Như trong mọi chuyến tông du ngoại quốc khác, trong chuyến tông du Kazakhstan vừa qua, Đức Phanxicô cũng tìm gặp các đồng tu sĩ Dòng Tên của ngài tại đây. Sau đây là nguyên văn cuộc trò chuyện giữa ngài và các đồng tu sĩ theo tường trình của Cha Sparado, chủ biên tạp chí La Civiltà Cattolica.



Hôm thứ Năm, ngày 15 tháng 9 năm 2022, trong cuộc tông du tại Kazakhstan, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ 19 tu sĩ Dòng Tên đang làm việc tại Khu vực Nga của Dòng Tên. Cuộc hẹn được ấn định lúc 9 giờ sáng tại tòa sứ thần, nhưng Đức Thánh Cha đã đến sớm lúc 8 giờ 45 sáng. Cha Bogusław Steczek, Giám đốc Khu vực, đã trình bày các hoạt động của Dòng Tên bằng những từ ngữ sau đây:

“Thưa Đức Thánh Cha, chúng con là các đồng tu của Đức Thánh Cha trong Khu vực Nga của Dòng Tên. Chúng con làm việc tại ba quốc gia: Nga, Belarus và Kyrgyzstan. Có khoảng 30 người trong số chúng con xuất thân từ 11 quốc gia. Ở Belarus, chúng con sống tại nơi Dòng sống sót sau cuộc dẹp bỏ nó vào thế kỷ 18. Các tu sĩ Dòng Tên này đã đóng góp rất nhiều vào sự phục hưng của Dòng vào năm 1814. Chúng con làm việc tại thành phố Vitebsk, nơi chúng con có một giáo xứ. Đức Giám Mục (sở tại) gần đây đã thánh hiến một nhà thờ dâng kính Thánh Inhaxiô. Tại Nga, chúng con ở Moscow, nơi chúng con có một Viện đào tạo bậc cao đẳng được đặt theo tên của Thánh Thomas. Chúng con cũng xuất bản một ấn bản tiếng Nga của La Civiltà Cattolica. Bề trên kiêm Giám đốc Viện đồng thời là tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo tại Nga.

Chúng con đang tham gia vào công việc mục vụ ở Mạc Tư Khoa, nhưng cũng ở bên ngoài thành phố, cả ở một giáo xứ cách xa 1,500 km. Chúng con cũng làm việc ở Kirov, cách đó 1,000 km, về phía dẫy Ural. Gần đây, hai tu sĩ Dòng Tên, một từ Chile và một từ Ba Lan, đã đến đại chủng viện ở St. Petersburg. Tại Siberia, chúng con ở Novosibirsk, nơi giám mục là đồng tu của chúng con, Joseph Wert, được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm cách đây 31 năm làm giám mục của toàn bộ Siberia. Chúng con cũng có một trung tâm văn hóa và linh đạo ở đó, nơi chúng con đã đặt tên là “Inigo”. Kể từ năm 1993, chúng con đã chịu trách nhiệm về một chương trình tiền chủng viện đặc biệt để chuẩn bị cho các ứng viên vào đại chủng viện ở Saint Petersburg.

Chúng con cũng đang ở Tomsk, một thành phố đại học, nơi chúng con có một giáo xứ rất năng động và sống động và một trường Công Giáo, duy nhất trên toàn nước Nga. Chúng con cũng đã chấp nhận một giáo xứ ở Novokuznietsk, nơi chúng con làm việc với cả Công Giáo Latinh lẫn Công Giáo Hy Lạp.

Chúng con cũng làm việc ở Kyrgyzstan. Giám quản Tông Tòa là Cha Anthony Corcoran. Ngài muốn xây một thánh đường mới gần trung tâm thành phố, và đó là lý do tại sao ngài đã mang viên đá đầu tiên - nặng 30 kg - đến đây để Đức Thánh Cha làm phép. Tại thủ đô Bishkek, chúng con chịu trách nhiệm công tác mục vụ và cả Caritas nữa. Đặc biệt, chúng con giúp đỡ người nghèo và trẻ em, không phân biệt tôn giáo. Chúng con cũng làm việc ở miền nam đất nước, ở Djalal-Abad và ở Osh, thành phố lớn thứ hai ở Kyrgyzstan.

Con nghĩ con đã liệt kê tất cả các hoạt động của chúng con. Nói tóm lại, chúng con đang làm việc theo các biên giới địa lý, văn hóa và tôn giáo. Bây giờ, để can đảm tiến lên phía trước, chúng con xin phép lành tòa thánh của Đức Thánh Cha”.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng đã dẫn nhập cuộc trò chuyện.


Cảm ơn anh em rất nhiều vì đã ghé thăm tôi. Đến bây giờ những cuộc gặp gỡ này với các tu sĩ Dòng Tên đã trở thành một thói quen trong chuyến đi của tôi. Anh em hãy đặt câu hỏi và thậm chí đưa ra nhận xét tùy anh em muốn. Chúng ta hãy cùng nhau tận dụng tối đa thời gian của chúng ta !

Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha có khỏe không? Đức Thánh Cha cảm thấy thế nào? Sức khỏe của Đức Thánh Cha thế nào?

Sức khỏe của tôi vẫn ổn. Tôi có vấn đề về chân khiến tôi chậm lại, nhưng sức khỏe của tôi nói chung vẫn ổn: sức khỏe thể chất và… sức khỏe tinh thần nữa!

Đức Thánh Cha thấy tình hình địa chính trị mà chúng ta đang gặp phải như thế nào?

Có một cuộc chiến tranh đang diễn ra và tôi nghĩ thật sai lầm khi nghĩ rằng đây là một bộ phim cao bồi có kẻ tốt và kẻ xấu. Cũng là một sai lầm khi nghĩ rằng đây là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine và không có gì khác. Không, đây là một cuộc thế chiến.

Nhưng theo ý kiến Đức Thánh Cha, đâu là nguyên nhân của những gì chúng ta đang trải nghiệm?

Nạn nhân của cuộc xung đột này là Ukraine. Tôi định suy nghĩ về lý do tại sao cuộc chiến tranh này không được tránh né. Một cách nào đó, chiến tranh giống như một cuộc hôn nhân. Để hiểu nó, người ta phải điều tra các động lực triển khai xung đột. Có những yếu tố quốc tế đã góp phần kích động chiến tranh. Tôi đã từng đề cập đến việc một nguyên thủ quốc gia, vào tháng 12 năm ngoái, đã đến nói với tôi rằng ông ấy rất lo ngại vì NATO đã sủa tại các cổng thành của Nga mà không hiểu rằng Nga vốn là một đế quốc và sợ mất an ninh biên giới. Ông lo sợ rằng điều này sẽ kích động một cuộc chiến tranh, và quả nó đã nổ ra sau đó hai tháng.

Vì vậy, người ta không thể đơn giản khi lý luận về nguyên nhân của cuộc xung đột. Tôi thấy chủ nghĩa đế quốc trong xung đột. Và, khi họ cảm thấy bị đe dọa và suy sụp, các chủ nghĩa đế quốc bèn phản ứng, nghĩ rằng giải pháp là xổ lồng một cuộc chiến để giải quyết nó, đồng thời bán và thử nghiệm vũ khí. Một số người nói, chẳng hạn, rằng Nội chiến Tây Ban Nha được bắt đầu để chuẩn bị cho Thế chiến thứ hai. Tôi không biết liệu có đúng như thế hay không, nhưng có thể đúng như thế. Tuy nhiên, tôi không nghi ngờ gì rằng chúng ta đang sống qua Thế chiến III. Chúng ta đã thấy ba thế chiến trong một thế kỷ: một từ năm 1914 đến năm 1918, một từ năm 1939 đến năm 1945, và bây giờ chúng ta đang sống qua thế chiến ba.

Kể từ tháng Hai, chúng con đã cố gắng giải phóng trái tim khỏi hận thù. Đối với chúng con, đây là một cam kết mục vụ ưu tiên. Chúng con nói với người ta rằng ghét bỏ bất cứ ai đều không phải là Kitô hữu. Nhưng sự chia rẽ là một gánh nặng mà chúng con phải mang theo. Mỗi ngày chúng con đều lần hạt Mân Côi cầu cho hòa bình.

Đó là điều cần phải làm: giải phóng trái tim khỏi hận thù. Từ ngày đầu tiên của cuộc chiến cho đến hôm qua tôi đã nói liên tục về cuộc xung đột này, đề cập đến sự đau khổ của Ukraine. Vào ngày độc lập của đất nước này, có lá cờ ở Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, và bản thân tôi đã nói về điều đó, hiển nhiên. Sau khi nói về Ukraine, tôi nghĩ đã nói ít lời đề cập đến nỗi đau khổ của hai dân tộc Ukraine và Nga. Vì trong các cuộc chiến tranh chính con người chịu đau khổ. Chính những người nghèo phải trả giá, như mọi khi. Và điều này tạo ra hận thù. Những kẻ gây ra chiến tranh quên đi tình người và không nhìn vào cuộc sống thực của con người, mà đặt lợi ích đảng phái và quyền lực lên trên tất cả. Những người dân bình thường trong mọi cuộc xung đột đều là nạn nhân thực sự, những người phải trả giá cho những cuộc chiến bằng chính làn da của họ. Tôi cũng nhắc đến cô gái thiệt mạng trong một vụ nổ. Tại thời điểm này, mọi người đã quên tất cả những gì tôi đã nói cho đến lúc đó và chỉ chú ý đến việc tôi nhắc đến điều đó. Tôi hiểu phản ứng của người ta, vì họ đang phải chịu đau khổ rất nhiều.

Tôi nhớ lại rằng một ngày sau khi chiến tranh bắt đầu, tôi đã đến Đại sứ quán Nga. Đó là một cử chỉ bất thường; Giáo hoàng không bao giờ đến đại sứ quán. Ngài chỉ đích thân tiếp các đại sứ khi họ đệ trình ủy nhiệm thư của họ, và sau đó khi kết thúc nhiệm vụ của họ trong một chuyến viếng thăm để từ biệt. Tôi nói với đại sứ rằng tôi muốn nói chuyện với Tổng thống Putin, miễn là ông ấy để cho tôi một cửa sổ nhỏ để đối thoại.

Tôi cũng đã tiếp đại sứ Ukraine và nói chuyện hai lần với Tổng thống Zelensky qua điện thoại. Tôi đã cử các Hồng Y Czerny và Krajewski đến Ukraine để khẳng định tình liên đới của giáo hoàng. Tổng Giám mục Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia, cũng đã có chuyến thăm chính thức. Sự hiện diện của Tòa Thánh ở Ukraine có giá trị mang lại sự giúp đỡ và hỗ trợ. Đó là một cách thể hiện sự hiện diện. Tôi cũng đã nghĩ đến việc phải đi. Đối với tôi, dường như ý muốn của Thiên Chúa không dành cho tôi vào chính thời điểm này; tuy nhiên, chúng ta sẽ xem xét sau.

Một số phái viên Ukraine đã đến gặp tôi. Trong số đó có phó viện trưởng Đại học Công Giáo Ukraine, đi cùng với cố vấn cho tổng thống về các vấn đề tôn giáo, một người Tin lành. Chúng tôi đã nói, chúng tôi đã thảo luận. Một chỉ huy quân sự phụ trách việc trao đổi tù nhân cũng đến, một lần nữa cùng với cố vấn tôn giáo của Tổng thống Zelensky. Lần này họ mang cho tôi danh sách hơn 300 tù nhân. Họ yêu cầu tôi làm điều gì đó để thực hiện một cuộc trao đổi. Tôi ngay lập tức gọi cho đại sứ Nga để xem có thể làm được gì không, xem có thể đẩy nhanh việc trao đổi tù nhân hay không.

Khi một giám mục Công Giáo người Ukraine đến thăm, tôi đã đưa cho ngài một gói hàng với những lời phát biểu của tôi về chủ đề này. Tôi gọi cuộc xâm lược Ukraine là một cuộc xâm lược không thể chấp nhận được, đáng ghê tởm, vô nghĩa, man rợ, phạm thánh… Hãy đọc tất cả các tuyên bố ấy! Phòng Báo chí đã thu thập chúng. Bây giờ, tôi muốn nói với anh em rằng tôi không quan tâm đến việc anh em bảo vệ giáo hoàng, nhưng người ta cảm thấy được anh em, những người anh em của giáo hoàng vuốt ve. Giáo hoàng không tức giận nếu bị hiểu lầm, bởi vì tôi biết rõ những đau khổ đằng sau nó.

Thưa Đức Thánh Cha, con tin chắc rằng Đức Thánh Cha sẽ đóng một vai trò nào đó nếu và khi có hòa bình. Và nó sẽ là một đóng góp mạnh mẽ. Xin Đức Thánh Cha lắng nghe. Chúng con là một nhóm các tu sĩ Dòng Tên đến từ các quốc gia khác nhau. Đức Thánh Cha trong tư cách một tu sĩ Dòng Tên khuyên chúng con nên thực hiện những bước nào? Đức Thánh Cha yêu cầu gì nơi chúng con? Chúng con có thể làm gì?

Đối với tôi điều cần làm là biểu lộ sự gần gũi. Đây là chữ chủ yếu: hãy gần gũi, giúp đỡ những người cùng khổ. Người ta phải cảm nhận được sự gần gũi của giám mục, của cha xứ họ, của Giáo hội. Đây là phong thái của Thiên Chúa. Chúng ta đọc nó trong Đệ nhị luật: "Nước vĩ đại nào có các vị thần gần gũi như Chúa, Thiên Chúa của chúng ta ở gần chúng ta bất cứ khi nào chúng ta kêu cầu Người?" Phong thái của Thiên Chúa là sự gần gũi.

Là một giám tỉnh của Argentina, Đức Thánh Cha đã sống dưới một chế độ độc tài. Kinh nghiệm của Đức Thánh Cha ở đó là gì?

Các chính phủ độc tài thật tàn nhẫn. Luôn luôn có sự tàn ác trong chế độ độc tài. Ở Argentina, họ bắt người, đưa lên máy bay rồi ném xuống biển. Biết bao chính trị gia tôi vốn quen biết từng ở tù và bị tra tấn! Trong những tình huống này, người ta mất quyền, mà còn mất cả sự nhạy cảm nhân bản nữa. Tôi đã cảm thấy điều đó vào thời điểm đó. Nhiều lần tôi nghe những người Công Giáo tốt bụng nói: “Những người cộng sản này đáng bị như vậy! Họ tự chuốc lấy nó!” Thật là khủng khiếp khi niềm tin chính trị lấn át các giá trị tôn giáo. Ở Argentina, chính những người mẹ đã tạo ra phong trào đấu tranh chống lại chế độ độc tài và tìm kiếm con cái của họ. Chính những người mẹ đã dũng cảm ở Argentina.

Một câu hỏi và một yêu cầu: Điều gì trong trái tim Đức Thánh Cha? Điều gì trong lời cầu nguyện cụ thể của Đức Thánh Cha? Lời yêu cầu dành cho các bạn trẻ trong chủng viện: một lời khuyên, một lời nhắn nhủ….

Tôi sẽ bắt đầu với điều thứ hai. Yêu cầu của tôi đối với các chủng sinh: hãy bình thường, hãy là những chàng trai bình thường. Một trong những vấn đề ở một số chủng viện là anh em không có được những con người bình thường. Tôi nói với các chủng sinh: hãy bình thường trong việc cầu nguyện. Hãy cầu nguyện như một người con đối với cha mình. Bình thường có nghĩa là nghiêm túc. Cha hỏi tôi tôi mang điều gì trong lòng và trong lời cầu nguyện của tôi? Lời cầu nguyện đến với tôi một cách tự nhiên luôn là lời khẩn cầu: “Lạy Chúa, xin Chúa nhìn tới dân Chúa!” Không có gì khác đến với tôi. Nó thực sự là một điều rất đơn giản. Sự cầu bầu thực sự gõ đúng cửa trái tim của Chúa. Đó là lời cầu nguyện chuyển cầu. Và chúng ta đừng quên rằng trong lời cầu nguyện, người ta cần parrhesia [sự dạn dĩ], sáng suốt và can đảm. Mô hình là mô hình của Ápraham, khi ông cầu nguyện, “Chúa tôi đừng giận nếu…” và sau đó ông đưa ra yêu cầu của mình một cách khăng khăng. Người ta phải cầu nguyện pulseando [kéo co] với Thiên Chúa, như chúng ta thường nói trong tiếng Tây Ban Nha. Đó là một lời cầu nguyện can đảm, trực diện, Nó không hẳn tìm kiếm sự an ủi, là điều phải được tìm kiếm, đúng. Nhưng trước nhất: hỏi, hỏi, hỏi… Chúng ta nghĩ parrhesia [dạn dĩ] chỉ là nhân đức hành động, nhưng không, nó còn là nhân đức cầu nguyện nữa.

Nếu Đức Thánh Cha nhìn vào hoàn cảnh của Dòng Tên, điều gì mang lại an ủi cho Đức Thánh Cha, và điều gì khiến Đức Thánh Cha cảm thấy bất an?

Gần đây, tôi đã tham dự một cuộc họp tại Tổng Công nghị với các anh em Dòng Tên từ khắp nơi trên thế giới. Có khoảng bốn mươi người trong số họ. Nghe họ nói thực sự đã mang lại cho tôi niềm an ủi. Nó mang lại cho tôi niềm an ủi khi một tu sĩ Dòng Tên cầu nguyện và tin cậy vào Chúa. Tôi tin rằng mức độ cầu nguyện và tin tưởng vào Dòng là tốt về mặt này. Mặt khác, tôi không được an ủi khi thấy một tu sĩ Dòng Tên “chuyên viên” về chủ đề này hay chủ đề kia hơn là một tu sĩ Dòng Tên. Trước khi chuyên môn hóa, có một điều: đó là thuộc về Dòng một cách đầy xúc cảm.

Thưa Đức Thánh Cha, Con chỉ muốn nói thêm, trong số những niềm an ủi của năm nay, một người Nga đã được thụ phong linh mục và chúng con có một tập sinh người Nga, và hai tháng trước, hai tu sĩ Dòng Tên đã đến Kyrgyzstan từ Việt Nam, một giáo sư xã hội học và một tập sinh đang được đào tạo. Chúng con có một người anh em Dòng Tên sống ở Kyrgyzstan và làm việc với vị giám quản tông tòa, Cha Corcoran. Kyrgyzstan là một Giáo hội rất nhỏ. Tất cả những người Công Giáo có thể ngồi vừa trong căn phòng này! Một người cha gia đình đã khuyên con nên nói với Đức Thánh Cha rằng cũng có những người Công Giáo ở Kyrgyzstan. Đối với chúng con, sự hỗ trợ của Tòa thánh là rất quan trọng, và do đó sự hỗ trợ của Tòa sứ thần cũng rất quan trọng.

Quả đúng là: Tòa Sứ thần là longa manus [cánh tay vươn dài] của Tòa thánh để giúp các Giáo hội địa phương, và nhất là các Giáo hội nhỏ hơn. Nhưng bây giờ đến lượt tôi hỏi anh em một câu hỏi: từ ngoại vi, anh em nhìn Vatican thế nào?

Đôi khi nó xa đến nỗi chúng con quên mất! Thay vào đó, là một nhóm nhỏ như vậy, điều rất quan trọng đối với chúng con là thuộc về Giáo hội hoàn vũ. Bằng cách này, mọi người nhận ra rằng chúng con không phải là một giáo phái rất nhỏ, mà là một phần của Giáo hội hoàn vũ. Đôi khi, thật đau lòng khi người ta có ấn tượng rằng những người đại diện của Giáo hội không quan tâm lắm đến đời sống của Giáo hội trong một đất nước nhỏ bé. Đôi khi, ngay cả các chính phủ cũng hỏi tại sao Giáo hội không quan tâm lắm đến tình hình của chúng con.

Cha nói đúng! Vì vậy, điều quan trọng trong tình huống này là phải hét lên, để được lắng nghe! Hãy làm cho anh em được lắng nghe! Giáo Hội ở trung tâm bận rộn với rất nhiều việc hàng ngày và có thể bị cám dỗ quên khuấy hoặc không quan tâm đúng mức. Nhưng nếu con thơ quấy khóc, quấy khóc thì cuối cùng mẹ sẽ cho con thơ bú sữa thôi! Giáo hội cần mọi tiếng nói để được lắng nghe, được bày tỏ và làm như vậy ngay cả bằng phương ngữ!

Những người anh em Chính thống giáo của chúng con đã yêu cầu con nói với Đức Giáo Hoàng rằng họ rất biết ơn Đức Thánh Cha vì Đức Thánh Cha đứng bên những người đơn sơ và thiếu thốn. Chúng con cộng tác với những người anh em Chính thống giáo của mình để giúp đỡ những người tàn tật. Họ yêu cầu con nói với Đức Thánh Cha rằng họ rất biết ơn.

Tôi rất biết ơn họ. Tôi nghĩ rằng có một chuyển dịch tiệm tiến hướng đến việc sáp lại gần nhau giữa người Công Giáo và người Chính thống giáo. Và tôi nghĩ điều này rất quan trọng. Chúng ta phải làm việc cùng nhau, cầu nguyện cho nhau, vượt qua những nghi ngờ. Mới hôm qua, tại Đại hội các nhà lãnh đạo tôn giáo, tôi đã tiếp bốn giám mục Chính thống giáo Nga. Tôi thấy rằng vẫn còn lo ngại về phong trào Qui hiệp (Uniatism). Nhưng tôi trả lời rằng từ ngữ này đã bị quên lãng rồi. Họ sợ rằng chúng ta sẽ trở thành kẻ xâm lược như bà mẹ chồng, rằng Chủ nghĩa Qui hiệp sẽ trở lại. Họ có con ma này. Anh em phải trấn an họ, và điều đó có ích.

Thưa cha, cha cảm thấy gì khi họ chọn cha làm giáo hoàng?

Cảm thấy bằng cách chấp nhận nó, tôi đã hoàn thành lời khấn thứ tư của mình là vâng lời.

Cuộc họp kết thúc. Bề trên của vùng đã xin Đức Giáo Hoàng làm phép tảng đá lớn sẽ là viên đá đầu tiên cho việc xây dựng nhà thờ chính tòa ở Kyrgyzstan. Việc xây dựng này cũng có một viên đá khác lấy từ Caphácnaum. Nhà thờ sẽ được dâng kính Đấng Chăn chiên lành. Đức Phanxicô chạm vào nó và làm phép nó. Sau đó cha bề trên tặng một số món quà nhỏ khác, nói rằng chúng nhỏ bé và nghèo nàn. Đức Giáo Hoàng nhận xét:

Duy trì đức nghèo khó! Khi không còn đức nghèo khó, thì mọi điều ác sẽ ập đến! Nghèo khó phải được bảo vệ.

Rồi, ngài được tặng một cuốn album gồm các bức ảnh về các tác phẩm của Dòng trong Vùng. Sau đó là một thiên thần bằng rơm đặc trưng của Belarus, và cuối cùng là một chiếc mũ len của Kyrgyzstan. Sau kinh Kính Mừng và phép lành, một bức ảnh tập thể đã được chụp. Trước khi từ giã, Đức Giáo Hoàng đã chào hỏi từng tu sĩ Dòng Tên có mặt.