1. Lịch trình các cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tuần Thánh

Tuần Thánh trong 2 năm qua đã diễn ra rất lặng lẽ vì đại dịch coronavirus. Năm nay, một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trở lại Đấu trường Rôma để chủ tọa Đàng Thánh Giá vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Vatican đã công bố lịch trình của Đức Giáo Hoàng cho Tuần Thánh và Lễ Phục sinh, xác nhận rằng ngài sẽ chủ sự các lễ kỷ niệm lớn ở quảng trường Thánh Phêrô lần đầu tiên kể từ năm 2019.

Hôm Chúa Nhật Lễ Lá vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô vào 10 giờ sáng. Lần cuối cùng mà nghi lễ này được tổ chức tại quảng trường Thánh Phêrô, đã có hơn 40,000 người tham dự.

Trong hai năm qua, các nghi lễ của Đức Giáo Hoàng trong Tuần Thánh được tổ chức rất ít do đại dịch COVID-19, với nhiều sự kiện được chuyển đến bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô với số lượng người tham dự cực kỳ hạn chế.

Đức Giáo Hoàng sẽ chủ sự Thánh lễ Dầu vào Thứ Năm Tuần Thánh lúc 9:30 sáng tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Lịch trình hiện tại của Vatican cho năm 2022 chưa cho biết Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc ly Thứ Năm Tuần Thánh tại đâu. Trong những năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn đến thăm một nhà tù địa phương, hay các trung tâm di dân và tị nạn để dâng thánh lễ.

Vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, ngài sẽ chủ sư nghi thức tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 5 giờ chiều, trước khi đến Đấu trường Côlôsêô để chủ sự buổi đI đàng thánh giá bắt đầu lúc 9 giờ tối.

Đức Thánh Cha sẽ dâng Thánh lễ Canh thức Phục sinh vào ngày 16 tháng 4 tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 7:30 tối và cũng sẽ cử hành Thánh lễ Chúa Nhật Phục sinh bên ngoài tại quảng trường Thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng, sau đó ngài sẽ ban phép lành Urbi et Orbi truyền thống.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ dâng thánh lễ vào ngày 24 tháng 4 cho Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Vatican cũng xác nhận rằng lễ phong thánh cho Chân phước Charles de Foucauld, Titus Brandsma, và tám vị khác sẽ diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô vào 10 giờ sáng ngày 15 tháng 5.

2. Tân Đại sứ Ukraine cạnh Tòa Thánh hy vọng Nga ngưng tấn công

Tân Đại sứ Ukraine cạnh Tòa Thánh, ông Andri Yurash hy vọng Nga sẽ ngưng các hoạt động quân sự thù địch, nhân dịp Đức Thánh Cha viếng thăm Ukraine.

Đại sứ Yurash tuyên bố như trên, sau khi được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến hôm mùng 07 tháng Tư vừa qua, nhân dịp ông đến trình ủy nhiệm thư. Ông cũng cho biết đã gặp các chức sắc cấp cao của Tòa Thánh: “Chúng tôi đã thảo luận về nhiều vấn đề thời sự, đặc biệt là việc Đức Thánh Cha có thể viếng thăm Ukraine. Tôi đã trình bày những lý lẽ bổ túc, giải thích tại sao một cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng cần phải được thực hiện sớm bao nhiêu có thể và trong hoàn cảnh hiện nay”.

Trước đó, trong cuộc viếng thăm tại Malta hồi cuối tuần qua, Đức Thánh Cha đã nói với các ký giả là người có dự định đến thủ đô Kiev của Ukraine để kêu gọi hòa bình. Đức Giáo Hoàng đã được Tổng thống Volodimir Zelensky, cũng như thị trưởng thành Kiev, và Đức Tổng Giám Mục trưởng Shevchuk, thủ lãnh Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, mời đến viếng thăm.

Đại sứ Yurash nói: “Nếu Nga hiểu rằng Đức Giáo Hoàng sẽ đến Ukraine, thì sẽ chấm dứt các cuộc dội bom, pháo kích, ít là tại miền trung và miền bắc của nước này”. Ông cho giới báo chí biết sau các cuộc tiếp xúc tại Vatican, ông có cảm tưởng có nhiều ước muốn có cuộc viếng thăm này của Đức Giáo Hoàng nhưng ông không nhận được lời cam kết nào từ phía Tòa Thánh về vấn đề này”.

3. Đức Hồng Y Parolin: Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Kiev có thể thực hiện

Nói với các nhà báo tại một cuộc gặp gỡ ở Rôma, hôm thứ Năm 07 tháng Tư, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh khẳng định rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Kiev “không bị cấm, có thể được thực hiện. Vấn đề là xem chuyến tông du này sẽ đem lại hiệu quả gì, có thể thực sự góp phần đưa chiến tranh kết thúc hay không”.

Trước hết, trả lời cho câu hỏi liên quan đến sự khẳng định gần đây của ông Jens Stoltenberg, Tổng Thư ký về một “Nato toàn cầu”, Đức Hồng Y nhắc lại “nguyên tắc phòng vệ chính đáng”, nhưng nhấn mạnh “chúng ta phải làm mọi cách để tránh leo thang bạo lực ở Ukraine. Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dạy chúng ta, phản ứng vũ trang theo cách tỷ lệ với sự xâm lược có thể dẫn đến việc mở rộng xung đột và gây ra những hậu quả tai hại và chết người”. Đức Hồng Y hy vọng “mọi người suy nghĩ lại và tìm ra con đường đàm phán để kết thúc cuộc mạo hiểm chưa có hồi kết này”.

Đối với những hình ảnh tàn bạo đến từ Bucha, và Đức Thánh Cha nói đó là “một cuộc tàn sát”, Đức Hồng Y nhận xét: “Điều này đang diễn ra chống lại thường dân và không thể giải thích. Tôi thực sự tin rằng, như nhiều người đã chỉ ra những sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến. Và tôi hy vọng điều này đánh dấu theo nghĩa tích cực, tức là nó làm cho mọi người suy nghĩ về việc cần phải chấm dứt giao tranh càng sớm càng tốt và không được dẫn đến những lập trường cứng rắn hơn, như một người số lo sợ”.

Cuối cùng, khi được hỏi về khả năng chuyến tông du của Đức Thánh Cha tới Kiev, Quốc vụ khanh Toà Thánh trả lời: “Cần phải có các điều kiện. Điều này dường như là có thể, bởi vì về phía Ukraine, chúng tôi luôn được bảo đảm chắc chắn rằng sẽ không có nguy hiểm. Chúng tôi đã tham khảo các chuyến đi của các nhà lãnh đạo khác vẫn đang được thực hiện, như chủ tịch Nghị viện Âu Châu đã đến và chủ tịch của Ủy ban sẽ đi”.

“Tôi tin rằng cuối cùng một chuyến đi đến Kiev không phải là điều cấm, nó có thể được thực hiện”, Đức Hồng Y Parolin khẳng định, tuy nhiên theo ngài, cần phải xem xét đến kết quả đạt được. Một trong những điều cần quan tâm đó là tương quan với Giáo hội Chính thống Nga, là một điều “tế nhị”. Ngài nói rõ: “Chắc chắn Đức Thánh Cha sẽ không đi đến một vị trí tạo thuận lợi cho bên này hay bên kia, như ngài đã luôn làm trong tình huống này. Tuy nhiên, khía cạnh này cũng phải được tính đến trong việc xem xét toàn cầu về khả năng thực hiện chuyến đi hay không”.

Theo Sứ thần Tòa thánh tại Ukraine, mặc dù việc Đức Thánh Cha Phanxicô đến Kiev là khả thi về mặt hậu cần, như thị trưởng thành phố đã mời ngài, nhưng mối nguy hiểm liên quan đến việc tổ chức bất kỳ cuộc tụ họp nào với ngài khi ngài đến đó khiến chuyến thăm như vậy khó xảy ra. Sứ thần Tòa thánh Vatican tại Ukraine, là Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas đã đưa ra lập trường trên.

“Ba vị thủ tướng đã đến Kiev - thủ tướng của Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovenia. Vì vậy, về mặt hậu cần, có, có thể đến Kiev,” Đức Cha Kulbokas, đại diện của Đức Giáo Hoàng tại Ukraine, nói với Raymond Arroyo, người dẫn chương trình “The World Over” của EWTN vào ngày 17 tháng 3.

“Tôi biết rằng Đức Thánh Cha Phanxicô muốn làm tất cả những gì có thể để đóng góp cho hòa bình, vì vậy tôi biết chắc rằng ngài đang đánh giá, ngài đang suy nghĩ về tất cả các khả năng,” Đức Tổng Giám Mục nói.

Tuy nhiên, Đức Cha Kulbokas giải thích rằng hy vọng một chuyến thăm của Giáo hoàng có thể bao gồm nhiều hơn là một cuộc thảo luận. Nếu chỉ đơn giản là một cụ thể là thì có thể xảy ra dễ dàng thông qua các phương tiện thông thường hoặc trực tuyến. Người Công Giáo và các nhà lãnh đạo Giáo Hội cũng muốn cầu nguyện với ngài, cũng như các thành viên của Giáo Hội Chính thống giáo và các tín ngưỡng khác.

Mặc dù chắc chắn đó là điều đáng để hy vọng, nhưng anh ấy nói, tình hình “quá nguy hiểm ở Kiev”.

Đức Tổng Giám Mục Kulbokas, 47 tuổi, đến từ Lithuania, hiện đang làm việc tại Tòa sứ thần ở một khu dân cư của thủ đô Ukraine.

Ngài nói với Arroyo rằng vì sự nguy hiểm của hỏa tiễn, các tầng trên của tòa nhà không thể được sử dụng. Các nhà chức trách đã yêu cầu người dân giảm việc di chuyển của họ xuống trong vòng những nơi thiết yếu mà thôi.

Ngài cho biết giấc ngủ, cầu nguyện và cử hành Thánh lễ đều được tổ chức trong cùng một phòng không có cửa sổ, đồng thời cho biết thêm rằng tình hình rất “bi thảm”. Chính phủ đã ra lệnh cho một số cửa hàng địa phương mở cửa để thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác có thể được cung cấp cho người dân. Đức Tổng Giám Mục nói rằng ngài có những trợ lý thực hiện chuyến đi đến các cửa hàng để mua thực phẩm và các vật dụng khác.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Cha Kulbokas đã nói về tình đoàn kết mà ngài cảm thấy với Đức Giáo Hoàng và Giáo hội rộng lớn hơn trong thử thách này.

Ngài đã chia sẻ một cuộc trò chuyện mà ngài đã có với Đức Hồng Y Ba Lan Konrad Krajewski về những khó khăn mà chính quyền đang phải đối phó khi di tản trẻ em khỏi một trại trẻ mồ côi trong thành phố. Một công việc như vậy là cực kỳ phức tạp và rủi ro vì các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và pháo binh của Nga đang diễn ra và những thiệt hại mà những cuộc tấn công này đã gây ra cho cơ sở hạ tầng của thành phố.

Xúc động trước tình thế khó khăn, Đức Hồng Y Krajewski cam kết sẽ tự hành động nếu cần thiết.

“Visvalda, nếu anh thấy tình hình vẫn còn khó khăn như bây giờ trong vài giờ nữa, thì tôi sẽ đến. Tôi sẽ đi một chiếc xe hơi và tôi sẽ cố gắng. Tôi sẽ cố gắng đưa các em ra ngoài,” vị Hồng Y Ba Lan nói với Đức Tổng Giám Mục. “Ngay cả khi bị ném bom. Ngay cả khi bị pháo kích. Nếu tôi chết, thì tôi chết vậy. Nhưng ít nhất tôi sẽ cố gắng”.

Cuộc trao đổi đã gây ấn tượng rất lớn đối với Sứ thần Tòa Thánh.

Mặc dù ngài đang nói chuyện với một đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô, không phải chính Đức Thánh Cha, “Tôi cảm thấy sự hiện diện của ngài,” Đức Tổng Giám Mục Kulbokas nói.

“Ngài ở cách Kiev khoảng 500 hoặc 600 km, nhưng tôi cảm thấy sự hiện diện của ngài mạnh mẽ đến mức nó cũng mang lại cho tôi sự can đảm.”