1. Các cố gắng của Tòa Thánh tại Mariupol

Ký giả Carlo Tecce của tuần báo L'Espresso có bài tường thuật nhan đề “Francesco Operazione Mariupol” nghĩa là “Chiến dịch của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Mariupol”, cho biết: Hôm 22 tháng 3, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết ông đã nhận được một cuộc gọi “đầy hứa hẹn” từ Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Giáo Hoàng nói với Ông Zelenskiy rằng ngài đã yêu cầu sứ thần của ngài vào ngày hôm sau cử một đoàn xe gồm 50 xe buýt đến Mariupol để mở một hành lang nhân đạo đưa 2.500 thường dân ra ngoài. Sau đó, Vatican đã liên hệ với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa để nhờ dàn xếp với Điện Cẩm Linh.

Kirill đồng ý, với điều kiện là sứ mệnh nhân đạo này phải được lãnh đạo bởi Tòa Thượng Phụ của ông và Tòa thánh Vatican, và ngày 27 tháng 3 đã được chọn. Tuy nhiên, các nhà chức trách Nga đã phớt lờ dự án và “cấm đoàn xe Công Giáo và Chính thống giáo vào Mariupol”.

Khi được hỏi về sự không thành công của sứ mệnh này, Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, là Đức Tổng Giám Mục Kulbokas, nói về một “thất bại, một nỗi đau”.

Một nỗ lực thứ hai để giúp Mariupol, gần đây hơn, đã được Đức Hồng Y Krajewski thực hiện theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng, vẫn không thành công.

Theo nhà báo Ý, những thất bại này đã ảnh hưởng đến quyết định hủy bỏ cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Thượng Phụ Kirill ở Jerusalem.

Tòa Thánh nhận ra rằng Kirill chỉ là tay sai của chế độ. Ông ta là người làm theo lệnh của Putin, và hoàn toàn không thể có một tác động nào lên các quyết định của nhà độc tài. Trách nhiệm của ông ta là cung cấp vỏ bọc thần học cho cuộc chiến tại Ukraine và xúi giục các tín đồ tham gia vào cuộc chiến phi nhân của Putin.

Hôm Chúa Nhật, hơn 100 dân thường đã được di tản khỏi nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, Ukraine, nơi đang bị quân Nga pháo kích dữ dội. Cuộc di tản này là do nỗ lực của Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo vào tối Chúa Nhật rằng lần đầu tiên hành lang quan trọng để di tản dân thường khỏi nhà máy đã bắt đầu hoạt động, mở đường cho họ thoát ra.

Tuy nhiên, điều này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, sau đó các cuộc pháo kích của Nga một lần nữa lại tăng cường và ngừng các nỗ lực di tản tiếp theo, chỉ huy lữ đoàn 12 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Denis Schlegar cho biết.
Source:L'espresso

2. Phải chăng các chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng phải kết thúc?

Trên nhật báo Domani của Ý, Marco Grieco, cho rằng viễn cảnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể phải sớm phẫu thuật đầu gối có thể chấm dứt “kỷ nguyên các chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng”.

Ông lưu ý rằng ngoài chuyến đi đến Malta, Đức Giáo Hoàng vẫn chưa rời Rôma trong năm nay, và rằng, ngoài chuyến công du Phi Châu tới Cộng Hòa Dân Chủ Congo và Nam Sudan, nhiều dự án dường như đang bị đình trệ.

Tuy nhiên, nhà báo đặt ra câu hỏi liên quan đến sự không chắc chắn về một số chuyến đi, đặc biệt là tới Li Băng, có thể là dấu hiệu cho thấy “sự không tin tưởng vào tầm quan trọng địa chính trị của Tòa thánh trong cộng đồng quốc tế” hay không.

Marco Grieco lưu ý rằng không có tin tức nào về chuyến đi đến Canada, và kết luận rằng người ta biết rằng “sự im lặng của Đức Giáo Hoàng nói lớn hơn lời nói của ngài.”

Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện 36 chuyến tông du bên ngoài nước Ý kể từ khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào năm 2013.

Gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đã từ bỏ kế hoạch gặp gỡ vào tháng 6 với Thượng phụ Kirill của Chính thống giáo Nga, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thượng Phụ Kirill đã nồng nhiệt ủng hộ cuộc chiến của Mạc Tư Khoa ở Ukraine với nhiều sáng kiến đáng kinh ngạc.

Đức Phanxicô, người đã nhiều lần ngầm chỉ trích Nga và Putin về cuộc chiến, nói với tờ La Nacion của Á Căn Đình trong một cuộc phỏng vấn rằng ngài lấy làm tiếc vì kế hoạch phải bị “đình chỉ” vì các nhà ngoại giao Vatican khuyên rằng một cuộc gặp như vậy “có thể gây ra nhiều ngộ nhận tại thời điểm này”.

Kirill, 75 tuổi, đã công khai chúc lành cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine kể từ khi nó bắt đầu vào ngày 24 tháng 2. Quan điểm của ông đã chia rẽ Giáo hội Chính thống giáo trên toàn thế giới và gây ra một cuộc nổi loạn nội bộ mà các nhà thần học và học giả cho là chưa từng có.
Source:Aleteia

3. Đức Thánh Cha phải dời các cuộc tiếp kiến đến Santa Marta vì đau đầu gối

Do vẫn bị đau đầu gối phải, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phải tổ chức các buổi tiếp kiến tại tư dinh của ngài, ở nhà trọ Santa Marta, chứ không phải tại điện Tông Tòa, để tránh phải di chuyển.

Trong số các khách mời của ngài vào ngày 2 tháng 5, có Liên đoàn Dược sĩ Công Giáo Quốc tế.

“Buổi tiếp kiến này được dự trù sẽ diễn ra tại điện Tông Tòa, nhưng vì đầu gối của tôi mà nó đang diễn ra ở đây,” Đức Giáo Hoàng giải thích ngay từ đầu trong bài phát biểu của mình với các nhà lãnh đạo của tổ chức này, được thành lập vào năm 1950 và có trụ sở tại Bruxelles.

Hai ngày trước đó, trong khi tiếp những người hành hương từ Slovakia vào ngày 30 tháng 4, Đức Giáo Hoàng tâm sự rằng bác sĩ của ngài đã yêu cầu ngài không được đi bộ. “Tôi thích đi bộ, nhưng lần này tôi phải tuân theo lời bác sĩ,” ngài nói và nói thêm rằng việc bất động của ngài là một “sự sỉ nhục” nhưng cũng là điều ngài phải tuân theo.

Đức Thánh Cha Phanxicô bị đau đầu gối cấp tính khiến ngài không thể đi lại bình thường và đã dẫn đến nhiều thay đổi trong lịch trình của ngài trong những tháng gần đây.

Đến nay vẫn chưa rõ là việc dời các buổi tiếp kiến đến Santa Marta sẽ diễn ra thường xuyên, hay chỉ trong ngày 2 tháng 5 vừa qua.
Source:Aleteia