Tính triệt để trong lời kêu mời của Đức Ki-tô

Tính này hiện rõ ngay trong câu : “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14, 26) Rồi một câu tiếp theo cũng không kém phần gắt gao : “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi,thì không thể làm môn đệ tôi đươc.” (Lc 14, 27)

Những lời nói trên bao hàm hai đòi hỏi căn bản của Đức Ki-tô đối với những ai muốn di theo làm môn đệ Người, đó là dứt bỏ những gì mình có : tình nghĩa gia đình, thậm chí cả đến mạng sống của mình nữa. Những đòi hỏi này thật quá đòi hỏi, dường như không kham nổi đôí với phần đông loài người.

Thật vậy, tự nhiên ai cũng muốn có tiền, có quyền và nhiều thứ khác, nay phải dứt bỏ tất cả để đi theo một bậc thầy như Đức Ki-tô thì quả thật là gay go và quá khó.

Vậy. tại sao Đức Giê-su lại đòi hỏi những điều xem ra ngược đời và trái với tự nhỉên như thế? Thưa vì tính mới mẻ trong giáo huấn của Người, cũng như sức cuốn hút lạ lùng của Người và nhất là sứ mệnh Người nhận được từ nơi Chúa Cha xuống trần gian để cứu chuộc loài người. Những ai đi theo Người vẫn biết là khó và đòi hỏi, nhung vẫn bằng lòng chấp nhận và tin theo vì sự mới mẻ và hấp dẫn đó.

Có những thời kỳ suy đồi trong xã hội cũng như trong Giáo Hội, nhưng tính triệt để trong lời kêu mời của Đức Ki-tô không hề suy giảm hay biến chất. Chúa vẫn đòi hỏi, nhiều người không đếm xỉa gì tới, nhưng qua các thời đại vẫn có những người đáp ứng một cách anh hùng.

Ngày chịu Phép Rửa là ngày các tín hữu tuyên xưng từ bỏ ma quỉ và các sự dối trá nó bày đặt và tin tưởng tuyệt đối vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi. Lời tuyên xưng đó đòi buộc ai nấy phải trung thành.

Muốn làm môn đệ của Người. tín hữu phải dứt bỏ những gì ngăn trở mình đi theo Người và cụ thể là dành ưu vị cho Người trong đời sống, nghĩa là không đặt vật gì hay ai khác ngang hàng với Người, dù là danh vọng, tiền bạc, địa vị, ngay cả mạng sống của mình nữa. Đó chính là điều bảo đảm cho ai nấy muốn được sống trong vương quốc của Người.

Ngoài ra, Nguời cũng còn dạy rằng được lời lãi cả gian mà mất mạng sống nào được ích gì : “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì?” (Mt 16, 26). Câu này đã biền dổi cuộc đời của thánh Y-Nhã thành Loi-ô-la, từ địa vị là một sĩ quan đã dứt bỏ tất cả để đi theo Chúa Ki-tô rồi thành lập Dòng Tên lấy câu “Làm cho danh Thiên Chúa được “cả sáng” hơn (Ad Dei majorem gloriam) làm tôn chỉ phục vụ Chúa và Hội thánh.

Ngoài thánh Y-nhã ra, còn biết bao vị thánh khác cũng vì Nước Trời mà dứt bỏ tất cả theo lời mời gọi của Chúa Giê-su. Lời kêu mời này không phải chỉ dành cho các vị thánh mà là cho tất cả mọi Ki-tô hữu : “Trong những hình thức và trách vụ đa dạng của cuộc sống, sự thánh thiện duy nhất được được vun trồng bởi tất cả những ai biết hành động nhờ Thần Khí Thiên Chúa, và khi biết vâng phục tiếng nói của Chúa Cha và thờ phượng Người trong tinh thần và chân lý, họ bước theo Đức Ki-tô nghèo khó, khiêm nhường và vác thập giá, để xứng đáng dự phần vào vinh quang của Người”. (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân VI, 40)

Vậy, thiết tưởng chúng ta không nên nghĩ rầng lời kêu mời của Chúa Ki-tô chỉ dành cho những con người siêu đẳng, có khả năng thắng vượt các trở ngại và sức sống kiên trì vượt bậc, nhưng là cho mọi tín hữu. Thánh nữ Tê-rê-xa Giê-su Hài Đồng đã không nghĩ như vậy, khi bà thấy mình không thể ăn chay hãm mình phạt xác như các vị thành khác. Bà xưng mình là bé nhỏ và chỉ có thể làm được những vịệc nhỏ bé. Thế mà bà đã trở nên một vị thánh ngang hàng với các thánh lớn trong Giáo Hội. Điều cần là chúng ta nhận biết mình là bé nhỏ trước mặt Chúa và khiêm nhường trông cậy Người ban ơn trợ giúp, vì Người vốn ưu ái những người tội lỗi và đơn sơ bé nhỏ.

Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế O.P.