Như các hãng thông tấn đã loan báo: Chúa nhật vừa qua, lần đầu tiên trong triều đại ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phá lệ đọc kinh truyền tin, nghĩa là không dẫn giải bài Tin Mừng trong ngày, mà nói về cuộc chiến tranh tàn khốc tại Ukraine, với lời kêu gọi thiết tha đặc biệt gửi tới “Tổng thống Liên bang Nga [không nêu đích danh]: khẩn khoản xin ông chấm dứt cơn lốc bạo lực và chết chóc này, cũng vì chính nhân dân của ông”.

Điều đáng lưu ý là liền sau đó, Đức Giáo Hoàng cũng gửi lời kêu gọi của ngài tới Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, “cởi mở đối với các đề nghị nghiêm túc cho hòa bình”. Tóm lại, theo Đức Giáo Hoàng, hòa bình ở Ukraine không hẳn chỉ là Nga ngưng chiến mà Ukraine phải bước vào đối thoại với Nga.

Thái độ của Đức Phanxicô và của Tòa Thánh dưới triều Giáo Hoàng của ngài đối với cuộc chiến tranh ở Ukraine mang nặng sắc thái trung lập dù về mặt chính thức vẫn gọi đó là cuộc chiến tranh xâm lược.



Trong một bài báo với tựa đề hơi lạ “Reactions to Ukraine show the era of Pope as NATO chaplain is over” (Các phản ứng đối với Ukraine cho thấy thời đại Đức Giáo Hoàng làm tuyên úy cho NATO đã qua hẳn), John Allen của tạp chí CruxNow cho rằng sau vụ Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraine, sau đây là phản ứng của phát ngôn viên một định chế hoàn cầu lớn, một định chế khiến nhiều người chỉ trích vì thái độ lừng chừng [ambivalent] đối với cuộc chiến của Putin:

Phát ngôn viên cho hay, “Chúng tôi tin rằng mọi quốc gia đáng được tôn trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ, các mục tiêu và nguyên tắc của hiến chương Liên Hiệp Quốc nên được tuân thủ, an ninh hợp pháp liên quan tới bất cứ quốc gia nào cũng nên được coi trọng, và nên ủng hộ mọi cố gắng dẫn tới việc giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng.

“Chúng tôi hy vọng các bên liên hệ sẽ thích đáng giải quyết các dị biệt qua đối thoại và tham khảo. [Chúng tôi] sẵn sàng làm việc với các thành viên của cộng đồng quốc tế để tiếp tục đóng một vai trò xây dựng trong các cố gắng xuống thang”.

Allen cho rằng trong tuyên bố trên, hoàn toàn vắng bóng việc kết án thẳng thừng hành động của Nga, trái lại còn mặc nhiên nhìn nhận một mức độ hợp pháp nào đó cho quan tâm an ninh của Putin, người vốn cho rằng lý do tiến hành cuộc chiến là để bảo vệ an ninh của đất nước ông. Tuyên bố của phát ngôn viên nhấn mạnh tới đối thoại và hòa bình hơn là qui lỗi hay đứng về phe nào.

Mặc dù tất cả các điều trên vốn là đặc điểm bình luận về Ukraine của Đức Phanxicô và của Tòa Thánh, gần đây nhất, Đức Giáo Hoàng cũng đã phát biểu những điều tương tự trong câu truyện với các tu sĩ Dòng Tên tại Kazakhstan, trong trường hợp này không phải là phát ngôn viên của Vatican đã trích dẫn trên đây mà là Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Hôm Thứ Sáu, khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc xem xét một đề nghị của Hoa Kỳ lên án việc sáp nhập, 10 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ trong khi 4 quốc gia bỏ phiếu trắng: Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tây và Gabon. Vatican không có chân trong Hội Đồng Bảo An, nhưng nếu có, chắc chắn sẽ bỏ phiếu trắng.

Lẽ dĩ nhiên, các tính toán chính trị, kinh tế và chiến lược từng dẫn Trung Quốc tới chủ trương pha trộn về Ukraine rất khác xa với các xem xét luân lý và nhân đạo của Đức Phanxicô, nhưng sự kiện vẫn là lập trường thực chất của Vatican về cuộc chiến ở Ukraine xem ra gần gũi với lập trường của Bắc Kinh hơn là với lập trường của Hoa Thịnh Đốn, chẳng hạn, hay về vấn đề này, với lập trường của Ý.

Về phần mình, tân thủ tướng của Ý, Giorgia Meloni, đã công bố một tuyên bố nhức nhối vào hôm Thứ Sáu, mô tả cuộc trưng cầu dân ý ở 4 khu vực sáp nhập như “trò hề” và các vụ sáp nhập như “không hề có giá trị pháp lý hay chính trị”; bà nói thêm rằng thái độ của Putin là thái độ “tân đế quốc chủ nghĩa với sắc thái Nga”. Không ai ở Vatican nói gần một điều như thế.

Sự kiện Đức Phanxicô và các đồng minh Vatican của ngài đôi khi nghe hao hao giống Trung Quốc, hay Ấn Độ, hơn là các đối tác lịch sử của các vị ở Phương Tây, lẽ dĩ nhiên, là một lý do khiến một số nhà phê bình Công Giáo không vui vẻ mấy.

Thế nhưng, theo Allen, ta nên tạm gác chuyện đúng sai qua một bên và cố gắng hiểu tình huống theo các điều kiện lịch sử của nó. Theo một quan điểm nào đó, người ta có thể lập luận rằng phản ứng của triều Giáo Hoàng này với cuộc chiến ở Ukraine là hậu quả tự nhiên của chuyển dịch nhân khẩu học và văn hóa ồ ạt trong đạo Công Giáo của đa phần thế kỷ 20.

Khi Liên Minh Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập năm 1949, trong các giới Công Giáo, người ta đôi khi đùa giỡn nói rằng Đức Giáo Hoàng hồi đó, tức Đức Piô XII, nên được cử làm tuyên úy cho nó. Một phần, đó là hậu quả nhân khẩu học của đạo Công Giáo: Năm 1950, chỉ có trên 400 triệu người Công Giáo khắp thế giới, mà khoảng phân nửa sống tại Âu Châu vốn lệ thuộc nặng nề vào cây dù an ninh của Hoa Kỳ chống lại điều vốn được tri nhận như đe dọa của chiến trận Âu Châu và cả các chính sách chống tôn giáo của Liên Bang Xô Viết.

Đến năm 2022, bộ mặt đức tin đã thay đổi hết sức đáng kể.

Ngày nay có khoảng 1.3 tỷ người Công Giáo trên thế giới, mà hết 2 phần 3 sống tại Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh nghĩa là ở bên ngoài các biên giới truyền thống Tây Phương. Về phương diện thống kê, người Công Giáo điển hình trong thế giới ngày nay chắc chắn là người da mầu và nghèo hơn là người da trắng và trung lưu và chắc chắn sống ở những khu xóm trong đó các nhân đức được coi là của Hiệp Chúng Quốc và đồng minh Tây Phương không còn là phương châm nữa.

Nhiều Kitô hữu khắp Trung Đông vẫn còn nghi ngờ chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ sau cuộc chiến ở Iraq, một quan điểm được hâm nóng bởi việc nước này bỏ rơi A Phú Hãn. Ở Châu Mỹ Latinh, nhiều người vẫn còn nhớ như in lịch sử chìm nổi của Hoa Kỳ trong vùng. Ngay ở Châu Phi, nhiều thường dân ngày nay vẫn tương phản một cách đầy thuận lợi chính sách đầu tư và cam kết của Trung Quốc với điều họ coi như làm ngơ nói chung của Hoa Kỳ.

Đức Phanxicô là vị Giáo Hoàng đặt một bộ mặt lên các xu hướng trên, là vị Giáo Hoàng đầu tiên xuất thân từ nam bán cầu, vị Giáo Hoàng đầu tiên xuất thân từ Châu Mỹ Latinh và là vị Giáo Hoàng đầu tiên phát xuất từ bên ngoài Châu Âu kể từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội. Một cách nào đó, chúng ta như thể trở về nguồn, theo nghĩa vị Giáo Hoàng thứ nhất, Thánh Phêrô, sinh tại Bethsaida thuộc Israel ngày nay, vào một dân tộc cũng khá hoài nghi đối với các đế quốc đương thời.

Hiển nhiên, không một hậu cảnh nào trên đây đề cập tới đường lối của Đức Giáo Hoàng đối với Ukraine, một đường hướng sẵn để người ta tranh luận một cách hợp pháp, ngay những quan niệm sâu rộng nhất về quyền vô ngộ của Đức Giáo Hoàng cũng không bao gồm lập trường của ngài về địa chính trị. Hơn nữa, chính Đức Phanxicô cho rằng ngài không bận tâm tới các lời phê bình, khi nói với các tu sĩ Dòng Tên, “Giáo Hoàng không giận khi bị hiểu lầm, vì tôi biết rõ các đau khổ ở phía sau”.

Thế nhưng, như Auguste Comte, cha đẻ của khoa xã hội học hiện đại, từng nói “Nhân khẩu học là định mệnh”.

Bởi các luật chữ đó ấy, người Công Giáo Hoa kỳ và Châu Âu có lẽ phải làm quen với việc nghe các nhận định phát xuất từ Vatican vốn không phù hợp với sách vở giáo khoa của NATO, bởi vì các vị Giáo Hoàng ngày nay là bất cứ điều gì khác, nhưng xem ra các ngài không có đó để làm tuyên úy cho liên minh Bắc Đại Dương nữa.

Allen cũng muốn có thêm một nhận định nữa đó là việc Đức Phanxicô có đủ lý do để không buồn lòng khi bị tri nhận là bằng hữu của Trung Quốc vào ngay lúc này, lúc Tòa Thánh muốn thấy thoả thuận với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các Giám Mục được tái tục. Về mặt trận này, ngài có thể được khích lệ bởi một điều khác được phát ngôn viên ngoại giao nói vào hôm Thứ Sáu để trả lời cho một câu hỏi về thoả thuận:

Phát ngôn viên Mao Ning nói rằng, “Vì Trung Quốc và Tòa Thánh ký thoả thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các Giám Mục, thoả thuận đã được thực thi cách thành công nhờ các cố gắng của cả hai bên. Hai bên sẽ tiếp tục với công trình liên hệ phù hợp với nghị trình đã thỏa thuận”.

Điều ấy thực sự có bất cứ ý nghĩa nào đi chăng nữa, thì điều chắc chắn vẫn là nó không chứa bất cứ chữ “không” thẳng thừng nào.