1. Đức Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine nói về tình hình nước này

“Chúng tôi không biết chúng tôi sống sót thế nào trong mùa đông này. Chúng tôi không biết mình có thể sống còn ra sao trong dịp Giáng Sinh này”.

Trên đây là lời Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, người Lituani, Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, trong sứ điệp gửi tổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” và được hãng tin Ecclesia của Công Giáo Bồ Đào Nha truyền đi hôm 22 tháng Mười Hai vừa qua.

Đức Tổng Giám Mục Kulbokas cho biết: “có một tâm tình lo âu nơi toàn thể dân chúng” và kể lại rằng: Hôm qua, tôi đi từ thủ đô Kiev đến thành phố Lvov. Trong hành trình dài 7 tiếng đồng hồ này, tôi không thể dùng điện thoại di động hoặc Internet do hậu quả các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga chống Ukraine... Tình trạng thiếu sót như thế trong hệ thống thông tin chỉ là một trong nhiều thí dụ về tình trạng tàn phá do các cuộc tấn công của lực lượng Nga. Thêm vào đó là giá lạnh cam go trong mùa này. Một cái giá lạnh được dùng như võ khí chống lại nhân dân Ukraine”.

Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ cho biết “có một làn sóng liên đới liên tục” đến từ các linh mục, nữ tu và các giám mục, nhờ tình liên đới của các ân nhân trên thế giới đối với nhân dân Ukraine đang chịu đau khổ”, bắt đầu từ ngày 24 tháng Hai năm nay với cuộc xâm lăng của Nga.

Đức Sứ thần Tòa Thánh nói thêm rằng: “Chúng tôi biết ơn, đặc biệt là đối với lời cầu nguyện của anh chị em vì kinh nguyện đang được dâng lên Thiên Chúa là Cha chúng ta. Đây là điều quan trọng nhất chúng tôi đang nhận được từ anh chị em... Chúng tôi đánh giá cao sự gần gũi của anh chị em đối với Ukraine, tình bác ái thực sự của anh chị em. Chúng tôi không biết chúng tôi sẽ sống lễ Giáng Sinh này thế nào, sống sót ra sao trong mùa Giáng Sinh này. Đây là một thời kỳ khó khăn. Nhưng với sự trợ giúp và bác ái mà chúng tôi đang nhận được từ các nơi trên thế giới, điều này có nghĩa như một lễ Giáng Sinh mỗi ngày, mỗi ngày chúng ta sống, vì chúng tôi không biết ngày mai chúng tôi sẽ có gì. Mỗi ngày đối với chúng tôi là Giáng Sinh. Vì thế xin vui lòng cầu nguyện cho chúng tôi và xin Chúa chúc lành cho anh chị em”.

2. Đức Thánh Cha tiếp Giáo triều Roma nhân lễ Giáng Sinh và Năm mới

Sáng ngày 22 tháng Mười Hai năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các Hồng Y và thành viên khác của Giáo triều Roma, đến chúc mừng ngài nhân dịp Giáng Sinh và Năm mới. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người thực thi tinh thần hoán cải, và loại trừ mọi thứ võ khí, chiến tranh, và bạo lực, bắt đầu từ chính bản thân mình.

Lên tiếng sau lời chúc mừng của Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y đoàn, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cảm tạ Chúa vì những ơn lành trong năm sắp kết thúc, trước khi đề cập đến nhu cầu cần hoán cải và nói rằng: “Đối ngược với hoán cải là thái độ cố định, nghĩa là âm thần xác tín mình không cần một sự hiểu biết nào thêm về Tin mừng. Thật là một sai lầm khi muốn cô đọng sứ điệp của Chúa Giêsu trong một hình thức duy nhất có giá trị mãi mãi. Trái lại, hình thức phải luôn có thể thay đổi để bản chất được giữ nguyên. Lạc giáo đích thực không những chỉ hệ tại sự rao giảng một Tin mừng khác (Xc Gl 1,9), như thánh Phaolô nhắc nhở, nhưng cũng hệ tại ngưng diễn tả Tin mừng trong những ngôn ngữ và cách thức hiện tại, điều mà thánh Tông đồ dân ngoại đã làm. Bảo tồn có nghĩa là duy trì sinh động chứ không cầm tù sứ điệp của Chúa Kitô”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng: “Thật là quá ít ỏi nếu chỉ tố giác sự ác, kể cả sự ác len lỏi giữa chúng ta. Điều ta phải làm là quyết định hoán cải đứng trước sự ác ấy. Nguyên việc tố giác có thể tạo cho chúng ta ảo tưởng là đã giải quyết vấn đề, nhưng trong thực tế, điều đáng kể là thực hiện những thay đổi để chúng ta không bị đặt trong tình trạng để cho mình bị cầm tù vì những lô-gích của sự ác”.

Đức Thánh Cha cảnh giác những người làm việc tại giáo triều đừng “nghĩ rằng cuộc sống của mình hiện nay là ‘ở nhà’, giữa các bức tường của cơ chế, phục vụ Tòa Thánh, ở nơi con tim của thân mình Giáo hội; nhưng chính vì thế chúng ta có thể sa vào cám dỗ nghĩ rằng mình được an toàn, tốt đẹp hơn, để rồi không cần hoán cải. Chúng ta gặp nguy hiểm nhiều hơn những người khác, vì chúng ta bị thứ quỷ ‘có học thức’, giáo dục, vây bủa”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến chiến tranh tại Ukraine và các xung đột khác ở các nơi trên thế giới và nói rằng: “Chiến tranh và bạo lực luôn là một thất bại. Tôn giáo không bao giờ được tiếp tay nuôi dưỡng xung đột. Tin mừng luôn luôn là Tin mừng hòa bình, và không ai có thể nhân danh Thiên Chúa để tuyên bố một cuộc chiến tranh là “thánh”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Nền văn hóa hòa bình không phải chỉ được xây dựng giữa các dân nước. Nó bắt đầu trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Trong khi chúng ta đau khổ vì chiến tranh và bạo lực bành trướng, chúng ta có thể và phải đóng góp phần của mình cho hòa bình bằng cách nhổ bỏ khỏi tâm hồn chúng ta mọi căn cội ghét bỏ và oán hận đối với các anh chị em đang sống cạnh chúng ta... Thánh Phaolô nói rằng: “lòng từ nhân, thương xót và tha thứ là phương dược chúng ta có để xây dựng hòa bình. Từ nhân là luôn chọn cách thức tốt đẹp để có mối tương quan giữa chúng ta với nhau. Không phải chỉ có bạo lực võ khí, nhưng cũng có bạo lực lời nói, tâm lý, bạo lực vì lạm dụng quyền bính, bạo lực ẩn nấp trong những lời nói hành nói xấu người khác, gây ra bao nhiêu thiệt hại”.

Sau diễn văn trên đây, Đức Thánh Cha lần lượt bắt tay chúc mừng mọi người đến chào thăm và chúc mừng ngài.

3. Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô về biện phân: Luôn thưa chuyện với Chúa Thánh Thần

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung, thứ tư ngày 21 tháng 12, 2022, tại Hội trường Phaolô VI, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục nói về biện phân, nhấn mạnh đến việc phải luôn thưa chuyện với Chúa Thánh Thần. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Chúng ta hãy tiếp tục – chúng ta đang kết thúc – loạt bài giáo lý về biện phân. Bất cứ ai đã theo dõi những bài giáo lý này cho đến nay đều có thể nghĩ: thực hành biện phân phức tạp làm sao! Trên thực tế, chính cuộc sống mới phức tạp và nếu chúng ta không học cách đọc nó, dù phức tạp như thế nào, chúng ta có nguy cơ lãng phí cuộc đời mình, sử dụng những chiến lược kết cục khiến chúng ta nản lòng.

Trong lần gặp gỡ đầu tiên, chúng ta đã thấy rằng mỗi ngày, dù muốn hay không, chúng ta luôn thực hiện những hành vi biện phân liên quan đến những gì chúng ta ăn, đọc, tại nơi làm việc, trong các mối liên hệ của chúng ta, mọi điều. Cuộc sống luôn đưa ra cho chúng ta những lựa chọn, và nếu chúng ta không đưa ra những lựa chọn có ý thức thì cuối cùng chính cuộc đời sẽ chọn cho chúng ta, đưa chúng ta đến nơi chúng ta không muốn.

Tuy nhiên, không nên thực hiện sự biện phân một mình. Hôm nay, chúng ta hãy xem xét một cách chuyên biệt hơn một số phương thế hỗ trợ về phương diện này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành biện phân không thể thiếu này trong đời sống thiêng liêng, ngay cả khi chúng ta đã gặp chúng theo một cách nào đó trong quá trình học giáo lý này. Nhưng một bản tóm tắt sẽ giúp chúng ta rất nhiều.

Một trong những phương thế hỗ trợ không thể thiếu đầu tiên là dùng Lời Chúa và giáo lý của Giáo hội để lượng định. Chúng giúp chúng ta đọc được những gì đang khuấy động trong lòng mình, học cách nhận ra tiếng nói của Chúa và phân biệt tiếng nói đó với những tiếng nói khác dường như tranh giành sự chú ý của chúng ta, nhưng cuối cùng lại khiến chúng ta bối rối. Kinh thánh cảnh cáo chúng ta rằng tiếng nói của Chúa vang lên trong sự thanh tĩnh, trong sự chú ý và trong im lặng. Chúng ta hãy nhớ lại kinh nghiệm của Tiên tri Êlia: Chúa không phán với ông qua gió đập vỡ đá, cũng như trong lửa hay động đất, nhưng Người phán với ông qua làn gió nhè nhẹ (xem 1 Các Vua 19:11-12). Đây là một hình ảnh rất đẹp giúp chúng ta hiểu cách Chúa nói. Tiếng Chúa không tự áp đặt; Tiếng nói của Chúa kín đáo, tôn trọng – cho phép tôi nói, tiếng nói của Chúa thật khiêm tốn – và vì lý do đó, tạo ra hòa bình. Và chỉ trong bình an chúng ta mới có thể đi sâu vào trong chính mình và nhận ra những ước muốn đích thực mà Chúa đã đặt để trong lòng chúng ta. Nhiều khi không dễ đi vào sự bình yên trong tâm hồn bởi vì chúng ta quá bận rộn với việc này, việc kia, cả ngày… Nhưng xin anh chị em hãy tĩnh tâm lại một chút, đi vào chính mình, vào trong chính mình. Dừng lại trong hai phút. Chứng kiến những gì trái tim của anh chị em đang cảm thấy. Anh chị em hãy làm điều này, nó sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều vì ngay lúc bình tâm đó, tiếng Chúa liền nói: “Này, nhìn đây, nhìn kia, việc con đang làm tốt lắm…”. Khi chúng ta cho phép mình yên tĩnh, tiếng Chúa sẽ đến ngay lập tức. Người đang đợi chúng ta làm điều này.

Đối với người tín hữu, Lời Chúa không chỉ là một bản văn để đọc. Lời Chúa là sự hiện diện sống động, là công trình của Chúa Thánh Thần an ủi, hướng dẫn, ban ánh sáng, sức mạnh, lấy lại sức, và niềm say mê cuộc sống. Đọc Kinh Thánh, đọc một đoạn, một hay hai đoạn Kinh Thánh, giống như một bức điện tín ngắn của Thiên Chúa đi ngay vào trái tim. Lời của Thiên Chúa là một chút - và tôi không phóng đại ở đây - đó là một chút tiền vị thiên đàng thực sự. Một vị thánh và mục tử vĩ đại, thánh Ambrôsiô, giám mục Milan, hiểu rất rõ điều này, khi ngài viết: “Khi tôi đọc Sách Thánh, Thiên Chúa trở lại và bước đi trên thiên đàng trần gian” (Các thư, 49.3). Với Kinh Thánh, chúng ta mở cửa cho Chúa bước đi. Thật thú vị.

Mối liên hệ cảm giới với Kinh thánh này, với Kinh thánh, với Tin Mừng, dẫn chúng ta cảm nghiệm được mối liên hệ cảm giới với Chúa Giêsu. Chúng ta đừng sợ điều này! Trái tim nói với trái tim. Và đây là một trợ cụ không thể thiếu khác không nên coi là đương nhiên. Chúng ta thường có một ý tưởng lệch lạc về Thiên Chúa, nghĩ về Người như một quan tòa ủ rũ, một quan tòa khắc nghiệt, sẵn sàng bắt quả tang chúng ta. Trái lại, Chúa Giêsu mặc khải về một Thiên Chúa đầy lòng cảm thương và dịu dàng đối với chúng ta, sẵn sàng hy sinh bản thân để đến với chúng ta, giống như người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng (x. Lc 15:11-32). Một lần, có người hỏi – tôi không biết đó là một bà mẹ hay một bà bà đã nói với tôi điều này – “Tôi cần phải làm gì trong thời điểm này?” – “thì, hãy lắng nghe Chúa, Người sẽ cho chị biết chị nên làm gì. Hãy mở lòng ra với Chúa”. Đây là lời khuyên tốt. Tôi nhớ có một lần, có một cuộc hành hương của các bạn trẻ được thực hiện mỗi năm một lần đến Đền thờ [Đức Mẹ] Lujan, cách thủ đô Buenos Aires 70 km. Phải mất cả ngày để đi hành hương ở đó. Tôi đã từng ngồi tòa giải tội ban đêm. Một thanh niên khoảng 22 tuổi, xăm trổ đầy mình… “Chúa ơi”, tôi nghĩ, “người này là ai nhỉ?” Và anh ấy nói với tôi, “cha biết đấy, con đến vì con có một vấn đề nghiêm trọng, và con đã nói với mẹ con, và mẹ con nói với con, 'Hãy đến với Đức Mẹ. Hãy hành hương và Đức Mẹ sẽ cho con biết’. Và con đã đến. Con đã tiếp xúc với Kinh thánh ở đây. Con đã lắng nghe Lời Chúa và nó chạm đến trái tim con và con cần phải làm điều này, điều này, điều này, điều này”. Lời Chúa chạm đến trái tim và thay đổi cuộc đời anh chị em. Và tôi đã chứng kiến điều này nhiều lần. Vì Chúa không muốn tiêu diệt chúng ta. Chúa muốn chúng ta mạnh mẽ hơn, tốt hơn mỗi ngày.

Bất cứ ai đứng trước Tượng Chịu Nạn đều cảm nhận được sự bình an mới tìm thấy, học biết không sợ hãi Thiên Chúa vì trên thập giá, Chúa Giêsu không làm ai sợ hãi. Đó là hình ảnh của sự yếu đuối hoàn toàn, đồng thời cũng là hình ảnh của tình yêu trọn vẹn, có khả năng đối đầu với bất cứ thử thách nào vì chúng ta. Các thánh luôn hướng về Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh. Trình thuật Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu là cách chắc chắn nhất để đối đầu với sự dữ mà không bị nó lấn át. Ở đó không có sự phán xét, thậm chí không có sự cam chịu, bởi vì nó được chiếu rọi bằng ánh sáng vĩ đại nhất, ánh sáng của Lễ Phục sinh, cho phép chúng ta, trong những hành động khủng khiếp đó, nhìn thấy một kế hoạch vĩ đại hơn mà không một ngăn cản, trở ngại hay thất bại nào có thể phá vỡ. Lời Chúa luôn khiến chúng ta nhìn vào một khía cạnh khác – nghĩa là, thập giá ở đây, điều này thật khủng khiếp, nhưng cũng có điều gì khác nữa, đó là hy vọng, là phục sinh. Lời Chúa mở mọi cánh cửa vì Người là cửa, Người là Chúa. Chúng ta hãy cầm lấy Tin Mừng, cầm lấy Kinh Thánh trong tay – 5 phút mỗi ngày, không hơn. Hãy mang theo một cuốn Tin Mừng bỏ túi bên mình, trong ví của anh chị em, và khi anh chị em đi du lịch, hãy đọc nó một chút. Đọc một đoạn văn nhỏ trong ngày. Hãy để Lời Chúa đến gần trái tim anh chị em. Hãy làm điều này và anh chị em sẽ thấy cuộc sống của anh chị em thay đổi như thế nào, với sự gần gũi của Lời Chúa. “Vâng, thưa cha, nhưng con đã quen đọc cuộc đời của các thánh”. Điều này là tốt. Nhưng đừng bỏ bê Lời Chúa. Hãy mang Tin Mừng theo anh chị em. Một phút mỗi ngày….

Thật đẹp khi nghĩ về cuộc sống của chúng ta với Chúa như một mối liên hệ với một người bạn, một mối liên hệ lớn lên từng ngày. Tình bạn với Chúa. Đã có bao giờ anh chị em nghĩ về điều này chưa? Thế nhưng, đây là cách! Hãy nghĩ về Chúa, Đấng ban cho chúng ta… Chúa không ban cho chúng ta quá nhiều sao? Chúa yêu chúng ta, Người muốn chúng ta là bạn hữu của Người. Tình bạn với Chúa có thể thay đổi trái tim. Lòng đạo đức là một trong những hồng ân cao cả của Chúa Thánh Thần, ban cho chúng ta khả năng nhận ra tình phụ tử của Thiên Chúa. Chúng ta có một người Cha dịu dàng, một người Cha trìu mến, một người Cha yêu thương chúng ta, người luôn yêu thương chúng ta. Khi trải nghiệm điều này, trái tim chúng ta tan chảy và những nghi ngờ, sợ hãi, cảm giác không xứng đáng tan biến. Không gì có thể cản trở tình yêu đến từ việc tiếp xúc với Chúa.

Và tình yêu này nhắc nhở chúng ta về một sự trợ giúp lớn lao khác, ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng hiện diện trong chúng ta và hướng dẫn chúng ta, làm cho Lời Chúa mà chúng ta đọc trở nên sống động, gợi lên những ý nghĩa mới, mở ra những cánh cửa dường như đã đóng, chỉ ra những con đường trong cuộc sống nơi dường như chỉ có bóng tối và hoang mang. Tôi hỏi anh chị em – Anh chị em có cầu nguyện với Chúa Thánh Thần chưa? Nhưng Người là ai? Đấng Vô Danh Vĩ Đại. Chắc chắn, chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha bằng Kinh Lạy Cha. Chúng ta cầu nguyện với Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta quên Chúa Thánh Thần! Một lần nọ, khi đang dạy giáo lý cho các em nhỏ, tôi đã đặt câu hỏi: “Ai trong các con biết Chúa Thánh Thần là ai?” Và một trong số các em nói, "Con biết!" - "Và Người là ai?" – “Người bại liệt”, em đó trả lời tôi! Em đó đã nghe nói, "the Paraclete", nhưng nghĩ rằng đó là "người tê liệt [paraclytic]". Biết bao lần – điều này khiến tôi nghĩ – Chúa Thánh Thần ở đằng kia như một Người không đáng kể. Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống cho linh hồn! Anh chị em hãy để Người vào. Anh chị em hãy nói chuyện với Chúa Thánh Thần giống như anh chị em nói chuyện với Chúa Cha, như anh chị em nói chuyện với Chúa Con. Nói chuyện với Chúa Thánh Thần – Đấng không hề bị tê liệt, phải không? Người là sức mạnh của Giáo hội, Người là người sẽ dẫn dắt anh chị em tiến tới. Chúa Thánh Thần là sự biện phân trong hành động, là sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta. Người là ơn phúc, ơn phúc lớn nhất mà Chúa Cha bảo đảm cho những ai cầu xin (x. Lc 11:13). Và Chúa Giêsu đã gọi Người là gì? “hồng ân” – “Hãy ở lại đây tại Giêrusalem và chờ đợi hồng ân Thiên Chúa”, đó là Chúa Thánh Thần. Thật thú vị khi sống cuộc đời của chúng ta trong tình bạn với Chúa Thánh Thần. Người thay đổi anh chị em. Người làm cho anh chị em phát triển.

Các Giờ Kinh Phụng Vụ mở ra những khoảnh khắc chính của việc cầu nguyện hàng ngày với lời khẩn cầu này: “Lạy Thiên Chúa, xin lưu tâm giúp đỡ con. Lạy Chúa, xin mau mau cứu giúp con”. "Lạy Chúa, xin cứu giúp con!" bởi vì một mình con không thể tiến tới, con không thể yêu, con không thể sống…. Lời kêu gọi cứu rỗi này là lời thỉnh cầu không thể kìm nén được, nó tuôn chảy từ sâu thẳm con người chúng ta. Mục tiêu của sự biện phân là nhận ra ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa đang thực hiện trong cuộc đời tôi. Nó nhắc nhở tôi rằng tôi không bao giờ đơn độc và nếu tôi gặp khó khăn, đó là vì tiền đặt cọc của trò chơi rất cao. Chúa Thánh Thần luôn ở cùng chúng ta. “Ôi, thưa cha, con đã làm một việc thật tồi tệ. Con cần đi xưng tội. Con không thể làm bất cứ điều gì…". Được rồi, con đã làm một điều gì đó khủng khiếp? Hãy trò chuyện với Chúa Thánh Thần, Đấng đang ở với con và hãy nói với Người rằng: “Xin giúp con, con đã làm điều thật kinh khủng này…” Đừng bao giờ anh chị em từ bỏ cuộc đối thoại này với Chúa Thánh Thần. “Lạy Cha, con mắc tội trọng” – điều đó không thành vấn đề. Hãy thưa chuyện với Người để Người giúp đỡ và tha thứ cho anh chị em. Đừng bao giờ anh chị em từ bỏ cuộc đối thoại này với Chúa Thánh Thần. Và với những sự trợ giúp mà Chúa ban cho chúng ta, chúng ta không cần phải sợ hãi. Hãy tiếp tục tiến về phía trước, can đảm và hân hoan!