Sáng thứ Sáu 12 tháng 11, Đức Giáo Hoàng đã tới thăm quê hương của vị thánh cùng tên của mình, Thánh Phanxicô, để dành thời gian cho một nhóm 500 người nghèo từ khắp Âu Châu.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu một ngày tại Vương cung thánh đường Đức Maria của các Thiên thần vào lúc 9 giờ sáng theo giờ địa phương, nơi ngài đã nghe chứng từ của sáu người sống trong cảnh nghèo khó đến từ Pháp, Ba Lan, Tây Ban Nha và Ý.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Cảm ơn anh chị em đã chấp nhận lời mời của tôi để cử hành ở đây tại Assisi, thành phố của Thánh Phanxicô, Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ năm, diễn ra vào ngày mốt. Thật ra, tôi cũng là chỉ khách mời! Ngày Thế giới Người nghèo là một ý tưởng được sinh ra từ anh chị em, nó đã phát triển và chúng ta đã đạt đến năm thứ năm. Assisi không phải là một thành phố giống như bất kỳ thành phố nào khác: Assisi mang khuôn mặt của Thánh Phanxicô. Nghĩ đến việc ngài đã sống tuổi trẻ náo nhiệt của mình giữa những con phố này, ngài đã nhận được lời gọi sống theo Phúc Âm từng chữ một, là một bài học nền tảng cho chúng ta. Tất nhiên, ở một khía cạnh nào đó, sự thánh thiện của ngài khiến chúng ta phải rùng mình, vì dường như không thể bắt chước được ngài. Nhưng sau đó, khi chúng ta nhớ lại một số khoảnh khắc trong cuộc đời của ngài, những “bông hoa nhỏ” đã được thu hái để thể hiện vẻ đẹp của ơn gọi của ngài, chúng ta cảm thấy bị thu hút bởi sự đơn sơ của trái tim và sự đơn sơ của cuộc sống: đó chính là sức hấp dẫn của Chúa Kitô, của Tin Mừng. Chúng là những sự thật của cuộc sống đáng giá hơn những bài giảng.

Tôi muốn đề cập đến một điều thể hiện rõ tính cách của vị Thánh Nghèo (xem Fioretti, chương 13: Fonti Francescane, 1841-1842). Thánh nhân và Thầy Masseo đã lên đường đến Pháp, nhưng họ không mang theo bất kỳ lương thực ăn dọc đường nào. Đến một lúc nào đó họ phải bắt đầu đi xin ăn. Thánh Phanxicô đi một bên và Thầy Masseo đi bên kia. Tuy nhiên, như sách Fioretti kể lại, Thánh Phanxicô có vóc dáng nhỏ bé và những người không biết ngài đều coi ngài là “kẻ ăn bám”; ngược lại Thầy Masseo “là một người đàn ông cao to và đẹp trai”. Vì vậy, Thánh Phanxicô khó khăn lắm mới xin được một vài mẩu bánh mì cũ và cứng, trong khi Thầy Masseo nhận được một số miếng bánh mì ngon.

Khi cả hai gặp lại nhau, họ ngồi dưới đất và trên một phiến đá nghèo nàn, họ đặt lên những gì họ đã xin được. Nhìn thấy những mẩu bánh xin được, Thánh Phanxicô nói: “Thầy Masseo ơi, chúng ta không xứng đáng với kho báu vĩ đại này”. Thầy Masseo kinh ngạc trả lời: “Thưa Cha Phanxicô, làm sao chúng ta có thể nói về một kho báu trong bối cảnh nghèo đói quá và thiếu thốn cả những thứ cần thiết như vậy?”. Thánh Phanxicô trả lời: “Đây chính là điều mà tôi coi là một kho tàng lớn, vì chúng ta không có gì cả, nhưng những gì chúng ta có là do Chúa Quan Phòng ban cho chúng ta những chiếc bánh này”. Đây là giáo huấn mà Thánh Phanxicô dành cho chúng ta: hãy biết hài lòng với những gì ít ỏi mình có và chia sẻ nó với người khác.

Chúng ta đang ở đây, tại Porziuncola, một trong những nhà thờ mà Thánh Phanxicô đã nghĩ đến việc khôi phục lại, sau khi Chúa Giêsu yêu cầu ngài “sửa chữa lại ngôi nhà của Người”. Lúc đó thánh nhân đã nghĩ ngay rằng Chúa sẽ yêu cầu ngài trao ra cuộc sống của mình để đổi mới không phải các nhà thờ làm bằng đá, mà là những con người, những người nam nữ là những viên đá sống động của Giáo hội. Và nếu chúng ta ở đây hôm nay thì chính xác là để học hỏi từ những gì Thánh Phanxicô đã làm. Ngài thích ở lâu trong ngôi nhà thờ nhỏ này để cầu nguyện. Ngài phủ phục tại đây trong im lặng và lắng nghe Chúa, nghe những gì Chúa muốn nơi ngài. Chúng ta cũng đến đây vì điều này: chúng ta muốn cầu xin Chúa lắng nghe tiếng kêu của chúng ta, nghe thấy những lời cầu nguyện của chúng ta ! và giúp đỡ chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng thiệt thòi đầu tiên mà người nghèo phải chịu là thiệt thòi về mặt thiêng liêng. Ví dụ, nhiều người và đặc biệt nhiều người trẻ tìm một chút thời gian để giúp đỡ người nghèo và mang đồ ăn thức uống nóng cho họ. Điều này rất tốt và tôi cảm ơn Chúa vì sự hào phóng của họ. Nhưng trên hết, tôi rất vui khi nghe tin những tình nguyện viên này dừng lại một lúc để nói chuyện với mọi người, và đôi khi cầu nguyện cùng với họ... Ở đây, ngay cả cuộc gặp gỡ của chúng ta ở đây, tại Porziuncola này, cũng nhắc nhở chúng ta về sự đồng hành của Chúa, rằng Ngài không bỏ chúng ta. Chúng ta không bao giờ đơn độc, Chúa luôn đồng hành cùng chúng ta trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời. Chúa ở với chúng ta hôm nay. Ngài đồng hành với chúng ta, khi lắng nghe, trong lời cầu nguyện và trong những chứng tá được đưa ra: chính Ngài đang ở với chúng ta.

Có một sự thật quan trọng khác: tại đây tại Porziuncola này, Thánh Phanxicô đã chào đón Thánh nữ Clara, những anh em đầu tiên, và nhiều người nghèo đến với ngài. Với sự giản dị, ngài đón nhận họ như anh chị em, chia sẻ mọi điều với họ. Cách diễn đạt phúc âm tốt nhất mà chúng ta được mời gọi thực hiện là chào đón. Chào đón có nghĩa là mở cửa, cửa nhà, cửa trái tim, cho người gõ cửa bước vào. Và để anh ta có thể cảm thấy thoải mái, không sợ hãi, và tự do. Ở đâu có cảm giác huynh đệ chân chính, ở đó cũng có kinh nghiệm chào đón chân thành. Trái lại, ở đâu, có sự sợ hãi người khác, coi rẻ mạng sống của người khác, thì ở đó có sự từ chối hoặc tệ hơn là thờ ơ: nhìn theo hướng khác. Sự chào đón tạo ra một cảm giác cộng đồng; ngược lại, sự từ chối khép lại trong lòng ích kỷ của chính mình. Mẹ Teresa, người đã biến cuộc đời mình thành một dịch vụ chào đón, đã yêu thích nói rằng: “Sự chào đón tốt nhất là gì? Thưa: đó là nụ cười”. Nụ cười. Hãy chia sẻ nụ cười với những người đang cần sẽ tốt cho cả chúng ta, cho tôi và cho người khác. Nụ cười như một biểu hiện của sự cảm thông, của sự dịu dàng. Và khi đó nụ cười liên quan đến anh chị em,

Tôi cảm ơn anh chị em, vì anh chị em đã đến đây từ rất nhiều quốc gia khác nhau để sống trải nghiệm gặp gỡ và đức tin này. Tôi muốn cảm ơn Chúa đã mang đến ý tưởng về Ngày của người nghèo này. Một ý tưởng được sinh ra theo một cách hơi kỳ lạ, trong một phòng thánh. Tôi chuẩn bị cử hành thánh lễ và một trong các vị đồng tế - tên ngài là Étienne - anh chị em có biết ngài không? Étienne đưa ra gợi ý cho tôi: “Hãy thiết lập Ngày của người nghèo”. Tôi đi ra ngoài và cảm thấy rằng Chúa Thánh Thần ở bên trong, đang bảo tôi làm điều đó. Vì thế, mọi thứ bắt đầu: từ lòng dũng cảm của một trong các anh chị em, người có can đảm để mang mọi thứ về phía trước. Tôi cảm ơn anh ấy vì công việc của anh ấy trong những năm qua và công việc của nhiều người đã đồng hành cùng anh ấy. Và tôi muốn cảm ơn, xin thứ lỗi cho tôi, Thưa Đức Hồng Y Barbarin vì chưa giới thiệu sự hiện diện của ngài: ngài là một trong những người nghèo, ngài cũng đã trải qua kinh nghiệm nghèo đói, bị bỏ rơi, không tin tưởng vào phẩm giá. Và ngài đã tự bảo vệ mình bằng sự im lặng và cầu nguyện. Xin cám ơn Đức Hồng Y Barbarin vì các chứng tá trong việc xây dựng Giáo Hội. Tôi nói chúng ta đến để gặp nhau: đây là điều đầu tiên, đó là hãy hướng về nhau bằng một trái tim rộng mở và một bàn tay dang rộng. Chúng ta biết rằng mỗi người trong chúng ta đều cần người kia, và ngay cả sự yếu đuối, nếu được sống cùng nhau, cũng có thể trở thành sức mạnh giúp cải thiện thế giới. Thường thì sự hiện diện của người nghèo được nhìn nhận với sự khó chịu và chịu đựng; đôi khi chúng ta nghe nói rằng người nghèo phải chịu trách nhiệm cho sự nghèo đói: đó là một sự xúc phạm nữa! Nói như thế là để né tránh, không kiểm tra lương tâm nghiêm túc về hành vi của chính mình, về sự bất công của một số luật lệ và biện pháp kinh tế. Hãy kiểm tra lương tâm về thói đạo đức giả của những người muốn làm giàu quá mức, thay vì đổ lỗi lên vai của yếu nhất.

Ngược lại, đã đến lúc người nghèo nên trả lời lại vì những yêu cầu của họ đã quá lâu không được lắng nghe. Đã đến lúc phải mở rộng tầm mắt để thấy được tình trạng bất bình đẳng của bao gia đình đang sống. Đã đến lúc phải xắn tay áo để khôi phục nhân phẩm bằng cách tạo ra công ăn việc làm. Đã đến lúc quay trở lại với thực tế đầy tai tiếng của những đứa trẻ chết đói, bị nô lệ, bị quăng quật trên mặt nước trong cơn đắm tàu, những nạn nhân vô tội của đủ loại bạo lực. Đã đến lúc bạo lực đối với phụ nữ phải chấm dứt và cần được tôn trọng và không bị coi như một con bài mặc cả. Đã đến lúc vòng tròn của sự thờ ơ phải bị bẻ gãy để khám phá vẻ đẹp của sự gặp gỡ và đối thoại. Đó là thời gian để gặp nhau. Đó là thời điểm của cuộc gặp gỡ. Nếu nhân loại, nếu những người nam nữ chúng ta không học cách gặp nhau, chúng ta đang hướng đến một kết cục rất buồn.

Tôi đã chăm chú lắng nghe những chứng tá của anh chị em, và tôi nói lời cảm ơn vì tất cả những gì anh chị em đã thể hiện với lòng dũng cảm và sự chân thành. Dũng cảm, bởi vì anh chị em muốn chia sẻ chúng với tất cả chúng tôi, mặc dù chúng là một phần của cuộc sống cá nhân của anh chị em; chân thành, bởi vì anh chị em thể hiện con người của anh chị em và mở rộng trái tim của anh chị em với mong muốn được thông cảm. Có một số điều mà tôi đặc biệt thích và tôi muốn rút lại bằng một cách nào đó, để biến chúng thành của tôi hơn nữa và để chúng đọng lại trong trái tim tôi. Trước hết, tôi nắm bắt được một cảm giác hy vọng lớn. Cuộc sống không phải lúc nào cũng quảng đại với anh chị em, ngược lại còn thường xuyên cho anh chị em thấy một bộ mặt tàn nhẫn. Sự thiệt thòi, đau đớn vì bệnh tật và cô đơn, thiếu thốn nhiều phương tiện cần thiết không ngăn cản anh chị em nhìn bằng ánh mắt biết ơn về những điều nhỏ bé cho phép anh chị em cưỡng lại hoàn cảnh.

Cưỡng lại. Đây là ấn tượng thứ hai mà tôi nhận được và xuất phát từ niềm hy vọng. Cưỡng lại có nghĩa là gì? Thưa: cưỡng lại là có sức mạnh để đi tiếp bất chấp tất cả, để ngược dòng. Cưỡng lại không phải là một hành động thụ động, trái lại, nó đòi hỏi sự can đảm để dấn thân vào một con đường mới với niềm tin rằng nó sẽ đơm hoa kết trái. Cưỡng lại có nghĩa là tìm ra lý do để không bỏ cuộc khi đối mặt với khó khăn, biết rằng chúng ta không sống chúng một mình mà cùng nhau, và chỉ có cùng nhau chúng ta mới có thể vượt qua chúng. Cưỡng lại mọi cám dỗ để buông trôi và rơi vào cô đơn và buồn bã. Cưỡng lại, trông mong vào sự nhỏ bé của chúng ta và ít của cải chúng ta có thể có. Tôi nghĩ về cô gái đến từ Afghanistan, với câu nói rất hay của cô ấy: cơ thể tôi ở đây, linh hồn tôi ở đó. Hãy kháng cự với ký ức ngày hôm nay. Tôi nghĩ về người mẹ Romania, người đã nói sau cùng về những nỗi đau.

Chúng ta hãy xin Chúa luôn giúp chúng ta tìm được sự thanh thản và vui vẻ. Ở đây tại Porziuncola, Thánh Phanxicô dạy chúng ta niềm vui đến từ việc nhìn những người xung quanh chúng ta như một người anh chị em đồng hành, những người hiểu biết và hỗ trợ chúng ta, cũng như chúng ta hiểu biết và hỗ trợ họ. Cầu mong cuộc gặp gỡ này mở rộng trái tim của tất cả chúng ta để sẵn sàng cho nhau; mở rộng trái tim của chúng ta để biến sự yếu đuối của chúng ta thành sức mạnh giúp chúng ta tiếp tục cuộc hành trình của cuộc sống, để biến cái nghèo của chúng ta thành của cải để được chia sẻ, và do đó cải thiện thế giới.

Ngày của người nghèo. Cảm ơn những người nghèo đã mở rộng trái tim của họ để cho chúng ta của cải của họ và chữa lành trái tim bị tổn thương của chúng ta. Cảm ơn vì sự dũng cảm này. Cảm ơn Étienne, vì đã ngoan ngoãn trước sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Cảm ơn vì những năm làm việc; và cả vì sự “ngoan cố” trong việc đưa Đức Giáo Hoàng về Assisi! Cảm ơn! Cảm ơn Đức Hồng Y, vì sự ủng hộ của ngài, sự giúp đỡ của ngài trong phong trào này của Giáo hội - chúng tôi nói là “phong trào” bởi vì nó tiếp tục di chuyển – cảm ơn vì chứng tá của anh chị em. Và cảm ơn tất cả mọi người. Tôi lưu giữ anh chị em trong tim tôi. Và, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi, bởi vì tôi có những cái nghèo của mình, và rất nhiều! Cảm ơn.

Buổi gặp gỡ tiếp tục với giờ cầu nguyện. Sau bài đọc trích từ sách Tông Đồ Công Vụ (3:1-10) và đoạn Tin Mừng thánh Máccô (14:3-9), Đức Thánh Cha và cộng đoàn đọc lời nguyện lấy cảm hứng từ các bản văn của Mẹ Têrêsa Calcutta và thánh Phanxicô.

“Lạy Chúa, xin làm cho chúng con xứng đáng phục vụ anh chị em của chúng con trên khắp thế giới, những người sống và chết trong nghèo đói. Xin ban cho họ ngày hôm nay, qua bàn tay của chúng con, lương thực hàng ngày, và, với tình yêu cảm thông của chúng con, xin ban cho họ bình an và niềm vui”.

Sau kinh Hoà bình của thánh Phanxicô, Đức Thánh Cha mời tất cả cùng đọc kinh Lạy Cha, sau đó ngài đọc lời nguyện kết thúc và ban phép lành cho mọi người.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng đã trở về Vatican bằng trực thăng, trong khi những người nghèo được Đức Giám Mục giáo phận Assisi tổ chức bữa trưa do tổ chức từ thiện Công Giáo Caritas tổ chức.




Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana