1. Giáo phận xin lỗi vì linh mục đăng hình tổng thống và phu nhân bị té trên Facebook

Giáo phận Công Giáo giáo phận Đại Điền (Daejeon, 대전시) của Nam Hàn đã xin lỗi quốc gia về những hành động của một linh mục và tuyên bố đình chỉ công việc của ngài trong một thời gian.

Cha Micae Phác Chu Hoán (Park Joo-Hwan, 박주환) đã đăng trên tài khoản Facebook của mình một bức ảnh chụp Tổng thống Doãn Tích Duyệt (Yoon Suk-yeol,윤석열) và phu nhân Kim Kiến Hi (Kim Keon-hee, 김건희) bị ngã khi trên máy bay tổng thống và một thông điệp nói rằng “Đó là một tai nạn đơn giản do một khiếm khuyết trong máy bay” và “hãy chấp nhận lời cầu chúc tốt đẹp của chúng tôi”.

Sau khi tranh cãi ngày càng gia tăng, Cha Phác Chu Hoán đã đóng tài khoản của mình và nói với Yonhap News Agency rằng ngài muốn bày tỏ sự không hài lòng của công chúng đối với tổng thống và cảm thấy xấu hổ trước sự chú ý quá mức mà bài đăng châm biếm nhận được.

“Chúng tôi xin lỗi vì đã làm tổn thương và gây sốc cho nhiều người vì những nhận xét không phù hợp của Cha Phác,” Đức Cha Kim Chung Thủy (Kim Jong-soo, 김종수) Giám mục Giáo phận Đại Điền, viết trên trang web chính thức của giáo phận.

“Cha Phác đã quỳ xuống và khấu đầu thú nhận rằng mình đã phạm một lỗi lầm lớn chống lại Giáo hội và người dân,” ngài nói thêm.

Cho đến nay, vẫn không hiểu Cha Phác kiếm đâu ra những hình nhạy cảm như thế. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng giáo phận không nên tỏ ra quá mềm mỏng đối với tổng thống. Tổng thống cũng là người, không phải ông trời con, việc gì phải quỳ xuống xin lỗi, việc gì phải khấu đầu. Hơn thế nữa, châm biếm một tổng thống cũng không thể nào coi là chống lại Giáo Hội. Ở Hoa Kỳ, các Giám Mục, linh mục và giáo dân chỉ trích ông Joe Biden là chuyện thường ngày.
Source:Yonhap

2. Nạn thù ghét Kitô hữu gia tăng tại Âu châu

Trong năm ngoái, 2021, từ tháng Giêng đến tháng Mười Hai, đã xảy ra hơn 500 vụ thù ghét chống các Kitô hữu và cơ sở Kitô giáo tại 15 nước Âu châu.

Những sự kiện này được ghi trong Phúc trình mới nhất do “Đài quan sát nạn bất bao dung và kỳ thị chống các Kitô hữu ở Âu châu”, gọi tắt là Oidac, có trụ sở tại Vienne, thủ đô Áo quốc.

Phúc trình ghi nhận có 14 vụ hành hung và đả thương. “Và xét vì tình trạng những tội ác oán ghét ít được trình báo, chúng ta có thể nói rằng con số thực sự những vụ này trong thực tế cao hơn nhiều”.

Những dữ kiện trên đây cũng được bổ túc bằng những con số trong phúc trình thường niên của Văn phòng Nhân quyền thuộc Tổ chức an ninh và cộng tác Âu châu, về các tội ác thù ghét, công bố ngày 16 tháng Mười Một này.

Ngoài những hành động thù ghét như phá hoại, ăn trộm, đốt phá, tổ chức OIdac cũng ghi nhận sự gia tăng đáng báo động những thành kiến tiêu cực, những biện minh được đưa ra cho những hành vi bạo lực và lăng mạ trực tiếp chống các Kitô hữu và các hệ phái Kitô do những nhân vật công cộng, kể cả các chính trị gia hoặc ký giả. Đặc biệt Đài quan sát Oidac cũng ghi nhận rằng: “Một xu hướng đáng lo âu trong đó công chúng dường như dửng dưng đối với những lời lăng mạ hoặc xuyên tạc các Kitô hữu, nhất là khi so sánh họ với các nhóm tôn giáo khác.”

Đài quan sát cũng cảnh giác rằng: “Xu hướng tục hóa bất bao dung có một ảnh hưởng tiêu cực trên tự do tôn giáo của các Kitô hữu. Một trong những hiện tượng bất bao dung là sự tự kiểm duyết của các tín hữu Kitô trong lãnh vực công cộng, trên các diễn đàn truyền thống, và cả trong lãnh vực riêng tư và tại nơi làm việc.

Đối tượng của Đài quan sát Oidac là phân tích những nguồn mạch tạo nên bất bao dung và kỳ thị chống Kitô hữu và xác định những luồng bất bao dung trong các xã hội chúng ta. Vì thế bản phúc trình cũng bàn đến những kỳ thị trong lãnh vực lập pháp gây vấn đề, trên bình diện quốc gia và quốc tế, hoặc vì thiếu thẩm quyền của các nhà chức trách trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến tôn giáo và tự do tôn giáo.

Bà Madeleine Enzlberger, Giám đốc Điều hành Đài quan sát Oidac nói rằng: “Sự phân chia giữa các Kitô hữu với các nhóm duy đời cực đoan thường được các báo chí và chính trị gia thổi lên. Sự bao dung và tôn trọng cần được áp dụng đồng đều với mọi nhóm xã hội và được bảo vệ. Vì thế, chúng tôi nhấn mạnh tự do tôn giáo, không phải chỉ dành cho các Kitô hữu trên thế giới, nhưng cho cả những người không tín ngưỡng”.
Source:Catholic News Agency