Ngày 13/10 nhân dịp kỷ niệm 104 năm biến cố mặt trời xoay tròn nhảy muá ở Fatima, thì tại nhà thờ chính toà Sơn Lộc cuả giaó phận Hưng Hoá, thị xã Sơn Tây, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, quản hạt Hưng Hóa, đã truyền chức cho 11 tân linh mục, đặc biệt trong đó là một vị người H'Mông, là tân LM Giuse Mã A Cả.

Giáo dân địa phương ngay cả các gia đình cuả các tân linh mục đã không có mặt tại buổi lễ tấn phong vì các biện pháp ngăn cách xã hội để ngăn chặn Covid-19.

Nếu kể từ khi những miền đất thuộc giáo phận Hưng Hoá đón nhận hạt giống tin mừng từ các cha Dòng Tên vào thế kỷ 17, khoảng năm 1627-1630, khi họ đi thuyền dọc theo sông Hồng để gieo vãi hạt giống Tin Mừng, thì đây là lần đầu tiên sau gần 400 năm, một linh mục bản địa đã được truyền chức để tiếp tục sứ mạng truyền giáo cho các dân tộc miền thượng du cuả Việt Nam.

Công cuộc truyền giaó ở đây đã không hề dễ dàng bao giờ, kể cả trong thời kỳ Pháp thuộc, vì những xáo trộn và bất an vùng biên giới là những cản trở to lớn.

Khi chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ, thì tình trạng trở thành mất an ninh, và do thế ngày 02.11.1950, đức cha Jean-Marie Mazé (Kim) quyết định dời Tòa Giám Mục về Sơn Tây. Hầu như toàn vùng bị bỏ ngỏ.

Cách đây 10 năm khi thăm viếng vùng này, chúng tôi đã gặp Cha Phêrô Phạm Thanh Bình, chánh xứ Sapa, và cũng là vị linh mục dìu dắt cho tân linh mục Mã A Cả, cho biết tuy lúc đó không còn chủ chiên dìu dắt, nhưng giáo dân H'Mong vẫn trung thành 'khẩu truyền' cho nhau những lẽ đạo, từ ông bà xuống tới cha mẹ, rồi xuống tới con cái cháu chắt...khoảng 3,4 đời như vậy.

Cha Thanh Bình cho biết khi Sapa được tái thiết để trở thành một khu du lịch, thì người Việt cũng bắt đầu di dân lên đây, chủ yếu là buôn bán các mặt hàng lưu niệm ở ngoài phố. Giáo phận Hưng Hóa đã gửi một linh mục về lại ngôi nhà thờ cổ để tái lập giáo xứ và lo việc mục vụ cho các bản xa xôi của thổ dân ở các vùng Điện Biên và Lai Châu. Các linh mục Việt Nam đã tìm lại được những giáo dân H'Mông còn giữ đạo và... vẫn còn đọc kinh gia đình sáng tối, ngày Chúa Nhật vẫn ôn lại các bài 'kinh nghĩa đức tin'.

Ngày trước, các câu kinh bằng tiếng Việt của Địa Phận Hanoi đã được dịch sang tiếng H'Mông, và họ đã ba bốn đời truyền khẩu cho nhau để giữ đạo trung thành.

Nghiã là sau khi vị linh mục người Pháp cuối cùng bị chặt đầu ngay trong nhà thờ Sapa vào năm 1948, không rõ ai là thủ phạm, thì từ đó, đã không còn bóng dáng một linh mục nào trong gần 60 năm dài.

Thời gian 60 năm của một xã hội mà tuổi thọ trung bình chỉ có 30 tới 40 thì là quá dài. Hầu như những người đã từng thấy một chiếc áo chùng thâm ngày trước thì đã chết cả!

Cha Thanh Bình lúc đó cũng khoe (một cách hãnh diện) là chương trình khuyến học cuà Gx Sapa (và có lẽ cuả nhiều Gx khác nữa) hầu như đã đem lại một kết quả. Năm vừa qua một thanh niên H'Mông mới tốt nghiệp đại học đã nhập Đại Chủng Viện Hà nội, trở thành chủng sinh người H'mông đầu tiên của giáo phận Hưng Hóa cũng như của Giáo Hội VN. Ngoài ra cũng có 2 em nữ đang là đệ tử dòng MTG Hưng Hóa và một số thanh niên khác đang học đại học, cao đẳng hoặc đang tìm hiểu ơn gọi dâng hiến.

Chương trình khuyến học là để giúp nơi ăn chốn ở cho những thanh niên thiếu nữ người dân tộc đi học tại trường tỉnh. Xử dụng 2 phương cách làm kinh tài: thứ nhất là giữ xe trong khuôn viên nhà thờ, thứ hai là trồng rau quanh nhà thờ (thay vì trồng hoa.) Các thanh niên thiếu nữ người dân tộc vốn không muốn đi học. Học làm gì khi mà công việc cuối cùng vẫn chỉ là làm ruộng. Vậy học nghề ruộng thì thiết thực hơn.

Lúc đó, có 35 em người dân tộc đang 'nội trú' trong căn nhà tôn của giáo xứ, cửa ra vào chỉ là một tấm màn vải phất phơ theo gió. Các em từ các bản xa xôi được khyến khích ở tạm nơi đây để có thể đi học hàng ngày tại trường của Sapa.

Ngày nay, khi theo dõi Gx Sapa trên Net, chúng tôi thấy những 'căn nhà tôn' nói trên đã được thay thế bằng một trung tâm nhiều từng xinh đẹp.

Theo lời cuả một nữ tu người H'Mông, nữ tu dòng Đaminh Cù Thị Quỳnh Hoa, cũng là nữ tu đầu tiên người dân tộc H'Mông (theo UCAN): “Chúng tôi tràn ngập niềm vui mùa xuân về việc chịu chức linh mục của ngài và biết ơn Chúa đã ban cho chúng tôi một linh mục người H'Mông đầu tiên kể từ khi đạo Công Giáo được truyền cho tổ tiên của chúng tôi hơn một thế kỷ trước.”

Sơ Hoa, quê Giáo xứ Giàng La Pán, thuộc tỉnh Yên Bái, cho biết việc Cha Cả được phong chức thánh sẽ thúc đẩy công cuộc truyền giáo giữa đồng bào dân tộc và truyền cảm hứng cho giới trẻ đi tu để phục vụ cộng đồng của mình.

Sinh ngày 06/10/1983 tại xã Mường Hoa, Sapa, tỉnh Lào Cai trong một gia đình người H'Mông có 11 anh chị em, Cha Cả đã tốt nghiệp đại học trước khi gia nhập Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội năm 2011. Cha được Cha Phêrô Phạm Thanh Bình dìu dắt.

Những người dân làng H'Mông đầu tiên ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo đạo Công Giáo từ những vị thừa sai ngoại quốc trong những năm 1850

Khi được phong chức phó tế, tháng 2 năm 2020, Cha Cả đã từng nói: “Ưu tiên hàng đầu của tôi là truyền giáo cho những làng dân tộc, giáo dục cho trẻ em dân tộc và duy trì truyền thống, văn hóa, ngôn ngữ và trang phục của họ.”

Hiện nay Giáo phận Hưng Hóa đang phục vụ cho 20.000 giáo dân H'Mông, đã có 16 chủng sinh và một chục nữ tu thuộc nhóm H'Mông.

Nếu tính về diện tích lãnh thổ, thì đây là Giáo phận lớn nhất nước, có 261.000 giáo dân tại 136 giáo xứ và 700 giáo họ, bao trùm 9 tỉnh miền Bắc VN, trong đó có một phần của Hà Nội. Số linh mục là 174, tính cả các vị tân linh mục mới được thụ phong.