Như các nguồn Công Giáo đã loan tin, ngày 28 tháng 12 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày mất của Thánh Phanxicô đệ Salê, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành tông thư Totum amoris est (Tất cả liên quan đến Tình yêu). Sau đây là nguyên văn Tông thư dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh phổ biến



“Tất cả liên quan đến tình yêu”[1]. Những lời này tóm tắt di sản thiêng liêng của Thánh Phanxicô đệ Salê để lại cho chúng ta, người đã qua đời cách đây bốn thế kỷ, vào ngày 28 tháng 12 năm 1622, tại Lyon. Vừa ngoài năm mươi tuổi, ngài đã là Giám mục và Hoàng tử Geneva “lưu vong” trong khoảng hai thập niên, và đã đến Lyon trong sứ mệnh ngoại giao cuối cùng của mình. Công tước xứ Savoy đã yêu cầu ngài tháp tùng Đức Hồng Y Maurice của Savoy đến Avignon, nơi họ bày tỏ lòng kính trọng với vị vua trẻ Louis XIII, sau đó trở về Paris qua thung lũng Rhône sau một chiến dịch quân sự thắng lợi ở miền nam nước Pháp. Kiệt sức và sức khỏe kém, Thánh Phanxicô đã thực hiện cuộc hành trình với tinh thần phục vụ thuần túy. “Nếu tôi thực hiện chuyến đi này không hữu ích nhất cho họ, thì chắc chắn tôi sẽ có nhiều lý do chính đáng để thoái thác. Tuy nhiên, nếu tôi có thể giúp được gì, dù sống hay chết, tôi sẽ không từ chối, nhưng sẽ đi hoặc để mình bị kéo đến đó”[2]. Đó là tính cách của ngài. Khi đến Lyon, ngài ở tại tu viện của các Nữ tu Thăm Viếng, trong chỗ ở của người làm vườn, để không trở thành gánh nặng và được tự do gặp gỡ bất cứ ai muốn.

Từ lâu đã chán nản với “vinh quang phù du của triều đình”,[3] ngài đã dành những ngày cuối cùng đó để thi hành thừa tác vụ mục tử của mình giữa rất nhiều bổn phận: giải tội, trò chuyện, hội nghị, bài giảng, và tất nhiên, cả những lá thư bày tỏ tình bạn thiêng liêng. Lý do sâu xa nhất cho một lối sống như vậy, hoàn toàn tập trung vào Thiên Chúa, đã trở nên rõ ràng hơn với ngài theo thời gian. Ngài giải thích điều đó một cách đơn giản và chính xác trong Luận thuyết về Tình yêu Thiên Chúa nổi tiếng của ngài: “Ngay khi nghĩ đến Thiên Chúa, người ta lập tức cảm thấy một cảm xúc vui sướng nào đó trong lòng, điều này chứng tỏ Thiên Chúa là Thiên Chúa của tâm hồn con người”[4]. Những lời này là sự tổng hợp hoàn hảo tư tưởng của ngài. Kinh nghiệm về Thiên Chúa nội tại đối với trái tim con người. Khác xa với một cấu trúc tinh thần, nó là một sự thừa nhận, một cách đầy kính sợ và biết ơn, sự mac khải của Thiên Chúa. Trong trái tim và qua trái tim, diễn ra một quá trình tinh tế, mãnh liệt và thống nhất, trong đó chúng ta nhận biết Thiên Chúa, đồng thời biết chính chúng ta, nguồn gốc và chiều sâu của chính chúng ta, và sự hoàn thành của chúng ta trong ơn gọi yêu thương. Chúng ta khám phá ra niềm tin không phải là một cảm xúc mù quáng, mà chủ yếu là một thái độ của trái tim, theo đó chúng ta tin tưởng vào một sự thật lôi cuốn ý thức chúng ta như một “cảm xúc ngọt ngào” và như ngài thường nói, đánh thức trong ta một lòng nhân từ lâu dài đối với tất cả các tạo vật.

Dưới ánh sáng này, chúng ta có thể hiểu tại sao Thánh Phanxicô đệ Salê cảm thấy không có nơi nào tốt hơn để tìm thấy Thiên Chúa và giúp người khác tìm thấy Người, hơn là trong trái tim của những người nam nữ vào thời của ngài. Ngài học được điều này, từ những năm đầu tiên của ngài, bằng cách phát triển một cái nhìn sâu sắc vào chính bản thân ngài và trái tim con người.

Ý thức sâu sắc của Thánh Phanxicô về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa các biến cố của cuộc sống hàng ngày được biểu lộ rõ ràng trong những ngày cuối cùng ở Lyon. Ngài chia sẻ với các Nữ tu Dòng Thăm Viếng về việc ngài mong muốn được họ nhớ đến như thế nào: “Cha đã nói mọi điều chỉ trong hai chữ, khi cha bảo các con đừng từ chối điều gì và đừng mong muốn điều gì; cha không còn gì để nói với các con nữa” [5]. Đây không phải là chủ nghĩa duy ý chí đơn thuần, “một ý chí thiếu khiêm nhường” [6], một cám dỗ tinh vi trên con đường nên thánh khiến nhầm lẫn nó với sự tự biện minh, tôn thờ ý chí con người và quyền lực của nó, và dẫn đến “việc coi mình là trung tâm” và sự tự mãn duy ưu tú, mất hết tình yêu đích thực” [7]. Càng không phải là vấn đề của chủ nghĩa tĩnh tịch (quietism)thuần túy, một sự từ bỏ thụ động và vô cảm đối với một học thuyết bị lột hết thịt xương và lịch sử [8]. Thay vào đó, nó là kết quả của việc ngài chiêm ngưỡng cuộc đời của Chúa Con nhập thể. Vào ngày 26 tháng 12, thánh nhân đã nói với các nữ tu từ trung tâm của mầu nhiệm Giáng Sinh: “Các con có thấy hài nhi Giêsu trong máng cỏ không? Người chấp nhận tất cả những khó chịu của mùa đó, cái lạnh buốt giá và mọi điều được Chúa Cha cho phép xảy ra với Người. Người không từ chối những lời an ủi nhỏ mà Mẹ Người dành cho Người; chúng ta không được nói cho biết Người từng với người lên để bú mẹ, nhưng đã để mọi sự cho mẹ chăm sóc và quan tâm. Cũng vậy, bản thân chúng ta không nên ước muốn hay từ chối bất cứ điều gì, nhưng hãy chấp nhận tất cả những gì Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta, cái lạnh khắc nghiệt và những khó chịu của mùa màng” [9]. Chúng ta rất có ấn tượng trước việc Thánh Phanxicô nhận ra tầm quan trọng của việc quan tâm đến chiều kích con người. Tại ngôi trường nhập thể, ngài đã học cách giải thích lịch sử và tiếp cận cuộc sống với sự tự tin và tín thác.

Tiêu chuẩn của tình yêu

Bằng kinh nghiệm, Thánh Phanxicô đã nhận ra rằng ước muốn là gốc rễ của mọi đời sống thiêng liêng đích thực, nhưng cũng là nguyên nhân làm suy đồi đời sống này. Rút ra một cách phong phú từ truyền thống tâm linh có trước mình, ngài nhận ra tầm quan trọng của việc không ngừng thử thách ham muốn thông qua việc thực hiện sự biện phân. Ngài đã tìm ra tiêu chuẩn cuối cùng cho việc đánh giá này trong tình yêu. Trong hội nghị cuối cùng ở Lyon, vào ngày lễ Thánh Stêphanô, hai ngày trước khi qua đời, ngài nói: “Chính tình yêu đã mang lại sự hoàn hảo cho các việc làm của chúng ta. Cha sẽ nói với các con nhiều hơn nữa. Lấy thí dụ một người chịu tử đạo vì Chúa với một lạng tình yêu; người đó rất xứng đáng, vì họ không thể cho gì lớn hơn mạng sống của mình. Tuy nhiên, một người khác chỉ bị trầy xước với hai lạng tình yêu sẽ có nhiều công đức hơn, bởi vì chính đức ái và tình yêu mang lại giá trị cho công việc của chúng ta” [10].

Với chủ nghĩa hiện thực đáng lưu ý, Thánh Phanxicô tiếp tục nói về mối liên hệ phức tạp giữa chiêm niệm và hành động: “Các con biết, hoặc các con nên biết, chiêm niệm tự nó tốt hơn hoạt động và cuộc sống năng động; tuy nhiên, nếu một người tìm thấy sự kết hợp nhiều hơn [với Thiên Chúa] trong cuộc sống năng động, thì điều đó tốt hơn. Nếu một Chị trong bếp cầm chảo trên lửa có tình yêu và lòng bác ái lớn hơn một Chị khác, ngọn lửa vật chất đó sẽ không kìm hãm chị mà ngược lại giúp chị trở nên đẹp lòng Chúa hơn. Điều thường xảy ra là con người được kết hiệp với Thiên Chúa trong hoạt động cũng như trong cô tịch; cuối cùng, nó luôn quay trở lại câu hỏi tình yêu vĩ đại nhất được tìm thấy ở đâu” [11]. Do đó, đây mới là điều thực sự quan trọng, quan trọng hơn bất cứ loại cứng ngắc vô ích hay chỉ loay hoay với bản thân mình: tiếp tục hỏi xem trong mọi lúc, trong mọi quyết định, trong mọi tình huống của cuộc sống, ta tìm thấy tình yêu lớn nhất ở đâu. Không phải ngẫu nhiên mà Thánh Gioan Phaolô II gọi Thánh Phanxicô đệ Salê là “Tiến sĩ của Tình yêu Thần linh” [12], không những chỉ vì ngài đã viết một Luận thuyết nặng ký về chủ đề đó, nhưng trước hết và trên hết vì ngài là chứng nhân xuất sắc cho tình yêu đó. Các trước tác của ngài không phải là lý thuyết được pha chế sau bàn giấy, khác xa với mối quan tâm của những người bình thường. Những lời dạy của ngài là kết quả của sự nhạy cảm tuyệt vời đối với kinh nghiệm. Ngài chỉ chuyển dịch thành giáo lý những gì, được Thánh Thần soi sáng, mà ngài đã kinh nghiệm và học được trong quá trình hoạt động mục vụ có tính đáng lưu ý của ngài. Chúng ta tìm thấy điều đó được tóm tắt trong Lời nói đầu của Luận thuyết về Tình yêu Thiên Chúa: “Trong Giáo hội Thánh thiện, mọi sự đều liên quan đến tình yêu, sống trong tình yêu, được thực hiện vì tình yêu và xuất phát từ tình yêu” [13].

Giáo dục sớm: cuộc phiêu lưu để nhận biết chính mình trong Thiên Chúa

Thánh Phanxicô sinh ngày 21 tháng 8 năm 1567 tại Lâu đài Salê, gần Thorens, con trai của François de Nouvelles, Lãnh chúa của Boisy, và Françoise de Sionnaz. “Cuộc đời của ngài kéo dài qua hai thế kỷ, mười sáu và mười bảy, và ngài hiện thân các giáo huấn và thành tựu văn hóa tốt nhất của thế kỷ lúc đó sắp kết thúc, dung hòa sự kế thừa của chủ nghĩa nhân bản với sự phấn đấu cho Thể Tuyệt đối phù hợp với các trào lưu của chủ nghĩa huyền bí” [14].

Sau nền giáo dục sớm, đầu tiên tại Trung học La Roche-sur-Foron và sau đó tại trung học Annecy, Thánh Phanxicô đã đến Paris, tại Đại học Dòng Tên mới thành lập ở Clermont. Tại thủ đô của Vương quốc Pháp, bị tàn phá bởi các cuộc chiến tranh tôn giáo, ngài đã trải qua hai cuộc khủng hoảng nội tâm liên tiếp sẽ để lại dấu ấn lâu dài trong cuộc đời ngài. Một lời cầu nguyện tha thiết được dâng lên trong Nhà thờ Saint-Étienne-des-Grès, trước Đức Mẹ Đen của Paris, sẽ thắp lên, giữa bóng tối của trái tim ngài, một ngọn lửa sẽ tiếp tục cháy trong ngài và cung cấp chìa khóa để hiểu chính kinh nghiệm của ngài và của người khác. “Lạy Chúa, bất cứ điều gì có thể xảy ra, Ngài là Đấng nắm giữ mọi sự trong tay Ngài và đường lối của Ngài đều là công lý và sự thật, … Lạy Chúa, con sẽ yêu mến Ngài, … Con sẽ yêu mến Ngài ở đây, ôi Thiên Chúa của con; Con sẽ luôn hy vọng vào lòng thương xót của Chúa và luôn lặp lại lời ca tụng Chúa… Ôi lạy Chúa Giêsu, Chúa sẽ luôn là niềm hy vọng và là ơn cứu độ của con trên đất người sống” [15].

Đạt được bình an, Thánh Phanxicô đã ghi lại những lời đó trong nhật ký của mình. Kinh nghiệm về cuộc khủng hoảng này, với sự lo lắng và bất ổn của nó, sẽ tiếp tục soi sáng cho ngài, và cung cấp cho ngài một cách tiếp cận độc đáo mầu nhiệm về mối liên hệ của Thiên Chúa với nhân loại. Nó giúp ngài có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của người khác và nhận ra, với một tinh thần biện phân tinh tế, thái độ nội tâm kết hợp suy nghĩ và cảm xúc, lý trí và tình cảm, mà ngài gọi là “Chúa của trái tim con người”. Kết quả là, Thánh Phanxicô không bao giờ có nguy cơ gán tầm quan trọng về mặt lý thuyết cho kinh nghiệm bản thân của chính mình và tuyệt đối hóa nó. Thay vào đó, ngài đã học được một điều đáng lưu ý, hoa trái của ân sủng: khả năng biện phân, nơi Thiên Chúa, kinh nghiệm sống của chính ngài và của những người khác.

Mặc dù ngài chưa bao giờ tuyên bố sẽ phát triển một hệ thống thần học như vậy, nhưng suy tư của ngài về đời sống tâm linh đã chứng tỏ có tầm quan trọng thần học nổi bật, vì nó hiện thân hai chiều kích thiết yếu của bất cứ nền thần học chân chính nào. Đầu tiên là chính đời sống thiêng liêng, vì chính trong lời cầu nguyện khiêm tốn và kiên trì, mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần, mà chúng ta cố gắng hiểu và truyền đạt lời Thiên Chúa; các nhà thần học phát xuất từ lò luyện cầu nguyện. Thứ hai là đời sống của Giáo hội, khả năng suy nghĩ trong Giáo hội và với Giáo hội. Bản thân thần học cảm nhận được những tác động của nền văn hóa duy cá nhân của chúng ta, thế nhưng các nhà thần học Kitô giáo được kêu gọi thực hiện công việc của mình trong khi dìm mình trong đời sống cộng đoàn, bẻ tấm bánh lời Chúa trong đó[16]. Tư tưởng của Thánh Phanxicô đệ Salê, mặc dù ở bên lề các cuộc tranh luận học thuật ở thời đại ngài và tôn trọng chúng, được đặc trưng bởi hai chiều kích thiết yếu này.

Sự khám phá ra một thế giới mới

Sau khi hoàn thành khóa học về các môn nhân văn, Thánh Phanxicô tiếp tục học luật tại Đại học Padua. Khi trở về Annecy, ngài đã quyết định hướng đi của đời ngài, bất chấp sự phản đối từ phía cha ngài. Thụ phong linh mục ngày 18-12-1593, đến đầu tháng 9 năm sau, theo yêu cầu của Đức cha Claude de Granier, ngài được gọi thi hành sứ vụ khó khăn tại Le Chablais, một lãnh địa thuộc giáo phận Annecy. Mặc dù theo giáo phái Calvin, do một mạng lưới chiến tranh và hiệp ước hòa bình phức tạp, Le Chablais một lần nữa lại nằm dưới sự kiểm soát của Công quốc Savoy. Đây là những năm căng thẳng và thú vị, khi Thánh Phanxicô khám phá ra năng khiếu của mình như một người hòa giải và một người đối thoại, cũng như một sự không khoan nhượng nào đó mà sau này ngài sẽ thừa nhận. Ngài cũng sáng nghĩ ra một số thực hành mục vụ táo bạo và độc đáo, chẳng hạn như các tờ yết thị (affiches) nổi tiếng được dán ở khắp mọi nơi và thậm chí luồn qua cửa nhà.

Năm 1602, Thánh Phanxicô trở lại Paris, được giao nhiệm vụ theo đuổi một sứ mệnh ngoại giao nhạy cảm thay mặt Giám mục de Granier theo chỉ đạo đặc biệt của Tòa thánh, tiếp theo sau một sự thay đổi khác trong bối cảnh chính trị và tôn giáo của lãnh thổ Giáo phận Geneva. Bất chấp ý định tốt của Vua Pháp, sứ mệnh đã thất bại. Ngài viết cho Đức Giáo Hoàng Clêmentê VIII, “Sau chín tháng, con buộc phải tính toán lại các bước của mình, hầu như chẳng đạt được gì cả” [17]. Thế nhưng, sứ vụ đó đã làm phong phú một cách bất ngờ cho ngài và cho Giáo hội xét về khía cạnh nhân bản, văn hóa và tôn giáo. Trong bất cứ thời gian rảnh rỗi nào mà các cuộc đàm phán ngoại giao của ngài cho phép, Thánh Phanxicô đã thuyết giảng trước sự chứng kiến của Vua Pháp và triều đình của ông. Ngài đã tạo được những tình bạn quan trọng và trên hết, ngài hoàn toàn đắm mình trong sự nở rộ về văn hóa và tinh thần phi thường của thủ đô hiện đại của Vương quốc.

Ở đó mọi sự đều lên men liên tục. Thánh Phanxicô có ấn tượng và suy nghĩ trước các vấn đề lớn đang nổi lên trên thế giới, bởi những cách mới lạ chúng được đề cập, bởi mối quan tâm mới và đáng lưu ý về tâm linh và những câu hỏi chưa từng có do nó đặt ra. Nói một cách dễ hiểu, ngài cảm nhận được một “sự thay đổi mang tính thời đại” đích thực đòi hỏi một phản ứng ẩn dưới ngôn ngữ cả cũ lẫn mới. Đây chắc chắn không phải là lần đầu tiên ngài gặp các cá nhân Kitô hữu nhiệt thành, nhưng bây giờ mọi sự đã ra khác. Paris không còn là thành phố bị tàn phá bởi những cuộc chiến tranh tôn giáo mà ngài từng biết trong những năm đi học, hay bởi những xung đột gay gắt mà ngài đã thấy ở Chablais. Thay vào đó, ngài gặp một điều bất ngờ: một cơn lũ “các thánh, các thánh đích thực, rất đông và ở khắp mọi nơi” [18]. Có những người đàn ông và đàn bà thuộc lãnh vực văn hóa, các giáo sư của Sorbonne, các thẩm quyền dân sự, các hoàng tử và công chúa, người hầu và người giúp việc, nam và nữ tu sĩ. Cả một thế giới đang khao khát Thiên Chúa theo nhiều cách khác nhau.

Gặp gỡ những người đó và những câu hỏi của họ là một trong những sự kiện quan trọng và may mắn nhất trong cuộc đời ngài. Những ngày dường như vô ích và không hiệu quả đã trở thành một trường học vô song để giải thích tinh thần của thời đại mà không cần chạy theo nó. Thánh Phanxicô, một nhà tranh luận khéo léo và không biết mệt mỏi, đã được ân sủng biến đổi thành một người quan sát sâu sắc về thời đại của mình và một vị linh hướng phi thường của các linh hồn. Hoạt động mục vụ của ngài, những tác phẩm vĩ đại của ngài – Dẫn nhập vào Đời sống Đạo dức Luận thuyết về Tình yêu Thiên Chúa– và hàng ngàn bức thư về tình bạn thiêng liêng mà ngài đã viết cho các tu viện và đan viện, cho các tu sĩ và nữ tu, cho các triều thần và dân thường, không kể cuộc gặp gỡ của ngài với Jane Frances de Chantal và việc thành lập Dòng Thăm Viếng vào năm 1610: không điều gì trong số này có thể hình dung được nếu không có bước ngoặt nội tâm đó. Do đó, Tin Mừng và văn hóa đã tìm thấy nơi ngài một sự tổng hợp hữu hiệu, dẫn đến sự phát triển một phương pháp mà một khi nó đã hình thành, sẽ gặt hái được một vụ mùa bội thu và lâu dài.

Trong một lá thư đầu tiên về linh hướng và tình bạn, gửi cho một cộng đoàn tu trì mà ngài đã viếng thăm ở Paris, Thánh Phanxicô đã nói một cách khá khiêm tốn về “phương pháp của ngài”, một phương pháp khác với những phương pháp khác và nhằm mục đích cải cách thực sự. Đó là một phương pháp từ bỏ mọi sự khắc nghiệt và tôn trọng hoàn toàn phẩm giá và hồng phúc của một linh hồn đạo đức, bất kể những điểm yếu của nó. Ngài viết: “Tôi tự hỏi liệu có thể có một khó khăn khác liên quan đến cải cách của các bạn hay không: có lẽ những người áp đặt nó lên các bạn đã chữa vết thương một cách quá khắc nghiệt... Tôi đánh giá cao phương pháp của họ, mặc dù đó không phải là điều mà tôi có thói quen sử dụng, đặc biệt là đối với những linh hồn cao quý và được tu luyện như linh hồn của các bạn. Tôi tin rằng tốt hơn hết là chỉ ra căn bệnh và đặt con dao mổ vào tay họ, để họ tự thực hiện việc mổ cần thiết. Tuy nhiên, đừng vì lý do này mà bỏ qua việc cải cách mà các bạn đang cần”[19]. Những lời này cho thấy cái nhìn sâu sắc đã làm cho chủ nghĩa lạc quan Phanxicô trở nên nổi tiếng và để lại dấu ấn lâu dài trong lịch sử linh đạo qua sự nở rộ sau này, chẳng hạn như trường hợp của Thánh Gioan Bosco khoảng hai thế kỷ sau.

Khi trở về Annecy, Thánh Phanxicô được tấn phong giám mục vào ngày 8 tháng 12 cùng năm 1602. Ảnh hưởng của thừa tác vụ giám mục của ngài đối với châu Âu vào thời của ngài và trong nhiều thế kỷ sau đó vô cùng lớn lao. “Ngài là một tông đồ, nhà thuyết giáo, nhà văn, một người hành động và cầu nguyện, tận tụy thực hiện những lý tưởng của Công đồng Trent. Tham gia vào các cuộc tranh cãi và đối thoại với những người Thệ phản, ngài ngày càng nhận ra, cùng với nhu cầu thảo luận thần học, tính hiệu năng của các mối liên hệ bản thân và đức ái. Ngài được giao nhiệm vụ ngoại giao ở châu Âu và với các nhiệm vụ trung gian và hòa giải trong xã hội” [20]. Trên hết, Thánh Phanxicô là người giải thích những thay đổi mang tính thời đại và là người hướng dẫn tinh thần trong thời đại khát khao Thiên Chúa một cách mới mẻ.

Còn tiếp