1. Các Giám mục Công Giáo ở Nigeria yêu cầu công lý sau vụ tấn công thiêu sống một linh mục

Các Giám Mục trong Hội đồng Giám mục Công Giáo Nigeria, gọi tắt là CBCN, đang yêu cầu bắt giữ những người đã đốt phá Nhà thờ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ ở Kaffin Koro thuộc Giáo phận Công Giáo Minna trong một cuộc tấn công dẫn đến cái chết của Linh mục Chánh xứ.

Trong một thông điệp chia buồn gửi đến Đức Giám Mục Martin Igwemezie Uzoukwu của Minna, Chủ tịch CBCN, Đức Tổng Giám Mục Lucius Iwejuru Ugorji, nói rằng Giáo hội ở Nigeria đã nhận được tin tức về vụ đốt phá “với sự bàng hoàng và đau buồn vô cùng”.

“Chúng tôi đã nhận được tin về vụ giết hại dã man Cha Isaac Achi của Giáo phận Công Giáo Minna bởi những kẻ đốt phá vào đầu giờ Chúa Nhật, ngày 15 Tháng Giêng năm 2023, với sự bàng hoàng và đau buồn vô cùng,” Đức Tổng Giám Mục Ugorji nói trong tuyên bố được chia sẻ với ACI Phi Châu vào Thứ Hai, ngày 16 tháng Giêng.

Ngài nói thêm: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ nhất hành động giết người kinh hoàng, dã man, tàn ác và nhẫn tâm này. Các binh sĩ an ninh phải làm tất cả những gì cần thiết để bắt giữ những tên tội phạm đứng sau vụ giết người này và đưa chúng ra trước sự trừng phạt của pháp luật.”

“Tội phạm không được phép di chuyển tự do trong cộng đồng của chúng ta. Điều này chỉ khuyến khích họ tiếp tục phạm tội ngày càng nhiều hơn,” Đức Tổng Giám Mục Owerri nói

Tưởng cũng nên nhắc lại, ty cảnh sát Wasiu cho biết vụ tấn công vào Nhà thờ Công Giáo Hai Thánh Phêrô và Phaolô diễn ra như sau: “Vào khoảng 03:00 ngày 15 Tháng Giêng, bọn cướp có vũ trang đã xâm nhập vào nhà xứ của Cha Isaac Achi kế bên Nhà thờ Công Giáo Hai Thánh Phêrô và Phaolô, dọc theo đường Daza, Kafin-Koro, Paikoro”

“Thật không may, những tên cướp được cho là đã cố gắng đột nhập nhưng không được và đã đốt cháy ngôi nhà, bị thiêu chết vị linh mục”.

“Một linh mục khác cũng ở trong nhà xứ được xác định là Cha Collins cũng bị bắn vào vai khi cố gắng trốn thoát khỏi hiện trường. Các đội cảnh sát trực thuộc chi khu cảnh sát Kafin-Koro ngay lập tức được điều động đến hiện trường, nhưng những tên lưu manh đã trốn thoát trước khi họ đến nơi”.

“Cha Isaac đã được tìm thấy đã chết trong khi Cha Collins vẫn còn sống và được đưa đến bệnh viện để điều trị.”

Cảnh sát tuyên bố rằng những nỗ lực đang được tiến hành để bắt giữ những tên cướp.

Nhiều linh mục Công Giáo đã bị sát hại dã man hoặc bị bắt cóc để đòi tiền chuộc ở miền Bắc Niger.

Vào tháng Giêng năm 2021, một Linh mục Công Giáo của Giáo phận Minna, là Cha John Gbakaan Yaji, bị bắt cóc và bị giết bởi những tên cướp có vũ trang ở Bang Niger.

Vào tháng 5 năm 2022, một Linh mục Công Giáo khác, Cha Joseph Bako, qua đời trong khi bị giam giữ bởi những kẻ bắt cóc ở Kaduna.

Vào ngày 25 tháng 6 năm 2022, Cha Vitus Borogo đã bị sát hại dã man bởi những kẻ khủng bố đã đột kích vào trang trại của ngài ở Kaduna.

Vào ngày 15 tháng 7 năm 2022, những kẻ khủng bố lại tấn công và bắt cóc hai Linh mục Công Giáo – là các Cha John Cheitnum và Donatus Cleopas – khi các ngài đang làm công việc mục vụ tại Nhà thờ Công Giáo Chúa Kitô Vua, ở Yadin Gura.
Source:aciafrica.org

2. Nhật Ký Trừ Tà Số 224: Những Giấc Mộng Quỷ

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #224: Demonic Dreams”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà Số 224: Những Giấc Mộng Quỷ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một người phụ nữ gần đây đã kể lại cho tôi giấc mơ của cô ấy, mà cô ấy nghĩ là một giấc mộng quỷ. Mọi người thường nói với tôi rằng họ đang bị những giấc mơ ma quỷ. Tôi luôn luôn có một chút hoài nghi. Nhưng câu chuyện này ngay lập tức đập vào mắt tôi. Cô ấy kể rằng:

Đêm qua, như thường lệ, con rảy nước thánh quanh giường và phòng của mình. Khi con đang ngủ, con cảm thấy hai sinh vật ấm áp quấn lấy con, một ở gần vai và một ở bên dưới, gần thắt lưng của con. Con với tới để cảm nhận chúng. Chúng có bộ lông mềm mại, ấm áp, và con nghĩ, “Thật ngọt ngào làm sao” nhưng con đã định gỡ chúng ra và chúng cắm ngập những chiếc răng sắc nhọn vào cánh tay con và không chịu buông ra. Con cố hét lên, nhưng quá yếu nên con cố hét to hơn, và khi con hét lên, con thức dậy và chúng đã biến mất. Thật là đáng sợ! Con chưa bao giờ có một giấc mơ như thế và không muốn một giấc mơ nào khác như thế xảy ra.

Là một nhà tâm lý học, tôi biết rằng nhiều hình ảnh và cảm xúc mãnh liệt có thể xuất hiện trong giấc mơ của chúng ta. Nhiều bác sĩ tin rằng giấc mơ là một cách để tâm trí chúng ta giải quyết các sự kiện và cảm xúc trong cuộc sống. Tâm trí cố gắng vượt qua những xung đột và tổn thương nội tâm của chúng ta để mang lại giải pháp và hòa bình. Như vậy, những giấc mơ có thể chứa đầy những cảm xúc mạnh mẽ và những hình ảnh đáng sợ, đặc biệt là khi cuộc sống của chúng ta chứa đựng sự sợ hãi, đau đớn, bất lực hoặc bị lạm dụng.

Nhưng giấc mơ của người phụ nữ này lại có dấu hiệu gặp ma quỷ thực sự. Đầu tiên, đó là một giấc mơ rõ ràng với một cốt truyện chứ không phải là một sự pha trộn của các hình ảnh. Thứ hai, đó là một cuộc gặp gỡ mãnh liệt mà cô nhớ rất rõ. Những giấc mơ bình thường có xu hướng bị lãng quên nhanh chóng trừ khi được viết ra ngay khi thức dậy. Thứ ba, hành động của nhân vật ma quỷ là điển hình của những gì ma quỷ làm. Trong trường hợp này, họ đã cố gắng dụ dỗ cô ấy nghĩ rằng họ là “bộ lông ấm áp, mềm mại” và do đó rất thân thiện. Nhưng khi cô từ chối chúng, chúng trở nên hung ác, có hàm răng sắc nhọn và không chịu rời đi. Thứ tư, phản ứng cảm xúc của cô ấy là một trong những nỗi sợ hãi tột độ; cô ấy nói, “Thật đáng sợ.” Đây sẽ là một phản ứng cảm xúc điển hình trước sự tấn công của ma quỷ.

Điều đặc biệt thú vị là bằng cách nào đó, cô ấy biết rằng mình nên từ khước chúng, mặc dù cảm thấy họ thật ấm áp và mềm mại. Có khả năng, nhìn thấu sự lừa dối của ma quỷ là một ân sủng từ Chúa Thánh Thần có lẽ với một cú huých từ Thiên thần hộ mệnh của cô ấy. Cô phải hơi cố gắng mới đuổi được lũ quỷ, nhưng khi cô “hét to hơn” thì chúng bỏ đi. Vì vậy, việc cô ấy từ chối sự quyến rũ của ma quỷ rất mạnh mẽ và bền bỉ, điều này rất quan trọng. Việc cô ấy sử dụng nước thánh trước khi ngủ có lẽ đã giúp bảo vệ tinh thần cho bản thân trước sự tấn công của ma quỷ.

Tôi không nhanh chóng gán nguyên nhân ma quỷ cho bất kỳ giấc mơ nào có thể xấu xí và đáng sợ. Nhưng giấc mơ này phù hợp với tiêu chí của một cuộc chạm trán thực sự với Ác ma. Trên thực tế, chúng hoàn toàn không phải là “giấc mơ”, mà là những cuộc gặp gỡ tâm linh trong khi chúng ta đang ngủ. Nhưng, ngay cả trong tình trạng dễ bị tổn thương như vậy, Chúa vẫn bảo vệ chúng ta. Như tác giả Thánh Vịnh đã nói: “Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ,vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa, ban cho con được sống yên hàn” (Tv 4:9).
Source:Catholic Exorcism

3. Lịch sử tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo

Chủ đề của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm 2023 là “Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình” (Isaia 1:17), được trích trong đoạn sau, mà nhiều quan sát viên cho rằng là một ám chỉ trực tiếp đến Chính Thống Giáo Nga, vô tình hay hữu ý.

“Khi các ngươi đến trình diện Ta, ai khiến các ngươi phải giẫm lên khuôn viên của Ta?

Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương; Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sa-bát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạt linh đình.

Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa.

Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu.

Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta.

Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.

Chúa phán: ‘Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.’”

Các tài liệu của năm nay được phát triển với sự hỗ trợ của Hội đồng các Giáo Hội ở Minnesota, Hoa Kỳ.

Dưới đây là lịch sử vắn tắt của tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo:

Năm 1908, Mục Sư Paul Wattson đang coi sóc một nhà thờ Anh giáo ở Graymoor, New York, đưa ra sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo với sự hỗ trợ của các giám mục Anh giáo và Công Giáo, trong đó có Đức Hồng Y William O'Connell của Boston. Tuần Tám Ngày này bắt đầu vào ngày 18 tháng Giêng, lúc bấy giờ là Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Rôma, và kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.

Năm sau, mục sư Wattson và toàn thể cộng đoàn Anh Giáo của ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo, và vào năm tiếp theo, tức là năm 1910, cựu mục sư Wattson đã được thụ phong linh mục.

Sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo lan tràn nhanh chóng, và vào năm 1916, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15, cổ vũ sáng kiến này trong toàn thể Giáo Hội và Tuần Tám ngày này chính thức mang tên Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Năm 1964, Công Đồng Vatican II ban hành Sắc Lệnh Đại Kết (Unitatis Redintegratio), và ngày 30/5/1995, Chân Phước Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Ut Unum Sint, gồm có ba chương với những tựa đề: Sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo vào công cuộc đại kết; các kết quả của tiến trình đối thoại; và đường còn xa lắm không? Thông điệp đã kiểm điểm những thành quả của tiến trình đối thoại; và phác họa những bước còn phải tiếp tục.

Đây là hai văn kiện làm nền tảng cho Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong buổi tiếp kiến sáng 10-11 năm 2016 dành cho Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, Đức Thánh Cha đã minh định thế nào là Hiệp Nhất Kitô Giáo.

70 Hồng Y, Giám Mục thành viên, cùng với các vị cố vấn và viên chức tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Chủ tịch Kurt Koch, về chủ đề “Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô: kiểu mẫu nào cho sự hiệp thông trọn vẹn?”

Lên tiếng trong dịp này, sau khi nhấn mạnh sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô như một đòi hỏi thiết yếu của đức tin chúng ta, một đòi hỏi xuất phát từ cốt tính của chúng ta như những người tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Đức Thánh Cha cảnh giác chống lại 3 kiểu mẫu sai trái về sự hiệp thông:

- Trước tiên “hiệp nhất không phải là kết quả những cố gắng của con người, hoặc là sản phẩm hoạt động ngoại giao của Giáo Hội, nhưng là một hồng ân đến từ trên cao. Loài người chúng ta không có khả năng tự mình kiến tạo sự hiệp nhất, và cũng không thể quyết đinh những hình thức và thời điểm khi nào. Trong bối cảnh đó, hiệp nhất là một hành trình, đòi phải kiên nhẫn, chờ đợi, kiên trì, vất vả và dấn thân. Hiệp nhất không xóa bỏ những xung đột và không loại trừ những tương phản. Đức Thánh Cha thường lập lại rằng hiệp nhất được thực hiện khi đồng hành, nghĩa là khi chúng ta gặp gỡ nhau như anh chị em, cầu nguyện, cộng tác với nhau trong việc loan báo Tin Mừng và phục vụ những người rốt cùng.”

- Thứ hai, hiệp nhất không phải là đồng nhất. Những truyền thống khác nhau về thần học, phụng vụ, linh đạo và giáo luật được phát triển trong thế giới Kitô, khi chúng ăn rễ chân thành trong truyền thống tông đồ, là một phong phú chứ không phải là một đe dọa cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Tìm cách dẹp bỏ những khác biệt ấy là đi ngược lại với Chúa Thánh Linh, Đấng hoạt động làm cho cộng đoàn tín hữu được phong phú nhờ các hồng ân khác nhau.

- Sau cùng hiệp nhất không phải là gộp vào nhau. Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô không bao hàm một “sự đại kết lùi lại” khiến cho bên nào đó phải chối bỏ lịch sử đức tin của mình, và sự hiệp nhất này cũng không chấp nhận sự chiêu dụ tín đồ của nhau, vì hành động này là thuốc độc đối với hành trình đại kết.

Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng “Trước khi nhìn những điều chia cách của chúng ta, cũng cần nhận thức thiết yếu sự phong phú của những gì liên kết chúng ta, như Kinh Thánh, các bản tuyên xưng đức tin của các công đồng chung đầu tiên. Làm như thế các tín hữu Kitô có thể nhìn nhận nhau là anh chị em cùng tin nơi Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất, dấn thân tìm kiếm cách thức vâng theo Lời của Chúa ngày hôm nay, Đấng muốn hiệp nhất tất cả chúng ta”
Source:Catholic World News