1. Phụ nữ được làm linh mục, vẫn chưa cấp tiến lắm. Phải có bà được làm Giáo Hoàng. Tường thuật của CNN.

Trong thời gian diễn ra hội nghị thường niên của các Giám Mục Đức tại thành phố Fulda, hàng ngày lúc nào cũng có các nhóm biểu tình la hét, hô hào các cải cách trong Giáo Hội. CNN có bài tường trình nhan đề “A woman pope? Meet the feminists trying to save the Catholic Church”, nghĩa là “Một Nữ Giáo Hoàng? Gặp gỡ các nhà đấu tranh đang cứu Giáo Hội Công Giáo.”

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh. Cố nhiên, quý vị và anh chị em biết CNN là thông tấn thế tục. Những quan điểm của họ rất khác với chúng ta. Nhưng chúng ta cũng nên đọc qua, để hiểu được mức độ ngông cuồng của những phụ nữ này, và tình trạng náo loạn trong Giáo Hội Đức hiện nay.

Fulda, Đức - Ulrike Knobbe, một phụ nữ 65 tuổi đi nhà thờ suốt đời, chưa bao giờ nghĩ mình là một nhà nữ quyền. “Tôi thậm chí đã chống lại những người ủng hộ nữ quyền trong một thời gian dài,” bà ấy nói với nụ cười hở cả răng lẫn lợi.

Và rồi bà ấy đang ở đây: Micrô trên tay, đeo một tấm bảng quảng cáo khổng lồ với yêu cầu bình đẳng giới tính, tại một cuộc biểu tình của hầu hết các phụ nữ tóc hoa râm đang hát theo - hết mức – các bài hát phản đối.

Những người biểu tình cầm những tấm biển có khẩu hiệu như “Cùng phẩm giá, cùng quyền lợi”, “Phụ nữ, bạn còn chờ gì nữa?” và “Đấu tranh cho một Giáo Hội với phụ nữ.”

Nhiều người mang các thánh giá bằng các tông mầu hồng. Hầu như tất cả mọi người đều đeo mặt nạ cầu vồng, là biểu tượng của trào lưu đồng tính. Một phụ nữ ăn mặc như một chú hề thổi một luồng bong bóng khổng lồ lên không trung.

Cuộc biểu tình này tại diễn ra tại nhà thờ chính tòa Fulda của Đức được tổ chức bởi Maria 2.0 - một phong trào phụ nữ Công Giáo kêu gọi bình đẳng và thay đổi Giáo Hội một cách triệt để.

Phong trào từ cơ sở này có hơn 65 chi hội trên cả nước. Các mục tiêu của nó bao gồm việc phong chức cho phụ nữ, công nhận các mối quan hệ LGBTQ, bãi bỏ luật độc thân linh mục và điều tra thích hợp các cáo buộc về lạm dụng tính dục.

Phong trào được thành lập bởi một số ít phụ nữ ở Münster, miền bắc nước Đức, hai năm trước sau khi nổ ra các tai tiếng lạm dụng tình dục làm rung chuyển đất nước và làm xói mòn số tín hữu Công Giáo lên tới hơn 22 triệu người.

“Mọi người đã rất tức giận”, Angelika Fromm, 70 tuổi, thành viên Maria 2.0, nói về những vụ tai tiếng. “Và rất nhiều người đã rời bỏ Giáo Hội vì điều này.”

Bà ấy là một trong số khoảng 200 người biểu tình đã tụ tập ở Fulda vào tháng trước, chạy vòng quanh thị trấn đẹp như tranh vẽ trên chiếc xe tay ga di động của mình để phát những chiếc còi và những tờ rơi.

Đó là lần thứ ba nhóm này biểu tình ở đây; lượn quanh những con đường lát đá cuội đến ngôi nhà thờ nguy nga, nơi hàng chục giám mục từ khắp đất nước đã tụ họp trong phiên họp của Hội đồng Giám mục Đức.

Trong suốt ba ngày diễn ra sự kiện, rất nhiều giáo sĩ với những cổ côn nổi bật đổ về thị trấn như họ đã làm trong nhiều thế kỷ qua. Ngay cả những đoạn đường dành cho người đi bộ ở đây cũng có hình ảnh nhấp nháy của các giám mục.

Trong thế giới Công Giáo, Giáo Hội tại Đức là một trong những Giáo Hội địa phương giàu có và quyền lực nhất.

Giáo Hội tại Đức kiếm được hơn 6 tỷ euro, tức là 6.96 tỷ Mỹ Kim, hàng năm từ “thuế Giáo Hội” của các thành viên và quyên góp hàng triệu đô la viện trợ trên toàn cầu.

Nhưng những vụ tai tiếng gần đây - bao gồm một báo cáo năm 2018 cho thấy các giáo sĩ đã lạm dụng tình dục hơn 3,600 trẻ em từ năm 1946 đến năm 2014 - đã đẩy nhanh sự suy tàn của Giáo Hội tại Đức, chia rẽ ban lãnh đạo và gây ra các phong trào phản đối từ các tín hữu suốt đời gắn bó với Giáo Hội.

Số người Đức từ bỏ Giáo Hội Công Giáo đã tăng trong nhiều thập kỷ, nhưng con số kỷ lục là 272,771 người ra đi vào năm 2019, một năm sau khi báo cáo lạm dụng tình dục được công bố.

Nước Đức không đơn độc, điều đó xảy ra với các Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới - bao gồm cả ở Mỹ, Ái Nhĩ Lan và Úc - bị rung chuyển bởi các cuộc điều tra làm sáng tỏ tình trạng lạm dụng kéo dài hàng thập kỷ. Tại Pháp, một báo cáo đáng kinh hoàng được công bố vào đầu tháng này cho thấy ước tính có khoảng 216,000 trẻ em bị các giáo sĩ Công Giáo lạm dụng từ năm 1950 đến năm 2020 - chiếm gần 4% tổng số vụ bạo lực tình dục ở nước này.

Nhiều người đang quay lưng lại với Công Giáo hoàn toàn do kết quả của những tiết lộ này.

Nhưng các thành viên của Maria 2.0 đang chiến đấu để hiện đại hóa nhà thờ, thay vào đó kêu gọi chia sẻ quyền lực một cách bình đẳng.

Một tầm nhìn cấp tiến

Trong Giáo Hội Công Giáo, chỉ nam giới mới có thể trở thành linh mục và giám mục - và họ phải độc thân và chưa lập gia đình.

Các thành viên của Maria 2.0 coi đây là một cấu trúc lỗi thời và cần được thay đổi toàn bộ.

Knobbe nói: “Chỉ có đàn ông quyết định, chỉ đàn ông có trách nhiệm và chúng tôi muốn điều đó được chia sẻ bởi đàn ông và phụ nữ. Cách tổ chức và quản lý Giáo Hội của phụ nữ sẽ khác với trường hợp chỉ có đàn ông làm”.

Khi được hỏi liệu một vị giáo hoàng trong tương lai có thể là một phụ nữ hay không, một số ít thành viên gật đầu đồng ý nói: “Được chứ. Tại sao không?”

Mặc dù phần lớn thành viên trong phong trào là phụ nữ, Maria 2.0 cũng được một số nam giới ủng hộ - nhiều người trong cuộc biểu tình Fulda là chồng của những người phụ nữ biểu tình.

Mỗi phụ nữ đều có lý do riêng khi tham gia phong trào. Một số, như bà Fromm, là những người vận động lâu năm cho bình đẳng giới tính trong Giáo Hội.

Nhà hoạt động nói chuyện với giọng nhẹ nhàng này sinh năm 1951, trong một gia đình Công Giáo sùng đạo sâu sắc ở Cộng hòa Dân chủ Đức, nơi trước đây theo chủ nghĩa cộng sản và tôn giáo bị đàn áp.

Gia đình cô sau đó đã trốn sang Tây Đức. Năm 20 tuổi, Fromm kết hôn với một cựu linh mục và có ba người con. Hai vợ chồng hiện đã ly hôn.

Fromm nói rằng bà ấy “gần như mất niềm tin” vào những năm 1970 sau khi nghe câu chuyện về những phụ nữ bị các linh mục làm cho có bầu và bị ép đi nước ngoài để phá thai. Nhưng cô vẫn tiếp tục nghiên cứu thần học nữ quyền, và vào những năm 1990, đồng sáng lập nhóm Phụ nữ Vận Động Đòi Phong Chức Linh Mục Toàn cầu.

Hiện bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư và hầu như không thể đi lại, Fromm nói: “Tôi không nghĩ mình sẽ sống để chứng kiến sự thay đổi”.

Những người khác, chẳng hạn như Mechthild Exner-Herforth, được truyền cảm hứng để bắt đầu vận động sau này trong cuộc đời.

Người đồng tổ chức 58 tuổi của cuộc biểu tình ở Fulda có một nền giáo dục Công Giáo truyền thống. Sau một sự nghiệp lên rất cao, cô tham gia vào các hoạt động của nhà thờ một lần nữa, lúc đó cô mới bị đánh động bởi sự bất bình đẳng sâu sắc.

Exner-Herforth nói: “Tôi là người phụ nữ đầu tiên trong một đội ngũ quản lý lớn ở cấp độ Âu Châu… và thực sự thích sự tự do có các quyền bình đẳng này. Sau đó, khi tôi già đi, tôi bắt đầu tham gia vào các hoạt động nhà thờ và tôi nghĩ nó sẽ như vậy,” cô cười khúc khích nói thêm.

Thay vào đó, Exner-Herforth trở nên chán ngấy với việc phụ nữ bị nói rằng họ không thể giữ vị trí như nam giới. “Tôi hoàn toàn tin chắc rằng nếu Giáo Hội muốn tồn tại, họ phải thay đổi,” cô nói.

Maria 1.0

Không phải tất cả phụ nữ Công Giáo đều có quan điểm đó. Nhóm Maria 1.0 được thành lập vào năm 2019 như một đối trọng với Maria 2.0. Nhóm nói rằng mục đích của nhóm là “mang lại tiếng nói cho giáo lý Công Giáo.”

Clara Steinbrecher, 23 tuổi, người đứng đầu nhóm Maria 1.0, đã viết trong một cuộc phỏng vấn qua email với CNN: “Chúng tôi tin rằng Đức Maria không cần cập nhật. Thay vào đó, chúng tôi ủng hộ những giáo lý ban đầu của Giáo Hội Công Giáo, là mẹ của chúng tôi.”

Steinbrecher, người đang theo học toán và tâm lý học tại một trường đại học Công Giáo, cho biết nhóm có 3,500 thành viên, chủ yếu ở Đức nhưng cũng trải rộng khắp Áo và Thụy Sĩ.

Cô nói rằng các phương pháp của Maria 2.0, chẳng hạn như tẩy chay các cử hành ở nhà thờ là “gây hoang mang, quấy rối và không có tính chất Kitô Giáo”, và nói thêm rằng “hầu hết nội dung của các sáng kiến là chống Giáo Hội, vì họ muốn thấy những niềm tin không thể thay đổi được phải thay đổi.”

Thay vào đó, Steinbrecher nói “những cải cách thực sự bắt nguồn từ việc nêu đích danh những khiếm khuyết thực sự”, chẳng hạn như “việc đào tạo không hoàn chỉnh các ứng viên cho chức linh mục”.

Về vấn đề lạm dụng tình dục, Steinbrecher cho biết Giáo Hội Công Giáo “đã làm rất nhiều để chống lại lạm dụng tình dục trong hàng ngũ của mình”, nhưng nói thêm rằng “vẫn còn việc phải làm và vết thương cần thời gian để chữa lành.”

Những người biểu tình đa dạng

Ở Fulda, các giám mục đến thăm sẽ ở trong cung điện theo kiến trúc baroque của thị trấn, lối vào của nó được trang điểm với các hàng cây bụi điêu khắc và những bông hoa màu sắc rực rỡ.

Bên ngoài có một cảnh bắt mắt khác. Một tác phẩm điêu khắc khổng lồ về một linh mục đang ngủ gật trên võng treo lơ lửng bởi những cây thánh giá gãy, với dòng chữ: “11 năm không ngừng đối mặt với các trường hợp lạm dụng.”

Tác phẩm điêu khắc là tác phẩm của nghệ sĩ người Đức Jacques Tilly, người có những bức tranh biếm họa kích thước rất lớn về các nhà lãnh đạo thế giới - từ Donald Trump đang xé toạc các thỏa thuận khí hậu đến một con quái vật Boris Johnson nhiều đầu tách Anh quốc ra khỏi Âu Châu. Các tác phẩm điêu khắc thường tô điểm cho các cuộc diễu hành chính trị.

Gần đó, là các nhà vận động thuộc nhóm ủng hộ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục đang phát những tờ rơi cho những người qua đường và cố gắng thu hút sự chú ý của các thành viên giáo sĩ khi họ vội vã đi qua.

Jens Windel, một trong những người biểu tình, nói với CNN rằng anh đã bị một linh mục lạm dụng trong khoảng thời gian hai năm, bắt đầu từ khi anh 9 tuổi.

Windel, hiện 47 tuổi, đang nheo mắt nhìn vào buổi trưa nắng chói chang, nói: “Chấn thương không dừng lại, bởi vì sự lạm dụng không có hồi kết. Giáo Hội đã không làm đủ để kết thúc nó.”

Windel đã thành lập một nhóm hỗ trợ cho các nạn nhân bị lạm dụng ở Hildesheim, miền bắc nước Đức, và đến hội nghị của các giám mục ở Fulda hàng năm kể từ năm 2015.

Anh ta hoài nghi những luận điệu của Maria 2.0 về lạm dụng tình dục, vì sợ rằng những người phụ nữ đang “lạm dụng nó cho mục đích của riêng họ”.

Nhưng Windel nói rằng mặc dù phong trào “không liên quan đến lạm dụng tình dục”, nhưng anh ta ủng hộ rộng rãi các mục tiêu của nó, vì anh ta “cảm thấy rằng phụ nữ nên được bình đẳng với nam giới.”

Các nhóm vận động khác coi mục đích của họ là phù hợp hơn với Maria 2.0.

Thomas Pöschl là thành viên của nhóm HuK ủng hộ người đồng tính trong Giáo Hội và đã đến Fulda để tham gia cuộc biểu tình Maria 2.0.

Người đàn ông 60 tuổi cầm biểu ngữ cầu vồng khổng lồ bên cạnh anh chồng Thomas Herold. Họ đã kết hôn trong cái mà họ gọi đùa là “cử hành bị cấm” vào năm 2003 bởi một linh mục xé rào ở Frankfurt, là người ủng hộ sự kết hiệp của họ.

Pöschl nói: “Giáo Hội không thể tiếp tục như vốn có, bởi vì mọi người đang bỏ đi. Giáo Hội đã xa rời cuộc sống của mọi người, đến nỗi họ không còn có thể nói cho mọi người biết phải làm gì”.

Khủng hoảng niềm tin

Mặc dù nhà nước và Giáo Hội chính thức tách biệt ở Đức, nhưng trên thực tế, mọi thứ ít khi tách biệt. Hướng dẫn tôn giáo là một phần trong chương trình giảng dạy ở trường công lập và các Giáo Hội giữ nhiều ghế trong vô số các hội đồng giám sát - từ truyền thanh công cộng đến công đoàn.

Nhưng Giáo Hội ngày càng bị coi là “một thể chế độc tài, lỗi thời,” Detlef Pollack, giáo sư xã hội học tôn giáo tại Đại học Münster, nói. “Và đó cũng là một lý do tại sao mọi người bỏ đi.”

Thuế Giáo Hội tại Đức - lên tới từ 8% đến 9% trên mức thuế thu nhập của các thành viên - là một lý do khác.

Vào cuối năm 2019, những người Công Giáo Đức đã khởi động dự án Tiến Trình Công Nghị với nỗ lực khôi phục niềm tin vào Giáo Hội. Nó liên quan đến hàng trăm thành viên giáo dân, học giả, giáo sĩ và giám mục tranh luận về những chủ đề cấm kỵ đối với nhiều người - bao gồm loại bỏ luật độc thân linh mục và cho phép phụ nữ đóng những vai trò lớn hơn trong đời sống Giáo Hội.

Dự án sẽ kết thúc vào năm 2023, mặc dù kết quả của nó được trấn an là sẽ không thay đổi giáo lý Công Giáo.

Tuy nhiên, những cuộc tranh luận xung quanh việc hiện đại hóa Giáo Hội Đức đã thu hút sự chỉ trích từ Vatican. Một số quan chức cấp cao nhất của Vatican, bao gồm cả Đức Thánh Cha Phanxicô, đã bày tỏ lo ngại rằng Tiến Trình Công Nghị có thể dẫn đến sự chia rẽ lớn hơn trong Giáo Hội.

Pollack nói: “Các giáo sĩ Đức chắc chắn là người tự do hơn các linh mục Công Giáo ở Phi Châu hoặc Đông Âu,” nói thêm rằng họ đặt ra “một thách thức đối với Vatican”.

Đầu tháng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi động một cuộc tham vấn trên toàn thế giới kéo dài hai năm về định hướng tương lai của Giáo Hội - một động thái được những người theo chủ nghĩa cải cách hoan nghênh và bị những người bảo thủ chỉ trích, những người lo ngại tiến trình này sẽ phá hoại cấu trúc của Giáo Hội.

Hiện tại, các yêu cầu của Maria 2.0 về quyền bình đẳng đang được thảo luận như một phần của dự án Tiến Trình Công Nghị, Matthias Kopp, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Đức, nói với CNN.

Khi được hỏi liệu đã làm đủ để chống lại nạn lạm dụng tình dục trong Giáo Hội hay chưa, Kopp nói thêm: “Chúng tôi đang làm việc. Chúng tôi đã làm được nhiều điều và chúng tôi phải tiếp tục trong việc này”.

Trở lại Fulda, những người biểu tình gấp các biểu ngữ của họ và đóng gói các cây thánh giá bằng các tông màu hồng của họ, sẵn sàng cho cuộc biểu tình tiếp theo. Trận chiến của họ còn lâu mới kết thúc.
Source:CNN

2. Chỉ dẫn thêm của Thông tấn xã Catholic News về Ơn Toàn Xá nhường cho các tín hữu đã qua đời

Năm nay, Vatican đã quyết định một lần nữa ban Ơn Toàn Xá nhường cho các linh hồn cho những người Công Giáo đến thăm nghĩa trang để cầu nguyện cho người chết vào bất kỳ ngày nào trong tháng 11. Ơn Toàn Xá rất quan trọng vì ân xá này giúp tha hết mọi hình phạt và làm cho người nhận lãnh trở nên tinh tuyền như mới vừa được rửa tội.

Thông thường, trong một năm, Giáo hội chỉ ban Ơn Toàn Xá này cho các linh hồn trong Luyện ngục cho những ai cầu nguyện trong nghĩa trang từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 8 tháng 11, trong tuần Lễ trọng các đẳng linh hồn.

Nhưng năm ngoái, Tòa Ân Giải Tối Cao đã ban hành một sắc lệnh mở rộng Ơn Toàn Xá trong bối cảnh những lo ngại về việc tụ tập đông người trong nhà thờ hoặc nghĩa trang do đại dịch COVID-19.

Hôm 28 tháng 10, Vatican đã thông báo rằng sắc lệnh tương tự cũng sẽ được áp dụng vào tháng 11 năm nay.

Như thế, trong tất cả các ngày của tháng 11, chúng ta có thể viếng nghĩa trang. Mỗi ngày có thể nhận được một Ơn Toàn Xá nhường cho các linh hồn.

Sách Cẩm Nang Ân Xá điều 29 triệt 1 cũng đề cập đến việc viếng nhà thờ hay nhà nguyện và đọc kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính vào ngày 2 tháng 11 để nhận được Ơn Toàn Xá cho chính mình, hay nhường cho các linh hồn. Năm nay, điều này cũng được áp dụng cho toàn bộ tháng 11.

Muốn được Ơn Toàn Xá, chúng ta cũng phải đáp ứng các điều kiện thông thường của một ân xá, là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi. Thông thường, việc xưng tội và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể có thể xảy ra trong khoảng 20 ngày trước hoặc sau khi nhận Ơn Toàn Xá. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đại dịch, việc xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha có thể làm ngay khi có thể.

Với sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao, những người không thể rời khỏi nhà, chẳng hạn như người bệnh và người già, hay sống tronh vùng bị lockdown vẫn có thể có được Ơn Toàn Xá bằng cách cầu nguyện cho những người đã khuất trước ảnh tượng Chúa Giêsu hoặc Đức Trinh Nữ Maria.

Họ cũng phải hiệp nhất về mặt thiêng liêng với những người Công Giáo khác, từ bỏ mọi quyến luyến với tội lỗi, và có ý định hoàn thành các điều kiện bình thường càng sớm càng tốt.

Theo Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, các tín hữu đã tôn vinh và cầu nguyện cho người chết từ những ngày đầu tiên của Kitô Giáo.

Sách giáo lý Công Giáo đoạn 1032 viết:

“Ngay những thời đầu, Hội Thánh vẫn kính nhớ người quá cố và dâng lời cầu nguyện cho họ, nhất là dâng Hy lễ Thánh Thể, để một khi đã được thanh luyện họ có thể được vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa. Hội Thánh cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng các ân xá và làm các việc đền tạ để cầu cho những người đã qua đời.

“Vậy chúng ta hãy giúp đỡ họ và hãy nhớ đến họ. Nếu hy lễ của ông Gióp đã đền được tội cho các con ông: tại sao chúng ta lại hồ nghi, là liệu những lễ tế chúng ta dâng lên để cầu cho người quá cố có đem đến cho họ một an ủi nào không? Chúng ta đừng ngần ngại giúp đỡ những người đã qua đời, và dâng lời cầu nguyện cho họ.”


Source:Catholic News Agency

3. Vatican nhắc lại những lời lên án của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với ý thức hệ giới tính trong lá thư gửi hiệp hội ủng hộ sự sống

Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican, gọi tắt là CDF, đã nhắc lại những tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô về ý thức hệ giới tính trong một bức thư gửi cho một hiệp hội ủng hộ sự sống ở Ý.

Bức thư đề ngày 1 tháng 10 được công khai ngay trước khi Thượng viện Ý chặn một dự luật gây tranh cãi được gọi là “Ddl Zan” nhằm “chống kỳ thị người đồng tính”, trong một cuộc bỏ phiếu đáng ngạc nhiên với 131 phiếu thuận và 154 phiếu chống, vào ngày 27 tháng 10.

Bức thư là phản hồi của CDF đối với yêu cầu làm rõ về cách các chính trị gia Công Giáo nên phản ứng với những luật pháp trái ngược với giáo huấn Công Giáo, đặc biệt là ý thức hệ về giới tính.

Lá thư của CDF đã chỉ ra những chỉ trích rõ ràng của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với ý thức hệ giới tính, được đưa ra trong một số tuyên bố trong suôt triều giáo hoàng của ngài, và lưu ý rằng các nhà lập pháp Công Giáo phải phản đối các luật không phù hợp với giáo huấn Công Giáo, như được quy định trong tài liệu CDF năm 2002 về người Công Giáo trong đời sống chính trị.

CDF đã đưa ra những tuyên bố này với hiệp hội Pro Vita & Famiglia, được thành lập để thúc đẩy các chính sách vì cuộc sống và gia đình ở Ý.

Vào tháng 7, hiệp hội đã gửi cho Đức Hồng Y Luis Ladaria, tổng trưởng CDF một bức thư dài trình bày chi tiết những nỗ lực đưa ý thức hệ giới tính vào luật pháp Ý thông qua một dự luật mang tên một thành viên quốc hội là ông Alessandro Zan. Dự luật đề xuất hình sự hóa các hành vi “phân biệt đối xử hoặc bạo lực” dựa trên giới tính, và khuynh hướng tình dục.

Tòa thánh đã bày tỏ quan ngại về dự luật này. Vào tháng 6, Tòa thánh đã chuyển một văn bản ghi âm cho chính phủ Ý nói rằng luật có thể gây nguy hiểm cho hiệp ước Tòa thánh và Ý.

Trong lá thư của mình, Pro Vita & Famiglia lưu ý rằng luật “chống kỳ thị người đồng tính” đã được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới.

Hiệp hội nhấn mạnh rằng “các biện pháp chống phân biệt đối xử để chống lại chứng sợ đồng tính luyến ái làm nổi bật các vấn đề ảnh hưởng đến việc giảng dạy và nhân học Công Giáo,” vì chúng “ngụ ý hoặc thậm chí áp đặt một cái nhìn chủ quan, linh hoạt và không nhị phân về tình dục,” trái ngược với “đạo đức tự nhiên, Kitô Giáo và nhân học Kinh thánh”.

Theo hiệp hội, các dự luật nhằm mục đích “thiết kế lại hoàn toàn bản sắc tình dục, bằng cách tách bản sắc giới tính khỏi giới tính sinh học.”

Pro Vita & Famiglia nhấn mạnh rằng dự luật “Ddl Zan” “không chỉ giả định” ý thức hệ về giới là đúng mà còn “áp đặt nó về mặt văn hóa” khi nó đề xuất thành lập “Ngày quốc gia chống kỳ thị đồng tính, và chứng sợ chuyển giới”. Vào ngày đó, dự luật đòi “các buổi lễ, cuộc họp và mọi sáng kiến hữu ích khác” phải được tổ chức ở mọi trường học.

Bức thư cũng đề cập đến những lo ngại về tự do tôn giáo. Pro Vita & Famiglia lưu ý rằng “các linh mục và mục sư đã bị đàn áp” trong đó “một dự luật tương tự như dự luật Zan đã được thông qua”, đề cập đến việc bắt giữ mục sư John Sherwood ở Anh vì những tuyên bố về kỳ thị đồng tính và cuộc điều tra đối với Tổng Giám Mục Fernando Sebastián Aguilar ở Tây Ban Nha vì ngài bị cáo buộc kỳ thị người đồng tính, sau khi ngài trả lời một cuộc phỏng vấn về tình dục và sinh sản.
Source:Catholic News Agency