1. Giao tranh dữ dội tại Vuhledar, Nga mất hơn 600 quân trong 24 giờ qua

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 28 tháng 11, Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai cho biết giao tranh dữ dội đã diễn ra xung quanh thành phố Vuhledar giữa quân Ukraine và Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến 155 của Nga được tăng cường bởi 2 Trung Đoàn Cơ Giới Biệt Lập.

Vuhledar, có nghĩa là “món quà than đá”, là một thành phố có ý nghĩa quan trọng ở tỉnh Donetsk của Ukraine. Dân số của thành phố là 14,150 người.

Vào năm 1964 dưới thời Xô Viết, ngành khai thác mỏ đã bùng phát tại Donetsk, với dự kiến sẽ có mười mỏ, 100,000 người đã đổ về đây. Tuy nhiên, trữ lượng than không được như dự báo. Chỉ có một thị trấn được mọc lên và khoảng 10% số di dân ban đầu trụ lại được. Năm 1969, thị trấn được đổi tên thành Vuhledar; và vào năm 1991, Vuhledar được công nhận là một thành phố.

Kể từ khi bắt đầu Chiến tranh Donbas vào năm 2014, quân Ukraine đã quyết tâm giữ thành phố này và đã chiến thắng trong các cuộc giao tranh với quân ly khai của cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk, gọi tắt là DPR.

Trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, thành phố Vuhledar đã bị trúng ngay một hỏa tiễn đạn đạo của Nga mang bom chùm vào ngày đầu của cuộc chiến, 24 tháng 2. Hỏa tiễn tấn công bên ngoài một bệnh viện và giết chết 4 thường dân và làm bị thương 10 người khác.

Vào đầu tháng 3, lực lượng Nga và DPR đã chiếm được thị trấn Volnovakha ở phía Nam và bắt đầu tấn công Vuhledar, nhưng không đạt được bất cứ tiến bộ nào.

Hôm 14 tháng 8, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, tuyên bố rằng DPR và các lực lượng Nga đã chọc thủng tuyến phòng thủ của Ukraine gần Vuhledar. Vào ngày 27 và 28 tháng 8, các lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc tấn công vào Vuhledar song song với cuộc tấn công vào thành phố Marinka, cách thành phố Donetsk 15 km về phía tây. Cả hai cuộc tấn công đều bị đẩy lui.

Vào đêm 28 và 29 tháng 10, các lực lượng Nga đã mở một cuộc tấn công lớn vào Vuhledar và Pavlivka, cách Vuhledar 3km về phía Đông Bắc. Trung tướng Igor Konashenkov loan báo các lực lượng Nga đã phá hủy tuyến phòng thủ đầu tiên của Ukraine và tiến vào vùng ngoại ô phía đông nam Pavlivka vào tối ngày 29 tháng 10.

Trận chiến tại Pavlivka, cách Donetsk 25 dặm về phía tây nam, là một mô hình thu nhỏ bi thảm về chiến dịch thất bại của Nga. Trong ba tuần, Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 và Trung Đoàn 40 Bộ Binh Nga và các lực lượng khác đã cố gắng nhưng thất bại trong việc bứng Lữ đoàn cơ giới số 72 của Ukraine khỏi Pavlivka, nơi trước chiến tranh có dân số 2,500 người. Tính cho đến ngày 2 tháng 11, Thủy Quân Lục Chiến Nga đã mất tới 300 binh sĩ thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích chỉ trong vài ngày đầu tiên của cuộc tấn công tại Pavlivka.

Ngay trước cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng Hai, lữ đoàn có 3,000 binh sĩ và hàng trăm xe tăng T-80, xe chiến đấu BMP-3 và BTR-82, súng cối và pháo binh hùng hậu. Họ là một phần của lực lượng Nga đã cố gắng nhưng thất bại trong việc chiếm Kyiv trong những tuần đầu của cuộc chiến rộng lớn hơn.

Từ ngày 8 tháng 11, lữ đoàn này bị quân Ukraine pháo kích dữ dội và được yêu cầu buông vũ khí đầu hàng. Ý định của quân Ukraine là bắt sống toàn bộ tàn quân của lữ đoàn này vì những cáo buộc họ dính líu trong vụ thảm sát ở Bucha.

Hôm thứ Hai, ngày 21 tháng 11, dưới sự yểm trợ của Trung Đoàn 40 Bộ Binh của quân Nga, Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến 155 Nga tháo chạy khỏi Pavlivka. Họ chạy thoát, nhưng còn chưa tới 200 quân.

Tàn quân của Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 được bổ sung quân số từ những người vừa bị gọi nhập ngũ, và được tăng cường bởi 2 Trung Đoàn Cơ Giới Biệt Lập; đã quay lại tấn công Pavlivka và Vuhledar đồng thời trong mấy ngày qua. Khoảng 600 binh sĩ Nga của các đơn vị này được ghi nhận đã bị loại khỏi vòng chiến trong 24 giờ của ngày Chúa Nhật, cùng với 4 xe tăng, 8 thiết giáp. Trên đường rút lui, họ bỏ lại một hệ thống pháo.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung Tá Oleksandr Motuzianyk, cho biết tính từ ngày 24 tháng Hai đến hết ngày Chúa Nhật 27 tháng 11, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 87,310 binh sĩ Nga.

Tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược còn bao gồm 2,905 xe tăng, 5,856 xe thiết giáp, 1,897 hệ thống pháo, 395 hệ thống phóng hỏa tiễn hàng loạt, 209 hệ thống phòng không, 278 máy bay chiến đấu, 261 máy bay trực thăng, 1,555 máy bay không người lái tác chiến và chiến thuật, 531 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4,412 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 163 thiết bị đặc biệt.

2. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg: Putin đang cố gắng sử dụng mùa đông làm vũ khí

NATO nên tăng cường hỗ trợ cho Ukraine để không tạo cơ hội cho Putin buộc Ukraine phải quỳ gối trong mùa đông.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói điều này với hãng truyền thông Đức Welt trước cuộc họp của các ngoại trưởng NATO.

Ông nói, hiện tại, Putin phản ứng với những thất bại quân sự bằng những cuộc tấn công “tàn bạo hơn” vào dân thường. Khi mùa đông bắt đầu, Mạc Tư Khoa bắt đầu ném bom hệ thống năng lượng của Ukraine nhằm khiến Ukraine phải quỳ gối.

“Putin đang cố sử dụng mùa đông như một vũ khí. Nhưng ông ấy sẽ không đạt được thành công này,” Stoltenberg nói.

Ông lưu ý rằng Ukraine càng đạt được nhiều thành công quân sự thì vị thế của nước này sẽ càng vững chắc trong các cuộc đàm phán trong tương lai.

“Chúng ta có thể củng cố vị thế của Ukraine trên bàn đàm phán nếu chúng ta hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Cách tốt nhất để ủng hộ hòa bình là ủng hộ Ukraine,” ông nói.

Ông Stoltenberg nói thêm rằng tất cả các đối tác nên hỗ trợ và tăng viện trợ cho Ukraine. Điều này sẽ giúp người Ukraine bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, và tự do của mình.

Trong bối cảnh này, ông nhấn mạnh vai trò của Đức, nước có sự hỗ trợ mạnh mẽ là rất quan trọng, bởi vì “vũ khí chuyển giao từ Đức sẽ cứu được nhiều mạng sống”. Đặc biệt, hệ thống phòng không của Đức sẽ giúp bảo vệ nhà cửa, trường học và bệnh viện khỏi hỏa tiễn Nga.

Ông Stoltenberg thừa nhận rằng viện trợ cho Ukraine phải trả giá ở các xã hội phương Tây, vì hóa đơn tiền điện và lương thực tăng cao đồng nghĩa với thời kỳ khó khăn đối với nhiều hộ gia đình ở Âu Châu. Ông nói: “Nhưng chúng ta phải nhớ rằng người dân Ukraine phải trả bằng máu của họ hàng ngày”.

Stoltenberg nói rằng nếu Putin thắng cuộc chiến, ông ta và những tên độc tài khác trên thế giới sẽ tiếp tục sử dụng bạo lực để đạt được mục tiêu của mình. “Nó có thể có nghĩa là nhiều chiến tranh hơn và nhiều đau khổ hơn. Nó sẽ làm cho thế giới của chúng ta trở nên nguy hiểm hơn. Ukraine giành chiến thắng là vì lợi ích của chúng ta”, ông nói.

Trong cuộc họp trong hai ngày 29 và 30 tháng 11, tại Bucharest, các ngoại trưởng NATO sẽ đưa ra quyết định về việc hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Ukraine như một phần của gói viện trợ toàn diện.

3. Có dấu hiệu người Nga đang rút khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Trên các phương tiện truyền thông Nga, đã có các đồn thổi về khả năng chuyển giao Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA kiểm soát, điều này có thể cho thấy kế hoạch của Nga rời khỏi cơ sở này.

“Có một số dấu hiệu cho thấy họ có thể sẽ rời khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Trước hết, đã có rất nhiều tin tức trên báo chí Nga nói rằng Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có thể được bàn giao cho IAEA kiểm soát,” Petro Kotin, chủ tịch Công ty sản xuất năng lượng hạt nhân quốc gia “Energoatom” nói trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 28 tháng 11.

Đồng thời, ông lưu ý rằng hiện đã có những dấu hiệu lấy cắp các tài sản của nhà máy điện hạt nhân, cho thấy người Nga chuẩn bị rời khỏi nhà máy. Theo ông, những kẻ xâm lược đã cấm nhân viên nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đến khu vực do bọn xâm lược kiểm soát.

Kotin cũng lưu ý rằng Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi đang nỗ lực tích cực để tạo ra một vùng an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Như đã đưa tin, quân đội Nga đã chiếm được Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vào ngày 4 tháng 3. Những kẻ xâm lược đã đặt thiết bị quân sự và đạn dược trong lãnh thổ của nhà máy, nã pháo vào khu vực xung quanh, phá hủy các đường dây điện, khiến nguồn cung cấp điện bên ngoài của nhà máy bị cắt và đổ lỗi cho Lực lượng Vũ trang.

Người Nga bắt cóc và tra tấn nhân viên nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Zaporizhzhia là nơi có cơ sở điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu, nơi cung cấp tới 20% điện năng của đất nước trước khi Nga xâm chiếm Ukraine. Nó đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ tháng Ba.

Nhà máy và khu vực xung quanh nó, bao gồm cả thành phố Enerhodar gần đó, đã phải hứng chịu những đợt pháo kích dai dẳng làm dấy lên lo ngại về một vụ tai nạn hạt nhân do việc cung cấp điện cho nhà máy bị gián đoạn. Nga và Ukraine tiếp tục đổ lỗi cho nhau về các vụ pháo kích.

4. Đức gửi đợt viện trợ quân sự mới cho Ukraine

Tuần trước, Đức đã gửi một lô xe chuyên dụng khác cho quân đội Ukraine. Điều này được nêu trong một tuyên bố đăng trên trang web của chính phủ Đức.

Viện trợ quân sự chuyển giao cho Ukraine tuần qua bao gồm: 2 xe đầu kéo vận chuyển xe tăng M1070 Oshkosh, 8 chiếc đã được chuyển giao trước đó, 14 xe bảo vệ biên giới, 39 chiếc đã được chuyển giao trước đó.

Hỗ trợ quân sự cho Ukraine còn bao gồm 14 xe bộ binh được theo dõi và điều khiển từ xa cho các nhiệm vụ hỗ trợ.

Tổng giá trị các viện trợ quân sự trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng Giêng năm 2022 đến ngày 21 tháng 11 năm 2022 lên tới 1.636 tỷ EUR.

Như đã đưa tin, hồi cuối tháng 10, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Đức sẽ cung cấp cho Ukraine thêm 3 hệ thống phòng không IRIS-T trong thời gian sớm nhất.

5. 32,000 mục tiêu dân sự đã bị phá hủy bởi pháo kích của Nga kể từ khi bắt đầu chiến tranh

Các cuộc tấn công của Nga ở Ukraine đã làm hư hại khoảng 32,000 mục tiêu dân sự và hơn 700 cơ sở hạ tầng quan trọng kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào tháng Hai

“Như người ta mong đợi ở những kẻ khủng bố, người Nga nhắm vào các mục tiêu dân sự. Cho đến nay, khoảng 32,000 mục tiêu như vậy đã bị hư hại bởi hỏa tiễn và đạn pháo của Nga. Đây chủ yếu là nhà riêng hoặc chung cư dân sự,” Yevhenii Yenin, một nhà ngoại giao Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Ukraine hôm Chúa Nhật.

Ông nói thêm: “Chỉ có 3% các cuộc tấn công được ghi nhận là nhằm vào các cơ sở quân sự”.

“Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 700 cơ sở hạ tầng quan trọng - sân bay, cầu, kho chứa dầu, trạm biến áp điện, v.v. - tất cả đều bị ảnh hưởng,” Yenin nói.

Nhà ngoại giao này cho biết Mạc Tư Khoa có “ham muốn điên cuồng là nhấn chìm Ukraine vào bóng tối và không có lý do gì để tin rằng họ sẽ dừng lại”.

Nga đã nhiều lần tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine, gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng trước mùa đông.

6. Tổng thống Belarus đề nghị Ukraine ngồi lại đàm phán với Nga vô điều kiện

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm Chúa Nhật cho biết Kyiv đang mắc “sai lầm” khi đưa ra các điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán với Nga, cho rằng các điều kiện tiên quyết đó không cho phép các cuộc đàm phán bắt đầu.

“Sai lầm của người Ukraine, của (Tổng thống) Volodymyr Zelenskiy, là ông ấy đã vi phạm các nguyên tắc cổ điển của quá trình đàm phán. Đặc biệt là khi nói chuyện với người khổng lồ Nga. Bạn không thể đưa ra các điều kiện trước,” Lukashenko nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước Nga.

“Hãy ngồi xuống bàn đàm phán và đưa ra tất cả các điều kiện ở đó. Và nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc cổ điển – thỏa hiệp,” Lukashenko nói.

Mạc Tư Khoa sử dụng Minsk làm căn cứ vệ tinh cho cuộc chiến vô cớ với Ukraine. Khi bắt đầu cuộc xung đột, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội tiến vào Ukraine qua biên giới Nga và Belarus.

Belarus đã được sử dụng làm bàn đạp cho nhiều hoạt động không quân của Nga ở Ukraine, theo thông tin tình báo do các máy bay giám sát của NATO thu thập. Và quân đội hai nước đã phối hợp tập trận chung.

Zelenskiy đã ký một sắc lệnh vào đầu tháng 10 loại trừ bất kỳ cuộc đàm phán nào với Putin.

“Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng với một tổng thống khác của Nga,” Zelenskiy cho biết vào tháng trước.

Các quan chức cấp cao của Mỹ trong những tuần gần đây đã thúc giục Ukraine phát đi tín hiệu rằng nước này vẫn sẵn sàng thảo luận ngoại giao với Nga.

Nhưng Mỹ sẽ không miễn cưỡng đẩy Ukraine vào bàn đàm phán, theo các nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận, đặc biệt là vì rõ ràng là Nga đã không thể hiện ý định đàm phán một cách thiện chí.

Trong một diễn biến khác Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei đã qua đời một cách đột ngột. Makei qua đời ở tuổi 64, Bộ Ngoại giao Belarus cho biết hôm thứ Bảy. Bộ Ngoại Giao cho biết ông “đột ngột qua đời hôm nay” mà không cung cấp thêm chi tiết về hoàn cảnh xung quanh cái chết của ông ta.

Trước đó, bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, gọi tắt là CSTO, do Nga cầm đầu, Lukashenko đã dập tắt những tin đồn về việc can dự chặt chẽ hơn vào cuộc xâm lược của đồng minh. Ông ta mô tả viễn cảnh quân đội Belarus tiến vào Ukraine là “hoàn toàn vô nghĩa”. Các chính trị gia Belarus đối lập với Lukashenko cho rằng chính Nga đã giết chết Makei để dằn mặt Lukashenko, và nếu Lukashenko duy trì quan điểm hiện nay, kịch bản nhiều người thấy nhất là sau cái chết của Makei sẽ là cái chết của Lukashenko.

Một chi tiết khác cũng không nên bỏ qua là việc NATO tập trận sát biên giới Nga và Belarus. Trong khi các phương tiện truyền thông Nga kịch liệt phản đối, chưa thấy có bình luận chính thức nào từ Belarus.

7. Các quan chức thành phố cho biết điện, nước, nhiệt và internet “gần như được khôi phục hoàn toàn” ở Kyiv

Điện, nước, nhiệt, internet và vùng phủ sóng mạng đã “được khôi phục gần như hoàn toàn” tại thủ đô Kyiv của Ukraine vào lúc 9 giờ sáng giờ địa phương Chúa Nhật, chính quyền quân sự thành phố cho biết như trên.

Các nhà chức trách cho biết các đội đã bước vào giai đoạn sửa chữa cuối cùng trên hệ thống lưới điện.

Các quan chức cũng cho biết hầu hết cư dân thành phố không còn gặp phải tình trạng mất điện khẩn cấp - được áp đặt vào tháng trước nhằm hạn chế tiêu thụ năng lượng - do nguồn điện được khôi phục và ổn định cũng như mức tiêu thụ thấp của người dân.

“Cấp nước, cấp nhiệt và thông tin liên lạc — mọi thứ đều hoạt động bình thường. Chỉ những tình huống khẩn cấp tại địa phương mới có thể xảy ra trục trặc” thị trưởng Kyiv cho biết.