Theo VaticanNews, Cộng đồng Sant’Egidio tổ chức lần thứ 36 biến cố “Tinh thần Assisi” hàng năm tại Rome, một biến cố khởi đầu từ năm 1986 với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, có sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo tôn giáo và Đức Phanxicô trong buổi kết thúc cầu nguyện cho hòa bình tại Colosseum, Rome, ngày 25 tháng 10, 2022.



Biến cố trên đã được khai mạc vào Chủ nhật tại Trung tâm Đại hội “Nuvola” ở khu thương mại của thủ đô Ý, với sự hiện diện của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ý Sergio Matterella.

Đây là năm thứ ba liên tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô tham gia vào biến cố hàng năm này.

Mặc dù biến cố này thường được tổ chức ở các thành phố khác nhau của châu Âu, kể từ sau đại dịch, chúng đã được tổ chức ở Rome, và với sự hiện diện của Đức Thánh Cha trong mỗi buổi tập trung cầu nguyện.

Năm nay, sự kiện, được tổ chức với chủ đề 'Il Grido della Pace' (The Cry for Peace), khi thế giới đang chìm trong chiến tranh, và đặc biệt là cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, một lần nữa, đã quy tụ một số nhân vật gấy ấn tượng, bao gồm một số vị tổng trưởng Vatican, trong đó có Đức Hồng Y Kurt Koch, và Đức Hồng Y José Tolentino Calaça de Mendonça, đứng đầu thánh bộ Giáo dục và Văn hóa.

Ngoài các Chủ tịch Hội đồng Giám mục quốc gia, Đức Hồng Y Raffael Sako của Iraq, và Đức Tổng Giám Mục Laurent Ulrich của Paris, cũng có mặt.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo từ Kitô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo, đạo Sikh và Ấn Độ giáo, đã cùng nhau kêu gọi hòa bình trong biến cố này.

Nguyên văn diễn từ của Đức Phanxicô

Trong buổi cầu nguyện bế mạc tại Colosseum, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có bài diễn từ sau đây do Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố, trong đó, ngài lớn tiếng cảnh cáo: “Chúng ta đừng bao giờ cam chịu chiến tranh". Ngài nói: “Năm nay lời cầu nguyện của chúng ta trở thành một lời cầu xin chân thành, bởi vì hòa bình ngày nay đã bị xâm phạm nghiêm trọng, bị tấn công và chà đạp, và điều này diễn ra ở châu Âu, trên chính lục địa mà trong thế kỷ trước đã phải chịu đựng nỗi kinh hoàng của hai cuộc chiến tranh thế giới - và chúng ta đang trải qua thế chiến ba. Chúng ta đừng bao giờ cam chịu chiến tranh; chúng ta hãy vun sới hạt giống hòa giải. Hôm nay chúng ta hãy dâng lên trời lời cầu xin hòa bình của chúng ta”.

Sau đây là nguyên văn diễn từ của ngài:

Thưa các nhà lãnh đạo lỗi lạc của các Giáo hội Kitô giáo và các Tôn giáo Thế giới,
Anh chị em thân mến,
Các nhà cầm quyền dân sự đáng kính,

Tôi cảm ơn mỗi người trong số các bạn đang tham gia cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình này. Một cách đặc biệt, tôi cảm ơn các nhà lãnh đạo Kitô giáo và những người thuộc các tôn giáo khác, những người đã tham gia cùng chúng tôi trong cùng một tinh thần huynh đệ từng truyền cảm hứng cho cuộc triệu tập lịch sử đầu tiên của Thánh Gioan Phaolô II ở Assisi, 36 năm trước.

Năm nay, lời cầu nguyện của chúng ta trở thành một lời cầu xin chân thành, bởi vì hòa bình ngày nay đã bị xâm phạm nghiêm trọng, bị tấn công và chà đạp, và điều này diễn ra ở châu Âu, trên chính lục địa mà trong thế kỷ trước đã phải chịu đựng nỗi kinh hoàng của hai cuộc chiến tranh thế giới - và chúng ta đang trải qua thế chiến ba. Đáng buồn thay, kể từ đó, chiến tranh tiếp tục gây ra đổ máu và làm nghèo trái đất. Tuy nhiên, tình huống mà chúng ta đang trải qua hiện nay đặc biệt bi thảm. Đó là lý do tại sao chúng ta dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, Đấng luôn nghe thấy lời khẩn cầu đầy lo âu xao xuyến của các con trai và con gái của Người. Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con!

Hòa bình là trọng tâm của các tôn giáo, các trước tác tâm linh và giáo huấn của họ. Buổi tối hôm nay, giữa sự im lặng của lời cầu nguyện, chúng ta nghe thấy lời cầu xin hòa bình: một nền hòa bình bị đàn áp ở rất nhiều khu vực trên thế giới, bị xâm phạm bởi quá nhiều hành vi bạo lực, và bị bác bỏ ngay cả đối với trẻ em và người già, những người không được tha cho những đau khổ cay đắng của chiến tranh. Lời cầu xin hòa bình đó thường bị bóp nghẹt, không những bởi những luận điệu thù địch mà còn bởi sự thờ ơ. Nó bị giản lược thành im lặng bởi lòng căm thù, vốn lan rộng khi cuộc chiến tiếp tục.

Tuy nhiên, lời cầu xin hòa bình không thể bị dập tắt: nó trỗi dậy từ trái tim của những người mẹ; nó khắc sâu trên khuôn mặt của những người tị nạn, những gia đình phải di cư, những người bị thương và những người sắp chết. Và lời cầu xin thầm lặng này bay lên tận trời cao. Nó không có công thức ma thuật nào để chấm dứt xung đột, nhưng nó có quyền thiêng liêng để cầu xin hòa bình nhân danh tất cả những người đau khổ, và nó xứng đáng được lắng nghe. Nó triệu tập một cách chính đáng tất cả mọi người, bắt đầu từ các nhà lãnh đạo chính phủ, dành thời gian và lắng nghe, nghiêm túc và tôn kính. Lời cầu xin hòa bình đó thể hiện nỗi đau và nỗi kinh hoàng của chiến tranh, là mẹ đẻ của mọi nghèo đói.

“Mỗi cuộc chiến đều khiến thế giới của chúng ta trở nên tồi tệ hơn trước. Chiến tranh là một thất bại của chính trị và của nhân loại, một sự đầu hàng đáng xấu hổ, một thất bại nhức nhối trước các thế lực của cái ác” (Fratelli Tutti, 261). Những xác tín này là kết quả của những bài học đau đớn của thế kỷ 20, và đáng buồn thay, một lần nữa, của phần này thế kỷ 21. Quả thực, ngày nay, điều chúng ta sợ hãi và hy vọng không bao giờ nghe thấy nữa đang bị đe dọa hoàn toàn: việc sử dụng vũ khí nguyên tử, ngay cả sau Hiroshima và Nagasaki, vẫn tiếp tục được sản xuất và thử nghiệm một cách sai lầm.

Trong viễn cảnh ảm đạm này, đáng buồn phải nói rằng, kế hoạch của các nhà lãnh đạo quyền lực trên thế giới không dành chỗ cho nguyện vọng chính đáng của các dân tộc, kế hoạch của Thiên Chúa muốn cứu rỗi chúng ta, “kế hoạch tạo hòa bình chứ không phải tạo điều ác” (x. Grm 29 : 11), không bao giờ thay đổi. Ở đây tiếng nói của người không có tiếng nói được nghe thấy; ở đây niềm hy vọng của người nghèo và người bất lực được thiết lập vững chắc: trong Thiên Chúa, Đấng có tên là Hòa bình. Hòa bình là món quà của Thiên Chúa, và chúng ta đã cầu xin món quà đó từ Người. Tuy nhiên, hòa bình phải được đón nhận và nuôi dưỡng bởi những người đàn ông và đàn bà chúng ta, đặc biệt là bởi những người trong chúng ta là các tín hữu. Chúng ta đừng bị lây nhiễm bởi lý lẽ tàn khốc của chiến tranh; chúng ta đừng sa vào cạm bẫy của lòng căm ghét đối với kẻ thù. Một lần nữa, chúng ta hãy đặt hòa bình vào trọng tâm của viễn kiến cho tương lai, làm mục tiêu chính của hoạt động bản thân, xã hội và chính trị của chúng ta ở mọi bình diện. Chúng ta hãy tháo ngòi xung đột bằng vũ khí đối thoại.

Tháng 10 năm 1962, giữa một cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng, khi cuộc đối đầu quân sự và thảm họa hạt nhân dường như sắp xảy ra, Thánh Gioan XXIII đã đưa ra lời kêu gọi này: “Chúng tôi khẩn khoản yêu cầu tất cả các nhà lãnh đạo chính phủ đừng điếc tai trước tiếng kêu này của nhân loại. Họ hãy làm mọi điều trong khả năng của mình để bảo vệ hòa bình. Như thế, họ sẽ giải thoát thế giới khỏi cảnh khủng khiếp của một cuộc chiến tranh, mà hậu quả khủng khiếp của nó, chúng ta không thể lường trước được... Cổ vũ, phát huy và chấp nhận đối thoại ở mọi bình diện và mọi thời đại là quy tắc của sự khôn ngoan và thận trọng, thu hút phước lành của thiên đàng và trái đất ”(Thông điệp Truyền thanh, ngày 25 tháng 10 năm 1962).

Sáu mươi năm sau, những lời trên vẫn gây ấn tượng với chúng ta bởi tính hợp thời của chúng. Tôi biến chúng thành của riêng tôi. Chúng ta không “trung lập, nhưng liên minh vì hòa bình”, và vì lý do này, “chúng ta nại tới jus pacis [quyền hòa bình] như quyền của tất cả mọi người để giải quyết xung đột mà không cần bạo lực” (Gặp gỡ Sinh viên và Đại diện của Thế giới Học thuật, Bologna, ngày 1 tháng 10 năm 2017).

Trong những năm gần đây, liên hệ huynh đệ giữa các tôn giáo đã có những bước phát triển mang tính quyết định: “Các tôn giáo kết hợp giúp các dân tộc là anh chị em chung sống trong hòa bình” (Họp mặt các tôn giáo vì hòa bình, ngày 7 tháng 10 năm 2021). Càng ngày, chúng ta càng cảm thấy chúng ta đều là anh chị em của nhau! Một năm trước, tập trung tại đây trước Colosseum, chúng ta đã đưa ra lời kêu gọi hôm nay càng hợp thời hơn nữa: “Các tôn giáo không thể được sử dụng cho chiến tranh. Chỉ có hòa bình là thánh và không ai được sử dụng danh Thiên Chúa để chúc lành cho khủng bố và bạo lực. Nếu qúy bạn thấy chiến tranh xung quanh mình, đừng có cam chịu! Các dân tộc mong muốn hòa bình ”(đd).

Đó là những gì chúng ta sẽ cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày. Chúng ta đừng bao giờ cam chịu chiến tranh; chúng ta hãy vun sới hòa giải. Hôm nay, chúng ta hãy cất lên trời cao lời cầu xin hòa bình của chúng ta, một lần nữa theo lời của Thánh Gioan XXIII: “Xin cho tất cả các dân tộc đến với nhau như anh chị em, và cầu xin cho nền hòa bình mà họ vô cùng ao ước sẽ luôn nảy nở và ngự trị ở giữa họ” (Pacem in Terris, 171). Ước mong được như vậy, với ân sủng của Thiên Chúa và thiện chí của những người đàn ông và đàn bà Người yêu thương.