Cha François-Marie Léthel, Dòng Cát Minh không đi giầy (ocd), vốn là thư ký của Giáo hoàng Hàn lâm viện Thần học và là giáo sư tại Khoa Thần học Giáo hoàng “Teresianum”, người đã giảng tĩnh tâm Mùa Chay tại Vatican năm 2011, về chủ đề: “Ánh sáng của Chúa Kitô trong lòng Giáo hội - Gioan Phaolô II và thần học của các thánh”. Kể từ năm 2004, ngài cũng là cố vấn cho Bộ Phong Thánh. Ngài hay đọc và suy niệm các trước tác của Đấng Đáng Kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Trên trang mạng của Zenit, ấn bản tiếng Pháp, ngài hay viết về vị Đáng Kính người Việt Nam này. Chúng tôi xin chuyển một bài viết của ngài trên Zenit sang tiếng Việt (https://fr.zenit.org/2020/03/29/je-porter-vous-avec-moi-jour-et-nuit-la-spiritualite-eucharistique-et-mariale-du-card-van-thuan).



Đấng Đáng kính François-Xavier Nguyễn Văn Thuận (1928-2002) cung cấp cho toàn thể Giáo hội một linh đạo Thánh Thể và Thánh Mẫu tuyệt vời, hoa trái của kinh nghiệm huyền nhiệm sâu xa của ngài khi sống trong tù. Bị bắt ngày 15 tháng 8 năm 1975, ngài phải ở tù hơn 13 năm, trong đó có 9 năm biệt giam, cho đến khi được trả tự do vào ngày 21 tháng 11 năm 1988. Đối với ngài, hai lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và Dâng Con vào Đền Thờ có ý nghĩa rất lớn trong việc làm sáng tỏ giai đoạn bi đát này của cuộc đời ngài. Thật vậy, với Đức Maria, Văn Thuận sống một kinh nghiệm huyền nhiệm sâu xa, lấy Bí tích Thánh Thể làm trung tâm, trong mọi chiều kích của hy lễ, hiện diện thực sự, hiệp thông và thờ lạy.

Một lời cầu nguyện viết trong tù

Sau một năm đầu vô cùng khốn khổ trong tù, ngày 7 tháng 10 năm 1976, Đức Cha Thuận đã viết lời cầu nguyện tuyệt đẹp sau đây tóm tắt tất cả linh đạo Thánh Thể của ngài:

Lạy Chúa Giêsu yêu dấu, tối nay, tận cuối phòng giam của con, không ánh sáng, không cửa sổ, rất nóng, với một niềm tiếc nuối mãnh liệt con nghĩ tới cuộc đời mục tử của con.
Giám mục trong 8 năm tại cư sở đó, cách phòng giam của con hai cây số, trên cùng một con đường, cùng một bãi biển… Con nghe thấy tiếng sóng biển Thái Bình Dương và tiếng chuông của nhà thờ chính tòa!

Lúc đó, con cử hành với đĩa và chén thánh mạ vàng,
bây giờ với máu của Chúa trong lòng bàn tay con.

Lúc đó, con đến viếng Chúa ở nhà tạm,
bây giờ con mang Chúa theo con, ngày và đêm, trong túi của con.

Lúc đó, con cử hành Thánh lễ trước hàng ngàn tín hữu;
bây giờ trong bóng tối của đêm khuya, phân phối hiệp lễ dưới những chiếc màn chống muỗi.

Lúc đó, con giảng Linh Thao cho các linh mục, tu sĩ, giáo dân...
bây giờ chính một linh mục, cũng là một tù nhân, giảng Linh thao của Thánh Inhaxiô cho con qua những vết nứt trên vách ngăn.

Lúc đó, con ban phép lành trọng thể với Mình Thánh Chúa trong nhà thờ chính tòa,
bây giờ con chầu Thánh Thể mỗi tối lúc 9 giờ tối, trong im lặng, hát với giọng trầm thấp bài Tantum Ergo Salve Regina, kết thúc bằng lời cầu nguyện ngắn gọn này:

Bây giờ, lạy Chúa, con vui mừng nhận mọi sự từ tay Chúa: mọi buồn phiền, đau khổ, thống khổ, cho đến cái chết của chính con. Amen [1]».


Nhiều linh mục thánh thiện đã cử hành thánh lễ trong những điều kiện tương tự, trong các trại tập trung của Đức Quốc xã hoặc cộng sản. Đức cha Thuận coi Bí tích Thánh Thể là bí tích của kénose, tức là việc tự làm mình ra không của Chúa Kitô trong hoàn cảnh nghèo khổ và bé nhỏ cùng cực nhất, từ Bêlem đến Thập giá. Khía cạnh độc đáo nhất và là đỉnh cao của linh đạo Thánh Thể của ngài là việc luôn mang theo bên mình Mình Thánh Chúa. Chính trong lời cầu nguyện này, chúng ta tìm thấy biểu thức đặc trưng nhất của linh đạo ngài: Ngày đêm con mang theo Chúa!

Luôn mang theo Chúa Giêsu Thánh Thể bên mình

Văn Thuận sống điều này như một linh mục và giám mục, nhưng trong cùng một thời kỳ cộng sản đàn áp, các giáo dân dấn thân nhất cũng đã sống cùng một kinh nghiệm. Thật vậy, các Giám mục Việt Nam đã cho phép các tín hữu nam nữ này được phép mang Thánh Thể bên mình, để rước lễ ở những nơi mà các linh mục không thể đến được. Vào thời Cách mạng Pháp cũng vậy.

Sự kiện mang Mình Thánh đã được truyền phép này cũng đã đánh động Đức Tổng Giám Mục Huế, người đã viết trong báo cáo của mình với Rôma năm 1978: “Ngài có thói quen giữ một Mình Thánh nhỏ sau Thánh lễ”. Sau đó, ngài đã trải qua những giây phút đau khổ tột cùng với Chúa Giêsu tại vười Diệtsimani. Theo lời khai của em gái ngài, “khi nhìn thấy sự đau khổ của các tù nhân khác và nỗi đau khổ của chính mình, anh nhận ra rằng chỉ có sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể mới có thể mang lại ý nghĩa và sức mạnh cho hoàn cảnh sống của họ».

Văn Thuận không sợ chia sẻ linh đạo Thánh Thể này với người khác, như lời chứng của một linh mục viện trưởng Đại Chủng viện Giáo phận, người từng là tù nhân với ngài và đã giảng Linh thao của Thánh Inhaxiô cho ngài trong tù (linh mục Nguyễn Quang Thạnh?):

“Như một dấu hiệu của hy vọng, ngài đã tặng tôi một món quà khác mà tôi thấy rất quý giá. Với lon thiếc, ngài đã làm một chiếc nhẫn và đưa cho tôi, hỏi tôi đó là cái gì. Tôi trả lời rằng đó là một món đồ chơi, nhưng ngài bảo tôi rằng đó là một chiếc nhẫn, trong đó ngài giấu một mảnh nhỏ của Mình Thánh đã truyền phép, để tôi luôn mang theo Chúa Giêsu Thánh Thể bên mình. Tôi thấy điều đó thật phi thường và thậm chí bây giờ tôi còn cảm động trước những gì ngài đã làm cho tôi".

“Món quà vô cùng quý giá” đó mà Đức cha dành tặng cho người anh em linh mục của mình là một “nhà tạm tí hon” để đeo liên tục bên mình. Do đó, ngài đã chia sẻ khía cạnh mạnh mẽ nhất và táo bạo nhất của linh đạo Thánh Thể của ngài.

Sau này, sau khi được thả, Văn Thuận thường làm chứng về kinh nghiệm Thánh Thể đã mang ra sống trong tù này. Ngài đưa ra một trong những bản tóm tắt hay nhất trong cuốn sách Năm Chiếc bánh và hai con cá (xuất bản bằng tiếng Ý năm 1997). Chương IV có tựa đề: Bánh thứ tư: Sức mạnh duy nhất của tôi, Bí tích Thánh Thể.

“Sức mạnh duy nhất của tôi: Bí tích Thánh Thể”

Giám mục Thuận thường kể lại rằng, từ khi bắt đầu bị giam giữ, ngài đã lấy được một ít rượu trong một chai “thuốc chữa đau dạ dày”, có giấu những chiếc bánh nhỏ. Do đó, ngài có thể cử hành Thánh lễ mỗi ngày với ba giọt rượu trong lòng bàn tay và một mảnh bánh thánh trong tay kia. Ngài đã cử hành hoàn toàn một mình trong suốt thời gian bị cô lập. Vào những lần khác, ngài cử hành cho các anh em tù nhân, ngay trong những điều kiện tồi tệ nhất của sự khốn cùng và bẩn thỉu, chẳng hạn như trên chiếc thuyền chở ngài từ nam ra bắc cùng với hàng ngàn tù nhân khác, và sau đó vào trại cải tạo. Thánh lễ đã được cử hành như thế trong cảnh nghèo đói cùng cực nhất, trong tình huống kénose ấy, và cũng như vậy đối với việc lưu giữ Mình Thánh Chúa, trong các bình đựng và nhà tạm khiêm tốn nhất, do ngài trao cho các tù nhân Công Giáo, trong khi ngài luôn mang trên mình bánh thánh đã truyền phép:

Chúng tôi làm những túi nhỏ bằng giấy của bao thuốc lá, để giữ Mình Thánh Chúa. Chúa Giêsu Thánh Thể luôn ở với tôi trong túi áo của tôi. (…)

Mỗi tuần có một buổi nhồi sọ lý thuyết mà cả trại phải tham gia. Trong giờ nghỉ giải lao, với các đồng bạn Công Giáo của tôi, chúng tôi có cơ hội chuyển một gói nhỏ cho từng người trong bốn nhóm tù nhân khác: Mọi người đều biết rằng Chúa Giêsu đang ở giữa họ, và chính Người là Đấng chăm sóc mọi đau khổ thể chất và tinh thần.

Ban đêm, các tù nhân thay phiên nhau thờ lạy; Chúa Giêsu Thánh Thể giúp đỡ một cách tuyệt vời bằng sự hiện diện âm thầm của Người. Nhiều Kitô hữu trở lại với đức tin nhiệt thành trong những ngày này; ngay cả những người theo đạo Phật và những người ngoại đạo khác cũng trở lại. Sức mạnh của tình yêu của Chúa Giêsu không tài nào cưỡng lại được. Bóng tối của nhà tù trở thành ánh sáng, hạt giống đã nảy mầm dưới lòng đất trong cơn bão tố.

Tôi dâng Thánh lễ với Chúa: khi cho rước lễ, tôi dâng chính mình tôi cho Chúa để làm lương thực cho mọi người. Điều này có nghĩa là tôi luôn hoàn toàn phục vụ người khác. Mỗi lần dâng Thánh lễ, tôi có khả năng giang tay ra đóng đinh tôi vào Thập giá với Chúa Giêsu, uống chén đắng với Người. Mỗi ngày, bằng cách đọc thuộc lòng hoặc lắng nghe những lời truyền phép, tôi hết lòng và hết linh hồn xác nhận một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu giữa tôi và Chúa Giêsu, nhờ Máu Người trộn với máu tôi (1Cr 11, 23 - 25).

Chúa Giêsu trên thập giá đã bắt đầu một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng của bạn phải bắt đầu từ bàn tiệc Thánh Thể và phát triển từ đó. Như vậy, bạn sẽ có thể đổi mới nhân loại.


Trong bản văn rất hay trên gửi đến các linh mục, chúng ta thấy tất cả các chiều kích của Mầu nhiệm Thánh Thể như là Hy tế của Giao ước mới, được cử hành bởi linh mục in Persona Christi (trong con người của Chúa Kitô), đồng nhất với Người một cách mầu nhiệm, với một sự nhấn mạnh mạnh mẽ về Sự hiện diện thực sự và vĩnh viễn của Chúa Giêsu trong bánh thánh được truyền phép. Tại đây, Thuận nói về Thánh Lễ được cử hành cho các tù nhân khác mà ngài cho rước lễ và ngài để lại cho họ thờ kính Sự Hiện Diện của Mình Thánh Chúa.

Sau đó, ngài kể lại việc ngài đã sống Bí tích Thánh Thể hàng ngày khi hoàn toàn ở một mình, một lần nữa nhắc lại sự kiện luôn mang theo Mình Thánh Chúa:

Tôi đã bị biệt giam 9 năm. Trong thời gian này, tôi cử hành thánh lễ mỗi ngày vào khoảng 3 giờ chiều: giờ Chúa Giêsu chết trên thập giá. Tôi ở một mình, tôi có thể hát thánh lễ như tôi muốn, bằng tiếng Latinh, tiếng Pháp, bằng tiếng Việt. Tôi luôn mang theo bên mình chiếc túi nhỏ đựng Mình Thánh Chúa: 'Chúa ở trong con và con ở trong Chúa'. Đây là những thánh lễ đẹp nhất trong đời tôi!

Vào buổi tối, từ 9 đến 10 giờ tối, tôi làm một giờ chầu, tôi hát Lauda Sion, Pange lingua, Adoro Te, Te Deum và các bài thánh ca bằng tiếng Việt, bất chấp tiếng ồn của loa phát thanh kéo dài từ 5 giờ đồng hồ ban sáng đến 11giờ 30 chiều. Tôi cảm thấy vô cùng bình an trong tinh thần và tâm hồn, niềm vui và sự thanh thản trong sự đồng hành của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Tôi hát Salve Regina, Salve Mater, Alma Redemptoris Mater, Regina Caeli… trong sự hợp nhất với Giáo hội hoàn vũ. Bất chấp những lời buộc tội, những vu khống chống lại Giáo Hội, tôi hát Tu es Petrus, Oremus for Pontifice nostro, Christus vincit…

Khi Chúa Giêsu làm no nê đám đông theo Người trong sa mạc, thì trong Bí tích Thánh Thể, chính Người tiếp tục là thức ăn của sự sống vĩnh cửu. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta loan báo sự chết của Chúa Giêsu và chúng ta tuyên xưng sự phục sinh của Người.

Có những lúc buồn vô hạn, thì lúc ấy tôi có thể làm gì? Nhìn ngắm Chúa Giêsu bị đóng đinh và bị bỏ rơi trên thập giá. Trong mắt con người, cuộc đời của Chúa Giêsu là một sự thất bại, vô ích, lãng phí! Nhưng dưới con mắt của Thiên Chúa, chính trên thập giá, Chúa Giêsu đã hoàn thành hành động quan trọng nhất của đời Người, vì Người đã đổ máu mình để cứu thế giới. Chúa Giêsu hoàn toàn kết hợp với Thiên Chúa khi, trên thập giá, ngài không còn có thể rao giảng, chăm sóc người bệnh, thăm viếng mọi người, làm phép lạ, nhưng ngài vẫn bất động tuyệt đối!”


Tất cả những điều trên mang ý nghĩa thần học sâu sắc và rất quan trọng để nhắc lại giá trị của Thánh lễ do Linh mục cử hành trong cô tịch, khi không thể có sự hiện diện của người khác. Trong cùng thời kỳ, Đức Phaolô VI nhấn mạnh vào chân lý này, rất thường bị thách thức trong những năm khủng hoảng đức tin sâu xa vào Bí tích Thánh Thể, từ đó có cuộc khủng hoảng chức linh mục khiến hàng ngàn linh mục bỏ đi. Trong hoàn cảnh bị cô lập, linh mục bị giam giữ hoàn thành công việc lớn nhất và hiệu quả nhất khi cử hành Thánh lễ. Ngài được kết hợp với Chúa Giêsu bị đóng đinh và là Đấng Cứu Chuộc, và ngài hiệp thông với toàn thể Giáo hội trên Thiên đàng và dưới Trái đất.

Chúa Giêsu Thánh Thể chiếu tỏa Tình yêu của Người đối với mọi người, bạn bè và thù địch

Theo kinh nghiệm của Đức Cha Thuận, chính Chúa Giêsu Thánh Thể luôn chiếu tỏa tình yêu của Người cho mọi người, bạn bè và kẻ thù, tù nhân Công Giáo và cảnh sát cộng sản. Chúng ta nhận thấy biểu thức đáng kinh ngạc này: Chất độc tình yêu của Chúa Giêsu! Người ta nên nhớ chữ pharmakon trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là phương thuốc và chất độc!

Bí tích Thánh Thể là bí tích tình yêu tuyệt hảo của Chúa Giêsu, là bí tích liên kết chúng ta với Người và với mọi người anh em, là bí tích hiệp nhất trong Chúa Giêsu Kitô. Chứng từ của Văn Thuận ở đây rất mạnh mẽ. Việc liên tục tiếp xúc với Chúa Giêsu Thánh Thể, mà ngài luôn mang theo bên mình, làm cho ngài có một tình yêu phi thường đối với kẻ thù, đến nỗi nhiều người trở thành bạn của ngài! Về phần ngài, đó là một sự lựa chọn tự do và triệt để: “Tôi đã quyết định yêu thương họ”.

Thuận muốn trở thành một "khí cụ của tình yêu Chúa Giêsu", bằng cách sống trong chiều sâu nhất của linh đạo hiệp nhất này mà Tôi tớ Chúa Chiara Lubich đã chia sẻ bằng công trình Maria (Phong trào Focolare). Ngài vốn biết và thẩm thấu linh đạo này khi học ở Rôma và ngài đã đem nó trồng vào giáo phận của ngài, đặc biệt phát triển chiều kích Thánh Thể và Thánh Mẫu. Giữa ngài và Chiara có một mối giao cảm tinh thần lớn lao. Chiara sẽ đến thăm ngài trong bệnh viện một vài phút trước khi ngài qua đời.

Trong cơn bệnh cuối cùng

Trong cơn bạo bệnh cuối cùng và rất đau đớn, Bí tích Thánh Thể hàng ngày vẫn là trung tâm của cuộc đời ngài, theo lời chứng tuyệt vời này: "Anh ấy nói với tôi rằng vào ban đêm, không thể ngủ được, anh ấy không thấy gì tốt hơn là đi cầu nguyện trong nhà nguyện riêng của mình, và anh bắt đầu cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho các linh mục gặp khó khăn”. Đó là Thánh lễ được cử hành trong thanh vắng, như trong thời kỳ biệt giam trong tù.

Khi nằm trong bệnh viện, ngài cử hành thánh lễ mỗi ngày, như lời chứng của một bác sĩ đã điều trị cho ngài ở Milan:

“Ngay khi có điều kiện, Người Tôi Tớ Chúa lập tức bắt đầu thi hành các chức năng của chức tư tế của mình, và trên hết, ngài lập tức cử hành Thánh Lễ trong phòng của mình. Đôi khi tôi cũng có mặt và tham gia. Tôi nhận thấy rằng thái độ cầu nguyện của ngài rất mãnh liệt, và đặc biệt trong việc cử hành Thánh Thể, ngài hoàn toàn bị cuốn hút và chú tâm vào những gì ngài đang làm vào lúc đó, không dịp nào để phân tâm hay bất cứ điều gì khác, mặc dù về mặt khách quan, ngài đang sống trong tình trạng sức khỏe rất bấp bênh”.

Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời ngài ở Rome, chúng ta có lời chứng sau đây từ một nữ tu điều dưỡng:

“Tôi nhớ rằng mỗi ngày, một số linh mục bằng hữu, hầu hết là người Việt Nam, đến thăm ngài và đồng tế Thánh lễ với ngài, Đức Hồng Y, trong phòng bệnh của ngài. Đó là những nghi lễ được hát rất hay, được tham dự đầy đủ, và cách diễn tả trang nghiêm. Tôi có thể thấy Đức Hồng Y rất vui vì điều đó, bởi vì đối với ngài, được cử hành Thánh Lễ là giây phút thoải mái hàng ngày”.

"Verum Corpus natum de Maria Virgine"

Cùng với Chúa Giêsu, Mẹ Maria luôn hiện diện rất nhiều trong suốt cuộc đời của Văn Thuận, từ lúc thơ ấu cho đến lúc chết. Ngài đã làm chứng tuyệt vời cho điều này vào năm 1999 tại Cologne, nói chuyện trước một hội đồng các linh mục, giải thích Đức Maria nằm ở trung tâm Bí tích Thánh Thể và linh đạo linh mục của ngài ra sao, luôn nhắc lại kinh nghiệm của ngài ở trong tù:

Là con của Mẹ Maria, đặc biệt trong Thánh Lễ, khi tôi đọc những lời truyền phép, tôi đồng nhất mình với Chúa Giêsu, trong con người của Chúa Kitô. Khi tôi tự hỏi mình Đức Maria có ý nghĩa gì trong việc tôi triệt để lựa chọn Chúa Giêsu, câu trả lời rất rõ ràng: trên thập giá, Chúa Giêsu đã nói với Gioan: “Đây là mẹ con”! (Ga 19, 27). Sau việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, Chúa không thể để lại cho chúng ta điều gì cao cả hơn là Mẹ của Người. Đối với tôi, Mẹ Maria là Tin Mừng sống động, ở dạng bỏ túi, với sự phân bố rộng rãi nhất, gần gũi với tôi hơn là cuộc đời của tất cả các vị thánh khác. Đức Maria là Má của tôi: người mà Chúa Giêsu đã ban cho tôi. Phản ứng đầu tiên của đứa con khi bị đau hoặc sợ hãi là kêu “Má ơi!". Chữ này, đối với một đứa con, là tất cả. Mẹ Maria đã sống hoàn toàn và một cách độc chiếm cho Chúa Giêsu.

Trong khoảng thời gian bị biệt giam khắc nghiệt nhất, ngài đã viết lời cầu nguyện dâng mình này, dâng mình hoàn toàn cho Chúa Giêsu qua Mẹ Maria:

Lạy Mẹ, con dâng mình con cho Mẹ, tất cả cho Mẹ, bây giờ và mãi mãi. Bằng cách sống trong tinh thần của Mẹ và trong tinh thần của Thánh Giuse, con sẽ sống trong Thần Khí của Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu, Thánh Giuse, các thiên thần, các thánh và tất cả các linh hồn. Con yêu Mẹ, ôi Mẹ của chúng con, và con sẽ chia sẻ sự mệt mỏi, lo lắng và cuộc chiến của Mẹ cho vương quốc của Chúa Giêsu. Amen

Đó cũng là sự dâng mình của Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort mà Đức Gioan Phaolô II đã sống và được tóm tắt trong khẩu hiệu “Totus Tuus” (tất cả là của Mẹ) của ngài. Do đó, chuyên luận về Lòng Sùng kính Đích thực đối với Đức Trinh Nữ Maria của Thánh Louis-Marie, vốn có ảnh hưởng tương tự trong cuộc đời của Karol Wojtyla và Văn Thuận, đã kết thúc bằng một kết thúc Thánh Thể: Sống trọn vẹn việc Rước Lễ thánh thiện với Mẹ Maria và trong Mẹ Maria (VD 266-273).

Một cách tuyệt vời, Đức Hồng Y Văn Thuận mời gọi chúng ta khám phá lại vị trí trung tâm của Bí tích Thánh Thể trong đời sống Giáo hội đang Lữ Hành, Sự hiện diện của Chúa Giêsu Chết và Phục sinh, Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, cho đến tận cùng thế giới.

Ghi Chú

[1] Nhiều bản văn của Văn Thuận đã được xuất bản, những bản văn bản khác được tìm thấy, với những lời chứng, trong Tiểu sử [Positio] tuyệt vời soạn cho việc phong chân phước cho ngài.