Chính phủ của Ý dưới thời Thủ tướng Mario Draghi đang đứng trên bờ vực sụp đổ. Trong bối cảnh này vị Hồng Y hàng đầu của nước này nhấn mạnh rằng bây giờ là thời điểm cho sự đoàn kết hơn là chia rẽ.

Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, Đức Hồng Y người Ý Matteo Zuppi của Bologna, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, cho biết, “Chúng tôi đang quan sát một cách hết sức quan tâm đến tình hình chính trị đang diễn ra và những nguy cơ chồng chéo lên một giai đoạn khủng hoảng chung vốn đang có ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của cá nhân và gia đình”.

Ngài cho biết hiện tại cần phải có sự liên tục và “rõ ràng về các quyết định” để đối mặt với các cuộc khủng hoảng khác nhau ở Ý và Âu Châu, chẳng hạn như chiến tranh ở Ukraine, lạm phát cao, đại dịch COVID, vấn đề việc làm và “sự bất định tổng quát”.

Đức Hồng Y Zuppi được coi là người thân cận với Đức Thánh Cha Phanxicô, nên nhiều nhà quan sát Ý có xu hướng coi tuyên bố của ngài như là một phản ảnh, ít nhất là theo nghĩa tổng quát, các âu lo của Vatican.

Tuyên bố của Đức Hồng Y Zuppi được đưa ra sau khi Thủ tướng Draghi đệ đơn từ chức vào ngày 15 tháng 7, sau một cuộc nổi dậy trong liên minh chính phủ đoàn kết dân tộc của ông, mà ông đã lãnh đạo kể từ tháng 2 năm 2021, khi ông được quốc hội tín nhiệm trong vai trò dẫn dắt Ý vượt qua đại dịch.

Hôm thứ Năm, Thượng viện Ý đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu về một dự luật được đề xuất nhằm giải quyết giá năng lượng tăng liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Phong trào dân túy cánh tả Năm Sao của Ý, do cựu Thủ tướng Giuseppe Conte dẫn đầu, đã phản đối biện pháp này. Các thượng nghị sĩ của phong trào đã bước ra khỏi cuộc bỏ phiếu hôm thứ Năm, do đó tẩy chay cuộc bỏ phiếu.

Khi chính phủ đoàn kết của Draghi được thành lập, phong trào Năm Sao là một trong những đảng lớn nhất trong liên minh. Tuy nhiên, gần đây, Năm Sao đã chứng kiến một số vụ đào tẩu trong bối cảnh sự ủng hộ của công chúng ngày càng giảm. Các đảng chính khác trong liên minh của Draghi là Lega cực hữu, Forza Italia trung hữu, Đảng Dân chủ trung tả và Italia Viva cánh tả.

Trong khi Draghi vẫn đạt đủ số phiếu bầu mà không có các thượng nghị sĩ Năm Sao, ông cho rằng do liên minh mà ông xây dựng không còn tồn tại nên ông không thể tiếp tục, và đệ đơn từ chức lên Tổng thống Ý Sergio Matarella.

Matarella đã bác bỏ đơn từ chức và yêu cầu Draghi quay lại cơ quan lập pháp vào thứ Tư, ngày 20 tháng 7 để xem liệu đa số của mình, hoặc một cơ quan tương tự, có thể được cải tổ hay không.

Trong khi đó, những người Ý theo dõi tình hình đang bối rối và lo lắng về tác động của cuộc khủng hoảng đối với đất nước của họ, họ đã phải vật lộn với làn sóng COVID-19 mới và chuẩn bị cho cuộc bầu cử, dự kiến vào đầu năm 2023.

Tuy nhiên, nếu chính phủ của Draghi sụp đổ do hậu quả của cuộc khủng hoảng mới nhất này, thì các cuộc bầu cử có thể diễn ra vào mùa thu.

Trong khi một số đảng, bao gồm cả phong trào Năm Sao, háo hức cho các cuộc bầu cử sớm, thì sự bất ổn chính trị dẫn đến nguy cơ khiến Ý phải nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng và thông qua ngân sách năm tới để bảo đảm việc tài trợ cho Liên Hiệp Âu Châu.

Hành động của phong trào và Năm Sao tuần trước đã bị nhiều người chỉ trích, bao gồm cả cựu lãnh đạo đảng và Bộ trưởng Ngoại giao Ý đương nhiệm Luigi di Maio, người cáo buộc đảng này đã xúi giục một cuộc khủng hoảng nhằm hạ bệ chính phủ Draghi trong nỗ lực khôi phục sự ủng hộ của chính họ, đồng thời kéo phần còn lại của đất nước vào tình trạng suy sụp về kinh tế và xã hội.

Trong tuyên bố của mình, Đức Hồng Y Zuppi nói, “Đối đầu biện chứng và đa nguyên là sự cần thiết không thể thiếu của nền dân chủ, thậm chí còn hơn thế nữa nếu xét về thời hạn bầu cử tự nhiên sắp tới.”

Tuy nhiên, tình hình hiện tại đòi hỏi “sự hội tụ và ổn định tối đa để hoàn thành việc khởi động các can thiệp có tính chất quyết định mà chúng ta đang thảo luận trong nhiều tháng, và điều này sẽ ảnh hưởng đến những năm tới”

Đức Hồng Y Zuppi nói, đây là “lý do tại sao chúng tôi hy vọng rằng sẽ có một sự bùng nổ trách nhiệm nhân danh lợi ích chung của đất nước, là điều phải chiếm ưu thế hơn cả các quan điểm đảng phái hợp pháp để xác định điều gì là cần thiết và vì lợi ích chung của tất cả mọi người”.
Source:Crux