Chúa Nhật 30 tháng 10, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 31 Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Đức Giêsu vào Giêrikhô, đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó.

Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”

Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”

Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”

Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay, trong phần Phụng vụ, Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Dakêu, là người đứng đầu những người thu thuế ở thành Giêricô (Lc 19:1-10). Ở trung tâm của trình thuật này là động từ tìm kiếm. Anh chị em hãy chú ý động từ này: tìm kiếm. Dakêu “đang tìm kiếm xem Chúa Giêsu là ai” (câu 3), và sau khi gặp ông Dakêu, Chúa Giêsu nói: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (câu 10). Chúng ta hãy tập trung một chút vào hai ánh mắt tìm kiếm này: ánh mắt của ông Dakêu đang tìm kiếm Chúa Giêsu, và ánh mắt của Chúa Giêsu đang tìm ông Dakêu.

Ánh mắt của Dakêu. Ông ta là một người thu thuế, tức là một trong những người Do Thái đã thu thuế thay mặt cho những người cai trị Rôma, một kẻ phản bội quê hương và lợi dụng địa vị của mình. Vì vậy, Dakêu đã trở nên giàu có, bị ghét bỏ - bị thù hận! - bởi tất cả những điều này và bị coi là một người tội lỗi. Bản văn nói rằng “ông ta thấp bé về tầm vóc” (câu 3), và điều này có lẽ cũng ám chỉ đến nền tảng bên trong của ông ta, đến cuộc sống tầm thường, không trung thực của ông ta, với cái nhìn luôn hướng xuống phía dưới. Nhưng điều quan trọng là ông ấy thấp bé. Chưa hết, Dakêu muốn gặp Chúa Giêsu. Có điều gì đó đã thúc đẩy ông ta đến gặp Ngài. Phúc Âm nói: “Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó” (câu 4). Ông trèo lên một cây sung: Dakêu, kẻ thống trị mọi người, tự biến mình thành lố bịch và làm một việc thật khôi hài - để gặp Chúa Giêsu. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về điều gì sẽ xảy ra nếu chẳng hạn, một bộ trưởng kinh tế trèo lên cây để xem xét một điều gì đó: ông ta có thể sẽ bị chế giễu. Và Dakêu đã liều mình cho thiên hạ chê cười để gặp Chúa Giêsu, ông tự làm cho mình trông thật lố bịch. Dakêu, bất chấp sự thấp hèn của mình, cảm thấy cần phải tìm kiếm một cách nhìn khác, đó là cách nhìn của Chúa Kitô. Ông vẫn chưa biết Ngài, nhưng ông đang chờ một ai đó giải thoát ông khỏi tình trạng của mình – là thấp hèn về mặt đạo đức - để đưa ông ra khỏi vũng lầy của mình. Đây là điều cơ bản: Dakêu dạy chúng ta rằng, trong cuộc sống, không bao giờ có chuyện tuyệt vọng hoàn toàn. Không bao giờ tuyệt vọng, không bao giờ. Chúng ta luôn có thể tìm thấy không gian cho mong muốn bắt đầu lại, khởi đầu lại, hoán cải. Thay đổi, bắt đầu lại, hãy bắt đầu lại. Và đây là những gì Dakêu làm.

Về phương diện này, khía cạnh thứ hai có ý nghĩa quyết định: cái nhìn của Chúa Giêsu. Ngài được Chúa Cha sai đến để tìm kiếm những kẻ hư mất; và khi đến Giêricô, Chúa Giêsu đi ngang qua cây nơi Dakêu đang đứng. Tin Mừng thuật lại rằng “Chúa Giêsu nhìn lên và nói với ông: Ông Dakêu, mau xuống đi, vì hôm nay tôi phải ở nhà ông” (câu 5). Đó là một hình ảnh thực sự đẹp, bởi vì nếu Chúa Giêsu phải nhìn lên, có nghĩa là Ngài đang nhìn Dakêu từ bên dưới. Đây là lịch sử của ơn cứu rỗi: Thiên Chúa chưa bao giờ coi thường chúng ta – chưa bao giờ; Thiên Chúa chưa bao giờ làm nhục chúng ta – chưa bao giờ; Thiên Chúa chưa bao giờ đánh giá chúng ta – chưa bao giờ; ngược lại, Người hạ mình đến mức rửa chân cho chúng ta, từ dưới nhìn lên chúng ta và khôi phục nhân phẩm cho chúng ta. Theo cách này, cuộc gặp gỡ bằng ánh mắt giữa ông Dakêu và Chúa Giêsu dường như gói gọn toàn bộ lịch sử cứu độ: nhân loại, với những đau khổ của mình, tìm kiếm ơn cứu chuộc, nhưng trước hết, Thiên Chúa, với lòng thương xót, tìm kiếm tạo vật để cứu nó.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhớ điều này: ánh mắt của Thiên Chúa không bao giờ dừng lại ở quá khứ đầy lỗi lầm của chúng ta, nhưng nhìn với niềm tin tưởng vô hạn vào những gì chúng ta có thể trở thành. Và nếu đôi khi chúng ta cảm thấy mình là những người “thấp bé”, không đối phó nổi với những thử thách của cuộc sống và kém xa so với những đòi buộc của Tin Mừng, sa lầy vào những vấn đề và phạm tội lỗi, thì Chúa Giêsu luôn nhìn chúng ta với tình yêu thương, Người nhìn chúng ta như nhìn Dakêu, Chúa Giêsu đến với chúng ta, Người gọi tên chúng ta và nếu chúng ta chào đón Ngài, Chúa Giêsu sẽ đến nhà của chúng ta. Sau đó, chúng ta có thể tự hỏi: làm thế nào để chúng ta nhìn lại chính mình? Chúng ta có cảm thấy bất toàn và cam chịu không, hay chính xác là lúc đó, lúc cảm thấy thất vọng, chúng ta có tìm kiếm cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu không? Và sau đó chúng ta có cái nhìn nào đối với những người đã sai lầm, và những người đang đấu tranh để vực dậy từ lớp bụi của những tội lỗi của họ? Đó có phải là một cái nhìn từ trên cao, đánh giá, coi thường, và loại trừ? Hãy nhớ rằng nhìn xuống ai đó chỉ có thể là chính đáng nếu chúng ta nhìn xuống để giúp họ đứng dậy: chỉ trong trường hợp đó mà thôi. Chỉ trong trường hợp như thế mới là chính đáng khi nhìn từ trên cao xuống. Nhưng chúng ta, những người Kitô hữu phải có cái nhìn của Chúa Kitô, Đấng nhìn từ bên dưới, Người tìm kiếm những người hư mất, với lòng trắc ẩn. Đây là, và phải là, cái nhìn của Giáo Hội, luôn luôn là cái nhìn của Chúa Kitô, không phải cái nhìn lên án.

Chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ Maria, người mà Chúa đã nhìn vào lòng khiêm nhường, và chúng ta hãy xin Mẹ ban cho ân sủng là có một cái nhìn mới về bản thân và người khác.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Trong khi ăn mừng chiến thắng của Chúa Kitô đối với cái ác và sự chết, chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố ở Mogadishu, giết chết hơn một trăm người, trong đó có nhiều trẻ em. Xin Chúa hoán cải trái tim của những kẻ bạo lực!

Và chúng ta cũng hãy cầu nguyện với Chúa Phục Sinh cho những người - đặc biệt là những người trẻ tuổi - đã chết ở Hán Thành, do hậu quả bi thảm của một đám đông đột ngột có quá nhiều người.

Hôm qua, tại Medellín, Colombia, Chân phước María Berenice Duque Hencker, người sáng lập Dòng Nữ tu Truyền tin, đã được phong chân phước. Sơ ấy đã dành tất cả cuộc đời dài của mình, kết thúc vào năm 1993, để phục vụ Thiên Chúa và các anh chị em của mình, đặc biệt là những người nhỏ bé và bị loại trừ. Xin cho lòng nhiệt thành tông đồ của sơ, đã thúc đẩy sơ mang sứ điệp của Chúa Giêsu vượt ra ngoài biên giới của đất nước mình, củng cố trong mọi người lòng khao khát tham gia, với lời cầu nguyện và lòng bác ái, vào việc phổ biến Tin Mừng trên khắp thế giới. Xin mọi người một tràng pháo tay cho vị Chân phước mới!

Tôi chào anh chị em, những người Rôma và những người hành hương đến từ các quốc gia khác: các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hiệp hội, các cá nhân tín hữu. Đặc biệt tôi xin chào anh chị em từ Tây Ban Nha, các tín hữu từ Córdoba, và dàn hợp xướng Orfeón Donostiarra từ San Sebastián, nơi đang kỷ niệm 125 năm hoạt động; các cô gái và chàng trai của Phong trào Hakuna; nhóm São Paulo, Brazil; và các giáo sĩ Indonesia và các tu sĩ nam nữ cư trú tại Rôma. Tôi chào các thành viên tham gia hội nghị được tổ chức bởi mạng lưới “Uniservitate” trên toàn thế giới và bởi LUMSA; cũng như các trẻ em từ Napoli chuẩn bị Rước lễ lần đầu và các nhóm tín hữu từ Magreta, Nocera Inferiore và Nardò. Và những người trẻ tuổi của phong trào Immacolata.

Chúng ta đừng quên đất nước Ukraine tử vì đạo trong lời cầu nguyện của chúng ta và trong đau khổ của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình, đừng bao giờ mệt mỏi khi làm như vậy!

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều may mắn. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt, và chúng ta sẽ gặp lại nhau trong ngày Lễ Các Thánh.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana