Trong một bài trước, chúng tôi đã chuyển ngữ một số đăng tải về "Những cái chết thánh thiện" của trang mạng http://www.hourofourdeath.org (Giờ chết của chúng ta). Hôm nay, chúng tôi xin chuyển ngữ loạt đăng tải của họ về "Những tầm nhìn thông sáng về sự chết" của 18 nhân vật Công Giáo nổi tiếng xưa nay:

2.Năm tầm nhìn thông sáng của Thomas Merton về sự chết

Trong số báo ngày 15 tháng Hai, 2019, Trang mạng trích đăng Năm Tầm nhìn Thông sáng về Sự chết của Cha Thomas Merton. Theo trang mạng này, Thomas Merton là Một trong bốn “người Mỹ vĩ đại” mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc đến khi nói chuyện trước Lưỡng Viện Quốc hội. Thomas Merton gia nhập Giáo hội năm hai mươi ba tuổi và vào đan viện năm hai mươi sáu tuổi. (Ba người khác được Đức Giáo Hoàng đề cập là Abraham Lincoln, Dorothy Day và Martin Luther King, Jr.) Ông ở tại Đan viện Gethsemani, một cộng đồng Trappist, cho đến khi qua đời vào năm 1968. Ở đó, ông được gọi là Cha Louis. Viết theo sự thúc giục của đan viện trưởng, cuốn tự truyện kinh điển và câu chuyện trở lại đạo Núi Bảy Tầng của cha xuất hiện vào năm 1948, và được cho là đã bán được hơn một triệu bản trong sáu mươi năm kể từ đó.

Là tác giả của hàng chục cuốn sách về nhiều chủ đề, Merton đã ảnh hưởng đến Giáo hội ở Mỹ và cũng được những người không theo Công Giáo đọc rộng rãi. Ngoài những bài viết về phong trào đơn tu và đời sống thiêng liêng, ngài còn viết nhiều đề tài về chứng tá xã hội Công Giáo và sau này về các tôn giáo phương đông. Đức Phanxicô gọi ngài “trên hết là một con người cầu nguyện, một nhà tư tưởng thách thức các xác tín của thời đại mình và mở ra những chân trời mới cho các linh hồn và cho Giáo hội. Ngài cũng là một người đối thoại, một người thúc đẩy hòa bình giữa các dân tộc và các tôn giáo.”




Các tầm nhìn thông sáng sau được lấy từ các mục nhật ký trong “The Sign of Jonas” của Merton.

Chết trẻ hay chết già

Tôi quen nghĩ chết trẻ và chết nhanh là một điều tốt, nhưng bây giờ tôi bắt đầu nghĩ rằng một cuộc sống lâu dài với nhiều lao nhọc và đau khổ vì Thiên Chúa sẽ là một ân sủng lớn hơn. Tuy nhiên, ân sủng lớn hơn cho mỗi cá nhân là ân sủng mà Thiên Chúa muốn dành cho người đó. Nếu Thiên Chúa muốn bạn chết đột ngột, thì đó là một ân sủng lớn hơn cho bạn so với bất cứ cái chết nào khác, bởi vì đó là cái chết mà Người đã chọn, bởi tình yêu của Người, với mọi hoàn cảnh của cuộc đời bạn và vinh quang của Người.

Chuẩn bị cách tồi tệ cho cái chết

Tuy nhiên, có một cách chuẩn bị cái chết đầy tội lỗi: sống giữa cuộc đời, ở cội nguồn của sự sống, và cảm nhận trong lòng cái hương vị lạnh lùng đối với cái chết hầu như sẵn sàng từ chối sự sống - cái chết thối rữa đầy acedia [tẻ lạnh] nhằm vứt bỏ chính bản thể bạn một cách chán nản và sợ hãi!

Chăm sóc người hấp hối

Khi Dom Gabriel Sortais (ngài là Viện phụ mới của chúng tôi) trở lại vào tháng trước và thực hiện một cuộc Thăm viếng khác, ngài bảo chúng tôi mở các phòng trên nhà nguyện của bệnh xá để vách ngăn có thể được cuộn lại và các đan sĩ bị bệnh nặng, các đan sĩ hấp hối, có thể nghe thánh lễ từ giường của họ. Tôi không ngừng tự hỏi liệu mình sẽ chết trên chiếc giường như vậy hay trên bất cứ chiếc giường nào. Nghĩa là một năm nữa phải nghe máy trộn xi măng và máy nén khí ở mảnh sân ngoài cửa sổ này, nơi tôi không còn thời gian để viết sách và nơi những đứa con tinh thần của tôi xuất hiện để nói về Thiên Chúa. Nhưng nếu máy trộn xi măng có nghĩa là ai đó sắp chết có thể nghe Thánh lễ trên giường thì điều đó vẫn ổn đối với tôi.

Sự Tử Đạo Của Chúng Ta

Chúng ta có xu hướng nghĩ về “những người tử vì đạo” như những người thuộc thể loại khác với chúng ta, những người ở một thời đại khác, được nuôi dưỡng trong một bầu không khí khác, những con người cách nào đó mạnh mẽ và vĩ đại hơn chúng ta. Nhưng hóa ra chúng ta cũng được mong chờ phải đối diện với những đau khổ y như vậy và tuyên xưng Chúa Kitô và chết cho Người. Chúng ta, những người không phải là anh hùng, là những người được Thiên Chúa chọn để chia sẻ số phận của các chiến binh vĩ đại của Người. Và một cái nhìn vào linh hồn của chính chúng ta cho chúng ta biết rằng không có gì ở đó mời gọi chiến đấu như các vị thánh cao cả. Không có gì tuyệt vời về chúng ta. Chúng ta là những thứ khốn cùng và nếu chúng ta bị kêu gọi phải chết, chắc chúng ta sẽ chết một cách thảm hại. Không có gì vĩ đại về chúng ta. Chúng ta vô giá trị.

Và có lẽ chúng ta đã được đánh dấu để bị hy sinh — một sự hy sinh mà, trong mắt thế giới, có lẽ chỉ là buồn tẻ, đáng tiếc và hèn hạ. Ấy thế nhưng sau cùng, nó sẽ kết thúc bằng vinh quang lớn nhất của chúng ta. Có lẽ không có vinh quang nào lớn hơn là được giản lược thành vô nghĩa bởi một quyền lực tạm thời bất công và ngu xuẩn, để Thiên Chúa có thể chiến thắng sự ác qua sự vô nghĩa của chúng ta.

Tưởng nhớ sự chết

Cái quan tài, cái hộp mở nắp màu đen có tay cầm dài để chúng ta khiêng người chết ra phía sau Nhà thờ và chôn cất họ, được đặt trong phòng sấy khô và tôi cố tình nhìn vào nó mỗi khi đi ngang qua để nhắc nhở mình về ngày hạnh phúc khi, tạ ơn Chúa, tôi sẽ trở về nhà.

3.Năm tầm nhìn thông sáng của Dorothy L. Sayers về sự chết

Ngày 1 tháng 8 năm 2019, Trang mạng cho đăng tải Năm Tầm nhìn Thông sáng của Dorothy L. Syers về sự sự chết:

Bắt đầu cuộc đời làm công việc viết bản sao quảng cáo, bao gồm trương mục của Guinness, Dorothy L. Sayers nổi tiếng vào những năm 1920 và 1930 trong tư cách tác giả của những câu chuyện bí mật về Ngài Peter Wimsey. Sau đó, cô trở thành một trong những nhà văn tôn giáo lớn vào thời của mình. Cô đã viết các tác phẩm thần học quan trọng như The Mind of the Maker, một số vở kịch, nổi tiếng nhất là The Man Who Was King, nhiều tiểu luận, và cuối cùng là phần lớn bản dịch Thần khúc của Dante. Là bạn của G. K. Chesterton và của C. S. Lewis, cũng như Lewis, cô là một tín đồ Anh giáo dường như chưa bao giờ cảm thấy bị Giáo Hội Công Giáo thu hút. Cô mất năm 1957.

Sayers viết rất ít về cái chết như một trải nghiệm bản thân. Cô quan tâm nhiều hơn đến ý nghĩa văn hóa của nó và ý nghĩa biến đổi thế giới của sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Cô nói với một mục sư, người đã yêu cầu cô nói chuyện về việc chuẩn bị chờ sự chết rằng cô không biết liệu cô có tự mình chọn chủ đề này hay không. “Tôi cực lực phản đối sự chết - có thể bạn cảm thấy đây là một lý do tuyệt vời để tôi nói về điều đó, nhưng thành thật mà nói, tôi không thể giả vờ rằng mình thuộc loại chất liệu mà từ đó, các vị tử vì đạo đã được tạo ra”.


Cái chết ít được chú ý hơn khi nó xảy ra riêng tư và từng phần. Trong thời bình, chúng ta có thể, gần như thành công, cho rằng đó chỉ là một tai nạn đáng tiếc nên tránh. Nếu một quý ông chín mươi hai tuổi giàu có đột nhiên chết vì suy tim, các tờ báo sẽ chạy hàng tít về sự kiện này: “Cái chết Bi thảm của Các Nhà Triệu phú”; và chúng ta cảm thấy khá ngạc nhiên và phẫn nộ khi thấy một người giàu có như vậy lại bị cắt đứt ở thời kỳ cực thịnh của mình. Với tất cả số tiền đó dành cho nghiên cứu, lẽ ra khoa học đã có thể giải quyết vấn đề cái chết cho ông ta...

Chúng ta nói lần trước [Thế chiến thứ nhất] chúng ta ghét chiến tranh vì nó giết chết những người trẻ và khỏe trước thời của họ. Nhưng lần này chúng ta cũng tức giận không kém khi chứng kiến những người già và những người ốm yếu chết cùng với những người còn lại. Không ai có thể chết nhiều hơn một lần; nhưng những thảm họa lớn, dịch bệnh lớn, và trên hết là những cuộc chiến tranh vĩ đại nhồi nhét vào tai chúng ta nhận thức đáng ghét rằng cuộc sống có ý định giết chết chúng ta.

- Trích từ “Bức tranh có vấn đề”

Không có giải pháp cho sự chết... Mới đây, chúng ta từng nhận thấy sự phẫn uất và bực tức ngày càng gia tăng khi đối diện với sự chết. Chúng ta không quá sợ hãi trước nỗi đau của cái chết, cho bằng cảm thấy bị thách thức trước ý niệm hơn bất cứ điều gì trên thế giới nó là điều không thể tránh khỏi. Các nỗ lực của chúng ta không hướng đến, giống như nỗ lực của các vị thánh hay nhà thơ, việc tạo ra một điều gì đó một cách sáng tạo từ ý niệm sự chết, mà đúng hơn là để xem liệu chúng ta có thể, cách nào đó, trốn được, bãi bỏ được, và trên thực tế, giải quyết được vấn đề sự chết hay không...

Vấn đề sự chết không dễ giải quyết bằng giải pháp truyện trinh thám. Hai điều duy nhất chúng ta có thể làm với sự chết, thứ nhất là trì hoãn nó, đó chỉ là giải pháp phiến diện, và thứ hai là chuyển toàn bộ các giá trị liên quan đến sự chết sang một lĩnh vực hành động khác - nghĩa là từ thời gian đến vĩnh cửu.

Nếu chúng ta sợ hãi một điều gì đó, có hai loại bảo đảm có thể mang lại cho chúng ta. Một, điều sợ hãi sẽ không xảy ra; hai, nếu nó xảy ra, nó không đáng sợ. Kitô giáo không đưa ra lời hứa nào về điều đầu tiên, mà chỉ hứa hẹn về điều thứ hai. Chẳng hạn, không có ý kiến nào cho rằng một Kitô hữu sẽ không chết; nhưng chỉ có điều sự chết đó không thể làm hại anh ta.

- Trích từ “Bức tranh có vấn đề” và bức thư ngày 26 tháng 9 năm 1939

“Và ngày thứ ba, Người sống lại”. Chúng ta có thể làm gì với điều này? Có một điều chắc chắn: nếu Người là Thiên Chúa chứ không phải ai khác, thì sự bất tử của Người chẳng có ý nghĩa gì đối với chúng ta; nếu Người là con người và không là gì khác, cái chết của Người không quan trọng hơn cái chết của bạn hay của tôi. Nhưng nếu thực sự Người vừa là Thiên Chúa vừa là con người, thì khi con người Giêsu chết, Thiên Chúa cũng chết theo; và khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, con người cũng sống lại, bởi vì họ là một và cùng là một người...

Những người từng nhìn thấy Chúa Kitô phục sinh, luôn tin chắc rằng cuộc sống đáng sống và sự chết là điều tầm thường — một thái độ khác hẳn thái độ của những kẻ chủ bại hiện đại, những người tin chắc rằng cuộc sống là một thảm họa và sự chết (khá mâu thuẫn) là một thảm họa lớn.

- Trích từ “Bi kịch vĩ đại nhất từng được dàn dựng”

Đó là phác thảo của câu chuyện chính thức - câu chuyện về thời gian khi Thiên Chúa là kẻ yếu thế và bị đánh đập, khi Người tuân theo những điều kiện mà Người đã đặt ra và trở thành một con người giống như những con người mà Người đã tạo ra, và những con người mà Người đã tạo ra đã trấn áp và giết chết Người... Việc Thiên Chúa nên đóng vai bạo chúa đối với con người là một câu chuyện ảm đạm về sự áp bức khôn nguôi; việc con người nên đóng vai bạo chúa đối với con người là bản ghi chép buồn tẻ thường thấy về sự phù phiếm của con người; nhưng việc con người nên đóng vai bạo chúa đối với Thiên Chúa và thấy Người là một con người tốt hơn mình quả thực là một bi kịch đáng kinh ngạc...

Có lẽ lúc này bi kịch đã kết thúc, và Chúa Giêsu đã chết và được chôn cất an toàn. Có lẽ. Thật là oái oăm và thú vị khi xem xét điều này: ít nhất một lần trong lịch sử thế giới, những lời đó có thể đã được nói một cách hoàn toàn xác tín, và đó là vào đêm trước biến cố Phục sinh.

- Trích “Bi kịch vĩ đại nhất từng được dàn dựng”

Lạy Chúa, nếu ngày này cuộc hành trình của con kết thúc,
Con cảm tạ Chúa trước nhất đã cho con nhiều bằng hữu,
Những chân cầu chắc chắn và không thể nghi ngờ
Dọc dài bên dưới cây cầu nhiều năm của con...

Con cũng cảm tạ Chúa,
đã cho con mắt thấy, tai nghe,
Lưỡi nói, sức mạnh chịu đựng,
Tay cầm, chân đi,
Trọn cả đời con.

Vì tất cả những điều hân hoan, kỳ cục và xa lạ,
Vì âm thanh và im lặng, sức mạnh và thay đổi,
Cuối cùng, vì sự chết, mà chỉ có nó mới đem
Giá trị cho mọi sự sống;

Vì tất cả những điều này, Lạy Thiên Chúa tốt lành, Đấng vẫn tạo ra con,
Con ca ngợi danh Chúa; vì, quả thực,
Con không thiếu niềm vui của mình,
Dù hôm nay là ngày cuối cùng của con trên trái đất.

- Trích “Bài thánh ca trong sự suy ngẫm về cái chết đột ngột”

4. Năm tầm nhìn thông sáng của Blaise Pascal về sự chết

Ngày 2 tháng Năm, 2019, Trang mạng cho đăng tải 5 tầm nhìn thông sáng của Balise Pascal về sự chết trích từ cuốn Pensées của ông:

Một trong những nhà toán học vĩ đại của lịch sử, Blaise Pascal cũng đã viết rất nhiều về Kitô giáo, trong nhiều năm để bảo vệ một hình thức Công Giáo khắt khe gọi là Chủ nghĩa Jansen và chống lại các tu sĩ Dòng Tên. Ông đã trải qua điều được ông gọi là “sự hóan cải dứt khoát” vào năm 1654, ở tuổi 31, khi ông khám phá ra “Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ysaác, Thiên Chúa Giacóp, chứ không phải của các triết gia và nhà khoa học”. Cuốn sách nổi tiếng nhất của ông, Pensées, được soạn thảo sau khi ông qua đời từ những ghi chú mà ông đã viết để bảo vệ Kitô giáo. Có lẽ mục nổi tiếng nhất là “Trái tim có những lý lẽ mà bản thân lý lẽ không hề hay biết”. Pascal sống từ năm 1623 đến 1662. Những hiểu biết thông sáng sau đây được trích từ cuốn Pensées.



Giải khuây, cách chúng ta tránh nghĩ đến sự chết

Khốn cùng: Điều duy nhất an ủi chúng ta trong những lúc rắc rối là sự giải khuây, tuy nhiên đó lại là rắc rối lớn hơn tất cả. Vì chính điều đó ngăn cản chúng ta nghĩ về bản thân và khiến chúng ta lãng phí [thời gian] một cách khó nhận thấy. Không có nó, chúng ta sẽ bị khốn khổ bởi sự buồn chán, và sự buồn chán này sẽ thúc đẩy chúng ta tìm kiếm một phương tiện trốn thoát hữu hiệu hơn. Nhưng sự giải khuây đánh lừa chúng ta, và cuối cùng đưa chúng ta đến cái chết một cách vô cảm.

Giải khuây: Vì con người đã không thể chữa trị được sự chết, sự đau khổ, sự thiếu hiểu biết, họ đã nghĩ ra là nên bỏ qua chúng, để được hạnh phúc.

Tấm Gương Các Thánh Tử Đạo

Những tấm gương về cái chết cao cả của những người Sparta và những người khác hiếm khi khiến chúng ta cảm động. Vì có gì tốt cho chúng ta ở đó? Nhưng gương chết của các thánh tử đạo đánh động chúng ta; vì họ là “thành viên của chúng ta”. Chúng ta có một mối ràng buộc chung với họ. Cách giải quyết của họ có thể hình thành nên cách giải quyết của chúng ta, không chỉ bằng gương sáng, mà bởi vì nó có lẽ xứng đáng với cách giải quyết của chúng ta. Không có gì thuộc điều này trong các điển hình của người ngoại giáo. Chúng ta không có ràng buộc với họ; giống như chúng ta không trở nên giàu có bằng cách nhìn một người xa lạ giàu có, mà thực sự bằng cách nhìn một người cha hoặc một người chồng giàu có như vậy.

Sức lôi cuốn của sự chết

Vinh quang ngọt ngào đến nỗi chúng ta yêu bất cứ đối tượng nào mà nó gắn bó với, ngay cả sự chết.

Sự bất tử, Thiên đường và Địa ngục

Sự bất tử của linh hồn là một điều liên quan đến chúng ta một cách mạnh mẽ và tác động sâu xa đến chúng ta đến nỗi người ta hẳn đã chết đối với mọi cảm giác mới có thể dửng dưng với kiến thức tôn giáo. Căn cứ vào việc có hy vọng về các phước lành vĩnh cửu hay không, tất cả những suy nghĩ và hành động của chúng ta nên đi theo những đường lối khác là không thể thực hiện bất cứ bước nào một cách có nghĩa hay phán đoán ngoại trừ việc xem xét điểm này, vốn là đối tượng tối hậu của chúng ta.

Giữa chúng ta, và Thiên đường hay Hỏa ngục, chỉ có sự sống, vốn là điều mong manh nhất trong tất cả mọi điều ở trên đời.

Chờ đợi sự chết, và Chúa Giêsu

Vì vậy, tôi dang rộng vòng tay với Đấng Giải thoát tôi, Đấng, từng được tiên đoán trong suốt bốn nghìn năm, sẽ đến thế gian để chịu đau khổ và chết vì tôi vào thời gian và cách thức đã được báo trước. Nhờ ân sủng của Người, tôi chờ đợi sự chết trong bình an, với hy vọng được kết hợp vĩnh viễn với Người. Trong khi chờ đợi, tôi sống trong niềm vui, cho dù giữa những phước lành mà Người có thể vui lòng ban cho tôi, hay những khó khăn mà Người gửi đến vì lợi ích của tôi, và những điều mà Người đã dạy tôi phải chịu đựng bằng tấm gương của Người.

5.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Têrêxa thành Calcutta về sự chết

Ngày 5 tháng Hai, 2019, Trang mạng cho đăng tải bài Năm Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Têrêxa thành Calcutta về sự chết:

Thánh Têrêsa Calcutta lớn lên ở Albania nhưng đã dành trọn cuộc đời mình để chăm sóc những người rất nghèo ở Calcutta. Năm 1950, bà thành lập Dòng Thừa Sai Bác Ái. Bà được trao giải Nobel Hòa bình năm 1979. Mẹ Teresa qua đời vào ngày 5 tháng 9 năm 1997, được phong chân phước vào năm 2003 và được phong thánh vào năm 2016. Những hiểu biết sâu sắc này được lấy từ bộ sưu tập những lời dạy của bà có tên là The Mother Teresa Reader, do LaVonne Neff biên soạn.



Chết trẻ

Có điều gì đó đã xảy ra với một trong các chị dòng của chúng tôi được cử đi học. Chị chết ngay vào ngày chị nhận bằng tốt nghiệp. Khi sắp chết, chị hỏi: “Tại sao Chúa Giêsu gọi con trong một thời gian ngắn như vậy?” Và bề trên của chị trả lời: “Chúa Giêsu muốn con, chứ không phải công việc của con”. Chị ấy hoàn toàn hạnh phúc sau đó.

Sự phán xét của chúng ta

Vào lúc chết, chúng ta sẽ không bị phán xét bởi khối lượng công việc chúng ta đã làm mà bởi sức nặng của tình yêu mà chúng ta đã đặt vào công việc của mình. Tình yêu này phải xuất phát từ sự hy sinh bản thân và nó phải được cảm nhận đến mức gây tổn thương. Suy cho cùng, sự chết chỉ là phương tiện dễ dàng và nhanh chóng nhất để trở về với Chúa.

Khoảnh khắc sự chết

Giá như chúng ta có thể làm cho mọi người hiểu rằng chúng ta đến từ Thiên Chúa và chúng ta phải trở về với Người! Sự chết là thời khắc quyết định nhất trong đời người. Nó giống như lễ đăng quang của chúng ta: chết trong bình an với Chúa.

Điều kiện của Chúa Kitô

Để làm cho chúng ta xứng đáng với Thiên đàng, Chúa Kitô đã đặt ra một điều kiện: Vào lúc chết, bạn và tôi, bất kể chúng ta là ai và sống ở đâu, Kitô hữu cũng như người ngoài Kitô giáo, mọi con người đều được tạo dựng bởi bàn tay yêu thương của Thiên Chúa theo hình ảnh của Người, sẽ đứng trước nhan thánh Người và bị phán xét tùy theo những gì chúng ta đã làm cho người nghèo, những gì chúng ta đã làm cho họ. Đó là một tiêu chuẩn đẹp đẽ cho chính sự phán xét.

Cái chết đẹp đẽ

Cái chết có thể là một điều đẹp đẽ. Nó giống như trở về nhà. Ai chết trong Thiên Chúa thì đi về nhà dù ta tự nhiên nhớ người đã ra đi. Nhưng đây là một điều đẹp đẽ. Người đó đã về nhà với Thiên Chúa.

6.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Đức Bênêđíctô XVI về sự chết và sắp chết

Ngày 19 tháng 10 năm 2017, Trang mạng trích đăng các lời Đức Bênêđíctô XVI nói về sự chết và lúc sắp chết:

Suy nghĩ của Đức Bênêđictô XVI về sự chết và sắp chết, trích từ Di chúc cuối cùng của ngài, một cuộc phỏng vấn dài thành sách với nhà báo Peter Seewald, được thực hiện vào năm 2016.



Nói về cái chết của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II:

Cái chết này đã làm tôi vô cùng xúc động. … Tất nhiên bạn vô cùng đau buồn khi ai đó thân thiết ra đi. Đồng thời, tôi nhận thức được rằng ngài đang ở đó. Ngài ban phước cho chúng ta từ cửa sổ của ngài trên Thiên đàng, như tôi đã nói lúc đó tại quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô. Đó không chỉ là lời nói. Điều đó thực sự xuất phát từ ý thức bên trong rằng ngay cả ngày nay ngài vẫn ban phước lành xuống, ngài ở đó và tình bạn tồn tại một cách khác.

Khi được hỏi liệu ngài có sợ chết không và ngài mong chờ điều gì khi chết:

Ở một khía cạnh nào đó, có. Điều thứ nhất là ta sợ rằng ta đang áp đặt lên người ta một thời gian dài bị khuyết tật. Tôi thấy điều đó làm tôi rất lo lắng. Cha tôi cũng luôn luôn sợ chết; nó đã kéo dài với tôi, nhưng giảm bớt đôi chút. Điều khác là, bất chấp tất cả sự tin tưởng của tôi rằng Thiên Chúa yêu thương không thể từ bỏ tôi, nhưng bạn càng đến gần nhan Người, bạn càng cảm thấy mình đã làm sai xiết bao. Về mặt này, gánh nặng tội lỗi luôn đè nặng lên ta, nhưng niềm tín thác căn bản dĩ nhiên luôn có đó...

Ở đây, Thánh Augustinô nói một điều vốn là một tư tưởng lớn và một niềm an ủi lớn. Ngài giải thích đoạn trong Thánh vịnh “luôn luôn tìm kiếm Nhan Người” như sau: điều này áp dụng “mãi mãi” cho cả cõi đời đời. Thiên Chúa vĩ đại đến nỗi chúng ta không bao giờ kết thúc cuộc tìm kiếm của mình. Người luôn luôn mới. Với Thiên Chúa, có cuộc gặp gỡ vĩnh viễn, bất tận, với những khám phá mới và niềm vui mới. Những điều như vậy là vấn đề thần học. Đồng thời, ở góc độ hoàn toàn là con người, tôi mong được đoàn tụ với cha mẹ, anh chị em, bạn bè của mình và tôi tưởng tượng rằng nó sẽ đáng yêu như ở mái ấm gia đình của chúng ta.

Về những hiểu biết của tuổi già:

Giờ đây, tôi thấy nhiều lời phát biểu từ các sách Tin Mừng có tính thách thức trong sự vĩ đại và nghiêm trọng của chúng hơn tôi đã thấy trước đây. Thật vậy, điều này gợi lại một tình tiết trong thời gian tôi còn là một tuyên úy. Một ngày nọ, Romano Guardini là khách của giáo xứ Thệ phản lân cận, ngài nói với mục sư Thệ phản, “Ở tuổi già, điều đó không dễ dàng hơn mà còn khó khăn hơn”. Điều đó ảnh hưởng sâu sắc và làm vị linh mục lúc bấy giờ của tôi cảm động.

Nhưng có một chút sự thật trong đó. Một mặt, có thể nói như vậy khi về già, bạn thực hành sâu sắc hơn. Cuộc sống đã thành hình. Các quyết định căn bản đã được đưa ra. Mặt khác, người ta cảm thấy sâu sắc hơn sự khó khăn của những vấn đề trong cuộc sống, người ta cảm thấy sức nặng của cảnh không có Thiên Chúa của ngày nay, sức nặng của việc thiếu vắng đức tin đã vào tận sâu trong Giáo hội, nhưng rồi người ta cũng cảm nhận được sự cao cả của những lời Chúa Giêsu Kitô phán, vượt quá giải thích thường xuyên hơn trước đây.

Chúng ta có thể chuẩn bị cho sự chết không và nếu có thể thì phải làm thế nào?

Tôi nghĩ thậm chí người ta phải chuẩn bị. Không phải theo nghĩa thực hiện những hành động đặc thù, mà là sống nội tâm, để có một cuộc tự xét mình lần cuối cùng trước mặt Thiên Chúa. Để người ta ra khỏi thế giới này và sẽ ở đó trước mặt Thiên Chúa, trước mặt các thánh, trước mặt bạn bè và những người không phải là bạn bè. Có thể nói, để người ta chấp nhận sự hữu hạn của đời này và tiếp cận nó từ bên trong, để đến trước nhan Thiên Chúa.

[Họ làm điều đó qua] suy gẫm của tôi. Tôi liên tục nghĩ về sự kiện nó sẽ kết thúc. Tôi cố gắng cởi mở với nó, và trên hết, để giữ cho mình hiện diện. Điều quan trọng thực sự không phải là tôi tưởng tượng ra nó, mà là tôi sống trong ý thức về nó, tất cả cuộc sống đều hướng đến một cuộc gặp gỡ... Có thể nói Thiên Chúa không phải là một thế lực cai trị, một thế lực xa xôi; đúng hơn, Người là tình yêu, và Người yêu tôi - và như vậy, cuộc sống nên được hướng dẫn bởi Người, bởi sức mạnh đưọc gọi là tình yêu này.

Họ sẽ nói về điều gì khi đứng trước Đấng toàn năng:

Tôi sẽ nài xin Người tỏ lòng khoan hồng đối với sự tồi tệ của tôi.

7.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Têrêxa thành Lisieux về sự chết

Ngày 7 tháng 5 năm 2018, Trang mạng trích đăng các lời của Thánh Têrêxa thành Lisieux nói về sự chết:

Thánh Têrêsa thành Lisieux không làm gì nổi tiếng cả. “Bông hoa nhỏ” vào tu viện năm mười lăm tuổi và chết ở đó vì bệnh lao năm hai mươi bốn tuổi. Cuốn sách duy nhất của bà, Truyện một Linh hồn, chỉ được xuất bản sau khi bà qua đời. Tuy nhiên, bà đã được phong thánh chỉ hai mươi tám năm sau khi qua đời, cuốn sách của bà đã trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của Giáo hội, và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong bà là Tiến sĩ Giáo hội vào năm 1997. Têrêsa có thể là vị thánh được yêu mến nhất trong số các vị thánh hiện đại.



Thái độ của chúng ta đối với thế giới này

Thế giới là con tàu của bạn chứ không phải là nhà của bạn.

Nếu tôi không chỉ đơn giản sống từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, thì tôi sẽ không thể kiên nhẫn, nhưng tôi chỉ nhìn vào hiện tại, tôi quên đi quá khứ và tôi cẩn thận để không đoán trước tương lai.

Thái độ của chúng ta đối với cuộc sống của chúng ta

Đối với tôi, bây giờ dường như không có gì cản trở tôi cất cánh, vì tôi không còn ham muốn lớn lao nào nữa, ngoại trừ tình yêu, thậm chí cho đến chết vì tình yêu. Tôi tự do, tôi không sợ hãi, kể cả những gì tôi sợ hãi nhất; Ý tôi là nỗi sợ bị bệnh lâu ngày và hậu quả là trở thành gánh nặng cho Cộng đoàn. Nếu điều đó làm hài lòng Thiên Chúa tốt lành, tôi sẵn sàng bằng lòng nhìn thấy cuộc sống đau khổ của mình, cả tâm hồn lẫn thể xác, kéo dài trong nhiều năm. Ồ! không, tôi không sợ một cuộc sống lâu dài. Tôi không trốn tránh chiến đấu. “Chúa là tảng đá mà trên đó tôi được thành lập. Ai dạy cánh tay tôi chiến đấu, ngón tay tôi đánh trận; Người là đấng bảo vệ tôi, đấng mà tôi đã đặt hy vọng”. Tôi chưa bao giờ xin Chúa cho tôi chết trẻ; đúng là tôi đã từng tin rằng nó sẽ như vậy, nhưng không tìm cách đạt được nó.

Các bạn đồng hành của chúng ta trong thế giới này, kể cả các vị thánh

Đó là Chúa, đó là Chúa Giêsu, Đấng là thẩm phán của tôi. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng luôn nghĩ một cách khoan dung về người khác, để Người có thể xét xử tôi một cách khoan dung, hay đúng hơn là không hề xét xử, vì Người nói: “Đừng xét đoán, thì các ngươi sẽ khỏi bị xét đoán.”

Ồ! Các mầu nhiệm sẽ được mạc khải cho chúng ta sau này... Tôi thường nghĩ rằng có lẽ tất cả những ân sủng đã tuôn đổ xuống trên tôi là nhờ lời cầu nguyện tha thiết của một linh hồn bé nhỏ mà tôi chỉ biết được trên Thiên Đàng. Thánh ý Chúa muốn ở thế gian này, nhờ lời cầu nguyện, các linh hồn sẽ truyền đạt các kho báu Thiên đàng cho nhau, để khi về đến Quê Cha, họ có thể yêu thương nhau bằng một tình yêu phát sinh từ lòng biết ơn, một cách âu yếm vượt xa, vượt xa tình âu yếm lý tưởng nhất của gia đình trên trái đất.

Mong chờ thiên đàng

Một ngày... một giờ... và chúng ta sẽ đến bến cảng! Lạy Chúa, lúc đó, chúng con sẽ thấy gì? Cuộc sống không bao giờ kết thúc là gì?... Chúa Giêsu sẽ là Linh hồn của linh hồn chúng ta. Mầu nhiệm khôn lường! “Mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, và lòng người chưa từng nghĩ đến những điều vĩ đại xiết bao mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho những ai yêu mến Người.” Và tất cả những điều này sẽ sớm đến - vâng, rất sớm thôi, nếu chúng ta hết lòng yêu mến Chúa Giêsu.

Tôi khao khát Thiên Đàng xiết bao - nơi ở diễm phúc trong đó tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Giêsu sẽ không có giới hạn! Nhưng để đạt được điều đó chúng ta phải đau khổ… chúng ta phải khóc... Vâng, tôi muốn chịu đựng tất cả những gì sẽ làm hài lòng Người yêu dấu của tôi, tôi muốn để Người làm theo ý muốn của Người với “quả bóng nhỏ” của Người.

Một nữ tu nói với Thánh Têrêxa rằng các Thiên thần xinh đẹp mặc áo choàng trắng, với vẻ mặt hân hoan và rực rỡ, sẽ mang linh hồn ngài lên Thiên đường. Ngài trả lời: “Những tưởng tượng này không giúp ích gì cho tôi: tôi không lấy được nguồn nuôi dưỡng nào ngoại trừ từ Sự thật. Thiên Chúa và các Thiên thần là những Thuần Thần, không ai có thể nhìn thấy các ngài như các ngài là thật, bằng con mắt phàm tục. Đó là lý do tại sao tôi chưa bao giờ mong muốn những ân huệ phi thường. Tôi thích chờ đợi được Dự Kiến Vĩnh Viễn hơn.

Sau khi chết

Khi tôi chết, tôi sẽ gửi xuống một trận mưa hoa hồng từ thiên đàng, tôi sẽ sống ở Thiên đàng bằng cách làm điều tốt cho trái đất.

Còn tiếp