Xem hình ảnh sinh hoạt thứ Hai và thứ Ba tại Gx ĐMHCG

Tất cả là Tự Nguyện.

Xây dựng 1 thánh đường và trường học dù có đắt đỏ, nhưng nhờ việc 'tích tiểu thành đại' qua nhiều thập kỷ thì vẫn có thể làm xong. Tuy nhiên, duy trì ngần ấy cơ sở một cách nghiêm túc để chúng không bị 'đào thải' là một vấn đề trường kỳ không bao giờ chấm dứt, trong đó quan trọng nhất là nhân lực.

Gx ĐMHCG ở Garland, TX, nơi mà vào tháng 10 sắp tới, hầu hết các linh mục VN ở hải ngoại sẽ tụ tập về đây sinh hoạt 5 ngày gọi là 'Hành Trình Emmaus', có thể là một thí dụ trong số các giáo xứ VN tiêu biểu tại Hoa Kỳ.

Trong thời gian làm việc cho Gx, trong khuôn khổ đổi mới thể thức hành chánh Gx cuả giáo phận lúc đó,chúng tôi đã có nhiều buổi họp với các quan chức điều hành (business managers) cuả các Gx Mỹ, thì khám phá ra là một giáo xứ Mỹ cùng cỡ 7000 giáo dân thường có một 'pay rolls' (danh sách nhân viên có trả lương) là 40 người, trong khi Gx ĐMHCG cuả chúng tôi lúc ấy chỉ có 2 nhân viên được trả lương, là cô thư ký và một ông từ.

-"Vậy thì các con điều hành như thế nào?", Đức Giám Mục Phó hỏi trong một cuộc thanh tra thường niên, với một vẻ mặt khó tin.

-"Xin thưa, tất cả các quan chức đều là tự nguyện (volunteer), kể cả ông business manager (chánh văn phòng). Chúng con tạo ra nhân lực dựa vào nhiều đoàn thể, huy động được 200 người." Tôi thưa như vậy với Ngài.

Lúc đó tôi báo cáo một con số gần 100 người trong khối giáo dục là: các Sơ, các Thày, các cô giáo thầy giáo, hội phụ huynh và những người giúp việc văn phòng cho trường học (Giáo Lý và Việt Ngữ).

Kế đến là nhiều chục người làm bếp trong 1 tổ chức gọi là Hội Quán, nấu nướng những món 'ăn trưa' cho học sinh trong giờ nghỉ. (Hội Quán thực sự còn bao gồm những việc khác như gây quĩ, bán hàng Tết, làm bánh chưng, lo lễ hội v.v)

Xin lưu ý danh xưng 'Hội Quán' cuả chúng tôi, tuy có sự trùng hợp nhưng chỉ là ngẫu nhiên, không có ý nghĩa như Lodge hay Grand Lodge (Hội Quán, Đại Hội Quán) cuả hội kín Tam Điểm.

Tôi còn liệt kê nhiều chục thanh niên ban trật tự, họ kiểm soát khuôn viên Gx để tránh tai nạn cho các em học sinh.

Và một tổ chức mới, khoảng mươi... mười lăm người, do cha Chánh Xứ Phêrô Bùi Quang Tuấn (Bây giờ là Bề Trên Giám Phụ Tỉnh DCCT VN hải ngoại) thành lập và đặt tên là 'Ban Làm Đẹp Nhà Chuá'.

Đức giám mục lúc đó ước mong rằng các Gx khác cũng nên noi gương người VN mà thúc đẩy việc tự nguyện nhiều hơn nữa.

Ban Làm Đẹp Nhà Chuá.

Trước đây cứ sau buổi lễ sáng ngày thứ Hai, các cha kêu gọi ai rảnh thì xin ở lại nửa tiếng để giúp ông từ nhà thờ dọn dẹp khuôn viên, vốn là rấ́t bừa bãi sau những sinh hoạt cuả ngày Chuá Nhật.

Trong thời gian đó thì hầu như các vị 'Làm Đẹp Nhà Chuá' là những người lớn tuổi đã về hưu, những công việc cần làm đã được xác định và nền nếp tổ chức cũng được hình thành.

Việc nào mà trao cho các vị cao niên thì thường được kết thúc rất cẩ̉n thận, cho nên qua nhiều năm trời, ban Làm Đẹp Nhà Chuá không bao giờ là một mối 'bận tâm' cho ai cả, và tôi cũng quên bẵng rằng ban đó có tồn tại.

Mới đây, 10 năm sau, nhân dịp ghé thăm một gia đình bạn, tôi bất ngờ gặp mặt một buổi tụ tập (khá thường xuyên) cuả những vị trong ban Làm Đẹp Nhà Chuá.

Ngoài các ông bà lớn tuổi đã biết, tôi còn nhậ̣n ra những anh chị em trẻ hơn, và theo lời cuả họ thì không những con số hội viên đã tăng mà họ còn 'thụ đắc' nhiều máy móc tân kỳ, rất 'professional' cho công việc lau chùi đánh bóng, giúp cho giáo xứ tiết kiệm một khoản tiền lớn hàng trăm ngàn nếu phải thuê người ngoài.

Và vì thế mà có bài phóng sự bất ngờ đến tay quí vị độc giả về một ban 'không tên tuổi' này.

Mà 'có tên có tuổi' làm sao được khi mà, sau lễ lúc mọi người đã đi về hết, bỏ lại một ngôi nhà thờ và một hội trường rộng thênh thang nhưng vắng tanh, thì lúc đó ban Làm Đẹp Nhà Chuá mới, ai lo việc nấy, thực hiện công việc cuả mình một cách âm thầm.

Âm thầm vì hình như chỉ có tôi là người còn gây ra chuyện bông đuà để mua một nụ cười cho những tấm hình tôi muốn chụp, còn những người khác thì vừa làm việc vừa lắng nghe bài 'thánh ca' đang vang lên nhè nhẹ từ một cái loa ở cuối nhà thờ.

Cuối nhà thờ, cũng âm thầm như thế, cha xứ Phaolô Nguyễn Tất Hài lặng lẽ bấm máy IPhone và chờ đợi tiếp chuyện với bất kỳ ai với một nụ cười...Hình như ở đâu có sinh hoạt giáo dân thì Ngài thích được gần gũi với họ ở đó chăng?

Tôi quan sát thấy nhiều người có vẻ muốn kết thúc công việc cuả mình một cách mau lẹ trước 10 giờ sáng! Những 'hội viên trẻ' này, thuộc lứa tuổi đang đi làm hoặc bận việc nhà, có lẽ vì thế mà hễ xong việc thì họ vội vàng ra về ngay chăng?

Ngày thứ Hai cũng là ngày thuận tiện cho nhiều người có thể thu xếp công việc để tới giúp, nhất là những người làm nghề tự do hoặc dịch vụ. Họ tuy rất bận ngày Chuá Nhật nhưng lại có thể nghỉ bù vào thứ Hai và thứ Ba.

Dù cho công việc được thực hiện mau lẹ, nhưng chắc chắn không phải 'cho xong chuyện', vì qua sự quan sát tận mắt, tôi thấy việc lau chùi là rất tỉ mỉ, các bà các cô đã không quản ngại phải với lên hay cuí xuống để lau chùi từng khe hở, bờ lề...dù là từ đỉnh cao cửa sổ hoặc xuống tận chân ghế dưới sàn nhà.

Sự tỉ mỉ đó, phải chăng là hiệu quả được lưu truyền qua những phương cách 'tẩy trùng' cuả những năm đại dịch? Dù thế nào đi nữa, thì khi nhìn xuống cái nền gạch sạch bóng, mà ngay cả những đường chỉ ximăng ở giữa những viên gạch cũng được trắng boong, tôi không khỏi có một ước mơ 'tuổi thơ', là được lăn lộn trên cái sàn mát lịm, giống như những em nhỏ chơi với mẹ trong những buổi trưa hè ở Việt Nam thửa xưa...

Nhìn những tấm kiếng trong xuốt và những chiếc ghế không dính bụi, tôi đã không chỉ nghĩ tới giá trị cuả vệ sinh, cuả lao động, nhưng hơn nữa tôi còn nghĩ rằng đây là một món quà cuả tình yêu thương, mà qua bàn tay mềm mại cuả ban Làm Đẹp Nhà Chúa, được trao tặng cho mọi người trong Gx.