1. Vài nét về Chợ Giáng Sinh ở Âu Châu

Chợ Giáng Sinh, tiếng Đức: Weihnachtsmarkt; tiếng Pháp: Marché de Noël, là một chợ đường phố kiểu truyền thống được tổ chức vào dịp Giáng Sinh, thường bắt đầu khoảng một tháng trước Lễ Giáng Sinh và kéo dài đến ngày 23 tháng 12. Phong tục này có nguồn gốc tại vùng đất ngày nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp và bắt đầu xuất hiện từ cuối thời Thời kỳ Trung Cổ, tức là khoảng thế kỷ 14. Cho đến nay chợ Giáng Sinh vẫn là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Đức, Áo và Đông Bắc Pháp trong dịp Giáng Sinh cũng như được phổ biến đến nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Các chợ Giáng Sinh bắt đầu xuất hiện ở vùng đất nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp từ cuối thời kỳ Trung Cổ, các chợ thời kỳ đầu có thể kể tới chợ Giáng Sinh Dresden, được tổ chức lần đầu năm 1434, hay chợ Giáng Sinh Bautzen, được tổ chức lần đầu năm 1384.

Ngày nay các chợ Giáng Sinh thường là dịp thu hút khách du lịch lớn trong mùa Giáng Sinh, ví dụ chợ Giáng Sinh Dresden thu hút từ 1.5 đến 2 triệu lượt khách mỗi năm, các thành phố khác của Đức có chợ Giáng Sinh lớn là Nürnberg, Stuttgart và Augsburg. Tại Pháp, ba chợ Giáng Sinh lớn nhất được tổ chức tại các thành phố vùng Đông Bắc là Strasbourg, Colmar và Reims. Chợ Giáng Sinh Strasbourg được tổ chức ở xung quanh Nhà thờ lớn Strasbourg từ năm 1570 được kể là Chợ Giáng Sinh lớn nhất nước Pháp.

Mô hình chợ Giáng Sinh hiện nay cũng được phổ biến đến các quốc gia bên ngoài lục địa Âu Châu như ở Anh, cụ thể tại Leeds, Birmingham; hay Hoa Kỳ, do những người Mỹ gốc Đức tổ chức.

Các gian hàng trong chợ Giáng Sinh thường có dạng những quầy hàng đóng bằng gỗ. Bên cạnh các mặt hàng trang trí cho Giáng Sinh, những mặt hàng thường được bày bán tại chợ gồm các mặt hàng thủ công truyền thống, rượu vang nóng, tiếng Đức là glühwein; tiếng Pháp: vin chaud, các loại rượu hâm nóng được bán trong các cốc nhỏ để khách có thể vừa đi thăm chợ vừa uống, bratwurst, xúc xích nướng kiểu Đức, hay christstollen, là bánh mì kiểu Đức cho dịp Giáng Sinh. Trong chợ cũng có cây thông Giáng Sinh được trang trí rực rỡ cùng máng cỏ và hoạt cảnh Giáng Sinh mô tả thời điểm Chúa Giêsu ra đời.

2. Vatican lên án “sự gây hấn của Nga chống Ukraine” và kêu gọi tổ chức hội thảo vì hòa bình

Sau mười tháng xung đột, Tòa thánh công bố tên và họ của kẻ xâm lược bằng cách công khai một sáng kiến nhằm thúc đẩy bầu không khí thương thỏa cùng với Chính phủ Ý

“Cuộc chiến nổ ra ở trung tâm Âu Châu với sự xâm lược của Nga chống lại Ukraine vẫn tiếp tục không suy giảm với những hậu quả rất nghiêm trọng đối với người dân của quốc gia bị tấn công phải đối mặt với mùa đông dưới bom đạn, mà không thể tính đến quá nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy”

Sự kiện mang tên “Âu Châu và chiến tranh. Từ tinh thần Helsinki đến triển vọng hòa bình”, sẽ được truyền hình trực tiếp trên các kênh phát trực tuyến của Vatican

Trong lời kêu gọi tổ chức một cuộc hội thảo về hòa bình vào ngày thứ Ba 13 tháng 12 mà một lần nữa sẽ tìm cách thúc đẩy một sự hòa giải có thể xảy ra, Vatican hôm nay, lần đầu tiên trong cuộc xung đột, đã sử dụng công thức “sự xâm lược của Nga chống lại Ukraine” để chỉ cuộc chiến, có lẽ đó là là một bước ngoặt trong chiến lược ngoại giao của Tòa Thánh.
Source:religiondigital.org

3. Nghệ sĩ Ukraine biến khí cụ tử thần thành biểu tượng mang lại sự sống

Các họa sĩ biểu tượng hy vọng rằng món quà gần đây dành cho Vua Charles III sẽ dẫn đến việc nhận ra nhiều hơn những đau khổ ở Ukraine.

Vua Charles III của Anh gần đây đã nhận được một món quà đặc biệt từ Ukraine. Khi đến thăm Nhà thờ Công Giáo Ukraine ở London, nhà vua đã được tặng một biểu tượng được vẽ trên một miếng ván từ một hộp đạn bằng gỗ.

Trong một buổi lễ mà nhà vua chính thức khai trương một trung tâm ở London dành cho những người tị nạn sau chiến tranh ở Ukraine, Đức Cha Kenneth Nowakowski của giáo phận Thánh Gia ở London đã tặng cho ngài một bức tranh Mẹ Thiên Chúa Dịu dàng. Bức tranh từ phòng vẽ của Oleksandr Klymenko và Sofiia Atlantova, một cặp vợ chồng đều là nghệ sĩ và là người sáng lập dự án “Bức tranh trên hộp đạn”, còn được gọi là “Mua bức tranh – Cứu mạng người”.

“ Đó là một vinh dự lớn đối với chúng tôi và giờ chúng tôi rất tự hào về điều đó. Tôi hy vọng rằng nhà vua sẽ nghĩ nhiều hơn một chút về Ukraine, vì nó không chỉ là một biểu tượng, mà còn là một câu chuyện về đất nước của chúng tôi, về cuộc chiến của chúng tôi, về hoàn cảnh của chúng tôi. Và với dự án này, chúng tôi đã cố gắng nói với tất cả những ai nhìn thấy những biểu tượng này rằng chúng ta đang có một cuộc chiến thực sự. Khi bạn nhìn thấy nó trên TV, tin tức hay trên internet, bạn không thể nhận ra đó là sự thật. Nhưng khi bạn nhìn thấy một hộp đạn bằng gỗ thực sự chứa đạn thật đã được bắn ra, nó sẽ tạo ra một ấn tượng rất khác.”

Việc bán các bức tranh, có giá từ 2,000 đến 4,500 đô la, hỗ trợ một bệnh viện dã chiến có tên là Bệnh viện di động tình nguyện đầu tiên Pirogov, hay PFVMH, đưa các chuyên gia y tế tình nguyện vào các vùng chiến tranh để điều trị cho binh lính và dân thường bị thương.

Vua Charles không phải là cá nhân nổi tiếng đầu tiên nhận được một bức tranh như vậy. Vào tháng 2 năm 2020, hai năm trước khi Nga tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak của Philadelphia, cùng với bốn giám mục khác của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương tại Hoa Kỳ, đã tặng một trong những bức tranh như thế cho Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican. Trong trường hợp này, đó là một bức trang về Thánh Phêrô.

Đức Giáo Hoàng phải có hàng trăm bức tranh về vị Giáo Hoàng đầu tiên, nhưng chắc chắn không bức nào giống bức này.

Atlantova nói rằng cô và Klymenko bắt đầu dự án các bức tranh vào năm 2014, khi Mạc Tư Khoa sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và quân đội Ukraine bắt đầu chiến đấu chống lại các phong trào ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.

“Chúng tôi là nghệ sĩ và chúng tôi muốn xem nghệ sĩ có thể giúp ích như thế nào,” cô nói. “Ít nhất chúng ta có thể kể về cuộc chiến này. Chúng tôi có thể cho cả thế giới thấy điều này.”

Khi đến thăm căn cứ của một đơn vị quân đội tình nguyện, Klymenko nhận thấy nắp hộp chứa đạn AK-47. Anh ấy mang một cái về nhà và vẽ một bức tranh Theotokos trên đó.

Hai vợ chồng không biết họ đã vẽ bao nhiêu bức tranh trên các hộp đạn kể từ đó. “Chúng tôi không tính; chúng tôi chỉ vẽ,” cô nói.

Ngoài các bức tranh về Đức Mẹ, các chủ đề bao gồm Chúa Kitô, các nhà truyền giáo, Thánh Gioan Tẩy Giả, Thánh Nicholas và Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Có rất nhiều biểu tượng về Mẹ Thiên Chúa, bao gồm Đức Mẹ của Bông hoa Không bao giờ tàn và Người làm mềm những trái tim xấu xa. Một số bức ảnh kết hợp vải ngụy trang trong nền của hình ảnh.

Atlantova, 41 tuổi, nói rằng biểu tượng yêu thích của cô để vẽ là Thánh George giết rồng.

Là một nghệ sĩ đã học vẽ từ mẹ là nghệ sĩ khi còn trẻ và đã từng vẽ tranh tường trong nhà thờ, Atlantova vào năm 2014 đang thực hiện các bức tranh minh họa sách, cụ thể là bộ sưu tập các loài chim ở Ukraine. Nhưng vì chiến tranh, dự án đó phải tạm dừng.
Source:Aleteia

4. Tân Đại sứ của Venezuela cạnh Tòa thánh trình ủy nhiệm thư

Tất cả đều mỉm cười tại Vatican khi tân Đại sứ của Venezuela tại Tòa thánh, nhà thần học Ian Torres, trình ủy nhiệm thư của mình cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Giáo Hoàng đã trao cho ông những văn bản quan trọng trong triều đại giáo hoàng của ngài, và đổi lại, đại sứ đã tặng Đức Thánh Cha một cuốn sách của chính ông, phân tích các cộng đồng Mỹ Latinh dưới ánh sáng của Kinh thánh.

“Đây là cuốn sách của con, đã được xuất bản như luận án tiến sĩ của con về thần học Kinh thánh từ Đại học Giáo Hoàng Grêgôriô”.

Sau đó, Đức Thánh Cha ban phép lành cho đại sứ và gia đình ông, trước khi gặp riêng tân đại sứ.

Căng thẳng gay gắt đã diễn ra trong thời gian gần đây giữa nhà độc tài Nicolás Maduro và Tòa Thánh.

Đức Hồng Y Parolin từng là sứ thần Tòa thánh tại Venezuela từ năm 2009 đến năm 2013, trong những năm cuối cùng của Hugo Chávez trên cương vị tổng thống. Năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Parolin làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Tháng 7 năm ngoái, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gởi một lá thư cho các nhà lãnh đạo kinh doanh Venezuela khuyến khích đối thoại để vượt qua cuộc khủng hoảng trong nước. Tuy nhiên, Nicolás Maduro, nhà độc tài của Venezuela, gọi lá thư này của ngài là “rác rưởi”, “độc ác”, “đầy hận thù” và “đáng hoài nghi”.

Dưới chính quyền xã hội chủ nghĩa của Maduro, Venezuela đã bị tàn phá bởi bạo lực cũng như các biến động chính trị và xã hội, với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao, mất điện và siêu lạm phát. Hơn bốn triệu người Venezuela đã di cư kể từ năm 2015.

Trong một chương trình truyền hình ngày 21 tháng 7, 2021 Maduro nói rằng “khi mọi người đang nói về sản xuất, đoàn kết vì tổ quốc Venezuela, nhằm vượt qua khủng hoảng kinh tế, thì ở đây xuất hiện một linh mục hoàn toàn vô danh, tôi không biết ông ta là đức ông hay giám mục, và ông ấy đọc một lá thư được cho là của Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, người từng là đại sứ của Vatican tại Venezuela”.

Theo tuần báo Semana của Colombia, bức thư đã được đọc tại sự kiện này bởi Đức Cha Ricardo Aldo Barreto Cairo, một Giám Mục Phụ Tá của thủ đô Caracas, là người mà Maduro đã cố ý miệt thị khi gọi là “một linh mục hoàn toàn vô danh”.


Source:Rome Reports