1. Đức Thánh Cha dành ra ngày thứ Sáu để kiểm tra y tế

“Hôm nay Đức Giáo Hoàng đã giảm tốc các hoạt động của mình vì ngày hôm nay ngài cần phải kiểm tra y tế”, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết như trên hôm 22 tháng 4. Trong những ngày gần đây, Đức Giáo Hoàng 85 tuổi đã đi lại rất khó khăn.

Một số cuộc hẹn được lên lịch vào sáng thứ Sáu 22 tháng Tư đã bị hủy bỏ. Theo trang tin Ton Digital của Tây Ban Nha, Đức Giáo Hoàng đã lên kế hoạch gặp ngoại trưởng Á Căn Đình, Santiago Cafiero, vào buổi sáng.

Ông Matteo Bruni chỉ nói với các phóng viên rằng Đức Giáo Hoàng đang làm chậm các hoạt động của mình để kiểm tra y tế. Không có thông tin nào khác đã được công bố. Không biết liệu các xét nghiệm có liên quan đến chứng đau đầu gối phải của ngài hay không.

Trong những ngày gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô có vẻ yếu đi khi ngài tiếp tục bị đau ở chân. Thứ Bảy tuần trước, ngài đã ủy nhiệm Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng Y Đoàn chủ tọa Thánh Lễ Vọng Phục Sinh. Trong suốt Tuần Thánh, ngài tránh đứng quá lâu và rõ ràng là hạn chế đi bộ đến mức tối thiểu. Trong cử hành tưởng niệm cuộc thương khó Chúa vào chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha đã không nằm phủ phục trước bàn thờ vào lúc đầu lễ.

Tuy nhiên, vào Sáng Chúa Nhật Phục sinh, ngài đã có thể chủ sự Thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngày hôm sau, trước hàng chục nghìn thanh niên Ý, Đức Giáo Hoàng dường như đã lấy lại được chút năng lượng.

Vào đầu tháng 4, trong chuyến đi tới Malta, ngài đã xác nhận với các nhà báo rằng đầu gối của ngài vẫn tiếp tục gây ra vấn đề cho ngài và ngài đã phải dùng thang máy để lên máy bay khi rời Malta.

“Sức khỏe của tôi hơi thất thường, vì tôi gặp vấn đề với đầu gối khiến khả năng vận động, đi lại trở nên khó khăn. Tuy hơi mệt nhưng mọi thứ có lẽ sẽ tốt hơn,” ngài nói.

Vào tháng 7 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã trải qua một cuộc đại phẫu thuật đại tràng của mình. Nhập viện 10 ngày sau khi gây mê toàn thân, ngài giải thích sau đó rằng các bác sĩ đã cắt bỏ 33 cm ruột.

Vào tháng 8, ngài đã bác bỏ tin đồn về việc từ chức vì lý do sức khỏe mà một số phương tiện truyền thông Ý đã đưa ra.
Source:Aleteia

2. Đức Thánh Cha giảng trong thánh lễ Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót

Hôm Chúa nhật 24 tháng Tư vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giảng trong thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót, vào lúc 10 giờ tại Đền thờ thánh Phêrô.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch coronavirus vùng phát, thánh lễ này được cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Theo dự trù ban đầu, lẽ ra Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ này, nhưng vì ngài đau đầu gối phải, nên thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội Đồng Giáo Tòa Thánh Tân Phúc Âm hóa cử hành. Đức Thánh Cha chỉ giảng trong thánh lễ.

Trong hai năm qua, vì đại dịch, ngài chỉ cử hành thánh lễ riêng tại nhà thờ Santo Spirito in Sassia, một thánh đường nhỏ cách Quảng trường thánh Phêrô khoảng 300 mét, được chọn làm Đền thánh Kính Lòng Chúa Thương xót tại Roma, từ năm 1994.

Lễ này do thánh Gioan Phaolô II thiết lập cách đây 21 năm, và ấn định vào Chúa nhật thứ II sau Phục sinh. Chúa Giêsu đã giao phó cho thánh nữ Faustina Kowalska sứ mạng phổ biến sự tôn kính lòng Chúa xót thương và những chỉ dẫn để thực hiện bức ảnh diễn tả lòng thương xót của Người. Trong nhật ký, thánh nữ ghi lại lời Chúa nói: “Cha muốn có một lễ kính Lòng Thương Xót. Cha muốn một ảnh mà con sẽ vẽ bằng bút, được long trọng làm phép vào Chúa nhật đầu tiên sau lễ Phục sinh. Chúa nhật này sẽ là lễ kính Lòng Thương Xót”.

Thánh nữ được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1993 và tôn phong hiển thánh vào năm 2000.

Chúa Giêsu cũng nói rằng: “Cha muốn Lễ kính Lòng Thương Xót là nơi nương náu cho tất cả các linh hồn và đặc biệt cho những kẻ có tội... Linh hồn nào xưng tội và rước lễ, thì lãnh nhận ơn tha thứ hoàn toàn các tội lỗi và hình phạt”.

3. Đức Giáo Hoàng cho biết cuộc họp vào tháng 6 với nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga đã bị hủy bỏ

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đã từ bỏ kế hoạch gặp gỡ vào tháng 6 với Thượng phụ Kirill của Chính thống giáo Nga, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thượng Phụ Kirill đã nồng nhiệt ủng hộ cuộc chiến của Mạc Tư Khoa ở Ukraine với nhiều sáng kiến đáng kinh ngạc.

Đức Phanxicô, người đã nhiều lần ngầm chỉ trích Nga và Putin về cuộc chiến, nói với tờ La Nacion của Á Căn Đình trong một cuộc phỏng vấn rằng ngài lấy làm tiếc vì kế hoạch phải bị “đình chỉ” vì các nhà ngoại giao Vatican khuyên rằng một cuộc gặp như vậy “có thể gây ra nhiều ngộ nhận tại thời điểm này”.

Tại Mạc Tư Khoa, hãng thông tấn RIA dẫn lời Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại của Thánh Công Đồng Chính thống Nga, cho biết cuộc họp đã bị hoãn lại vì “các sự kiện trong hai tháng qua” sẽ gây ra nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị.

Reuters đưa tin vào ngày 11 tháng 4 rằng Vatican đang xem xét kéo dài chuyến đi của Giáo hoàng đến Li Băng trong hai ngày 12, và 13 tháng 6 để thêm một ngày nữa cho Đức Giáo Hoàng có thể gặp Kirill vào ngày 14 tháng 6 tại Giêrusalem

Kirill, 75 tuổi, đã công khai chúc lành cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine kể từ khi nó bắt đầu vào ngày 24 tháng 2. Quan điểm của ông đã chia rẽ Giáo hội Chính thống giáo trên toàn thế giới và gây ra một cuộc nổi loạn nội bộ mà các nhà thần học và học giả cho là chưa từng có.

Đức Thánh Cha Phanxicô, 85 tuổi, đã sử dụng các thuật ngữ như gây hấn và xâm lược phi lý trong các bình luận công khai của ngài về cuộc chiến, và than thở về những hành động tàn bạo đối với dân thường.

Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn tại sao ngài chưa bao giờ nêu đích canh Nga hay Putin trong những lời chỉ trích của mình, Đức Phanxicô nói: “Một giáo hoàng không bao giờ nêu tên một nguyên thủ quốc gia, càng không nêu đích danh một quốc gia là điều còn cao hơn nguyên thủ của nó”.

Putin, một thành viên của Giáo Hội Chính thống Nga, đã mô tả các hành động của Mạc Tư Khoa là một “cuộc hành quân đặc biệt” ở Ukraine nhằm mục đích phi quân sự hóa và “phi Quốc Xã hóa” đất nước này. Mạc Tư Khoa đã phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường

Đức Phanxicô đã bác bỏ thuật ngữ của Nga một cách cụ thể, gọi đó là một cuộc chiến gây ra “những dòng sông máu”.

Một nguồn tin của Vatican quen thuộc với kế hoạch cho trạm dừng chân Giêrusalem cho biết hôm thứ Sáu rằng kế hoạch đã được triển khai đến giai đoạn chót, thậm chí địa điểm cho cuộc gặp với Kirill đã được chọn.

Cuộc gặp gỡ này, nếu xảy ra, là cuộc gặp gỡ thứ hai của Đức Thánh Cha và Thượng Phụ Kirill. Cuộc gặp gỡ đầu tiên đã diễn ra tại Cuba vào năm 2016, là lần đầu tiên giữa một giáo hoàng và một nhà lãnh đạo của Giáo Hội Chính thống giáo Nga kể từ khi xảy ra cuộc đại ly giáo chia Kitô Giáo thành các nhánh Đông phương và Tây phương vào năm 1054.

Đầu tháng này, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đang xem xét một chuyến đi đến Kyiv. Ngài nói với các phóng viên trên chuyến bay đến Malta vào ngày 2 tháng 4 rằng nó đã “ở trên bàn”. Ngài đã được mời bởi các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo Ukraine.

Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Á Căn Đình tại sao ngài vẫn chưa thực hiện chuyến đi, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi không thể làm bất cứ điều gì có thể gây nguy hiểm cho các mục tiêu cao hơn, đó là chấm dứt chiến tranh, đình chiến hoặc ít nhất là một hành lang nhân đạo. Đức Giáo Hoàng đến Kyiv sẽ có ích gì nếu chiến tranh tiếp tục vào ngày hôm sau?”


Source:Reuters

4. Trong Thông điệp Phục sinh, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nói “Chúng tôi đứng về phía Ukraine”

Trong thông điệp Phục sinh của ngài, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đề cập đến cuộc chiến và những đau khổ và tàn bạo do cuộc tấn công của Nga vào Ukraine gây ra.

“Chúng tôi sát cánh và đau khổ cùng với những người dân Ukraine ngoan đạo và can đảm đang chịu đựng thập giá nặng nề. Chúng tôi cầu nguyện và nỗ lực cho hòa bình và công lý cũng như cho tất cả những người đang bị tước đoạt. Không thể tưởng tượng nổi những người Kitô hữu chúng ta không thể nào im lặng trước sự chà đạp nhân phẩm quá sức khủng khiếp như thế này,” Đức Thượng phụ viết.

Ngay trước khi Nga xâm lược Ukraine, Đức Thượng phụ đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng có thể leo thang thành chiến tranh thế giới thứ ba. Ngài nhấn mạnh rằng vũ khí không phải là giải pháp và chỉ có thể mang lại “chiến tranh và bạo lực, đau buồn và chết chóc”.

Chúng ta thất vọng trước bạo lực nhiều mặt, bất công xã hội và vi phạm nhân quyền trong thời đại của chúng ta. “Thông điệp rạng rỡ về sự phục sinh” và tiếng kêu của chúng ta “Chúa Kitô đã Phục sinh!” ngày nay vang dội cùng với âm thanh khủng khiếp của vũ khí, tiếng kêu thảm thiết của những nạn nhân vô tội do quân xâm lược gây ra và hoàn cảnh của những người tị nạn, trong đó có rất nhiều trẻ em vô tội. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến tất cả những vấn đề này trong chuyến thăm gần đây của chúng tôi đến Ba Lan, nơi phần lớn người tị nạn Ukraine đã chạy trốn. Chúng tôi sát cánh và đau khổ bên cạnh những người dân Ukraine ngoan đạo và can đảm đang chịu đựng thập giá nặng nề. Chúng tôi cầu nguyện và nỗ lực cho hòa bình và công lý cũng như cho tất cả những người đang bị tước đoạt phẩm giá và quyền sống. Thật không thể tưởng tượng được nếu có những Kitô Hữu trong chúng ta lại có thể im lặng trước sự chà đạp phẩm giá con người”.


Source:greekreporter.com