Trên tờ First Things, ngày 11 tháng 11, 2021, có bài nhận định của David Mulroney, cựu đại sứ Gia Nã Đại tại Trung Hoa, về Liên hệ Vatican – Đài Loan (https://www.firstthings.com/web-exclusives/2021/11/vatican-diplomacy-and-taiwans-future):



Chi tiết về thỏa thuận năm 2018 của Vatican với Trung Quốc liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục chưa bao giờ được tiết lộ công khai. Những gì chúng ta biết về thỏa thuận Trung Quốc -Vatican vô cùng đáng lo ngại. Nhưng những hậu quả tiềm tàng của nó đối với Đài Loan vẫn chưa xuất hiện đầy đủ sau màn sương mù của tin đồn, rò rỉ và suy đoán đi kèm với thỏa thuận vẫn còn được giữ bí mật.

Chỉ nhìn như một vấn đề Trung Quốc-Vatican, thỏa thuận đã đủ tồi tệ rồi. Nó bỏ rơi những người Công Giáo trung thành cho một Giáo hội được nhà nước bảo trợ, một Giáo Hội đang dần dần kết hợp ý thức hệ và hình tượng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Cũng gây lo ngại sâu xa là việc Vatican gần như im lặng trước các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, bao gồm cả chiến dịch diệt chủng chống lại người Hồi giáo Tân Cương của nó.

Nhưng thiệt hại còn có thể đi xa hơn. Khi Vatican tìm cách chính thức hóa mối liên hệ của mình với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cộng sản, một số người lo ngại Bắc Kinh đang ngày càng gây sức ép buộc Tòa Thánh phải từ bỏ liên hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan (tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc). Những lời trấn an ngược lại của Vatican cùng lắm chỉ có tính nửa nóng nửa lạnh. Lúc gia hạn thỏa thuận tạm thời giữa Vatican với Bắc Kinh vào năm ngoái, Quốc Vụ Khanh Vatican, Hồng Y Parolin, nói một cách đơn giản: “Hiện tại không có cuộc nói chuyện về liên hệ ngoại giao. Chúng tôi đang tập trung vào Giáo hội”.

Thật không may, đó chưa bao giờ là trọng tâm của Trung Quốc, nhất là không phải lúc này. Tập Cận Bình đang leo thang nỗ lực để chinh phục Đài Loan, điều mà hắn gọi là “sự trẻ trung hóa vĩ đại đất nước Trung Hoa”. Các cuộc xuất kích đe dọa của máy bay chiến đấu và máy bay ném bom từ đại lục được phát động gần như hàng ngày trong nỗ lực thử nghiệm và dần dần làm suy giảm khả năng phòng không của Đài Loan. Nếu Trung Quốc có thể thuyết phục Vatican từ bỏ Đài Loan, điều đó sẽ làm xói mòn lòng tự tin của hòn đảo, làm mất tinh thần của những người dân đang bị vây khốn.

Việc cả đại lục lẫn Đài Loan đều được gọi là “Trung Hoa” là di sản của một cuộc nội chiến chưa bao giờ thực sự kết thúc. Mặc dù những người cộng sản tuyên bố chiến thắng trên đất liền vào năm 1949 thay mặt cho một nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới, nhưng các nhà lãnh đạo của Quốc dân Đảng bị đánh bại lúc đó chỉ đơn giản vượt biển qua Đài Loan. Tại đó, họ tiếp tục đòi tính hợp pháp như là Trung Hoa Dân Quốc, tên gọi mà họ đã cai trị từ năm 1912. Khi cuộc đàn áp Giáo Hội ngày càng trở nên tồi tệ hơn ở đại lục hiện là cộng sản, phái bộ ngoại giao của Tòa thánh cũng chuyển sang Đài Loan.

Được che chở bởi hạm đội 7 của Hoa Kỳ, Trung Hoa Dân Quốc tồn tại trên Đài Loan, phát triển mạnh mẽ về kinh tế và từ từ phát triển thành một điều hoàn toàn mới. Sự cai trị quân sự đã nhường chỗ cho nền dân chủ, một phần vì các nhà lãnh đạo sáng suốt coi tính hợp pháp được lòng dân là điều kiện tiên quyết để giành được sự ủng hộ quốc tế cần thiết để giữ cho Trung Quốc phải ở yên. Theo thời gian, các thế hệ mới trên đảo tự coi mình là người Đài Loan hơn là người Trung Quốc. Cao vọng cai trị toàn bộ Trung Quốc đã được cẩn thận gạt sang một bên vì các công dân mới nắm quyền bắt đầu tập trung chăm chú hơn vào việc thiết lập nhân quyền, quản trị tốt và pháp quyền trên hòn đảo quê hương của họ.

Cẩn trọng đã và hiện vẫn còn cần thiết bởi vì bất cứ sự thay đổi nào trong danh pháp chính thức đều là một cớ gây chiến đối với Trung Quốc. Những người cộng sản có thể xỉ vả danh xưng “Trung Hoa Dân Quốc”, nhưng cho đến gần đây, họ vẫn sẵn sàng sống với ảo tưởng rằng Đài Loan ngày nay giống hệt như năm 1949, một tỉnh hẻo lánh che chở cho một đối thủ bại trận nhưng rõ ràng là Trung Quốc.

Đài Loan vẫn bị mắc kẹt trong ảo tưởng này vì nó giữ gìn hòa bình, mặc dù là một nền hòa bình không dễ chịu, và đã giành được cho hòn đảo này một sự hiện diện khiêm tốn, từng gây tranh cãi trên trường quốc tế.

Với tư cách là Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan đã duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ với một số quốc gia, một cộng đồng đang dần thu hẹp lại vì trò gian xảo kết hợp hối lộ và áp lực không ngừng của Trung Quốc. Sự công nhận của các quốc gia khác giúp Đài Loan duy trì được lập trường về tính hợp pháp quốc tế của mình. Và không đối tác ngoại giao nào làm nhiều hơn thế để củng cố lập trường đó cho bằng Tòa thánh.

Nhiều người Đài Loan vốn tin rằng sự công nhận chính thức của Vatican là một sự thừa nhận đối với lập trường dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo của họ. Nó cũng mang lại cho các nhà lãnh đạo Đài Loan cơ hội được nhìn thấy và lắng nghe ở châu Âu, trên một sân khấu mà Trung Quốc không thể cản trở. Điều đó rất quan trọng, bởi vì trong khi nhiều quốc gia không chính thức công nhận Đài Loan vẫn duy trì một số hiện diện nào đó ở đó, các mối liên hệ được giới hạn cẩn thận và không bao gồm các cuộc trao đổi đích thân, giữa các nhà lãnh đạo với nhau vốn rất quan trọng đối với nền ngoại giao hiện đại.

Mất đi sự công nhận của Tòa thánh sẽ là một thảm họa đối với Đài Loan, gần như sẽ chắc chắn đẩy nhanh việc ra đi của mười bốn đồng minh ngoại giao còn lại của họ. Có thể lập luận rằng bất cứ thỏa thuận nào, dù là thỏa thuận với ma quỷ, đều đáng giá nếu nó giúp cho sự lớn mạnh của Giáo hội ở Trung Quốc. Nhưng điều này nằm ở một trong những khía cạnh làm nản lòng nhất của chính sách ngoại giao bị coi là thiếu sáng suốt của Vatican với Trung Quốc: Ở tâm điểm nó là ảo tưởng rằng những người cầm quyền cộng sản của Trung Quốc, một cách nào đó, sẽ cho phép Giáo Hội Công Giáo phát triển mạnh mẽ trên đất liền.

Đảng cộng sản của Trung Quốc sẽ không dung dưỡng bất cứ đối thủ nào. Đảng đã buộc các cộng đồng tín ngưỡng chấp nhận sự kiểm soát của nó, một bước mở đầu cho việc biến họ thành các tổ chức phi chính phủ ngoan ngoãn, mất hết mọi ý nghĩa. Tập Cận Bình đã ra lệnh tôn giáo phải được “Trung Hoa hóa”, điều này thực sự có nghĩa là được lên khuôn lại theo hình ảnh và họa ảnh của ông ta.

Vatican, vốn không có gì để khoe khoang đối với thỏa thuận của mình với Bắc Kinh, hiện đang dễ dàng bị tổn thương cách đặc biệt. Các nhà đàm phán cứng rắn của Trung Quốc luôn đặt tiền tố trước, khi họ thấy sự tuyệt vọng của đối thủ lên cao. Không thể quan niệm được việc họ không đẩy mạnh áp lực buộc Vatican II từ bỏ Đài Loan.

Trong các vấn đề ngoại giao, cũng như trong các vấn đề đức tin, đôi khi không làm gì lại là lựa chọn tốt nhất. Trong trường hợp quan ngại về vị thế quốc tế mong manh của Đài Loan, đó hiện là lựa chọn duy nhất, một thực tại mà cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Tòa thánh, phải thông báo cho Trung Quốc một cách rõ ràng, nhất quán và khẩn cấp.

Stalin được cho là đã đánh giá thấp quyền lực thực sự của Đức Giáo Hoàng khi ông ta bâng quơ hỏi Giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn. Có lý do để lo lắng rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các nhà ngoại giao của ngài đã đánh giá quá cao giá trị của mối liên hệ với ông Tập và chế độ của ông ta. Bị quyến rũ bởi sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, họ có nguy cơ quên rằng chính sách ngoại giao của Vatican phải được xác định bởi chiều kích đạo đức của nó: sự cống hiến của nó cho hòa bình, công lý và tự do của con người. Một thỏa thuận Trung Quốc -Vatican nhằm cô lập thêm Đài Loan sẽ gây nguy hiểm cho cả ba điều vừa kể.