Một cuộc biểu tình của các nhà hoạt động da đen chống lại việc giết một người tị nạn Congo ở Brazil đã kết thúc với việc một nhà thờ bị một số người biểu tình chiếm đóng vào cuối Thánh lễ.

Hôm 5 tháng 2, các tổ chức Da đen đã tổ chức các cuộc biểu tình tại một số thành phố của Brazil để phản đối việc giết anh Moïse Kabagambe, một người tị nạn Congo bị đánh chết tại một ki-ốt ở bãi biển Rio de Janeiro vào ngày 24 tháng Giêng sau khi yêu cầu người quản lý của anh ta trả tiền lương cho anh vì mấy tháng nay cứ khất lần hẹn nữa.

Nhiều người ở quốc gia Nam Mỹ coi vụ giết hại Kabagambe là hậu quả của nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống.

Vài ngày sau đó, cụ thể vào hôm 2 tháng 2, một vụ giết người khác đã khiến nhiều người Brazil phẫn nộ hơn. Durval Teófilo Filho, một công nhân da đen, bị một người hàng xóm bắn chết khi anh ta đến gần lối vào khu chung cư của họ. Aurélio Alves Bezerra, một trung sĩ Hải quân, bị cáo buộc đã bắn vào Teófilo vì cho rằng anh ta là một tên trộm. Khi nhận ra người đàn ông này không có vũ khí và là hàng xóm của mình, anh ta đã đưa nạn nhân đến bệnh viện, nhưng người da đen xấu số đã chết sau đó.

Vợ của nạn nhân, cũng như nhiều nhà hoạt động, nói rằng anh ta bị giết vì anh ta là người Da đen.

Trong các cuộc biểu tình ngày 5 tháng 2, những người biểu tình đã tôn vinh Kabagambe và Teófilo và yêu cầu chấm dứt phân biệt chủng tộc ở Brazil, đặc biệt là bạo lực đối với người Da đen.

Tại Curitiba, Bang Paraná, một nhóm các nhà hoạt động Da đen đã tụ tập trước Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi của những người Da đen ở thị trấn Thánh Bênêđíctô. Nhà thờ được xây dựng vào những năm 1940 tại cùng khu vực của một nhà thờ trước đó, là một công trình từ thế kỷ 18 do những người nô lệ xây dựng.

Được lãnh đạo bởi thành viên hội đồng thành phố và nhà hoạt động Da đen Renato Freitas, và những người tham gia cuộc biểu tình đã mang biểu ngữ chống phân biệt chủng tộc và kêu gọi công lý trong trường hợp của Kabagambe. Họ tập trung bên ngoài một nhà thờ đang cử hành thánh lễ.

Khi chế độ nô lệ còn hợp pháp ở Brazil, từ năm 1500 cho đến khi chế độ này bị bãi bỏ vào năm 1888, người Phi Châu và người Brazil gốc Phi thường không được phép đến cùng một nhà thờ với giai cấp thống trị da trắng. Nhiều lần, những người bị bắt làm nô lệ và những người theo chủ nghĩa tự do Da đen đã tạo ra các huynh đoàn Công Giáo, tổ chức xây dựng các nhà thờ và nghĩa trang của riêng họ. Một số huynh đoàn này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc mua lại tự do cho nô lệ.

Một câu chuyện được đăng tải bởi tờ báo cánh tả Brasil de Fato cho biết một phó tế đã yêu cầu những người biểu tình rời khỏi khu vực vì họ đã làm náo loạn thánh lễ và làm phiền những người đi lễ đang rời khỏi nhà thờ sau buổi cử hành. Câu nói của vị phó tế này đã khiến những người tham gia cuộc biểu tình tức giận và chiếm nhà thờ trong nhiều giờ khiến nhiều thánh lễ sau đó phải bị hủy bỏ.

Cuộc biểu tình đã khiến nhiều người trong Giáo hội phẫn nộ. Tổng giáo phận Curitiba đã đưa ra một tuyên bố vài ngày sau đó lên án cuộc biểu tình này.

“Lập trường của Tổng giáo phận Curitiba là lên án các hành vi bạo lực gây tổn thương như vậy. Luật pháp và quyền công dân đều bị tấn công.”

Tuyên bố nhấn mạnh rằng các vấn đề chủng tộc ở Brazil đòi hỏi “nhiều suy tư và phân tích trung thực nhằm thúc đẩy các chính sách công cộng tạo ra sự bình đẳng về quyền lợi.” Văn bản gọi cuộc biểu tình là một hành động “bất khoan dung”.

Sự phân cực chính trị hiện tại ở Brazil nhanh chóng làm trầm trọng thêm cuộc tranh cãi. Những chỉ trích về cuộc biểu tình ngày càng gia tăng nhanh chóng trong số những người ủng hộ ông Bolsonaro trên mạng xã hội. Đích thân tổng thống đã công bố một bài bình luận về vụ việc vào ngày 7 tháng Hai.

Ông nói: “Tin rằng sẽ nắm quyền một lần nữa, phe Cánh tả thể hiện bộ mặt thật của mình là căm ghét và coi thường truyền thống của nhân dân chúng ta.”

“Nếu những kẻ tội phạm như vậy không tôn trọng nhà của Thiên Chúa, một nơi linh thiêng, và xúc phạm đức tin của hàng triệu Kitô hữu, thì họ sẽ tôn trọng ai đây?” Bolsonaro hỏi.

Theo ý kiến của nhà thần học Mario Betiato, sống ở Curitiba, “nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống ở Brazil là có thật và cần phải đấu tranh - và Hội đồng Giám mục tán thành cuộc đấu tranh như vậy - nhưng phương pháp mà nhóm đó sử dụng không được thần học Kitô ủng hộ.”

“Những công dân hợp lý trên khắp Brazil đã phản đối những lời nói căm thù, một điều đáng khen ngợi. Tuy nhiên, cuộc biểu tình đó trong nhà thờ báo hiệu và tái tạo lời nói căm thù,” ông giải thích.
Source:Crux