỉ diễn hành chừng mấy phút, rồi im bặt sau đó, có thể họ chỉ được trả tiền có thế (Ghi chú của người dịch)

Người Công Giáo từ khắp nước Úc đã đến để bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Hồng Y, chia sẻ những kỷ niệm và suy tư về Giáo hội.



Cha James Kerr, chánh xứ Holy Family, Đông Bắc Mallee thuộc tiểu bang Victoria – bao gồm cả Swan Hill, nơi mà cha trẻ George Pell được bổ nhiệm sau khi chịu chức – nói với The Catholic Weekly rằng ngài rất vui mừng được đại diện cho giáo xứ nơi Đức Hồng Y vẫn còn được nhiều giáo dân lớn tuổi tưởng nhớ.

Cha Kerr nói: “Ngài đến đó với tư cách là một linh mục phụ tá ngay sau khi học xong và họ có những kỷ niệm đẹp về việc ngài chơi quần vợt và các thứ khác. “Cá nhân tôi, giống như nhiều linh mục trẻ khác, tôi nhớ khi còn đi học, tôi ngưỡng mộ nhân vật này, người sẵn sàng lên tiếng cho những gì chúng tôi tin tưởng. Ngài có ảnh hưởng lớn đến tôi.”

Cha Conor Power từ Dòng Nguyện Đường ở Brisbane đến tham dự tang lễ, mô tả Đức Hồng Y là “một người can đảm đã ảnh hưởng đến nhiều người”.

Cha Power nói: “Đức tin của tôi trở nên sống động tại Ngày Giới trẻ Thế giới ở đây vào năm 2008. Và Đức Hồng Y Pell chịu trách nhiệm về điều đó.

“Rất nhiều người, kể cả tôi, đã tin chắc rằng họ đã nhìn thấy và gặp được một con người can đảm trong tình yêu thương của ngài đối với Chúa Kitô. Ngài đã chia sẻ tình yêu đó theo những cách gây ấn tượng rất lớn đối với tôi và bạn bè của tôi.”

Maribel Escamilla cho biết cô đã có mặt tại thánh đường từ 9 giờ sáng. Cô nói, “Thật tuyệt khi thấy sự ủng hộ của rất nhiều người tại nhà thờ chính tòa. Chúng tôi chỉ cầu nguyện hết tràng hạt này đến tràng hạt khác khi xếp hàng đợi để được vào”.

Marija Kovac là thành viên của một nhóm đã gặp nhau để lần hạt Mân Côi ở sân trước trước Thánh lễ lúc 10 giờ sáng.

Cô nói, “Chúng tôi đến để bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Hồng Y vĩ đại của chúng tôi, nhà lãnh đạo vĩ đại của giáo hội chúng tôi tại Úc. Một người bảo vệ đức tin tuyệt vời. Thật choáng ngợp khi được ở đây. Đó là một phần quan trọng của lịch sử Công Giáo Úc và tôi cảm thấy may mắn khi được ở đây.”