Đang say mê nghiên cứu và trước tác, nhà thần học Joseph Ratzinger, theo lời Dan Hitchens (https://vietcatholic.net/News/Html/280646.htm), bị bắt cóc đưa tới Dinh Tổng Giám Mục Munich và theo chính lời ngài, ngày ấy là ngày “hạnh phúc của ngài kết thúc”. Mới chỉ làm Tổng Giám Mục mà “hạnh phúc đã chấm dứt” thì làm Giáo Hoàng, hạnh phúc ấy chắc chẳng còn lại chút nào. Ngài không muốn chấp nhận nó nếu người tâm phúc của ngài, trước ngày bầu cử, không khuyến khích.



Điều ấy đã được cuốn sách của Đức Tổng Giám Mục Gänswein, Nient’altro che la verita (Không gì khác ngoài sự thật), xác nhận. Và người tâm phúc ấy là Đức Hồng Y Schönborn, Tổng Giám Mục Vienna, Áo, người không những là học trò tiến sĩ mà còn là người tâm phúc của Đức Bênêđíctô, đến độ, theo Đức Tổng Giám Mục Gänswein, hai vị gọi nhau bằng tên riêng và xưng anh tui, “Du”, với nhau.

Theo A.C. Wimmer của CNA ( https://www.ncregister.com/cna/cardinal-schoenborn-calls-archbishop-gaenswein-book-unseemly-indiscretion-confirms-key-detail-of-benedict-papacy), Đức Hồng Y Schönborn đã chính thức lên tiếng xác nhận chi tiết trên trong cuốn sách của Đức Tổng Giám Mục Gänswein. Hơn nữa, chính Đức Bênêđíctô cũng đã chính thức xác nhận chi tiết ấy ngay sau ngày đảm nhiệm ngai tòa Phêrô, tuy không nêu đích danh Đức Hồng Y Schönborn.

Các chi tiết như sau: Ngày 25 tháng Tư năm 2005, trong buổi tiếp kiến các khách hành hương Đức, Đức Bênêđíctô thứ 16 đã có bài nói chuyện được người Công Giáo Đức gọi là “bài diễn văn máy chém” (tiếng Đức: Fallbeilrede).

Trong bài nói chuyện trên, Đức Bênêđíctô thứ 16 ví kinh nghiệm được bầu của ngài với kinh nghiệm bị chiếc rìu của máy chém bổ xuống cổ ngài.

Hết sức cởi mở nói điều khiến ngài chấp nhận việc bầu cử, vị tân Giáo Hoàng tiết lộ ngài đã được “đánh động rất nhiều nhờ một lá thư ngắn viết cho tôi bởi một Hồng Y anh em”.

Đức Bênêđíctô thứ 16 cho hay: “Ngài nhắc nhở tôi rằng dịp Thánh lễ cầu cho Đức Gioan Phaolô II, tôi đã dựa bài giảng của tôi, bắt đầu từ Tin Mừng, vào Lời của Chúa phán với Thánh Phêrô ở bên hồ Gennesaret: “Hãy theo tôi!” Tôi đã nói tới việc Karol Wojtyła đã hết lần này đến lần khác tiếp nhận lời mời gọi này của Chúa ra sao, và mỗi lần ngài đều từ bỏ mình rất nhiều và chỉ nói đơn giản: ‘Vâng, con sẽ theo thầy, cho dù thầy dẫn con tới nơi con chưa bao giờ muốn tới’”.

“Vị Hồng Y anh em này viết cho tôi: Nếu bây giờ Chúa nói với anh, ‘Hãy theo tôi’, thì anh hãy nhớ điều anh đã giảng. Anh đừng từ chối! Anh hãy vâng theo cùng một cách như anh mô tả vị Giáo Hoàng vĩ đại, người đã trở về nhà Cha. Điều này làm tôi xúc động sâu xa. Đường lối Chúa không dễ dàng, nhưng chúng ta không được dựng nên cho cuộc sống dễ dàng, nhưng cho những điều lớn lao, cho sự tốt lành”.

Đức Bênêđíctô thứ 16 nói thêm, “Do đó, cuối cùng, tôi phải nói: ‘Xin Vâng’”.

Nhưng không vì thế, mà vị Giáo Hoàng trí thức này từ giã ngòi bút. Ngài vẫn miệt mài nghiên cứu và tác phẩm ba cuốn “Chúa Giêsu Thành Nadarét” viết trong lúc phải đương đầu với không biết bao nhiệm vụ đa đoan của ngôi vị Giáo Hoàng là minh chứng hùng hồn.

Tác phẩm di cảo

Ngày rời khỏi ngai tòa Phêrô để lui vào cuộc sống chiêm niệm và cầu nguyện chắc chắn mang lại cho ngài niềm hạnh phúc sảng khoái được tự do sử dụng ngòi bút trở lại.

Theo tạp chí mạng Aleteia (https://aleteia.org/2023/01/18/texts-benedict-xvi-wrote-after-his-retirement-published-some-for-first-time/), các trước tác của ngài từ ngày về hưu vừa được xuất bản ở Ý với tựa là “Che cos’è il cristianesimo. Quasi un testamento spiritual,” 2023 [Kitô giáo là chi – Một Gần như Chúc thư Thiêng liêng], cho thấy vị Giáo Hoàng hưu trí vẫn còn lưu tâm đến chuyện “tranh luận” (disputatio) trong các năm cuối cùng của đời ngài.

Tạp chí Aleteia cho biết thêm, năm 2019, Đức Bênêđíctô thứ 16 đã ủy thác việc xuất bản các trước tác cuối cùng của ngài cho một trong các bạn hữu thân thiết của ngài, nhà thần học người Ý Elio Guerriero, giám đốc Tạp chí Communio và là tác giả một cuốn tiểu sử về vị Giáo Hoàng thứ 265, “Servitore di Dio e dell’umanità”, 2017 [Tôi tớ Thiên Chúa và Nhân loại].

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng, cũng tham gia vào việc chuẩn bị cuốn sách nhưng không được Đức Thánh Cha trích dẫn trong lời cảm tạ của mình. Tổng cộng, tập sách dày 192 trang bao gồm 16 bản văn được viết bởi Đức Giáo Hoàng hưu trí từ năm 2014 đến 2022, bao gồm bốn bản văn chưa được công bố trước đây.

Elio Guerriero giải thích trong phần giới thiệu cuốn sách rằng lý do những bản văn này được công bố sau khi tác giả qua đời là vì cuộc tranh cãi đã nổ ra sau khi công bố phần đóng góp của Đức Giáo Hoàng hưu trí về sự độc thân của các linh mục trong cuốn sách “From the Depths of Our Hearts: Priesthood, Celibacy and the Crisis of the Catholic Church” [Từ sâu thẳm trái tim chúng ta: Chức linh mục, sự độc thân và cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội Công Giáo] (2020) của Đức Hồng Y Robert Sarah. Xác nhận lời lẽ của Đức Giáo Hoàng được Đức Tổng Giám Mục Gänswein thuật lại trong hồi ký của ngài, nhà thần học người Ý giải thích rằng Đức Bênêđictô XVI đã quyết định vào thời điểm đó rằng ngài sẽ không xuất bản thêm bất cứ bản văn nào trong lúc sinh thời của ngài.

Vị giáo hoàng thứ 265 đã giải thích lý do cho điều này trong một bức thư đề ngày 13 tháng 1, được Guerriero trích dẫn: “Sự giận dữ của các nhóm chống đối tôi ở Đức mạnh đến mức chỉ cần một lời nói nhỏ nhất của tôi cũng lập tức gây ra một vụ náo động giết người từ phía họ”.

Nếu chúng ta bỏ qua những bản văn đã được biết đến – một vài bài là các diễn văn chính thức, hai bài diễn văn tưởng nhớ trong đó có một bài dành cho Đức Gioan Phaolô II, hai lời nói đầu, một cuộc phỏng vấn với một tu sĩ Dòng Tên, và một số thư từ với một giáo sĩ Do Thái – những bản văn chưa được xuất bản chứng tỏ lòng mong muốn mạnh mẽ của ngài trong việc tiếp tục tranh luận với giới trí thức Công Giáo, đặc biệt là với giới trí thức của đất nước ngài.

Bất đồng cuối cùng với Karl Rahner

Đây là trường hợp của bản văn đầu tiên chưa được công bố, “Tôn giáo là gì”, một bản văn ngắn dài sáu trang được hoàn thành vào ngày 19 tháng 3 năm 2022. Trong đó, Đức Bênêđictô XVI đưa ra một suy tư về “sự chuyển dịch” lịch sử của các hiện tượng tôn giáo theo quan điểm Kitô giáo. Ngài giải thích việc các tôn giáo đa thần, và đặc biệt là chủ nghĩa ngoại giáo, được tích hợp vào các hình thức thuyết độc thần ra sao sau khi bị chống đối và “thanh tẩy”. Trích dẫn tác phẩm của Henri de Lubac, ngài giải thích việc chuyển dịch này là trung tâm của Cơ đốc giáo, cùng với Chúa Giêsu Kitô, đến để giải phóng con người khỏi nỗi sợ hãi quyền lực mà họ vốn gán cho thần thánh.

Ông lưu ý rằng sau chủ nghĩa ngoại giáo, hai con đường mở ra: con đường của chủ nghĩa độc thần Ápraham, trong đó “Thiên Chúa duy nhất, trong tư cách một ngôi vị, định đoạt toàn thể thế giới,” và mặt khác là các tôn giáo huyền bí, đặc biệt là Phật giáo vùng Himalaya. Ngài chỉ ra rằng xu hướng huyền bí này, mà ngài mô tả như một hình thức tôn giáo hướng tới “sự hư vô”, đã tạo ra tiếng vang trong văn hóa châu Âu và thậm chí trong thần học Kitô giáo.

Đức Bênêđictô XVI đưa ra một thí dụ về câu trích dẫn được gán cho một trong những đối thủ nổi tiếng nhất của ngài trong lãnh vực thần học, nhà thần học người Đức Karl Rahner: “Kitô hữu của ngày mai sẽ là nhà huyền bí hoặc không hề hiện hữu”. Thừa nhận rằng ngài đã “chịu thua việc cố gắng hiểu Rahner muốn nói gì qua cụm từ này,” ngài bác bỏ cách giải thích cho rằng các tôn giáo đang hướng tới “sự sùng kính vô ngã” đối với thần linh, một xu hướng mà ngài nói là “hoàn toàn mâu thuẫn” với ý hướng và sự phát triển lịch sử của Kitô giáo.

Bất khoan dung với Kitô giáo nhân danh lòng khoan dung

Bản văn thứ hai, đề ngày tháng 12 năm 2018 và dài 17 trang, có tiêu đề Monotheism and Tolerance [Chủ nghĩa Độc thần và Lòng Khoan dung]. Nó được trình bày như một phản hồi cho cuốn “Corpora. The Anarchist Power of Monotheismus” [Corpora. Sức mạnh Vô chính phủ của Chù nghĩa Độc thần] (xuất bản bằng tiếng Đức, “Corpora. Die anarchische Kraft des Monotheismus”), một tiểu luận được viết vào năm 2018 bởi Eckhard Nordhofen, một nhà thần học người Đức, người đã cho rằng có mối liên kết giữa việc khẳng định một Thiên Chúa duy nhất và việc không khoan dung. Đức Bênêđictô XVI bác bỏ lập luận này và đồng thời than thở sự kiện Kitô giáo ngày nay là “nạn nhân của sự bất khoan dung ngày càng gia tăng nhân danh lòng khoan dung”.

Kể lại một số tình tiết trong lịch sử của dân tộc Do Thái trong Cựu Ước, Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh đến tính đa dạng của các quan niệm của thuyết độc thần trong trình thuật Kinh thánh. Sau đó, ngài bác bỏ lời buộc tội cho rằng Kitô giáo không khoan dung vì nó tuyên bố nắm giữ sự thật, bảo đảm với chúng ta rằng ngược lại, Chúa Kitô bị đóng đinh là “đối trọng đích thực đối với mọi hình thức bất khoan dung”.

Kitô giáo không phải là một “tôn giáo của Sách”

Được kích thích bởi việc xuất bản lần này cuốn sách của nhà thần học Thệ phản Adolf von Harnack, bản văn thứ ba chưa được xuất bản, “Đối thoại Hồi giáo-Kitô giáo,” là một bài suy tư ngắn bốn trang được hoàn thành vào ngày 1 tháng 3 năm 2018. Trong bản văn này, Đức Giáo Hoàng hưu trí nêu bật sự hiểu lầm mà ngài thấy trong cụm từ “tôn giáo của Sách”.

Dù cho rằng điều ấy thích hợp với Hồi giáo và mối quan hệ của nó với Kinh Quran, mà người Hồi giáo mô tả là được Thiên Chúa mạc khải cho Nhà tiên tri, ngài tin rằng nó hoàn toàn không thích hợp với Kitô giáo. Ngài cảnh báo chống lại cách hiểu sai lầm về đối thoại liên tôn, vốn là kết quả của quan niệm ngẫu tượng về bản văn Kinh thánh.

Một tiểu luận chống việc rước lễ liên phái

Bản văn bản mới nhất chưa được công bố, “Ý nghĩa của việc Rước lễ,” được hoàn thành vào ngày 28 tháng 6 năm 2018, xem xét vấn đề về việc Rước lễ liên phái [intercommunion], nghĩa là, khả năng cho các Kitô hữu thuộc các giáo phái khác rước lễ với chúng ta. Giáo Hội Công Giáo không cho phép việc rước lễ liên phái này trong hầu hết các trường hợp.

Trong 22 trang của bài tiểu luận, trong một bài suy tư dài về ý nghĩa của Thánh Thể, Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh đến ý nghĩa bí tích của việc rước lễ. Ngài nói, điều này khiến người ta không thể quan niệm được việc rước lễ liên phái với các cộng đồng Thệ phản. Thay vào đó, ngài ủng hộ một “chủ nghĩa đại kết đích thực” sẽ không phủ nhận những khác biệt quan trọng hiện hữu giữa các tuyên tín Kitô giáo về vấn đề rước lễ.

Đức Bênêđictô XVI đã sửa bài viết của mình được đăng trong cuốn sách của Đức Hồng Y Sarah

12 bản văn khác của cuốn sách đã được biết đến và không bị thay đổi, ngoại trừ bản văn được công bố vào năm 2020 trong cuốn “Từ sâu thẳm trái tim chúng ta,” mà Đức Bênêđictô XVI mô tả là “tác phẩm của Đức Hồng Y Sarah” trong lời nói đầu của ngài. Ngài giải thích rằng ngài đã lấy phiên bản được xuất bản lúc đó và “tạo cho nó một trọng tâm mới”.

Nếu mục tiêu của bản văn đầu tiên – bảo vệ nền tảng thần học của chức linh mục – không thay đổi, thì cấu trúc phần lớn đã được tổ chức lại và làm phong phú thêm với một số đoạn.

Những sự kiện ấy chứng tỏ Đức Bênêđíctô XVI mãi là một nhà trí thức vĩ đại ngay cho tới lúc ỏ ngưỡng cửa đời sau.