Theo tin Wall Street Journal ngày 1 tháng 10, 2021, “Con đường Đồng nghị” Đức đã có quyết nghị ủng hộ việc chúc lành cho các cặp đồng tính với số phiếu 168 thuận, 28 chống, một quyết nghị họ cho là đi ngược lời dạy của Đức Phanxicô.



Theo Catholic News Services ngày 3 tháng 10, 2021, hội nghị toàn thể lần thứ hai của Con đường Đồng nghị Đức đã kết thúc ngày 2 tháng 10, 2021 với việc ủng hộ áp đảo hàng loạt các đề nghị mà nếu được chấp thuận sẽ mang lại nhiều cải tổ sâu rộng trong Giáo Hội.

Hội nghị trên bao gồm 230 đại biểu giáo dân, các nhà học thuật, linh mục và Giám Mục, đã “vật lộn” suốt trong 3 ngày tại Frankfurt với những quyết nghị cho hướng đi của Giáo Hội trong tương lai. Giáo Hội Công Giáo tại Đức vốn đang vật lộn lấy lại tính khả tín của mình sau một thập niên bị giao động bởi tai tiếng lạm dụng tình dục và số tín hữu mỗi ngày một giảm.

Đức Cha Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức đồng thời là đồng chủ tịch Con đường Đồng nghị cho rằng “Các bản văn được đem ra thảo luận không phải chỉ là các bản văn, nhưng là các giấc mơ được đặt thành lời nói lên việc chúng ta muốn thay đổi Giáo Hội tại Đức ra sao: một Giáo Hội tham gia, công chính về phái tính và cùng đi trên con đường này với người ta”.

Đây là Phiên họp Khoáng đại lần thứ hai của Con đường Đồng nghị Đức vốn bị đình hoãn vì đại dịch COVID-19.

Bốn chủ đề đã được đem ra thảo luận: chỗ đứng của phụ nữ trong Giáo Hội, việc quản trị và phân chia quyền hành trong tương lai, nền luân lý tính dục Công Giáo, và việc độc thân của linh mục. Vì lượng các vấn đề và thời gian hạn hẹp, ủy ban chấp hành đã quyết định thêm một phiên khoáng đại thứ năm vào năm 2023.

Hội nghị xem xét 13 trong số 16 bản văn đã được thảo luận trước đó tại các diễn đàn đồng nghị, và 12 bản văn đã được chấp thuận. Hội nghị bế mạc đột ngột và không ngờ một giờ trước dự kiến, vì nhiều đại biểu ra về sớm.

Các đại biểu bỏ phiếu điện tử và cả ba ngày hội nghị đều được phát hình trực tuyến. Các người lên tiếng chỉ có 2 phút để phát biểu. Họ được xếp ngồi theo thứ tự a,b,c, nên một số vị Hồng Y ngồi mãi ở cuối phòng. Một số người phê bình việc sắp xếp này cho là bắt chức “thệ phản”.

Các bản văn mang ra biểu quyết nhận được phiếu thuận từ 76% tới 92%, cho thấy đa số đại biểu nghiêng về phía cải tổ. Tuy nhiên, các quyết nghị không có giá trị ràng buộc luật pháp trong Giáo Hội.

Một bản văn đề cập tới việc phân chia lại quyền hành, với nhiều tham gia hơn của hàng ngũ giáo dân, và do đó, các Giám Mục mất đi một số quyền hành. Có đề nghị chuyên biệt để giáo dân có tiếng nói trong việc bổ nhiệm các Giám Mục và phụ nữ được đảm nhận các chức vụ thụ phong.

Đức Hồng Y Reinhard Marx của Munich và Freising, người đã bắt đầu tiến trình Con đường Đồng nghị vào năm 2019, đã tóm tắt: “Tôi nghĩ rằng bản văn căn bản 'Quyền lực và Phân chia Quyền lực trong Giáo hội' là bản văn tốt vì nó thực tế và không đòi chúng ta phải thay đổi Bộ Giáo luật trong Giáo hội hoàn cầu, nhưng chúng ta có thể tiến lên từng bước".

Khi việc tham gia của giáo dân trong việc bổ nhiệm giám mục giáo phận được thảo luận, các đại biểu – một cách chuyên biệt và công khai - đã nhắc đến những gương “xấu” của các giáo phận Cologne và Regensburg, nơi vị tiền nhiệm của Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Đức Cố Hồng Y Joachim Meisner, và lãnh đạo hiện tại của Regensburg, Đức Giám Mục Rudolf Voderholzer, đã được bổ nhiệm chống lại mong muốn rõ ràng của nhiều người Công Giáo. Đức Hồng Y Woelki và Đức Giám Mục Voderholzer có mặt tại cuộc họp và lắng nghe, nhưng không phát biểu.

Một bản văn bàn tới việc lạm dụng tình dục đã được mang ra thảo luận, và Đức Tổng Giám Mục Ludwig Schick của Bamberg nói rằng diễn trình theo giáo luật nên “nhanh hơn, minh bạch hơn và các nạn nhân nên được tham gia và lắng nghe.” Johannes Norpoth, phát ngôn viên của Hội đồng Cố vấn các Nạn nhân, cho biết trường hợp của riêng ông theo giáo luật mất đến chín năm.

Các Đức Giám Mục Franz-Josef Overbeck của Essen và Gebhard Fürst của Rottenburg-Stuttgart nhấn mạnh với đại hội rằng “vị thế của một giám mục ở Đức đã bị tổn hại rất nhiều”.

Trong cuộc thảo luận về hình ảnh của các linh mục, Đức Giám Mục Overbeck nói, “Sự độc thân đã trở thành một tiêu chuẩn để loại trừ rất nhiều người khỏi thừa tác vụ giáo sĩ đến nỗi ngày nay, chúng ta thấy hầu như không còn ứng cử viên nào cho chức linh mục nữa. Và đây không chỉ là vấn đề của riêng Đức”.

Claudia Lücking-Michel, một nhà thần học tham gia cùng diễn đàn, nói với đài truyền hình ZDF của chính phủ Đức rằng “Bây giờ hoặc không bao giờ. Khi nào thì nó (cải cách) nên xảy ra đây?” Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương người Công Giáo Đức nói thêm, "Vì, theo quan điểm của tôi, những gì chúng ta đang trải nghiệm, đúng ra là một sự phản bội Tin Mừng hơn là một việc làm môn đệ tốt".

Thomas Sternberg, chủ tịch Ủy ban Trung ương người Công Giáo Đức và đồng chủ tịch của Con đường Đồng nghị, cho biết, “Chúng ta đang thực hành tính đồng nghị mà Đức Giáo Hoàng gọi là một yếu tố cấu thành ra Giáo Hội”.

Sternberg nói với một cuộc họp báo sau hội nghị rằng ông đến Frankfurt “với sự phân vân lớn, do các lập trường khác nhau của các thành viên hội nghị và chương trình nghị sự dày đặc. Nhưng… đã có những cuộc tranh luận công bằng và những cuộc thảo luận xây dựng. Tôi rất vui vì chúng ta đã trải qua một cuộc trình bày bình tĩnh cả những lập trường gây tranh cãi”.

Hội nghị toàn thể có 20 quan sát viên từ các cơ quan đại kết và các tổ chức Công Giáo quốc tế. Một nhà quan sát từ Luxembourg, Théo Péporté, cựu phát ngôn viên của Tổng giáo phận Luxembourg, đã nói trong một cuộc họp báo rằng Con đường Đồng nghị ở Đức “sẽ ảnh hưởng đến Giáo Hội bất luận nó kết thúc như thế nào”.

Vatican không cử quan sát viên nào từ Rôma mặc dù có lời mời, nhưng Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, sứ thần của Đức Giáo Hoàng tại Đức, đã tham dự các phiên họp.

Khi Đức Tổng Giám Mục Eterovic đang rời khỏi hội nghị, Karin Kortmann, phó chủ tịch Ủy ban Trung ương người Công Giáo Đức và của Con đường Dồng nghị, đã yêu cầu ngài từ trên sân khấu: “Xin ngài đừng đi - xe của ngài sẽ đợi.”

Bà đặc biệt cảm ơn ngài đã đến và xin ngài báo cáo với Đức Giáo Hoàng “về một Giáo Hội thân thiện với mọi người hơn và có sự tham gia của nhiều người hơn”. Bà cũng nêu vấn đề ủy ban trung ương đang chờ lời mời từ Vatican để thảo luận về Con đường Đồng nghị. Sau đó, bà nói với một cuộc họp báo rằng bà hy vọng đức sứ thần sẽ thêm vào cuối báo cáo của ngài rằng một cuộc họp với ủy ban trung ương "được khẩn cấp khuyến cáo".