1. Kho đạn Nga tại Belgorod bị nổ tung. Anh quốc ủng hộ cảm tử quân Ukraine đánh chặn trên đất Nga

Theo Reuters, các quan chức địa phương cho biết một loạt vụ nổ đã được nghe thấy ở thành phố Belgorod của Nga gần biên giới Ukraine trong khi một kho đạn dược cũng được báo cáo là đang bốc cháy.

Thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết một kho đạn trong tỉnh đã bốc cháy vào đầu giờ ngày thứ Tư. Ông ta thức giấc khi nghe “một âm thanh lớn như một vụ nổ” vào khoảng 3:35 sáng thứ Tư theo giờ địa phương, tức là 8:35 sáng thứ Tư theo giờ Việt Nam.

Ông nói thêm: “Cho đến nay, chưa một đơn vị trực thuộc nào của thành phố và khu vực tìm ra nguyên nhân của âm thanh này”.

Các vụ nổ được cho là phát ra từ gần làng Staraya Nelidovka, nằm bên trong lãnh thổ Nga, cách biên giới Ukraine khoảng 40 km.

“Theo thông tin sơ bộ, một kho đạn đang bốc cháy. Không có phá hủy các công trình dân cư, nhà ở. Không có thương vong trong dân thường,”Gladkov nói.

Tỉnh Belgorod giáp với các khu vực Luhansk, Sumy và Kharkiv của Ukraine, tất cả đều là những địa phương đã chứng kiến các cuộc giao tranh ác liệt kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hai tháng trước. Kho đạn này bị nổ tung ảnh hưởng mạnh đến cuộc chiến tại Ukraine.

Cho đến nay, Ukraine rất dè dặt không bao giờ xác nhận các vụ cháy, nổ bên trong lãnh thổ Nga là do mình gây ra.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Anh là James Heappey nói rằng việc Kyiv tấn công vào các mục tiêu ở Nga để ngăn chặn các cuộc tấn công là 'hoàn toàn hợp pháp'. Ông cũng nói rằng “không thành vấn đề” nếu Ukraine sử dụng vũ khí do Anh viện trợ trong các cuộc tấn công phủ đầu như thế.

Mạc Tư Khoa đã bày tỏ phản ứng tức giận đối với Thứ trưởng James Heappey và nói rằng nếu Anh cứ tiếp tục xúi giục, và giúp đỡ Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga thì ngay lập tức sẽ có một “phản ứng tương xứng”.

Đáp lại những răn đe này, Ông Heappey nói với Times Radio: “Ukraine là một quốc gia có chủ quyền và đang sống hòa bình trong biên giới chủ quyền của mình và sau rồi một quốc gia khác quyết định vi phạm những biên giới đó và đưa 130.000 quân vào đất nước của họ”.

“Điều đó đã bắt đầu một cuộc chiến tranh giữa Ukraine và Nga, và trong chiến tranh, Ukraine cần phải tấn công vào sâu trong đất đối phương để phá hủy các tuyến hậu cần, các nguồn cung cấp nhiên liệu, các kho đạn của họ, và đó là một phần của chiến tranh.”

Ông nói thêm rằng việc Ukraine nhắm mục tiêu vào sâu trong đất của Nga là hoàn toàn hợp pháp để làm gián đoạn hệ thống hậu cần mà nếu chúng không bị gián đoạn sẽ trực tiếp dẫn đến tử vong và tàn sát trên đất Ukraine.

2. Tòa Bạch Ốc cho biết Mỹ có thể sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Trong cuộc họp báo vào hôm thứ Hai 25 tháng Tư, Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc, Jen Psaki, cho biết Hoa Kỳ sẽ đưa ra một danh sách mới trong đó có thêm rất nhiều các nhân vật người Nga bị áp đặt lệnh trừng phạt.

Một báo cáo gần đây của Wall Street Journal đã cho rằng Hoa Kỳ đã không dám trừng phạt vợ bé của Putin, là Alina Kabaeva, có 3 đứa con với Putin để tránh chọc giận Tổng thống Nga.

Khi được hỏi về điều này, Jen Psaki trả lời: “Không ai được an toàn trước các lệnh trừng phạt của chúng tôi.”

Quốc hội Ukraine đã tăng cường kêu gọi phương Tây theo đuổi các hành động chống lại bà Kabaeva vì họ tin rằng người đàn bà 38 tuổi này được Putin giao cho nhiệm vụ gìn giữ các tài sản của ông ta trong các trương mục ở nước ngoài.

Nhà lãnh đạo đối lập người Nga, đang bị bỏ tù, là ông Alexei Navalny, đã gọi Putin là tên hoang dâm vô độ, săn lùng gái đẹp, và sử dụng những người đàn bà đó để che giấu tài sản cá nhân cướp được của người Nga.

Bà Kabaeva, 38 tuổi, cựu vận động viên thể dục nhịp điệu vô địch Olympic, nổi tiếng trong môn thể thao này nhờ sự dẻo dai cực độ, và cũng khét tiếng vì một vụ tai tiếng quốc tế khi sử dụng chất kích thích khi thi đấu

3. Thụy Điển và Phần Lan đồng loạt nộp đơn xin vào NATO

Các phương tiện truyền thông Bắc Âu đưa tin, Thụy Điển và Phần Lan đã đồng ý nộp đơn gia nhập liên minh Nato do Mỹ dẫn đầu.

Nhật báo Phần Lan Iltalehti hôm thứ Hai cho biết Stockholm đã “đề nghị hai nước bày tỏ sự sẵn sàng tham gia” vào cùng ngày và rằng Helsinki đã đồng ý “miễn là chính phủ Thụy Điển đưa ra quyết định của mình”.

Tờ Expressen của Thụy Điển trích dẫn các nguồn tin chính phủ xác nhận báo cáo này. Thủ tướng của hai nước trong tháng này cho biết họ đang cân nhắc câu hỏi, cho rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã thay đổi “toàn bộ bối cảnh an ninh” và “tư duy định hình đáng kể” của Âu Châu trong khu vực Bắc Âu.

Thủ tướng Phần Lan, Sanna Marin, sau đó nói rằng đất nước của cô, có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga, sẽ quyết định có nộp đơn gia nhập liên minh hay không “khá nhanh, trong vài tuần chứ không phải vài tháng”, bất chấp nguy cơ gây phẫn nộ Matxcova.

Thủ tướng Thụy Điển, Magdalena Andersson, cho biết Thụy Điển phải “chuẩn bị cho mọi hành động từ Nga” và “mọi thứ đã thay đổi” khi Mạc Tư Khoa tấn công Ukraine. Nga đã nhiều lần cảnh báo cả hai nước nhằm chống lại động thái này.

Điện Cẩm Linh cho biết họ sẽ buộc phải “khôi phục cân bằng quân sự” bằng cách tăng cường phòng thủ ở Baltic, bao gồm cả việc triển khai vũ khí hạt nhân, nếu hai nước quyết định từ bỏ chính sách không liên kết quân sự kéo dài hàng thập kỷ qua, bằng cách gia nhập NATO.

4. Ba tàu chiến của NATO đã được đưa ngay đến cảng Turku ở phía tây nam Phần Lan

Lực lượng phòng vệ Phần Lan cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai 25 tháng Tư rằng, tàu phá thủy lôi Latvia LVNS Virsaitis và tàu phá thủy lôi Estonia ENS Sakala và Khu Trục Hạm Schiedam của Hà Lan sẽ tập trận chung với hai tầu từ hạm đội ven biển của Phần Lan.

Tuyên bố cho biết: “Cuộc tập trận kéo dài hai ngày sẽ chuẩn bị cho các tàu Phần Lan tham gia lực lượng ứng phó của NATO và tập trung vào các biện pháp đối phó với mìn và làm việc trong khuôn khổ đa quốc gia”.

Diễn biến này xảy ra sau khi Helsinki nộp đơn gia nhập liên minh quân sự trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với nước láng giềng Nga.

5. Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã trục xuất 40 nhân viên ngoại giao Đức

Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã trục xuất 40 nhân viên ngoại giao Đức trong một động thái trả đũa sau khi Berlin trục xuất một số nhà ngoại giao Nga.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã đưa ra quyết định sau khi Đức tuyên bố “một số lượng đáng kể” các quan chức tại Đại sứ quán Nga ở Berlin là những người “không mong muốn” vào ngày 4 tháng 4.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Annalena Baerbock, cho biết việc trục xuất các nhà ngoại giao Đức khỏi Nga là “không chính đáng”.

Cô nói: “Bất chấp hoàn cảnh ngày càng bất lợi, các đồng nghiệp của chúng tôi đã làm việc tại Nga với sự cởi mở, quan tâm trung thực và cam kết tuyệt vời. Do đó, Nga đang tự gây tổn hại cho chính mình.”

Ngược lại, các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất ở Berlin “không dành một ngày để phục vụ ngoại giao”, bà nói:

“Công việc của họ đe dọa tất cả những ai tìm kiếm nơi trú ẩn với chúng tôi - chúng tôi không thể chịu đựng được điều này nữa.”

Hôm 12 tháng Tư, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, cho biết 40 nhân viên đại sứ quán Nga phải ra đi. Các nguồn tin tình báo cho biết các nhà ngoại giao này được coi là mối đe dọa trực tiếp đối với những người Ukraine sống ở Đức.

Việc trục xuất ban đầu được mô tả là một phản ứng tức giận đối với vụ sát hại thường dân ở thị trấn Bucha, phía bắc Kiev, mà chính phủ Đức đã coi là tội ác chiến tranh. Các quan chức Ukraine cho biết thi thể của 410 dân thường đã được vớt từ các thị trấn ở khu vực Kiev khi quân đội Nga rút đi. Tuy nhiên, sau đó chính phủ Đức nói thẳng thắn rằng quyết định trục xuất đã được đưa ra vì các viên chức Nga này làm gián điệp trên đất Đức.

Baerbock nói: “Chính phủ hôm nay đã quyết định tuyên bố trục xuất một số lượng đáng kể những người có quan hệ với đại sứ quán Nga, những người đang làm việc ở Đức hàng ngày chống lại quyền tự do của chúng ta, chống lại sự gắn kết của xã hội chúng ta.”

Trước thông báo của bà, Andreas Michaelis, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao, đã triệu tập Đại sứ Nga, Sergei Nechaev, để thông báo với ông ta rằng những người được nêu tên có 5 ngày để thu dọn tài sản và rời khỏi Đức.

Các nguồn tin tình báo Đức đã thông báo với truyền thông Đức rằng những người sắp bị trục xuất bao gồm những người “gây ra mối đe dọa cụ thể” cho các nhà hoạt động Ukraine có trụ sở tại Đức, cũng như khoảng 307,000 người tị nạn Ukraine đã đến kể từ khi chiến tranh nổ ra.

Các nguồn tin tình báo cho biết họ tin rằng có khoảng 2,000 người bị tình nghi là gián điệp Nga đang hoạt động ở Đức.

6. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hứa tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine sau khi thắng cử

Theo Reuters, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí trong một cuộc điện đàm hôm nay phải “nhanh chóng” có các cuộc thảo luận chi tiết hơn về một số vấn đề toàn cầu, đặc biệt là cuộc chiến ở Ukraine.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc, Jen Psaki, nói: “Tổng thống Biden bày tỏ sự sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Macron về các ưu tiên chung toàn cầu của chúng tôi”.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã chúc mừng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái đắc cử và đánh bại nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử hôm Chúa Nhật.

Chiến thắng của Macron đã khiến các đồng minh nhẹ nhõm vì họ mừng rằng, giữa lúc cuộc chiến ở Ukraine đang hết sức căng thẳng, sức mạnh vũ trang hạt nhân sẽ không đột ngột chuyển hướng khỏi các nỗ lực của Liên minh Âu Châu và NATO nhằm trừng phạt và kiềm chế chủ nghĩa bành trướng quân sự của Nga.

Nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 5 năm đối với vị tổng thống mới 44 tuổi đã giúp Pháp và Âu Châu thoát khỏi cơn địa chấn gây ra bởi nhà dân túy Le Pen.

Tuy nhiên, Le Pen đã ghi nhận số phiếu cao nhất của cô ta, và sau kết quả, Macron đã cam kết thống nhất đất nước vốn đang “chứa đựng quá nhiều nghi ngờ, quá nhiều chia rẽ”.

Phản ứng trước kết quả cuộc bầu cử, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói:

“Pháp là đồng minh lâu đời nhất của chúng tôi và là đối tác quan trọng trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Tôi mong muốn chúng ta tiếp tục hợp tác chặt chẽ - bao gồm hỗ trợ Ukraine, bảo vệ nền dân chủ và chống biến đổi khí hậu.”

7. Ukraine cáo buộc Nga dàn dựng vụ tấn công một tòa nhà chính phủ ở vùng ly khai Transnistria của Moldova

Tổng cục Tình báo Ukraine, gọi tắt là SBU, bác bỏ cáo buộc của các phương tiện truyền thông Nga cho rằng quân Ukraine dính líu vào vụ bắn lựu đạn vào một tòa nhà chính phủ ở vùng ly khai Transnistria của Moldova.

Các phương tiện truyền thông Nga loan tin hôm thứ Hai một tòa nhà chính phủ ở khu vực ly khai Transnistria của Moldova đã bị tấn công bằng súng phóng lựu.

Theo các quan chức Transnistria, một tòa nhà thuộc Bộ an ninh nhà nước đã bị tấn công ở thủ đô Tiraspol của khu vực vào tối thứ Hai, không có báo cáo ngay lập tức về thương tích.

Một số hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy khói bốc ra từ các cửa sổ vỡ toang của tòa nhà chính phủ.

Nếu được xác nhận là có liên quan đến chiến tranh, đây sẽ là cuộc xung đột đầu tiên lan sang một quốc gia Âu Châu khác.

SBU nói rằng trong các ngày trước đó tòa nhà này đã được di tản. Họ cho rằng chính quân Transnistria gây ra vụ này để có cớ cho một sự can thiệp trực tiếp từ Mạc Tư Khoa.

Hôm thứ Sáu, tướng Nga Rustam Minnekayev cho biết mục tiêu của cuộc tấn công mới của Nga là giành quyền kiểm soát miền nam Ukraine và tiếp cận Transnistria nằm ở biên giới phía nam Ukraine.

Trong khi các chuyên gia quân sự cho rằng không có khả năng lực lượng Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công vào biên giới với Moldova vào lúc này, tuy nhiên, các tuyên bố này đã làm dấy lên lo ngại ở Moldova về ý định của Nga đối với quốc gia Đông Âu nhỏ bé nghèo khó này.

Transnistria, là một quốc gia ly khai không được quốc tế công nhận, là một phần của Moldova. Transnistria chủ yếu nằm ở phần lớn dải đất hẹp giữa sông Dniester và biên giới Moldova - Ukraine. Thủ đô và thành phố lớn nhất của nó là Tiraspol. Transnistria chỉ được công nhận bởi ba quốc gia ly khai khác là Abkhazia, Artsakh và Nam Ossetia.

Đám con cháu người Nga ở Transnistria đã nổi lên chống lại chính quyền Moldova vào tháng 3 năm 1992 và kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn vào tháng 7 năm đó. 1.500 quân Nga vẫn đang đồn trú trong vùng này là mối đe dọa cho Moldova.