1. Đức Bênêđíctô chắc chắn sẽ là Tiến sĩ Hội thánh tương lai

Một số trí thức Công Giáo dự đoán rằng một ngày nào đó Đức Bênêđíctô sẽ được tuyên bố là Tiến sĩ Hội thánh.

Đức Bênêđíctô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ở Castel Galdofo

Linh mục Dòng Tên, Joseph Fessio, người sáng lập và biên tập viên của nhà xuất bản Ignatius Press, có bằng tiến sĩ do Giáo sư Joseph Ratzinger tại Đại học Regensburg hướng dẫn, nói: “Tôi không tin rằng việc trở thành giáo hoàng là bằng chứng của sự thánh thiện, cũng không phải là cơ sở đủ để phong thánh. Nhưng đối với Đức Joseph Ratzinger thì tôi tin. Tôi không biết bất cứ ai từng làm việc gần gũi với ngài lại không nhận ra sự thánh thiện và tài năng của ngài. Ngoài việc hy vọng được santo subito, nghĩa là phong thánh ngay tức khắc, tôi còn mong ngài được tuyên bố là Tiến sĩ Hội thánh”.

Cha Vincent Twomey, Dòng Ngôi Lời, Giáo sư hồi hưu về Thần học tại Đại học Giáo hoàng Thánh Patrick, Maynooth, Ái Nhĩ Lan, cũng là một cựu nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đức Ratzinger, cho biết Đức Bênêđictô XVI sẽ được nhớ đến “trên hết là vì các tác phẩm văn học và học thuật của ngài. Các bài viết của ngài về nhiều chủ đề thần học và triết học có sự rõ ràng và chiều sâu khiến cho thần học của ngài trở nên truyền cảm hứng và do đó mang tính giải phóng. Thần học của ngài cũng kích thích nghiên cứu sâu hơn về mặt học thuật, vì tất cả những gì ngài có thể làm là phác họa những đường nét của sự thật. Các thế hệ tương lai thuộc mọi tầng lớp xã hội sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng trong các bài giảng của ngài và trong các bài viết mục vụ của ngài với tư cách là giáo hoàng; thông điệp của ngài về tình yêu và hy vọng phải được xếp vào hàng xuất sắc nhất từng được viết ra từ ngòi bút của một vị giáo hoàng.”

Robert Royal, chủ tịch của Viện Faith & Reason, nhận xét rằng cái chết của Đức Bênêđíctô “đánh dấu sự kết thúc của một cuộc đời vĩ đại đã thay đổi Giáo hội — và thế giới — và sẽ tiếp tục như vậy trong nhiều năm tới. Với sự thông minh, trí tưởng tượng, sự khiêm tốn và đức tin vững vàng, ngài giống với các Giáo phụ, những người mà ngài yêu mến, nghiên cứu và gánh vác trong thời đại khó khăn của chúng ta. Ngài đồng hành với các ngài và nên được phong là Tiến sĩ Hội thánh. Chúa ban cho ngài phần thưởng vĩnh cửu mà ngài rất xứng đáng.”

Tiến sĩ Peter Kreeft, giáo sư triết học tại Đại học Boston và là tác giả của cuốn Wisdom From the Psalms, nghĩa là Sự khôn ngoan từ các Thánh vịnh, đã gọi Đức Bênêđíctô là “hồng ân của Thiên Chúa, một trong những giáo sư giỏi nhất mà chúng ta từng có, ngang hàng với Đức Grêgôriô Cả, Lêô Cả và Lêô 13. Người chắc chắn làm thánh và cuối cùng là một Tiến sĩ Hội thánh”.

Mark Brumley, chủ tịch của Ignatius Press, đã xuất bản bản dịch tiếng Anh của nhiều cuốn sách của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô, nói rằng cùng với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô “đã phục vụ Chúa và dân của Người một cách mạnh mẽ bằng cách giúp Giáo Hội Công Giáo tiếp tục thực hiện cải cách một cách trung thành, chứ không phải hoàn toàn gián đoạn hoặc quay trở lại quá khứ một cách thiếu phê phán. Ngài là một động lực chính cho sự trung thành với Tin Mừng và bắt tay với thế giới hiện đại.”

George Weigel, thành viên cao cấp xuất sắc và giữ ghế William E. Simon về Nghiên cứu Công Giáo tại Trung tâm Chính sách Công và Đạo đức, nói rằng Đức Bênêđíctô là “một trong những nhà thần học Công Giáo sáng tạo nhất của thời hiện đại và được cho là vị giáo hoàng thuyết giáo vĩ đại nhất kể từ Đức Thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả. Trong hơn 30 năm quen biết và trò chuyện với ngài, tôi thấy ngài là một Kitô hữu phong nhã hoàn hảo, một người có đức tin sâu sắc và tính tình dễ mến. Tôi có đặc ân được dạy và làm việc với nhiều người nam nữ xuất sắc; không ai tôi từng gặp có đầu óc minh mẫn và ngăn nắp hơn Đức Joseph Ratzinger. Ngài tin rằng sự thật của Tin Mừng là sự thật của thế gian, và ngài đã nỗ lực hết sức để giúp những người khác hiểu sự thật này”.

Tim Gray, chủ tịch của Viện Augustine, nói rằng Đức Bênêđíctô “đã chúc lành cho Giáo hội bằng cách làm gương cho việc đức tin tìm kiếm sự hiểu biết ra sao trong thời hậu hiện đại. Khiêm tốn bổ sung cho người bạn và là người tiền nhiệm của mình, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô Cả, ngài đã cho thấy cách Công đồng Vatican II đã trung thành áp dụng Lời Chúa và việc loan báo Tin Mừng như một phương cách để chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng về sự thật mà chúng ta đang phải đối diện. Tôi đặc biệt nghĩ rằng Thông điệp về Hy vọng của ngài, ‘Spe Salvi,’ mang tính tiên tri. Ngài nói về niềm hy vọng thách thức chúng ta từ bỏ sự thoải mái để ôm lấy thập giá, cố gắng hướng tới niềm hy vọng mà Chúa Kitô đã dành sẵn cho chúng ta trên thiên đàng. Tôi cầu nguyện để lúc này, ngài có thể thể hiện niềm hy vọng mà ngài ấp ủ và niềm hy vọng mà ngài đã thách thức Giáo hội nắm giữ trên tất cả những niềm hy vọng khác”.

2. Năm trích dẫn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về đức tin

Cái chết của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên trong đó nhà văn nổi bật và diễn giả đầy thuyết phục này đã viết và đã trình bày nhiều những suy tư của mình về đức tin Công Giáo.

Khi nói và viết về đức tin, Đức cố Giáo Hoàng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của chính đức tin và sự cần thiết của đức tin trong việc thúc đẩy mối quan hệ của một người với Thiên Chúa. Dưới đây là năm lần Đức Bênêđictô XVI nói về đức tin như một nhân đức đối thần quan yếu.

Niềm tin không chỉ là 'sự đồng ý của trí tuệ'

Trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư của Đức Thánh Cha tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 24 tháng 10 năm 2012, ngài nói với đám đông: “Đức tin là ân sủng của Thiên Chúa, nhưng nó cũng là một hành vi nhân bản và hoàn toàn tự do.”

Nói về đức tin trong “Năm Đức Tin” — kéo dài từ tháng 10 năm 2012 đến tháng 11 năm 2013 — Đức Bênêđíctô nói: “Đức tin không phải là sự đồng ý đơn thuần về trí tuệ của con người đối với các chân lý cụ thể về Thiên Chúa; đó là một hành động mà tôi hoàn toàn phó thác mình cho một Thiên Chúa là Cha và là Đấng yêu thương tôi; đó là sự gắn bó với một 'Bạn', là người đã cho tôi hy vọng và tin tưởng.

Đức tin là cuộc gặp gỡ với Chúa

Cũng trong buổi tiếp kiến hôm thứ Tư đó, Đức Bênêđíctô nói thêm rằng “Như thế, có đức tin là gặp được 'người bạn' là Thiên Chúa, là Đấng nâng đỡ tôi và ban cho tôi lời hứa về một tình yêu không thể bị phá hủy, không chỉ khao khát sự vĩnh cửu mà còn trao ban sự vĩnh cửu ấy; nó có nghĩa là phó thác bản thân mình cho Chúa với thái độ của một đứa trẻ, một đứa trẻ biết rõ rằng mọi khó khăn, mọi vấn đề của nó đều được thấu hiểu nơi ‘người bạn’ là mẹ nó.”

Được cứu nhờ đức tin là một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho mọi người.

Trong bài suy niệm của mình, ngài mời cộng đoàn hãy tự hỏi “Nơi đâu con người có thể tìm thấy sự cởi mở của con tim và tâm hồn để tin vào Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại, để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa hầu cho Chúa Kitô và Tin Mừng của Người được nên người dẫn đường và ánh sáng cho cuộc sống của chúng ta?”

Đức Bênêđíctô trả lời: “Chúng ta có thể tin vào Thiên Chúa vì Người đến gần chúng ta và chạm đến chúng ta, vì Chúa Thánh Thần, quà tặng của Đấng Phục Sinh, giúp chúng ta đón nhận Thiên Chúa hằng sống. Như vậy, đức tin trước hết là một hồng ân siêu nhiên, một hồng ân của Thiên Chúa.”

Đức tin của Đức Trinh Nữ Maria

Mẹ Thiên Chúa đã sống cuộc đời tràn đầy đức tin như thế nào, trước mọi thử thách mà Mẹ phải chịu đựng trong suốt cuộc đời? Đây chính là câu hỏi mà Đức Bênêđictô XVI đã đặt ra cho cộng đoàn trong buổi tiếp kiến thứ Tư của ngài vào ngày 19 tháng 12 năm 2012, tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican.

Ngài trả lời bằng cách đưa ra ví dụ về chương đầu tiên của Tin Mừng Luca, trong đó Đức Maria vừa “suy niệm” vừa “suy ngẫm” về lời chào của Tổng lãnh thiên thần Gabriel dành cho mình.

“Đức Maria ngẫm nghĩ, Mẹ cân nhắc về ý nghĩa của lời chào này. Từ Hy Lạp được sử dụng trong Phúc âm để định nghĩa 'sự suy tư' này, là 'dielogizeto', gợi nhớ đến từ ngữ nguyên bản của từ 'đối thoại'.”

Ngài nói thêm: “Điều này có nghĩa là Mẹ Maria đi sâu vào cuộc đối thoại với Lời Chúa đã được loan báo cho Mẹ, Mẹ không xem Lời ấy một cách hời hợt nhưng suy niệm, để Lời ấy thấm vào tâm trí Mẹ để hiểu được điều Chúa muốn nơi Mẹ, hay ý nghĩa của lời Thiên Thần truyền.

“Mẹ Maria không dừng lại ở sự hiểu biết hời hợt ban đầu về những gì đang xảy ra trong cuộc đời Mẹ, nhưng có thể nhìn vào chiều sâu, Mẹ đặt mình vào câu hỏi của các sự kiện, tiêu hóa chúng, phân biệt chúng và đạt được sự hiểu biết mà chỉ có đức tin mới có thể cung cấp. Đó là sự khiêm nhường sâu xa trong đức tin vâng phục của Đức Maria, người đón nhận nơi mình ngay cả những gì Mẹ không hiểu được trong hành động của Thiên Chúa, để Thiên Chúa mở rộng tâm trí của Mẹ.”

Niềm tin: một bằng chứng của những điều vô hình

Trong thông điệp Spe salvi năm 2007, Đức Bênêđictô XVI đã vẽ ra những mối liên hệ rộng lớn giữa các nhân đức quan yếu là đức tin và đức cậy.

Trong tiêu đề phụ đầu tiên của thông điệp, Đức Bênêđictô nói rằng đức tin là niềm hy vọng.

Ngài viết: “Đức tin không chỉ đơn thuần là sự vươn tới của cá nhân đối với những điều sẽ xảy ra mà vẫn hoàn toàn chưa có: đức tin mang lại cho chúng ta một điều gì đó. Đức tin mang lại cho chúng ta ngay bây giờ một cái gì đó của thực tại mà chúng ta đang chờ đợi, và thực tại ngay bây giờ này tạo thành một 'bằng chứng' cho chúng ta về những điều vẫn chưa được nhìn thấy. Niềm tin kéo tương lai vào hiện tại, để nó không còn đơn giản là 'chưa'. Thực tế trong đó tương lai này tồn tại thay đổi hiện tại; hiện tại được chạm đến bởi thực tại tương lai, và do đó, những thứ của tương lai tràn vào những thứ của hiện tại và những thứ của hiện tại tràn vào những thứ của tương lai.”

Về những niềm tin không sinh hoa trái

Trong Tự sắc Porta fidei hay Cửa đức tin năm 2011 của Đức Bênêđictô, ngài đã viết về tầm quan trọng của lòng bác ái và mối liên hệ của đức ái với đức tin.

Đức Thánh Cha viết: “Đức tin không có đức ái thì không sinh hoa trái, trong khi đức ái không có đức tin sẽ là một tình cảm luôn bị nghi ngờ”.

Ngài nói tiếp: “Đức tin và lòng bác ái mỗi thứ đòi hỏi nhau, theo cách mà cái này cho phép cái kia đi theo con đường tương ứng của nó. Thật vậy, nhiều Kitô hữu hiến dâng cuộc sống của họ với tình yêu thương cho những người cô đơn, bị gạt ra bên lề hoặc bị loại trừ, như những người đầu tiên đòi hỏi sự chú ý của chúng ta và những người quan trọng nhất để chúng ta nâng đỡ, bởi vì chính nơi họ phản ánh khuôn mặt của chính Chúa Kitô được nhìn thấy. Nhờ đức tin, chúng ta có thể nhận ra khuôn mặt của Chúa phục sinh nơi những người cầu xin tình yêu của chúng ta.”
Source:Catholic News Agency