1. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô thảo luận về Chủng viện Halki với Biden và Blinken

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đến Hoa Kỳ sáng Chúa Nhật 24 tháng 10, nhưng ngay lập tức phải vào nhà thương vì quá mệt. May mắn là tối hôm đó, ngài được xuất viện và được Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tiếp kiến hôm thứ Hai 25 tháng 10, tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng.

Trong cuộc thảo luận các vị này đã đề cập đến cảm giác cấp bách được chia sẻ do khủng hoảng khí hậu gây ra. Đức Thượng Phụ Đại Kết lưu ý rằng cần thiết là các nhà lãnh đạo chính trị phải đáp ứng kịp thời tình hình này trong bối cảnh cuộc họp COP26 sắp diễn ra ở Glasgow.

Đức Thượng Phụ Đại Kết đặc biệt đề cập đến tình hình hiện tại của Trường Thần học Halki. Thổ Nhĩ Kỳ đòi Hy Lạp phải chấp nhận những những bộ phi lý để có thể mở lại Trường Thần học Halki, điều này dĩ nhiên là Athens không thể chấp nhận.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã yêu cầu tổng thống Hoa Kỳ can thiệp để loại bỏ vấn đề của Trường Thần học Halki khỏi chương trình nghị sự về quan hệ Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngài nhấn mạnh rằng Washington phải thay đổi chiến thuật của mình, vì chính sách của họ không mang lại kết quả nào tình trạng nhân quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Joe Biden nói ông tin rằng Tổng thống Erdogan đang gặp khiều khó khăn khi nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp những trở ngại nghiêm trọng, và tỏ ra không chú ý mấy đến các yêu cầu của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô.
Source:Orthodox Times

2. Thánh Gioan Phaolô II có thể được tuyên bố là Tiến sĩ Hội Thánh

Lễ nhớ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được cử hành rất long trọng vào ngày 22 tháng 10 vừa qua tại Ba Lan. Nhân dịp này, Hội Đồng Giám Mục đã nhắc lại một lời kêu gọi được đưa ra vào năm 2019 mong muốn vị Giáo Hoàng Ba Lan được phong Tiến sĩ Hội Thánh. Cho đến nay, Giáo Hội chỉ mới có 36 vị được phong Tiến sĩ Hội Thánh.

Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, đã chính thức đưa ra đề nghị này vào ngày 22 tháng 10, 2019.

Những người ủng hộ đề nghị này bao gồm Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, thư ký riêng lâu năm của Đức Gioan Phaolô II, tại vị từ năm 1978 cho đến khi ngài qua đời vào năm 2005.

“Tiến sĩ Hội Thánh” là danh hiệu do các Giáo Hoàng ban tặng cho các vị thánh đã có đóng góp quan trọng trên toàn cầu cho thần học.

17 trong số 36 vị được tuyên bố là Tiến sĩ Hội Thánh sống trước thời Đại Ly Giáo năm 1054 và cũng được các tín hữu Chính thống giáo tôn kính.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một Tiến sĩ mới của Giáo Hội, đó là một tu sĩ người Armenia sống ở thế kỷ thứ 10, Thánh Grêgôriô thành Narek.

Đầu tháng này, Đức Giáo Hoàng đã thông báo rằng ngài sẽ bổ sung một vị khác: đó là một Giám mục sống ở thế kỷ thứ hai, Thánh Irenaeus của thành Lyon, là vị mà ngài dự định tuyên bố là “Doctor unitatis”, nghĩa là “Tiến sĩ của sự hiệp nhất”.

Đức Gioan-Phaolô II đã tuyên bố một Tiến sĩ Hội thánh: đó là Thánh Têrêsa thành Lisieux.

Trong một tông thư năm 1997 giải thích quyết định này, ngài lưu ý rằng nữ tu Dòng Cát Minh người Pháp sống ở thế kỷ 19 “không chỉ là Tiến sĩ trẻ nhất của Giáo Hội, mà còn là người gần gũi nhất với chúng ta theo thời gian”.

Ngài cũng phác thảo một số đặc điểm liên quan đến các Tiến sĩ Hội Thánh. Những điều này bao gồm “học thuyết lỗi lạc”, được ngài mô tả như một yêu cầu cơ bản. Bên cạnh đó còn có các yêu cầu khác như trở thành “người thầy đích thực về đức tin và đời sống Kitô,” giúp “mở rộng Nước Trời” và “học thuyết có tính phổ quát”.

Đức Gioan Phaolô II, tên khai sinh là Karol Wojtyła, sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920, sống sót sau thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Ba Lan và giúp lãnh đạo cuộc kháng chiến của Giáo Hội chống lại chế độ cộng sản áp bức sau đó.

Là vị giáo hoàng không phải người Ý đầu tiên sau 455 năm, ngài đã thực hiện nhiều chuyến tông du hơn tất cả các vị giáo hoàng trước đó cộng lại và đóng một vai trò quyết định trong sự sụp đổ của Khối Cộng sản.

Trong suốt gần 27 năm triều giáo hoàng của ngài, Đức Gioan Phaolô II đã viết 14 thông điệp, 15 tông huấn và 45 tông thư, cũng như đưa ra hàng trăm bài phát biểu giáo lý tại các buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài.

Các giám mục Ba Lan đã không coi Đức Gioan Phaolô II là Tiến sĩ Hội Thánh chỉ dựa trên các bài viết của ngài. Các ngài cũng nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của Đức Gioan Phaolô II; và vì lẽ này, các ngài cũng đang yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố người tiền nhiệm của ngài là vị Thánh bảo trợ của Âu Châu.

Trong một lá thư gửi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Gądecki viết: “Sự phong phú của triều đại Giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II - được nhiều nhà sử học và thần học gọi là Gioan Phaolô II Vĩ đại - đến từ sự phong phú trong nhân cách của ngài - một nhà thơ, nhà triết học, nhà thần học, và thần bí, nhận ra bản thân trong nhiều chiều kích, từ mục vụ và huấn giáo, đến sự lãnh đạo của ngài đối với Giáo Hội hoàn vũ, cho đến chứng từ cá nhân của ngài về sự thánh thiêng của cuộc sống”.

Vào tháng 2 năm 2020, Đức Tổng Giám Mục cũng đã viết thư cho các chủ tịch của các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới, yêu cầu các ngài ủng hộ yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan.
Source:Catholic News Agency

3. Giám Mục Trung Quốc ngủ đầu đường xó chợ, covid không chịu cắn, công an nhào vào cắn phụ

Sáng 26 tháng 10, công an Trung Quốc đã bắt giữ Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn, (Shao Zhu-min - 邵祝敏) Giám Mục Ôn Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, và nói với giáo dân họ mời ngài đi “làm việc” từ “10 đến 15 ngày”.

“Làm việc” có nghĩa là thẩm vấn và ép buộc học tập ý thức hệ cộng sản. Lần nào công an Trung Quốc cũng nói đi làm việc trong thời gian ngắn nhưng tháng 5 năm 2017, ngài đã bị bắt và chỉ được thả ra sau 7 tháng bị đưa đi biệt tích.

Các tín hữu của giáo phận đã mời gọi tất cả các cộng đồng và Giáo Hội trên thế giới cầu nguyện cho vị Giám Mục của họ.

Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn, 58 tuổi, thuộc về cộng đoàn thầm lặng, không được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận, nhưng ngài được Tòa Thánh công nhận là Giám Mục Ôn Châu.

Là một giám mục “thầm lặng”, trong thời gian bị bắt, ngài bị ép buộc phải gia nhập vào Hiệp hội Công Giáo Yêu nước. Nhưng Đức Cha Phêrô từ chối vì ngài khẳng định rằng trong thư gửi cho người Công Giáo Trung Quốc vào năm 2007, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã thẳng thừng phê phán Hiệp hội là “hoàn toàn không phù hợp với tín lý Công Giáo”.

Chính vì thế, Đức Cha Phêrô cũng được sự kính trọng của cộng đoàn công khai ở Ôn Châu. Giáo phận Ôn Châu có khoảng 130 nghìn tín hữu, với hơn 80 nghìn là thành viên của cộng đoàn thầm lặng. Hiện nay, toàn giáo phận có linh mục 70, chia đều giữa hai cộng đoàn. Trong nhiều thập niên, Giáo hội tại Ôn Châu đã bị chia rẽ. Nhưng trong vài năm trở lại hai cộng đoàn vẫn thường làm việc cùng nhau.

Tại Ôn Châu, ngay cả các linh mục chính thức cũng bị hạn chế và kiểm soát. Trong tháng các linh hồn các linh mục chính thức bị cấm không được viếng thăm lăng mộ của một số linh mục và giám mục thầm lặng, là những vị được mọi tín hữu kính ngưỡng; đặc biệt là phần mộ của các Đức Cha Giacôbê Lâm Tích Lê (Lin Xili, 林锡黎) và Đức Cha Vinh Sơn Chu Duy Phương (Zhu Weifang 朱維芳). Đức Cha Giacôbê Lâm Tích Lê được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Mục Ôn Châu năm 1999. Ngài bị cộng sản bắt giam cầm cho đến chết vào năm 2009. Đức Cha Vinh Sơn lên thay ngài, qua đời năm 2016. Mộ phần của hai vị thường xuyên bị phá phách.

Các vụ bắt cóc Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn gần như có thể tiên đoán được. Chúng luôn xảy ra vào trước các giai đoạn quan trọng trong cuộc sống của cộng đồng Công Giáo: Giáng sinh, Phục sinh, và bây giờ là tháng 11, tháng cầu nguyện cho người chết.

Trong một diễn biến khác, Trung tâm Thánh Linh của Hương Cảng cho biết Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦) vừa bị một nhóm người lạ mặt không rõ tung tích tấn công tại Mân Đông, Phúc Kiến. Ngài được tường thuật là chỉ bị thương nhẹ.

Ngay trước khi đại dịch coronavirus bùng phát, ngài đã bị đuổi ra khỏi Tòa Giám Mục và ngủ lang thang đầu đường xó chợ. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân cho biết cụm từ “ngủ lang thang đầu đường xó chợ” cần phải được hiểu theo nghĩa đen của từ đó. Thật vậy, tháng Giêng, 2020, bọn cầm quyền gắn một tấm bảng phía trước Tòa Giám Mục giải thích rằng tòa nhà không tôn trọng các quy định về phòng chống cháy nổ và do đó phải bị đóng cửa, mặc dù tòa nhà đã được xây dựng với tất cả các giấy phép cần thiết hơn 10 năm trước. Trên thực tế, hoạt động của công an cộng sản là một dấu chỉ bách hại ra mặt và là một nỗ lực nhằm gây áp lực với Đức Giám Mục và các linh mục của ngài vì các vị đã từ chối không chịu gia nhập vào một Giáo Hội độc lập với Vatican.

Từ đó, Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm, nguyên giám mục bản quyền của giáo phận Mân Đông (Mindong - 闽东话) thuộc tỉnh Phúc Kiến (Fujian - 福建), lâm vào tình cảnh vô gia cư và phải ngủ trên ngưỡng cửa của Tòa Giám Mục và trước cửa các nhà xứ ở thành phố Lạc Giang (Luojiang - 罗江区). Dù lang thang như thế, ngài vẫn không bị covid cắn, nên công an Trung Quốc phải giả dạng côn đồ cắn phụ.
Source:Asia News