Tôi Tìm Gì Trong Năm Mới Này

Suy niệm ngày Mồng 1 Tết

Dù ai ở đâu đi đâu hay làm gì, trong khả năng có thể đều mong muốn trở về nhà hay gia đình, nơi mình được sinh ra và lớn lên để được sum vầy bên nồi bánh chưng với cha mẹ và với những người thân trong dịp Tết Nguyên Đán. Trong những giây phút linh thiêng của những ngày Tết, hình như mọi người đều có cảm tưởng sự bình an đang tràn ngập nơi tâm hồn cũng như nơi gia đình, nơi giáo họ và giáo xứ. Có lẽ cái khát khao và mong mỏi nhất của mọi người đó là cái bình an trong năm mới. Nhưng bình an nào đây? Có phải có nhiều tiền nhiều bạc là bình an không? Có danh vọng lợi dục là bình an đích thực chăng? Thưa không! Sự bình an đích thực của mỗi người thiết tưởng không nơi danh lợi dục nhưng là nơi Chúa. Sự bình an đó đương nhiên không tự nhiên mà có, nhưng để có nó, mỗi chúng ta phải ra công tìm kiếm và nỗ lực tìm gặp nó.

Nhiều khi con người chúng ta đã luôn luôn lo lắng để tìm kiếm cho sự sống, cho cơm gạo áo tiền, cho cái mặc - cái trang trí bên ngoài thân xác mà chúng ta lại bỏ sót điều cực kỳ cần thiết, là tìm kiếm cái bên trong, cái thiêng liêng, cái bình an từ Chúa. Quả thật, trong ngày đầu năm mới Quý Mão 2023 hôm nay, Chúa Giê-su mời gọi: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6:33). Cứ tìm kiếm Nước Thiên Chúa nghĩa là làm sao mọi người? Phải chăng mỗi chúng ta được mời gọi ý thức về sự hiện diện đầy quan trọng của Thiên Chúa trong cuộc đời? Chúa mới là chủ mọi sự. Người là Đấng Sáng Tạo nên muôn loài muôn vật, cho nên Người có quyền năng trên mọi sự. Người là Thiên Chúa Tình Yêu. Mà đã là Đấng Tình Yêu, Người luôn luôn yêu thương và mong muốn cho mọi loài mọi vật được sống và sống dồi dào. Người sẵn sàng ban ơn giúp sức cho hết thảy mọi người nếu loài người biết khiêm tốn tìm gặp Người. Vì thế, một khi con người chiếm trọn được tình yêu của Thiên Chúa, con người không thể nào mà không được trao ban tất cả những gì con người mong muốn và tìm kiếm. Tất cả sẽ trở nên hiện hữu đối với Thiên Chúa trong khi con người không thể. Dù ăn dù mặc hay dù gì đi chăng nữa, con người được mời gọi sống tinh thần phó thác và tin yêu. “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em.”(1 Pr 5. 7). Quả thật, “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa thì hãy còn có Chúa đón nhận con.” (Tv 26,10). Chúa không bao giờ để chúng ta mồ côi nhưng sẵn sàng đổ xuống dư tràn ân sủng và bình an trên mọi người ở khắp mọi nơi.

Năm mới Quý Mão này mời gọi mọi người đứng lên sau những ‘gục ngã’ do đại dịch, do chiến tranh, do khủng bố, do thiên tai và ngay cả nhân tai để ‘sinh lại’, làm lại và phục hồi lại sau những mất mát, những rạn nứt, những thiệt hại, những âu lo và cám dỗ. Có thể ai đó cũng đang bị lạc lòng, bị bỏ rơi vì thiếu sự hiệp hành với nhau hoặc đã bị lãng quên từ trước tới đây do lỗi của chúng ta. Họ đang sống trong tâm trạng chán chường và dường như không có một tia hy vọng nào cho tương lai mới, cho năm mới này. Chính mỗi chúng ta trong khi tìm kiếm sự bình an, niềm vui và hoan lạc cho chính mình, thiết tưởng chúng ta cũng phải có trách nhiệm quan tâm đối với những hoàn cảnh khó khăn và nghèo khổ đó. Chính chúng ta cần đứng lên và hướng chiều về những ai đang bị bỏ rơi, loại trừ và thất vọng do nhiều yếu tố khách quan gây nên để đỡ nâng, ủi an và đồng hành cùng họ trên mọi nẻo đường dầu có thể bị thiệt thòi và mất mát. Phải chăng đây là một trong những điều quan trọng hàng đầu của đời sống của mỗi ki-tô hữu chúng ta? Vì quan tâm đến tha nhân là chính lúc chúng ta sống mối tương quan tốt với Thiên Chúa, Đấng dựng nên con người giống hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ mải mê tìm kiếm Nước Thiên Chúa mà bỏ quên những hình ảnh của Thiên Chúa đang ‘rơi rớt’, đang đớn đau và quằn quại hay bị lãng quên nơi các ngõ hẻm, nơi các khu ổ chuột, nơi những mảnh đời đau khổ bệnh hoạn tật nguyền, nơi những trại trẻ mồ côi – khiếm khuyết, nơi những trại phong tanh hôi và chua khét,…thì như vậy, chúng ta chưa thật sự tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người.

Có thể nói rằng sự bình an mà chúng ta tìm kiếm trong năm mới là sự bình an của sự phục vụ, bình an của sự trao ban, bình an của sự quan tâm,…Đây chính là sự bình an của Đức Giê-su trao ban khi Ngài Phục Sinh. Chính Đức Giê-su là sự bình an đích thực và rường cột cho ơn cứu rỗi của con người. Càng có được sự bình an từ Đức Giê-su, chúng ta càng dấn thân và rắc gieo sự bình an cách thiết thực cho anh chị em đồng loại bằng cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương. Càng yêu thương, càng dấn thân và quảng đại dâng hiến cho tha nhân, nhất là cho những ai khổ đau và nghèo hèn, chúng ta càng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su Ki-tô. Vì chính Đức Giê-su đến trần gian cũng nhằm cái mục đích duy nhất này là trao ban bình an ngang qua lời giảng dạy có uy quyền và thi thố các phép lạ, là gần gũi và gặp gỡ cũng như sẵn sàng chữa lành cho những người bệnh tật và ốm đau, là bao dung và tha thứ cho những ai bị coi là tội lỗi bất xứng, là sẵn sàng dùng ngay chính mạng sống của Ngài để chịu chết trên cây Thập Giá vì yêu thương loài người. Sự bình an Phục Sinh từ Đức Giê-su đã làm cho những người nhát đảm trở nên mạnh mẽ và kiên cường, đã làm cho những kẻ bỏ trốn vì sợ hãi trở nên những sứ giả loan báo Tin mừng cách hăng say và nhiệt thành.

Thật vậy, từ giây phút của ngày đầu năm mới với những điểm suy niệm trên, thiết tưởng mỗi chúng ta đã phần nào biết được cái đích điểm của chúng ta trong năm nay là gì? Đó là sự bình an. Mà bình an đích thực là ở nơi Chúa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ có được bình an trọn vẹn và đẹp ý Chúa nhất đó là chúng ta vừa kết hợp mật thiết với Chúa, nói với Chúa nơi đời sống cầu nguyện, nơi việc đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày và siêng năng tham dự cử hành phụng vụ bí tích thường xuyên và vừa biết sống với anh chị em, biết nói về Chúa cho họ bằng cuộc sống và hành vi cử chỉ theo ‘chất men’ của Tin mừng Giê-su. Quả thật, có Chúa là có tất cả, không có Chúa là chẳng có gì hết! Mong năm mới Quý Mão này mỗi chúng ta, là những ki-tô hữu biết cùng nhau hiệp thông, tham gia và thực thi sứ vụ, là biết cùng nhau đến nhà thờ để gặp gỡ Chúa, hiệp thông với nhau trong các nghi lễ phụng vụ; đồng thời, biết cùng nhau ra tay giúp đỡ, ủi an và thi hành việc lành phúc đức một cách hăng say và không ngưng nghỉ để đừng có một ai bị loại trừ và lãng quên.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương