Tờ Our Sunday Visitor (OSV) vừa cho đăng bài của Cha Patrick Briscoe phỏng vấn Giáo sư Trường Luật Harvard Mary Ann Glendon từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa thánh trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Bush. Trong cuộc phỏng vấn này, bà đại sứ chia sẻ những kỷ niệm đáng yêu của bà về chuyến thăm lịch sử của Đức Bênêđictô XVI tới Hoa Kỳ năm 2008 và suy tư về mối liên hệ nồng ấm của ngài với Tổng thống Bush. Đại sứ Glendon đưa ra cái nhìn sâu sắc về việc từ chức của cố giáo hoàng, thảo luận quan điểm của Đức Bênêđictô XVI về các nhà lãnh đạo phụ nữ trong Giáo hội, làm sáng tỏ bài diễn văn gây tranh cãi ở Regensburg và xem xét di sản của Đức Bênêđictô XVI.



OSV: Đâu là phản ứng của bà trước lời mời làm đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa thánh? Khoảnh khắc đó như thế nào khi bà đảm nhận vai trò này?

Mary Ann Glendon: Chà, tôi có thể nói với cha rằng tôi không mong đợi nhận được một cuộc điện thoại từ Nhà Trắng vào mùa hè năm đó hỏi liệu tôi có muốn trở thành đại sứ hay không. Bây giờ nghĩ lại, tôi nghĩ điều tôi nên nói là, “Chà, tôi sẽ phải suy nghĩ về điều đó. Tôi sẽ phải thảo luận với chồng tôi.” Nhưng tôi nói, “Vâng, tôi rất thích điều đó.” Một mặt, tôi biết chồng tôi cũng sẽ hạnh phúc như tôi, mặt khác, cha biết đấy, tôi là một nhà học thuật, nhưng giống như nhiều khoa khác, Trường Luật Harvard thực sự thích nhìn thấy các giáo sư của mình phục vụ cộng đồng. Tôi đã từng phục vụ trong các ủy ban của chính phủ trước đây, và tôi nghĩ rằng đó là một điều tốt để làm cho Giáo hội, cho đất nước của tôi và cho các sinh viên của tôi.

Cú điện thoại xẩy đến hoàn toàn bất ngờ. Tôi hoàn toàn không có một ý niệm mơ hồ nào. Tất nhiên, tôi đã từng phục vụ Tổng thống Bush với những tư cách khác và cùng với Cha [Richard John] Neuhaus và George Weigel, tôi đã thỉnh thoảng gặp ông ấy.

Viếng thăm Hoa Kỳ

OSV: Một trong những điều thú vị nhất, có thể nói, đã xảy ra trong nhiệm kỳ của bà là chào đón Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đến Hoa Kỳ. Bà cảm thấy thế nào khi làm việc để tổ chức chuyến thăm này? Những điều mà bà thực sự muốn chứng kiến có thành hiện thực không? Có khoảnh khắc nào mà bà nghĩ là dứt khoát đối với đời sống của Giáo hội Hoa Kỳ không?

Glendon: Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ năm 2008 là chuyến viếng thăm đầu tiên và duy nhất của Đức Bênêđictô XVI trên cương vị giáo hoàng, và đó là điều đầu tiên mà tôi và nhân viên của tôi tại tòa đại sứ phải chuẩn bị. Khi tôi xuất trình thư ủy nhiệm của mình, chúng tôi chỉ còn vài tháng nữa là đến chuyến thăm.

Có rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ về chuyến thăm đó bởi vì, như cha biết đấy, thật phi thường khi đã có một cuộc gặp trước đó giữa Đức Bênêđictô XVI và Tổng thống Bush chỉ vài tháng trước đó vào tháng 6 năm 2007. Đối với các nhà quan sát, rõ ràng là một mối quan hệ rất thân mật đã phát triển giữa tổng thống và Đức Giáo Hoàng. Nó khiến nhiều người bất ngờ vì tính cách của cả hai vị quá khác biệt.

Tôi nghĩ một biểu tượng cho thấy mối quan hệ khó có thể có đó phi thường như thế nào là tổng thống và tôi cùng những người khác đã đến Căn cứ Không quân Andrews để gặp Đức Giáo Hoàng khi ngài đến. Đây là lần đầu tiên và duy nhất Tổng thống Bush ra ngoài gặp gỡ một nguyên thủ quốc gia nước ngoài. Tôi rất thích thú với việc chúng tôi đang đứng xung quanh, đợi máy bay của Đức Giáo Hoàng hạ cánh. Có người hỏi tổng thống, “Làm sao ngài lại ra đây để gặp Đức Giáo Hoàng?” Và Tổng thống Bush trả lời: “Rất đơn giản. Ngài là nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại nhất trên thế giới.” Thực thế, khi Đức Giáo Hoàng xuống máy bay và hai người ngồi xuống nói chuyện vài phút và uống chút nước cam, Tổng thống Bush đã nói: “Thưa Đức Thánh Cha, mọi người đã hỏi tôi tại sao tôi lại ra đây để gặp ngài, và tôi đã nói với họ rằng đó là bởi vì ngài là nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại nhất trên toàn thế giới.” Vì vậy, điều rõ ràng với tôi là mối liên hệ đã có một khởi đầu tuyệt vời.

Nhưng quay trở lại câu hỏi của cha về những điểm nổi bật hoặc những khoảnh khắc đặc biệt trong chuyến đi… đó là một chuyến thăm như gió cuốn. Có 16 bài phát biểu của vị giáo hoàng này trong năm ngày, nhưng có hai bài thực sự in đậm trong trí nhớ của tôi. Một là buổi lễ trên Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng. Hôm đó là sinh nhật lần thứ 80 của Đức Giáo Hoàng, và điều thật cảm động là khi tổng thống nói rằng đây là sinh nhật của Đức Giáo Hoàng, toàn bộ cử tọa đã đồng thanh hát bài “Chúc mừng sinh nhật”. Và Đức Giáo Hoàng, mặc dù thành công rực rỡ như một nhân vật công cộng, nhưng chỉ mỉm cười một cách ngượng ngùng rồi giơ hai tay lên và nở một nụ cười thật tươi trên môi. Sau đó, khi tổng thống và Đức Giáo Hoàng trao đổi nhận xét, nó giống như một bản song ca. Cả hai nhà lãnh đạo đều có chung chủ đề: tự do là điều quý giá cần phải làm việc để duy trì cho sống động, và một xã hội tự do và tao nhã là một xã hội biết quan tâm đến những người yếu thế và dễ bị tổn thương nhất. Đó là một dịp đẹp đẽ, cảm động.

Biến cố thứ hai mà tôi nghĩ thực sự mang tính lịch sử là bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc. Cha biết đấy, tôi đặc biệt quan tâm đến sự kiện kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Đức Giáo Hoàng bắt đầu, giống như những vị tiền nhiệm của ngài, bằng cách ca ngợi văn kiện đó như một sự kiện vĩ đại trong lịch sử nhân loại, nhưng sau đó ngài tiếp tục đưa ra lời phê bình sâu sắc nhất về sự thao túng và hiểu lầm về dự án nhân quyền trong thời gian gần đây. Căn cứ vào đó, quả hơi ngạc nhiên khi ngài nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ hội trường chật cứng người đó... Sau đó, tôi chợt nhận ra rằng mặc dù nhận xét của ngài thật đáng ngạc nhiên, nhưng tôi nghĩ các nhà ngoại giao ở đó, những người trần tục đó, tôi nghĩ họ cảm thấy nhẹ nhõm khi lắng nghe ai đó nói với tư cách là nhân chứng đạo đức. Họ phải biết rằng họ đang lắng nghe một ai đó, giống như mọi đại diện của Tòa thánh, được giao nhiệm vụ nói và hành động vì lợi ích của nhân loại, không những cho thực thể có chủ quyền mà vị này đại diện và không những cho người Công Giáo. Tôi nghĩ họ cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe một ai đó nói như vậy.

Di sản

OSV: Sau chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, Tổng thống Bush đã đến thăm Đức Giáo Hoàng một lần nữa tại Vatican. Nó dường như còn đáng chú ý hơn vì những căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Tòa thánh liên quan đến cuộc xâm lược Iraq do người Mỹ lãnh đạo. Các vị đã chia sẻ những chủ đề hoặc mối quan tâm nào thuộc về di sản của Đức Bênêđictô?

Glendon: Khi có liên quan đến cuộc chiến ở Iraq, đã có một mức độ căng thẳng đáng kể giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh. Nhưng vào thời điểm Đức Bênêđictô trở thành giáo hoàng, tình hình đã thay đổi. Đức Bênêđictô XVI tập trung vào việc nhìn về phía trước, thay vì xem xét lại những bất đồng đã gây ra căng thẳng trong quá khứ. Mối quan tâm chính của ngài vào thời điểm tôi trở thành đại sứ là việc Mỹ đột ngột rút quân khỏi Iraq sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn gia tăng và đàn áp các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác không những ở Iraq mà còn ở các khu vực khác của Trung Đông. Chúng tôi hoàn toàn coi điều này như các biến cố đã khai triển.

Đó là bối cảnh của mối liên hệ thân tình đã phát triển giữa Tổng thống Bush và Đức Giáo Hoàng. Một yếu tố khác là Đức Giáo Hoàng đã nhận thức được đức tin Kitô giáo sâu sắc của tổng thống. Các vị có nhiều cam kết chung, và các chủ đề chính mà các ngài thảo luận bao gồm, chẳng hạn như tăng cường sự đồng thuận về đạo đức chống khủng bố, chống việc sử dụng tôn giáo như một cái cớ cho bạo lực, thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông và quan tâm đến số phận của thiểu số Kitô giáo bị đàn áp.

OSV: Đức Bênêđictô XVI phản đối rộng rãi và trực tiếp việc loại bỏ sự thật khách quan trong xã hội, một khuynh hướng văn hóa và trí thức mà ngài gọi là “chế độ độc tài của thuyết tương đối”. Nhìn lại công việc của Đức Thánh Cha, từ quan điểm của riêng bà trong học thuật, bà nghĩ ngày nay những ý tưởng của ngài về sự thật khách quan đang được đón nhận như thế nào? Làm thế nào chúng đứng vững trong những năm tới?

Glendon: Chà, tôi nghĩ ngài sẽ luôn được công nhận, cùng với các nhà thần học như Bernard Lonergan và những người khác, là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu về chủ đề đó. Tôi nghĩ ngài có năng khiếu truyền đạt về điều đó giúp ngài tiếp cận được một cử tọa rộng lớn hơn, nhưng cuộc tranh luận sẽ luôn tiếp diễn.

OSV: Nhiều người dán nhãn hiệu giáo sư cho Đức Giáo Hoàng Bênêđictô và phân loại ngài hoặc loại bỏ ngài vì danh hiệu đó. Bà có thấy đó là trường hợp trong kinh nghiệm của bà với Đức Bênêđictô không?

Glendon: Không hề. Đúng là nhiều người nghi ngờ liệu người mà họ biết như Joseph Ratzinger nhút nhát và uyên bác có thể giao tiếp hữu hiệu với nhiều đối tượng khác nhau ở quảng trường công cộng hay không. Nhưng tôi nghĩ ngài đã nhanh chóng và hoàn toàn xua tan ý tưởng đó bằng những bài phát biểu tuyệt vời của ngài. Tôi nghĩ một số bài viết hay nhất của ngài là những bài phát biểu tương đối ngắn mà ngài đã đưa ra trong các diễn đàn thế giới, chẳng hạn như Quốc hội Anh tại Westminster, Bundestag của Đức, cung điện Elysees, Nhà Trắng và Liên Hợp Quốc. Những bài phát biểu đó nói rõ rằng, giống như người tiền nhiệm của ngài, ngài sẽ sử dụng diễn đàn công khai của mình để trở thành nhân chứng đạo đức hoàn cầu, và ngài có thể nói về những chủ đề lớn lao về nhân quyền, tự do tôn giáo và sức mạnh tổng hợp giữa đức tin và lý trí một cách sẽ gây ấn tượng sâu sắc đối với nhiều tâm trí thế tục. Đó là những gì đã xảy ra ở Paris - chính cái nôi của chủ nghĩa thế tục. Khi đọc xong bài diễn văn ở đó, Tổng thống Nicolas Sarkozy nói, “Nhưng ngài nói đúng, chúng ta phải suy nghĩ lại toàn bộ khái niệm về chủ nghĩa duy thế tục này.” Tất cả các nhà báo Anh đều cho rằng ngài sẽ được tiếp đón rất lạnh nhạt tại Quốc hội Anh ở Westminster. Nhưng kết cục, ngài đã được chào đón nồng nhiệt ở đó. Người ta thích nghe một ai đó nói rõ ràng và nhất quán về những vấn đề lớn của thời đại chúng ta.

Một trong những điều đã xảy ra khi bắt đầu bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô là ngài được coi là nhà đổi mới vĩ đại của ngôi vị giáo hoàng. Đó là cách ngài được tri nhận trên các phương tiện truyền thông chính thống. Nhưng bản thân Đức Bênêđictô là một vị giáo hoàng của nhiều điều đầu tiên. Chẳng hạn, ngay từ đầu, trên huy hiệu của ngài, ngài đã thay chiếc vương miện của giáo hoàng bằng một chiếc mũ đội đầu đơn giản. Ý tôi là, có nhiều tín hiệu nhỏ. Thí dụ, ngài đã mang theo chiếc cặp của mình sau cuộc bầu cử, giống như Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Có nhiều dấu hiệu cho thấy ngài muốn tưởng tượng mình như một người tôi tớ trước nhất ra sao.

OSV: Bà có ngạc nhiên về việc từ chức của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô không?

Glendon: Không hề. Hầu hết chúng ta đều không biết vào thời điểm đó, ngài phải đối đầu với những cuộc khủng hoảng lớn trong lĩnh vực sai trái về tình dục và tài chính. Rất ít người nhận ra gánh nặng đã được đặt lên đôi vai già yếu và già nua đó như thế nào khi ngài trở thành giáo hoàng.

Tôi nhớ lại khi tôi trình ủy nhiệm thư của tôi cho ngài khi tôi đến Rome. Có một khoảnh khắc trong buổi lễ đó lúc chỉ có Đức Giáo Hoàng và tân đại sứ nói chuyện riêng. Hầu hết những gì chúng tôi nói đến là sự khác biệt giữa đời sống học thuật và đời sống công cộng. Đây chỉ là cách giải thích của tôi, nhưng tôi cảm thấy có một chút tiếc nhớ nào đó trong giọng nói của ngài, nhưng tôi không biết lúc đó ngài đang đối đầu với điều gì.

Tôi nhớ có đủ loại giả thuyết về lý do tại sao ngài lại làm một việc như vậy, nhưng lúc đó tôi đã hiểu rõ hơn về những gì ngài đang giải quyết vì ngài đã đề nghị tôi làm chủ tịch một ủy ban, một ủy ban của Bộ Ngoại giao, về khả thể có thể xảy ra một vụ kiện chống lại Tòa Thánh tại Hoa Kỳ. Từ vọng nhìn đó, tôi có một ý tưởng khá rõ về những gì ngài đang phải đối đầu. Và vì vậy tôi coi lời tuyên bố của chính ngài theo giá trị biểu kiến, tức việc ngài nhận ra rằng sức lực và gánh nặng tuổi tác của ngài không còn phù hợp để điều hành Chức vụ Phêrô nữa.

Phụ nữ trong Giáo hội

OSV: Ngày nay có nhiều câu hỏi về phụ nữ và các vị trí quyền hành mà họ nắm giữ trong Giáo Hội Công Giáo. Là một phụ nữ đã nắm giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng trong Giáo hội, bà nghĩ Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã đóng góp gì cho việc trao quyền cho phụ nữ?

Glendon: Tôi nghĩ quan điểm của ngài rất giống với quan điểm của vị tiền nhiệm, vị mà như cha biết, đã không ngần ngại bổ nhiệm phụ nữ, bao gồm cả tôi, vào các vị trí lãnh đạo. Tôi nghĩ ngài sẽ làm được nhiều hơn thế nếu ngài không phải đối đầu với quá nhiều khủng hoảng. Chẳng hạn, chính Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, người đã nhấn mạnh rằng L’Osservatore Romano - tờ báo chưa bao giờ có nữ phóng viên cho đến năm 2012, cha có thể tưởng tượng được không? – nên dành cho phụ nữ nhiều không gian hơn trên báo. Điều này dẫn đến việc thuê nhà duy nữ Công Giáo nổi tiếng Lucetta Scott. Sau đó, cô trở thành biên tập viên của phụ trương hàng tháng cho tờ báo và mang theo một đội gồm toàn phụ nữ. Vì vậy, trong khi nhân cách của ngài ít cởi mở hơn so với Đức Gioan Phaolô II, trong vấn đề này, tôi nghĩ quan điểm của ngài rất giống nhau. Ngài chắc chắn rất thoải mái với các nhà thần học nữ. Ngài đã bổ nhiệm lại tôi, khi tôi đã hoàn thành chức vụ đại sứ của mình, làm chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội. Tôi nghĩ rằng ngài thực sự muốn làm nhiều hơn, nhưng chỉ đơn giản là bị choáng ngợp bởi những điều khác.

OSV: Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã có một bài diễn văn gây nhiều tranh cãi ở Regensburg, vì việc ngài trích dẫn một bài phê bình lịch sử đối với Hồi giáo, đã châm ngòi cho bạo lực và chống đối khắp thế giới Hồi giáo. Bà nghĩ gì về việc tiếp tục tiếp nhận bài phát biểu đó?

Glendon: Tôi đã tham dự một cuộc họp vào tháng 11, tại đó, lần đầu tiên tại G20, có một diễn đàn cho tôn giáo được tổ chức trước cuộc họp. Tôi đã có mặt tại cuộc họp này, được gọi là R20, và tôi đã có cơ hội nghe nhiều cuộc nói chuyện của các nhà lãnh đạo của hiệp hội chính trị Hồi giáo lớn nhất thế giới. Nó được gọi là Nahdlatul Ulama và nó có 100 triệu thành viên đăng ký theo một hình thức Hồi giáo chấp nhận tự do tôn giáo và bác bỏ việc sử dụng tôn giáo như một cái cớ cho bạo lực. Thật thú vị, phong trào này coi Công đồng Vatican II như một mô hình về cách Hồi giáo có thể xem xét lại quá khứ của mình và bỏ lại đằng sau những điều không cần thiết đối với cốt lõi của đức tin và tiến lên phía trước. Tất cả những gì tôi nghe được từ các nhà lãnh đạo của Nahdlatul Ulama không chỉ nhắc tôi nhớ đến Vatican II mà còn nhớ đến bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô tại Regensburg. Vào thời điểm bài phát biểu, những người theo dõi nhận xét của ngài đã tập trung vào việc ngài trích dẫn một nhận xét chống Hồi giáo của một hoàng đế thế kỷ 14. Tuy nhiên, bản chất thông điệp của Đức Bênêđictô XVI tại Regensburg là Hồi giáo cần phải trải qua một điều gì đó giống như Công đồng Vatican II để có thể đối đầu với chủ nghĩa thế tục và tiến lên theo cách giữ được tính liên tục với bản chất của đức tin.

Đối với tôi tại R20, rõ ràng là các nhà lãnh đạo của Nahdlatul Ulama đã đọc kỹ bài diễn văn tại Regensburg và họ, không giống như hầu hết các phóng viên đã đưa tin về nó, hiểu thông điệp chính, đó là lời cảnh báo về những bệnh lý đáng lo ngại xảy ra khi tôn giáo và lý trí ly hôn, khi đức tin và lý trí bị ngăn cách. Không có việc nhắc đến diễn văn Regensburg, tuy nhiên tôi có ấn tượng mạnh mẽ rằng bài phát biểu đó thực sự được các nhà lãnh đạo của tổ chức Hồi giáo lớn nhất thế giới này đánh giá cao.

OSV: Để kết luận, bà nghĩ những khía cạnh nào trong di sản của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô sẽ vượt qua sự phán xét của thời gian một cách tốt nhất? Bà nghĩ mọi người sẽ nhìn lại vị giáo hoàng này như thế nào?

Glendon: Tôi nghĩ rằng ngài sẽ được nhớ đến như một nhà thần học vĩ đại, và điều đó bắt nguồn từ việc ngài tham gia Vatican II. Nhiều người thích câu chuyện về Đức Bênêđictô, nói rằng ngài là một nhà thần học cấp tiến đi trước thời đại của mình, nhưng đã trở nên bảo thủ trong những năm sau đó. Tôi nghĩ điều đó chứng tỏ rằng họ chưa đọc nhiều tác phẩm của Joseph Ratzinger / Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, bởi vì thực tế là chưa từng có một vị giáo hoàng nào nói rõ ràng về sự cần thiết phải chào đón những khía cạnh tích cực của tính hiện đại. Hãy nghĩ về nhiều tài liệu tham khảo của ngài về điều mà ngài gọi là những hồng phúc tốt đẹp của Phong trào Ánh sáng, những thành tựu tốt đẹp của thời hiện đại. Ngài nhấn mạnh đến hợp lực giữa đức tin và lý trí, đến nỗi đức tin không có lý trí dễ trở thành chủ nghĩa cực đoan và lý trí mà không có đức tin dễ dẫn con người vào những chỗ rất tăm tối. Ngài sẽ được nhớ đến vì điều gì với tư cách là giáo hoàng? Ngài sẽ được nhớ đến như một nhân chứng đạo đức vĩ đại. Ngài là người đã cố gắng truyền bá tinh thần đích thực của Công đồng Vatican II. Ngài đã cố gắng duy trì tính liên tục với những chân lý luôn cổ xưa và luôn mới mẻ bằng cách mang thông điệp Tin Mừng đến thế giới hiện đại ở quảng trường công cộng.