1. Một người đến hai nhà thờ ở Algeciras, Tây Ban Nha buộc các tín hữu Công Giáo phải theo đạo Hồi và chém loạn xạ vào những người đi lễ gây tử vong cho nhiều người

Một tín hữu Công Giáo đã chết và nhiều người khác bị thương sau vụ tấn công bằng dao tại hai nhà thờ ở Algeciras vào hôm thứ Tư 25 Tháng Giêng. Kẻ tấn công đã bị Cảnh sát Quốc gia bắt giữ và đưa về nhà để tiến hành khám xét. Nguồn tin cảnh sát nói với El Confidencial rằng đó là một công dân Ma-rốc, được xác định tên là Yassine Kanjaa, 25 tuổi.

Công tố Quốc gia là cơ quan đầu tiên gọi các sự kiện này là khủng bố thánh chiến mặc dù thực tế là sau khi kiểm tra dữ liệu, người bị giam giữ không có tiền sử theo đạo Hồi.

Ở một trong hai nhà thờ, người ta có thể nhìn thấy một con dao rựa lớn trên mặt đất với dấu vết máu. Một misbaha đã xuất hiện gần đó. Misbaha là một chuỗi các hạt được nối với nhau bằng một sợi chỉ theo truyền thống được các tín hữu của đạo Hồi sử dụng để theo dõi số lần lặp lại kinh tasbih. Nó là một vật tương tự như một chuỗi tràng hạt.

Người đàn ông mặc một bộ đồ thể thao màu trắng, đen và xám. Trong bức ảnh do cảnh sát cung cấp mà quý vị và anh chị em có thể xem thấy đây, anh ta có những vết máu trên quần. Trên khuôn mặt của can phạm, một nụ cười tươi như hoa đầy mãn nguyện có thể được nhìn thấy.

Bộ Nội vụ đã đưa ra phiên bản đầu tiên của sự kiện vào đầu buổi tối ngày thứ Tư, nhưng yêu cầu thận trọng về động cơ của người bị bắt. Đầu tiên hắn ta đến Nhà thờ San Isidro, nơi hắn ta tranh cãi với những người có mặt và yêu cầu họ theo đạo Hồi. Một giờ sau, anh ta quay lại chỗ cũ với một con dao rựa và chém một linh mục, làm ngài bị thương nặng.

Sau đó, hắn đến Nhà thờ La Palma và ở đó hắn đâm nhiều nhát dao vào một người đi lễ, cho đến khi nạn nhân mất mạng. Hắn còn vung dao chém nhiều người khác. Trước sự hoảng loạn của đám đông, hắn ta đã thừa cơ hội trốn trong phòng thay áo của nhà thờ, cho đến khi bị cảnh sát tóm cổ.

Các chuyên gia điều tra tội phạm khủng bố bắt đầu thu thập dữ liệu về những gì đã xảy ra ngay khi họ được hai nhà thờ gọi đến. Các nguồn tin cảnh sát cho biết thêm rằng can phạm cũng gây ra thiệt hại cho các đồ vật tôn giáo. Ấn tượng ngay từ giây phút đầu tiên của các chuyên gia cảnh sát cho rằng đây là một vụ khủng bố.

Người chết là một nhân vật nổi tiếng trong khu vực. Mọi người trong giáo xứ đều biết anh ấy. Họ nói rằng anh ấy đi lễ hàng ngày và tích cực tham gia các lễ hội hóa trang và Tuần Thánh và có một cửa hàng hoa nằm trên phố Tarifa trong thành phố.

Linh mục bị đâm tên là Cha Antonio Rodríguez. Ngài đã qua cơn nguy kịch sau khi được phẫu thuật. Thị trưởng của Algeciras, ông José Ignacio Landaluce, cho biết như trên.

Ngoài ra, còn có nhiều người khác bị thương nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Theo thị trưởng José Ignacio Landaluce, biến cố này có thể xuất phát từ vụ đốt kinh Koran của người Hồi Giáo tại Thụy Điển.

Trong một biến cố thật không may, Rasmus Paludan, lãnh đạo đảng chính trị cực hữu Hard Line của Đan Mạch, đã đốt một cuốn Kinh Koran bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Thụy Điển vào hôm thứ Sáu tuần qua.

Các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra tại các quốc gia Ả Rập - bao gồm Ả Rập Saudi, Jordan và Kuwait - cũng như tại các quốc gia đa số theo đạo Hồi khác như Pakistan, Indonesia và Somalia.

Hôm thứ Hai, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đe dọa sẽ hủy bỏ tư cách thành viên NATO của Thụy Điển vì vụ đốt kinh Koran này

“Những người cho phép những lời báng bổ như vậy trước đại sứ quán của chúng ta không còn có thể mong đợi sự ủng hộ của chúng ta đối với tư cách thành viên NATO của họ”, ông Erdogan cho biết.

Ông nói thêm: “Nếu bạn yêu mến các thành viên của các tổ chức khủng bố và kẻ thù của đạo Hồi rất nhiều đến mức bảo vệ họ, thì chúng ta khuyên bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ của họ cho an ninh của đất nước bạn.”

Theo hãng tin AP, ông Erdogan cho biết tư cách thành viên NATO của Thụy Điển là “không xảy ra”.

Tưởng cũng nên biết thêm: Các quyết định của NATO được đưa ra trên cơ sở đồng thuận, có nghĩa là tất cả 30 Quốc Hội của các quốc gia thành viên liên minh phải chấp thuận cho Thụy Điển và Phần Lan tham gia. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên duy nhất chưa thông qua tư cách thành viên của họ. Tình hình còn phức tạp hơn khi Phần Lan tuyên bố bày tỏ tình đoàn kết với Thụy Điển, và chỉ vào NATO khi cùng vào với Thụy Điển.

Các quan sát viên cho rằng với việc ngăn chặn Thụy Điển và Phần Lan tham gia NATO, Erdogan đang mang lại chiến thắng cho cuộc chiến chống NATO của Putin.
Source:elconfidencial.com

2. Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ trích Tiến Trình Công Nghị của Đức là 'không hữu ích cũng không nghiêm túc'

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ trích Tiến Trình Công Nghị của Đức là vô ích và có nguy cơ gây tổn hại về ý thức hệ cho các tiến trình của Giáo hội.

“Kinh nghiệm của Đức không giúp được gì,” Đức Giáo Hoàng nói với Associated Press khi được hỏi về quá trình gây tranh cãi, giải thích rằng cuộc đối thoại nên liên quan đến “tất cả dân Chúa” chứ không chỉ một số thành phần tự nhận là giới tinh hoa trong Giáo Hội.

Vị giáo hoàng 86 tuổi đã so sánh sự kiện ở Đức, vốn không phải là một thượng hội đồng, với Thượng hội đồng về tính đồng nghị được mở rộng gần đây của Giáo hội hoàn vũ.

Đức Phanxicô cho biết mục đích của thượng hội đồng toàn cầu là “giúp Tiến Trình Công Nghị dành cho giới tinh hoa của Đức không kết thúc tồi tệ theo một cách nào đó, nhưng cũng được hội nhập vào Giáo hội.”

Trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô không đi sâu vào chi tiết về các yêu cầu được đưa ra ở Đức, ngài đã mô tả rõ ràng Tiến Trình Công Nghị ở Đức là nguy hiểm.

“Ở đây có một mối nguy hiểm là có một thứ gì đó rất, rất ý thức hệ len lỏi vào. Khi ý thức hệ tham gia vào các quá trình của Giáo Hội, Chúa Thánh Thần sẽ về nhà, bởi vì ý thức hệ bỏ qua Chúa Thánh Thần,” ngài nói trong cuộc phỏng vấn trên phạm vi rộng cũng bao gồm những nhận xét về Lập trường của Giáo hội về đồng tính luyến ái, sự ra đi của Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI - và sức khỏe của ngài.

Kể từ khi được Hồng Y Reinhard Marx khởi xướng vào năm 2019, Tiến Trình Công Nghị của Đức đã gây tranh cãi.

Những người tham gia đã bỏ phiếu ủng hộ các văn bản dự thảo kêu gọi phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc phúc cho người đồng tính và thay đổi giáo huấn của Giáo hội về các hành vi đồng tính luyến ái, dẫn đến cáo buộc dị giáo và lo ngại ly giáo.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội từ Ba Lan, các nước Bắc Âu và trên toàn thế giới đã công khai nêu lên mối quan ngại.

Những lo ngại về một “cuộc ly giáo bẩn thỉu” từ nước Đức đã gia tăng trong vài tháng qua, khi những người tổ chức Thượng Hội đồng vào tháng 11 đã từ chối một lệnh cấm tiến trình do Vatican đề xuất.

Trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Hãy luôn cố gắng đoàn kết.”

Chỉ hai ngày trước đó, vào hôm thứ Hai, sự can thiệp mới nhất của Vatican chống lại Tiến Trình Công Nghị cho thấy rằng ngay cả những người tham gia vào quá trình này cũng không thống nhất với nhau: Năm giám mục người Đức, theo báo cáo, đã yêu cầu Rôma làm rõ những lo ngại về một hội đồng thượng hội đồng.

Những người tham gia Thượng hội đồng Đức vào tháng 9 năm 2022 đã bỏ phiếu để thành lập một hội đồng thượng hội đồng sẽ giám sát vĩnh viễn Giáo hội ở Đức.

Vatican tuyên bố trong một bức thư được công bố vào ngày 23 Tháng Giêng rằng người Đức không được phép thành lập một hội đồng thượng hội đồng thường trực để giám sát Giáo hội ở Đức. Bản văn đã được chính thức phê duyệt bởi Đức Thánh Cha Phanxicô.

Bất chấp tất cả những can thiệp này, Tiến Trình Công Nghị - “Synodaler Weg” trong tiếng Đức, đôi khi được dịch là Con đường Thượng hội đồng - hiện vẫn được cho là sẽ tiếp tục theo kế hoạch của những người tổ chức. Cuộc họp thượng hội đồng tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra tại Frankfurt vào tháng Ba.
Source:Catholic News Agency