1. Đức Giáo Hoàng thương tiếc trước sự qua đi của Đức Hồng Y Pell, đề cao sự hợp tác của ngài với Tòa Thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức điện chia buồn trước cái chết của Đức Hồng Y George Pell, người mà theo Đức Thánh Cha “đã kiên định theo Chúa của mình với sự kiên trì ngay cả trong giờ phút thử thách”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại “chứng tá nhất quán và tận tụy của Đức cố Hồng Y George Pell, cống hiến của ngài cho Tin Mừng và Giáo hội, và đặc biệt là sự hợp tác siêng năng của ngài với Tòa thánh trong cuộc cải cách kinh tế gần đây, mà ngài đã đặt nền móng với quyết tâm và sự khôn ngoan..”

Những lời của Đức Thánh Cha được đưa ra trong một bức điện chia buồn gửi đến Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, về cái chết của Đức Hồng Y Pell ở Rôma vào tối thứ Ba, ở tuổi 81, do biến chứng tim sau khi trải qua ca phẫu thuật hông.

Đức Thánh Cha nói rằng ngài rất buồn trước tin Đức Hồng Y, Nguyên tổng trưởng Bộ Kinh tế Tòa Thánh và bày tỏ sự gần gũi của ngài với Niên Trưởng Hồng Y Đoàn và toàn thể Hồng Y đoàn cũng như các thành viên của Gia đình Đức Hồng Y Pell.

Đức Thánh Cha khen ngợi Đức Cố Hồng Y vì chứng tá và công việc của ngài, và nói rằng ngài đang cầu nguyện cho người “tôi tớ trung thành này, người đã kiên định theo Chúa của mình với sự kiên trì ngay cả trong giờ thử thách, có thể được đón nhận niềm vui trên thiên đàng và nhận được phần thưởng là sự bình an vĩnh cửu.”

2. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Úc Đại Lợi về sự qua đi của Đức Hồng Y George Pell

Ngày 11 tháng Giêng, Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe SDB, Tổng Giám Mục Perth và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc đã ra tuyên bố toàn văn như sau:

Tôi vô cùng đau buồn khi được biết về cái chết bất ngờ của Đức Hồng Y George Pell tại Rôma vào tối thứ Ba theo giờ Rôma. Đức Hồng Y Pell đã mang đến sự lãnh đạo mạnh mẽ và rõ ràng trong Giáo Hội Công Giáo ở Úc, với tư cách là Tổng Giám mục Melbourne và Tổng Giám mục Sydney và là thành viên của Hội đồng Giám mục trong hơn 25 năm.

Nhiều điểm mạnh của ngài đã được công nhận rộng rãi, cả ở Úc và trên toàn thế giới, khi Vatican bổ nhiệm ngài làm tổng trưởng Bộ Kinh tế và là thành viên của Hội đồng Hồng Y, một nhóm cố vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

Tác động của Đức Hồng Y Pell đối với đời sống của Giáo hội ở Úc và trên toàn thế giới sẽ tiếp tục được cảm nhận trong nhiều năm. Khi chúng ta tưởng nhớ ngài và suy tư về di sản của ngài, tôi mời tất cả người Công Giáo và những người có thiện chí khác tham gia cầu nguyện cho Đức Hồng Y Pell, một người có đức tin sâu sắc và bền vững, và cho linh hồn ngài được yên nghỉ.

3. Đức Hồng Y George Pell, một người khổng lồ về nhiều mặt

Elise Ann Allen của CruxNow không ngần ngại gọi Đức Hồng Y Pell là một người “khổng lồ” về nhiều mặt.

Theo cô, ngài là một trong những nhân vật quan trọng nhất của Giáo Hội Công Giáo, người đã được tha bổng trong lịch sử lạm dụng tình dục trẻ em và từng là phụ tá hàng đầu trong các nỗ lực cải cách tài chính của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Các nguồn tin thân cận với Hồng Y Pell nói với Crux rằng ngài bị biến chứng sau một thủ thuật nhỏ tại bệnh viện Salvator Mundi ở Rome, và qua đời ngay trước 9 giờ tối, giờ địa phương.

Theo nguồn tin này, Đức Hồng Y Pell sẽ được máy bay chở về Úc sau tang lễ ở Vatican, và ngài sẽ được chôn cất tại Nhà thờ Chính tòa St. Mary ở Sydney, nơi ngài từng phục vụ trong tư cách tổng giám mục trong 13 năm trước khi chuyển đến Vatican.

Ngoài việc là một trong những vị giáo phẩm cao cấp nhất của Giáo Hội Công Giáo, Đức Hồng Y Pell còn là một trong những người có ảnh hưởng nhất.

Từ lâu được coi là lãnh đạo khối bảo thủ trong Công Giáo Úc, ngài đã đóng vai trò lãnh đạo trong nhiều năm trong việc thiết lập quan điểm của Giáo Hội Công Giáo ở quốc gia đại dương này, Đức Hồng Y Pell cũng là một nhân vật nổi bật trong những nỗ lực cải cách ban đầu của Đức Phanxicô.

Ngay sau khi được bầu vào năm 2013, Đức Phanxicô đã thành lập một Hội đồng Hồng Y cố vấn cho ngài về các vấn đề quản trị và cải cách giáo hội, cử nhiệm Đức Hồng Y Pell là một trong những thành viên đầu tiên của hội đồng và bổ nhiệm ngài đứng đầu Văn phòng Kinh tế mới được thành lập lúc bấy giờ.

Vị giáo phẩm quyền lực thứ ba của Vatican vào thời điểm đó, Đức Hồng Y Pell được giao nhiệm vụ cải cách tình hình tài chính mờ ám của Vatican, bao gồm việc tập hợp các bảng cân đối kế toán, tiến hành kiểm toán và cố gắng nới lỏng sự kiểm soát của Phủ Quốc Vụ Khanh đầy quyền lực đối với một phần đáng kể tài sản của Tòa thánh.

Do những nỗ lực cải cách mạnh mẽ của Đức Hồng Y Pell, một cuộc giằng co đã nổ ra giữa Đức Hồng Y Pell và Phủ Quốc Vụ Khanh, trong đó Đức Hồng Y Pell bị coi là người cuối cùng thua cuộc, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố luật củng cố quyền kiểm soát của Phủ Quốc Vụ Khanh đối với các túi tiền của Tòa Thánh.

Tuy nhiên, quyết định đó sau đó đã bị Đức Phanxicô đảo ngược; ngài đã hạn chế thẩm quyền giao dịch của Phủ Quốc Vụ Khanh sau một vụ tai tiếng liên quan đến một thương vụ bất động sản mờ ám ở London làm mất hàng triệu đôla Mỹ của Vatican.

Đức Hồng Y Pell đã từ bỏ vai trò của mình trong Văn phòng Kinh tế vào năm 2017 khi ngài bị chính quyền Úc buộc tội lạm dụng tình dục hai cậu bé vị thành niên khi còn là Tổng Giám mục Melbourne vào năm 1996.

Bất chấp những lời biện hộ vô tội lặp đi lặp lại của ngài, Đức Hồng Y Pell đã bị kết án một cách nhất trí trong phiên tòa thứ hai, sau khi phiên tòa đầu tiên kết thúc với bồi thẩm đoàn bị chia rẽ, và bị kết án sáu năm tù. Đức Hồng Y Pell đã trải qua hơn 400 ngày trong tù biệt giam trước khi cuối cùng được Tòa án Tối cao Úc tuyên bố trắng án vào tháng 4 năm 2020.

Đức Hồng Y Pell sau đó đã xuất bản một bộ nhật ký trong tù gồm 3 tập, mang đến cho độc giả cái nhìn thoáng qua về cuộc sống hàng ngày và những suy tư tâm linh của ngài trong thời gian ở trong tù.

Sau khi được tha bổng, ngài cáo buộc đối thủ chính của mình trong Phủ Quốc Vụ Khanh, Hồng Y người Ý Angelo Becciu dàn dựng các cáo buộc chống lại ngài vào năm 2017 nhằm lật đổ ngài vì nỗ lực cải cách của ngài. Becciu đã phủ nhận các cáo buộc.

Sinh ra ở Ballarat vào tháng 6 năm 1941, Đức Hồng Y Pell vào chủng viện ở Werribee năm 1960 và được thụ phong linh mục năm 1966.

Ngài nhanh chóng trở thành một ngôi sao đang lên trong Giáo Hội Úc và tiếp tục có một sự nghiệp nổi bật trong giáo hội, được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá cho Melbourne vào năm 1987 và là tổng giám mục vào năm 1996. Ngài cũng được bổ nhiệm làm thành viên của một số bộ phận của Vatican.

Đức Hồng Y Pell được bổ nhiệm làm tổng giám mục Sydney vào năm 2001 và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y vào năm 2003 và tham gia mật nghị bầu Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, người đã qua đời vào ngày 31 tháng 12 ở tuổi 95. Đức Hồng Y Pell tham dự thánh lễ an táng Đức Bênêđictô ngày 5 tháng 1, 2023.

Với ảnh hưởng lâu dài của ngài đối với Công Giáo Úc, cuộc tranh cãi công khai gay gắt về việc ngài bị kết tội lạm dụng và được tha bổng, cũng như vai trò của ngài trong cải cách ở Vatican, cùng nhiều điều khác, Đức Hồng Y Pell dễ dàng là một trong những người khổng lồ hiện đại của Công Giáo, người đã để lại một di sản phức tạp không dễ gì bị lãng quên.

4. Giáo hội Úc cảm thấy ‘sốc’, đau buồn trước tin Đức Hồng Y Pell qua đời

Bản tin CNA, ngày 10 tháng 1 năm 2023, cho hay: Giáo Hội Công Giáo ở Úc đã phản ứng một cách ngạc nhiên và đau buồn trước tin cái chết của Đức Hồng Y George Pell, với một cựu thủ tướng nói rằng đất nước đã “mất đi một người con tuyệt vời và Giáo hội đã mất đi một nhà lãnh đạo vĩ đại.”

Đức Hồng Y Pell, nguyên bộ trưởng Văn phòng Kinh tế của Vatican, đã qua đời hôm thứ Ba tại Rôma ở tuổi 81 do ngừng tim.

“Tin tức này đến như một cú sốc lớn đối với tất cả chúng ta,” Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney cho biết trong một phản ứng đầu tiên trên Facebook.

“Xin hãy cầu nguyện cho linh hồn của Đức Hồng Y Pell được yên nghỉ, xin sự an ủi và ủi an cho gia đình của ngài cũng như cho tất cả những người yêu mến ngài và đang thương tiếc ngài vào lúc này.”

Đức Tổng Giám Mục Peter Comensoli của Melbourne đã phản ứng “rất buồn” trước tin này; ngài viết trên Twitter: “Xin ánh sáng vĩnh cửu giờ đây là của ngài, người đã kiên định tin vào Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô.”

Đức Giám Mục Richard Umbers, Giám Mục Phụ Tá ở Sydney, viết trên Twitter: “Hơn hẳn nhiều người, Đức Hồng Y Pell là một người rất thông minh và quảng bác, người thực sự quan tâm đến mọi người xung quanh mình.

“Một người tiên phong trong nhiều điều tốt đẹp ở Sydney, Australia và toàn bộ Giáo Hội. Xin cùng tôi cầu nguyện cho linh hồn ngài được yên nghỉ. Mong ngài được nghỉ yên.”

Nhiều tín hữu đã thêm thông điệp cá nhân trên phương tiện truyền thông xã hội, với một người tiếc thương viết: “Hãy yên nghỉ, Đức Hồng Y thân mến, trong vòng tay của Chúa. Dẫu cho hồn xác suy tàn, thì nơi ẩn náu, kỷ phần lòng con, muôn đời là Chúa cao tôn. Thánh vịnh 73:26.”

Một nhà bình luận khác nói: “Tôi tin chắc Đức Hồng Y George Pell sẽ chăm sóc giáo hội của chúng ta trong suốt những ngày sắp tới.”

Được bổ nhiệm vào năm 2014 làm bộ trưởng đầu tiên của Văn phòng Kinh tế của Vatican, Đức Hồng Y Pell từng là tổng giám mục của Sydney từ năm 2001 đến 2014. Trước đó, ngài là tổng giám mục của Melbourne từ năm 1996 đến 2001.

Cựu Thủ tướng Tony Abbott đã viết trong một tuyên bố đăng trên Twitter rằng Úc đã “mất đi một người con tuyệt vời và Giáo hội đã mất đi một nhà lãnh đạo vĩ đại.”

Abbott, người được đào tạo một thời gian ngắn như là một chủng sinh Công Giáo, đã ca ngợi Đức Hồng Y Pell là “người cam kết bảo vệ tính chính thống của Công Giáo và là người ủng hộ trung thành cho các đức tính của Nền văn minh phương Tây.”

Sinh năm 1941 tại thị trấn Ballarat, Đức Hồng Y Pell được thụ phong linh mục tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Rôma, năm 1966. Ngài học cả tại Đại Học Giáo Hoàng Urbaniana và Đại Học Oxford.

Là vị giáo phẩm cao cấp nhất của Giáo hội Úc và là một nhân vật công ăn nói thẳng thắn, Đức Hồng Y Pell được mô tả là “cấp tiến trong nhiều vấn đề xã hội” nhưng thường gây chia rẽ dư luận khi nói đến đạo đức và đức tin.

Cựu thủ tướng Úc viết: “Là một người bảo thủ về văn hóa và giáo hội, ngài đã thu hút được cả lời khen và chê từ mọi phía”.

“Thật ra, ngài là một linh mục rất mục vụ, người hiểu rõ vết nhơ của con người và thừa khả năng đồng cảm với tội nhân trong khi vẫn tư vấn chống lại tội lỗi.”

Đề cập đến thời gian Đức Hồng Y Pell ở tù vì bị cáo buộc lạm dụng tình dục, Abbott nói thêm: “Việc giam giữ ngài với những tội danh mà Tòa án Tối cao cuối cùng đã bác bỏ một cách gay gắt là một hình thức đóng đinh hiện đại; ít nhất có thể nói là một kiểu chết sống.

“Theo cách riêng của mình, bằng cách giải quyết một cách điềm đạm một cáo buộc quái dị, đối với tôi ngài như một vị thánh của thời đại chúng ta.”