Phần lớn các nhà bình luận của Léon Bloy đều nhắc đến lòng sùng kính Đức Mẹ của ông. Jacques Maritain chẳng hạn cho rằng ông không thể “nhắc lại mà không cảm xúc sâu xa sự dịu dàng như trẻ thơ của người hoang dã này khi đọc kinh mân côi hay kinh Ngợi khen, khóc từ đầu đến cuối (1).



Rosemary Rodwell (2) thì cho rằng hạt giống lòng sùng kính trên được chính bà mẹ của Bloy gieo vãi. Bà được chính Bloy mô tả như “một Kitô hữu của những ngày xa xưa, một nữ anh thư”. Là một phụ nữ cực kỳ đạo đức, đối với Bloy, bà tượng trưng cho khuôn mặt siêu phàm của đau khổ, dâng hy lễ sức khỏe của mình lên Thiên Chúa để đổi lấy ơn hoán cải cho đứa con trai của mình. Bà lấy tên Maria đặt cho hầu hết các con trai của bà, nhưng bà đặc biệt trao phó Léon Bloy cho sự chăm sóc của Đức Trinh Nữ. Bloy viết cho vị hôn thê của mình như sau:

"Trước khi anh sinh ra đời, mẹ anh, vốn là một Kitô hữu có trái tim sâu sắc, đã muốn anh không phải là con của người. Bằng một cố gắng phi thường của ý chí và yêu thương, một cố gắng chỉ có các linh hồn cao thượng mới hiểu nổi, người đã hoàn toàn từ bỏ quyền mẫu thân trong bàn tay Đức Maria, biến Trinh Nữ Rất Thánh thành người chịu trách nhiệm đối với trọn số phận anh, và bao lâu còn sống, người không ngừng nói với anh bằng một sự ngoan cố siêu phàm rằng Đức Maria mới là mẹ thật của anh, một cách hết sức đặc biệt và tuyệt đối” (3).

Theo von Alexpschera (4), Bloy sinh vào đúng năm Đức Mẹ hiện ra ở La Salette. Đức Mẹ hiện ra ngày 11 tháng 7 năm 1846 thì ông sinh ra ngày 19 tháng 9 cùng năm. Sự trùng hợp về ngày tháng này được Bloy luôn coi như một dấu chỉ, như một khuyến dụ từ Thiên Chúa phải dâng mình cho Trinh nữ La Salette. Việc ông vâng phục “Bà Mẹ khóc” đã gây cảm hứng cho ba tác phẩm của ông: Celle qui pleure (1908), lời nói đầu cho cuốn tự truyện của thị nhân Mélanie Calvat Vie de Mélanie écrite par elle-même (1912) và tác phẩm di cảo Le Symbolisme de l’apparition (1925).

Câu truyện Đức Mẹ hiện ra ở La Salette diễn ra như sau: Thứ bẩy 19 tháng 9 năm 1846, khoảng 15 giờ, trên ngọn đồi gần La Salette-Fallavaux, hai thiếu niên chăn chiên, Mélanie Calvat, non 15 tuổi, và Maximin Giraud, 11 tuổi, thấy hiện ra một “bà đẹp đẽ” trong ánh sáng chói lọi, vừa khóc vừa ngỏ lời với các em. Buổi chiều hôm đó, các em thuật lại biến cố cho các chủ nhân của các em. Bà chủ của Mélanie nghĩ rằng các em đã nhìn thấy Trinh Nữ Rất Thánh nên người ta sắp xếp để các em kể lại trọn câu truyện cho cha xứ La Salette. Cha xứ ghi chép sự kiện và nói về nó trong bài giảng lễ của ngài. Sau đó, người ta ghi chép các lời bà đẹp nói với các em.

Một cách tổng quát, qua sứ điệp của ngài, bà đẹp than thở việc người ta không tuân giữ ngày Chúa Nhật (thời đó đang là thời của cách mạng kỹ nghệ) và việc thiếu tôn kính đối với Thánh Danh Chúa Cứu Thế (ảnh hưởng cách mạng Pháp). Bà khuyên các linh hồn hoán cải và buồn rầu trước tai họa sẽ giáng xuống, nếu con người không đáp ứng lời kêu gọi của bà.

Sứ điệp trên, được Giáo Hội thời đó phổ biến, đã gây tiếng vang phi thường khắp nước Pháp, kéo theo cả một phong trào hoán cải rộng lớn và kích thích một phong trào canh tân tâm linh quan trọng.

Từ sứ điệp trên, Bloy rút tỉa toàn bộ tư tưởng thần học của ông: viễn tượng khải huyền, đặc tính tuyệt đối của đức vâng lời Kitô giáo, nền thần học nước mắt. Ngay văn phong bút chiến của ông cũng đã được giải thích như sự nối dài thẩm mỹ sứ mệnh của Mẹ Thiên Chúa, đấng than khóc. Ngày đầu năm, Bloy và gia đình có thói quen lặp lại lời tuyên hứa lúc rửa tội bằng hành vi dâng trọn con người họ cho Chúa Giêsu Kitô qua trung gian Đức Mẹ, như lời khuyên của Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort trong tác phẩm quan trọng của ngài tựa là Traité de la vraie dévotion, xuất bản năm 1712, được Bloy đánh giá rất cao.

Theo Rosemary Rodwell, dù Đức Trinh Nữ hiện ra ở La Salette là một Đức Bà Sầu Bi Than Khóc, rất hợp với bản chất của Léon Bloy, nhưng mãi năm 1877, Léon Bloy mới bắt đầu tới La Salette. Cơ duyên là năm đó, ông gặp linh mục Tardif de Moidrey. Vị linh mục này dẫn nhập ông tới La Salette. Hàng giáo phẩm luôn luôn dè dặt trước các hiện tượng hiện ra, nhưng lòng sốt sắng của Cha Tardif de Moidrey thì tuyệt đối, ngài thông đạt cho Bloy lòng sốt sắng này. Dĩ nhiên là ông chấp nhận vì như trên đã nói ông sinh ra vào đúng năm Đức Mẹ hiện ra ở La Salette và ông coi mình được kêu gọi trở thành đầy tớ của Đức Mẹ và truyền bá sứ điệp của ngài cho cả quốc gia thiếu lòng tin. Hai người đặt kế hoạch cùng nhau làm việc để đạt mục tiêu vừa kể: Bloy sẽ viết một cuốn sách về biến cố hiện ra, Cha Tardif cung cấp an toàn vật chất cho ông.

Chẳng may, Cha Tardif qua đời tại La Salette tháng 9 năm 1879; bất chấp tai họa này, Bloy cương quyết một mình hoàn thành sứ mệnh. Tầm quan trọng mênh mông của việc hiện ra tại La Salette đối với ông được ông nhắc tới trong lá thư gửi cho Cha Archier, bề trên Dòng Truyền Giáo La Salette, ngày 10 tháng 10 năm 1879:

“Lời nhắn của Rất Thánh Đồng Trinh, lời truyền đạt khôn tả từ Trời Cao này, ít được biết đến trong thế giới Kitô giáo và càng ít được hiểu biết. Một số lượng rất đông người Công Giáo, vì thiếu giáo huấn, đã làm ngơ hay coi thường sự kỳ diệu trên hết mọi sự kỳ diệu này của Tình Yêu Mẫu Thân. Giải thích nó một lần nữa bằng cách làm tràn ngập nó với trọn ánh sáng mà kinh nghiệm của 33 năm các điều kỳ diệu tích lũy ngày nay về biến cố khôn sánh này, biểu lộ tầm quan trọng tôn giáo mênh mông và tầm quan trọng xã hội khôn lường của nó dưới mọi ý nghĩa, đó là một phần trong việc làm khó khăn của con” (5).

Robert Ziegler (6) nhận định rằng đối với Bloy, lịch sử từ tính bất khả niệm của nó bước vào ánh sáng khả niệm khi Đức Maria hiện ra tại La Salette, khi Bà Khóc (Celle qui Pleure) trao cho hai trẻ chăn chiên nhiệm vụ cảnh cáo nhân loại: nếu không hoán cải, từ bỏ thái độ đức tin hâm hấp, nửa nóng nửa nguội, nếu không từ bỏ tác phong mua ơn cứu rỗi bằng những hành vi bác ái huênh hoang, thì “ta buộc phải để cánh tay Con ta giáng xuống” (7).

Đối với Bloy, Đức Mẹ khóc đã hoàn tất công trình của Con Trai đổ máu. Mối liên hệ nối kết Chúa với Giáo Hội của Người cũng chính là mối liên hệ nối kết Đức Trinh Nữ với con cái phàm nhân của ngài, những kẻ, qua tính tuyệt đối trong các đói khát, sầu khổ và nhục nhằn của họ đang kêu thấu tới Thiên Chúa để Người làm đầy sự không có gì của họ bằng trọn sự hiện diện của Người. Bloy viết rằng, như Chúa Kitô khát khao sự ăn năn của những kẻ được Người cứu rỗi thế nào (sitio ), thì Đức Maria cũng “khát khao nước mắt của chúng ta” như thế (8).

Bloy cho rằng Evà, người bị Thiên Chúa trừng phạt qua việc nhân thừa cơn đau lúc sinh con, đã hạ sinh những đứa con khác với Chúa Giêsu, Đấng được tượng thai không tì vết. Tuy nhiên, nhờ khóc lóc ăn năn, con người được rửa sạch tội lỗi, trở thành con cái thống hối, “filius tantarum lacrymarum” (9).

Chính nhờ người đi trước và cùng tin vào ý nghĩa đặc biệt của thiên niên kỷ là Ernest Hello (1828-1885) mà Bloy đã rút tỉa ý niệm của ông về ngôn ngữ nước mắt. Theo ông, nước mắt sở đắc một hiệu năng kỳ diệu, làm người yếu trở nên mạnh mẽ như Samsong, người, giữa đêm, vác cả cánh cửa nhà tù lên vai và leo lên núi. Hồng phúc nước mắt được Thiên Chúa thông ban như Hello viết trong Paroles de Dieu (1899): «Các lời cầu nguyện và các giòng nước mắt là các dụng cụ chiến đấu, vì chính Đấng ban chúng cho ta, chính Đấng vũ trang cho chúng ta để chiến đấu buộc chúng ta phải trao cho Người” (10).

Thiển nghĩ không gì bằng để chính Léon Bloy viết về Nước Mắt Đức Mẹ.



Nước Mắt Đức Mẹ

Những giọt nước mắt Mẹ Sầu bi tràn ngập Thánh Kinh và tràn qua mọi thời đại. Tất cả các bà mẹ, tất cả các góa phụ, tất cả các trinh nữ khóc đều không thêm gì vào thứ dào dạt phong phú đến độ có thể rửa sạch trái tim của hàng mười ngàn thế giới tuyệt vọng. Tất cả những người bị thương, tất cả những người cùng quẫn và tất cả những người bị áp bức, tất cả đoàn lũ đau khổ này chất đầy những con đường tàn khốc của cuộc đời, nằm thoải mái trong những nếp gấp kéo dài của lớp áo khoác màu xanh của Đức Mẹ Bảy Sự Đau Đớn. Bất cứ khi nào ai đó bật khóc, giữa đám đông hay trong cô tịch, chính ngài là người khóc, bởi vì mọi nước mắt đều thuộc về ngài trong tư cách là Nữ hoàng của Mối Phúc và Tình Yêu. Nước mắt của Đức Maria là chính Máu của Chúa Giêsu Kitô, đổ ra một cách khác, vì lòng cảm thương của ngài là một kiểu đóng đinh nội tâm đối với Nhân tính thánh thiện của Con ngài. Nước mắt của Đức Maria và Máu Chúa Giêsu là sự tuôn trào kép của cùng một trái tim và người ta có thể nói rằng lòng cảm thương của Đức Trinh Nữ Rất Thánh là cuộc Khổ nạn dưới hình thức khủng khiếp nhất của nó. Điều này được phát biểu qua những lời nói với Thánh Brigit: “Sự đau khổ của Chúa Kitô là sự đau khổ của mẹ bởi vì trái tim của Người là trái tim của mẹ; vì Ađam và Evà đã bán thế gian chỉ vì một trái táo, nên Con của mẹ và mẹ đã cứu chuộc thế gian này bằng một Trái Tim duy nhất».

Nước mắt là di sản của Mẹ Sầu Bi, một di sản đáng sợ đến mức người ta không thể phung phí nó trong những tình cảm vô ích đối với thế gian mà không bị mắc tội phạm thánh. Thánh Rosa thành Lima nói rằng những giọt nước mắt của chúng ta thuộc về Thiên Chúa và bất cứ ai nhỏ chúng xuống mà không nghĩ đến Người là ăn cắp chúng của Người. Chúng thuộc về Thiên Chúa và thuộc về người đã cho Thiên Chúa máu thịt của Nhân tính Người. Nếu Thánh Ambrôsiô, khi nhớ đến Thánh Monica, đã gọi Thánh Augustinô là “Đứa con của những giòng nước mắt vĩ đại; filius tantarum lacrymarum ", thì chúng ta phải hiểu sâu sắc đến mức nào rằng chúng ta là con cái của những giòng Nước mắt của Tạo vật ngoại hạng, đấng đã nhận được đặc ân khôn sánh, trong tư cách là Mẹ Thiên Chúa, dâng lên Cha Hằng Hữu một sự đền bù đầy đủ cho tội ác không tên hay thước đo khiến Chúa Giêsu phải hoàn thành công cuộc cứu chuộc thế giới? Khi Thánh Monica khóc trước sự lầm lạc của thánh tiến sĩ ân sủng tương lai, những giòng nước mắt của ngài giống như dòng sông vinh quang mang đứa con trai bất tín của ngài trong vòng tay không biết mệt dâng lên Tác giả của Ân sủng. Nhưng tuy nhiên, ngài chỉ có những giòng nước mắt để dâng lên và đó là sự hoán cải của đứa con trai duy nhất mà ngài có. Khi Đức Maria khóc vì chúng ta, những giòng Nước mắt của ngài là một cơn hồng thủy Máu thánh thần linh phổ quát thực sự, mà ngài là Người Phân phối tối cao, và sự tuôn trào này đồng thời là lễ dâng hoàn hảo nhất. Như thể ngài là người Mẹ duy nhất theo Ân sủng, người có quyền năng khiến Người được vô số những đứa con khác của ngài tôn thờ chỉ bằng đức hạnh duy nhất là các giòng nước mắt của ngài.

Những giòng nước mắt của Đức Trinh Nữ Rất Thánh chỉ được nhắc đến trong Tin Mừng một lần duy nhất, khi ngài nói lời thứ tư, sau khi tìm thấy Con của ngài. Và chính ngài là người nói về điều đó vào lúc ấy. Ở những nơi khác, các tác giả Tin Mừng chỉ đơn giản nói rằng Chúa Giêsu đã khóc, và điều này đủ để chúng ta đoán được Mẹ của Người đang làm gì. Thánh Bernardin thành Siena nói rằng nỗi đau đớn của Đức Trinh Nữ Rất Thánh lớn đến nỗi nếu nó được phân chia và sẻ chia cho tất cả các tạo vật có khả năng biết đau khổ, họ sẽ bị diệt vong ngay lập tức. Bây giờ, nếu chúng ta tính đến sự soi sáng phi thường của tâm hồn đầy Chúa Thánh Thần này, mà đối với ngài những điều tương lai chắc chắn đã có thực tại thực sự và hữu hình, thì chúng ta phải hiểu lời khẳng định này, không những cho Thứ Sáu Tuần Thánh, mà còn cho mọi khoảnh khắc của cuộc đời ngài, từ lời chào của tổng lãnh thiên thần cho đến khi ngài qua đời.

Khi Thánh Gia, bị xua đuổi khỏi tất cả các cửa nhà thành Bêlem, phải tìm nơi ẩn náu trong hang động hoang vu nơi Mặt Trời của thế giới xuất hiện, những giòng nước mắt của Đức Maria đã đánh dấu ngưỡng cửa của những ngôi nhà bất hiếu khách này, những ngôi nhà không biết dành chỗ để chào đón sự khốn cùng của Thiên Chúa. Những giòng nước mắt chẩy xuống từ cùng một Trái Tim với Máu của Ngôi Lời Nhập Thể là dấu hiệu của cơn thịnh nộ Thiên Chúa đối với những cư dân đáng thương của sa mạc cõi lòng này. Chắc hẳn chúng gặm nhấm cả đá hoa cương và đất đai đến những độ sâu đáng sợ, và phải cần đến máu vô tội của tất cả các trẻ sơ sinh mới có thể dập tắt cơn thịnh nộ và xóa hết dấu vết của chúng.

Sau này, trong chuyến trốn qua Ai Cập, khi Hài nhi Giêsu chiếm hữu thế giới tăm tối bao la của dân ngoại được mô tả bằng "vùng đất lo âu" này, Người đã được bế trong vòng tay của Mẹ Người, đấng, do đó, dạo đầu cho những cuộc chinh phục thống trị của Người trong tương lai. Con đường dài của những người lữ hành nghèo khổ này và những nơi đầy những ngẫu thần nơi các ngài dừng chân đã tưới đẫm bằng biết bao giòng nước mắt thầm lặng chảy dài xuống má của Đức Trinh Nữ không tì vết và rơi xuống đất như một hạt giống, sau khi lăn trên tứ chi của Hài Nhi thần linh. Hai trăm năm sau, cũng chính đất nước Ai Cập này, trở thành quê hương của những khổ nạn tự nguyện, đã đầy ắp những vị ẩn sĩ vĩ đại, vốn là mùa trổ bông lộng lẫy nhất của Công Giáo, chỉ sau các vị tử đạo.

Mầu nhiệm của ba ngày vắng bóng đã đến, Đức Maria rảo khắp các đường phố và quảng trường của Giêrusalem để tìm kiếm Hài Nhi đi lạc của mình. Cuộc tìm kiếm kéo dài ba ngày với sự đồng hành của người đàn ông phi thường mà các thánh gọi là hình bóng của Cha Vĩnh Cửu. Cả hai đều khóc, và lần này nước mắt của các ngài được chứng kiến bởi chính người hiếm khi lên tiếng. Các ngài tìm kiếm khắp nơi, các ngài hỏi han những người qua đường, bất kể giàu hay nghèo, phẩm hạnh hay tội phạm, chế giễu hay nhân ái. Hãy tưởng tượng cuộc hỏi han độc đáo này với tất cả cư dân của một thành phố thờ ơ hoặc bận rộn bởi Mẹ của Người Sống để tìm kiếm Ngôi Lời Thiên Chúa. Ba ngày vắng mặt này chính là lưỡi gươm thứ ba của Đức Maria và là lưỡi gươm mà một số văn sĩ Công Giáo coi là đau đớn nhất, đáng được chúng ta suy nghĩ sâu sắc. Điều đáng chú ý là người Mẹ khôn sánh này, trong tình trạng bất lực tuyệt đối của việc tìm lại người Con của mình trước thời hạn ba ngày đầy mầu nhiệm và không chắc chắn đối với ngài, và đàng khác, nhờ sự soi sáng đầy tiên tri của ngài, ngài biết rõ các chi tiết khủng khiếp nhất của cuộc Khổ nạn, hẳn chủ yếu phải khiến ngài tìm kiếm trên Con đường đau khổ trong tương lai, nơi ngài biết rằng một ngày nào đó, Tình yêu của ngài sẽ bị vùi dập dưới chân của nhóm dân chúng độc ác và thấp hèn nhất. Chắc chắn, chính tại đó, ngài đã rơi những giọt nước mắt cay đắng nhất của mình, để chuẩn bị cơ sở cho những lần tuôn đổ khác sẽ xẩy đến trong thời điểm không ai sẽ tìm kiếm Lời Thiên Chúa ở Giêrusalem nữa. Chỉ riêng cõi đời đời mới có thể đem lại cho ý thức con người thước đo đích thực về sự kiện Người Mẹ như thế đang tìm kiếm Người Con như thế trong một thành phố được tiền định một cách kỳ lạ như vậy.

Đây là một điều gì đó hoàn toàn khác với ở Bêlem, nơi ít nhất Đức Maria chỉ tìm kiếm một nơi để hạ sinh Ánh sáng? Tại đây, ngài tìm kiếm Ánh sáng vắng mặt với một sự không chắc chắn đầy kinh ngạc về việc xứng đáng bị bỏ rơi này và bằng chứng trổi vượt về sự vô dụng hoàn toàn của những cuộc tìm kiếm của ngài, nếu mối nghi ngờ xé lòng này thực sự có cơ sở. Trong trường hợp thứ nhất, sự cứng lòng của cư dân Bêlem là một loại kỳ lạ của con người, liên quan đến tất cả những kẻ tội lỗi và đột nhiên vạch trần những vực thẳm của bản chất con người sa ngã; trong trường hợp thứ hai, sự tàn ác biểu kiến của Chúa Giêsu đối với Mẹ của Người là một mầu nhiệm thần linh chỉ liên quan đến ngài, một loại chuẩn bị khôn tả cho việc từ bỏ khủng khiếp trong một tương lai đầy máu và đau đớn, qua việc thực hành một sự sỉ nhục siêu việt. Trong hai hoàn cảnh có tính Tin Mừng này, điều đến từ bên ngoài và chúng ta có thể cảm thấy luôn là sự tuôn trào của cùng một trái tim bao la và tan nát, vốn không tự bằng lòng với việc trao ban sự sống cho Mặt trời công lý, nhưng là trái tim vẫn muốn tạo cho Người một đại dương nước mắt yêu thương nơi Người có thể nằm ngủ trong huy hoàng.

Léon Bloy, trích từ The Symbolism of the Apparition, Paris, Mercure de France, 1925.

Ghi chú

(1). Xem https://fsspx.news/en/news-events/news/on-bloy-lost-modern-world

(2) Xem https://doi.org/10.1177/004724419402400102

(3) Leon Bloy, Lettres a sa fiancée, op. cit.

(4) Xem https://erstezone.wordpress.com/2017/06/20/lart-de-lobeissance-marie-leon-bloy-et-francois-xavier-de-boissoudy/

(5) J. Bollery, Leon Bloy, op. cit., I, 410.

(6) https://doi.org/10.4000/studifrancesi.294

(7) L. BLOY, Le Symbolisme de l’Apparition cit., p. 31.

(8) Ibid., p. 58

(9) Ibid., p. 192.

(10) E. HELLO, Paroles de Dieu, Paris, Perrin, 1899, p. 303.