Chúa Nhật 3 tháng 10, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 27 Mùa Quanh Năm, bài Tin Mừng tường thuật với chúng ta đáp trả của Chúa Giêsu với những người Pharisêu thách thức Ngài về tính hợp luật của ly hôn.

“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”. Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”. Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu phản ứng có phần khác thường: Ngài phẫn nộ. Và điều đáng ngạc nhiên nhất là sự phẫn nộ của Ngài không xuất phát từ việc những người Pharisêu thách thức Ngài với những câu hỏi về tính hợp pháp của việc ly hôn, mà xuất phát từ các môn đệ của Ngài, những người để bảo vệ Ngài khỏi đám đông, đã quở trách một số trẻ em đã được đưa đến với Chúa Giêsu. Nói cách khác, Chúa không nổi giận với những người tranh luận với Ngài, nhưng với những người, để giảm bớt gánh nặng cho Ngài, khiến các con cái xa lánh Ngài. Tại sao? Đó là một câu hỏi hay: tại sao Chúa làm điều này?

Chúng ta hãy nhớ - chính bài Tin Mừng được đọc trong hai Chúa nhật trước - Chúa Giêsu, khi thực hiện cử chỉ ôm một đứa trẻ, đã đồng hóa mình với những người bé mọn: Người đã dạy rằng chính những đứa trẻ nhỏ, tức là những người phải thuộc vào người khác, là những người đang cần mà không thể hồi đáp lại, là những người phải được phục vụ trước (x. Mc 9:35-37). Những ai tìm kiếm Thiên Chúa, thì thấy Người ở đó, nơi những người nhỏ bé, nơi những người thiếu thốn: không thiếu của cải vật chất mà thôi, nhưng thiếu cả sự chăm sóc và ủi an, chẳng hạn như những người bệnh tật, những người bị sỉ nhục, những tù nhân, những người nhập cư, những người bị giam cầm. Chúa ở đó: trong những người nhỏ bé này. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu nổi giận: bất cứ điều bạc đãi nào gây ra cho một người nhỏ bé, một người nghèo, một trẻ em, một người không có khả năng tự vệ, đều là gây ra cho chính Ngài.

Hôm nay Chúa chọn lại lời dạy này và hoàn thành điều đó. Thật vậy, Người nói thêm: “Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó” (Mc 10:15). Đây là điều mới mẻ: người môn đệ không chỉ phải phục vụ những người nhỏ bé, mà còn phải nhìn nhận mình là một người nhỏ bé. Và mỗi người chúng ta, chúng ta có nhận mình là nhỏ bé trước mặt Chúa không? Hãy suy nghĩ về điều đó, nó sẽ giúp chúng ta. Ý thức mình là nhỏ bé, ý thức về sự cần thiết của ơn cứu rỗi là không thể thiếu để tiếp nhận Chúa. Đó là bước đầu tiên trong việc mở lòng đón nhận Ngài. Tuy nhiên, chúng ta thường quên điều này. Khi sống trong thịnh vượng, trong sự sung túc, chúng ta có ảo tưởng tự mãn, rằng chúng ta đủ rồi, rằng chúng ta không cần Chúa. Thưa anh chị em, đây là một sự lừa dối, vì mỗi người chúng ta đều là những người cần, đều là những người nhỏ bé. Chúng ta phải tìm kiếm sự nhỏ bé của mình và nhận ra nó. Và ở đó, chúng ta sẽ tìm thấy Chúa Giêsu.

Trong cuộc sống, nhận ra sự nhỏ bé của bản thân là điểm khởi đầu để trở nên vĩ đại. Nếu chúng ta nghĩ về điều đó, chúng ta trưởng thành không hệ tại quá nhiều trên những thành công của chúng ta và những thứ chúng ta có, mà hơn hết là trong những khoảnh khắc khó khăn và mong manh. Ở đó, trong sự cần thiết của chúng ta, chúng ta trưởng thành; ở đó chúng ta mở rộng tâm hồn mình cho Chúa, cho người khác, cho ý nghĩa của cuộc sống. Chúng ta hãy mở rộng tầm mắt của chúng ta với những người khác. Hãy để chúng ta mở rộng tầm mắt, về ý nghĩa thực sự của cuộc sống và nhận thức về sự nhỏ bé của chúng ta. Khi chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé trước một vấn đề, nhỏ bé trước thập giá, bệnh tật, khi chúng ta gặp mệt mỏi và cô đơn, chúng ta đừng nản lòng. Mặt nạ của sự hời hợt đang rơi xuống và sự yếu đuối triệt để của chúng ta đang tái xuất hiện: đó là điểm chung của chúng ta, là kho tàng của chúng ta, bởi vì với Thiên Chúa, sự yếu đuối không phải là một trở ngại mà là một cơ hội. Một lời cầu nguyện tuyệt vời sẽ là thế này: “Lạy Chúa, xin nhìn vào sự yếu đuối của con…” và liệt kê chúng trước mặt Ngài. Đây là một thái độ tốt trước mặt Chúa.

Thật vậy, chính trong sự yếu đuối mà chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa chăm sóc chúng ta nhiều như thế nào. Tin Mừng hôm nay cho biết Chúa Giêsu rất dịu dàng với những người bé mọn: “Người đã ôm họ vào lòng và chúc phúc, đặt tay Người trên chúng” (c. 16). Những khó khăn và tình huống bộc lộ sự yếu đuối của chúng ta là những cơ hội đặc biệt để cảm nghiệm tình yêu của Ngài. Những ai cầu nguyện với lòng kiên trì đều biết rõ điều này: trong những thời khắc đen tối hoặc cô đơn, sự dịu dàng của Thiên Chúa đối với chúng ta càng thể hiện rõ hơn. Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta cảm nhận được sự dịu dàng của Chúa nhiều hơn. Sự dịu dàng này mang lại cho chúng ta sự bình an; sự dịu dàng này làm cho chúng ta lớn lên, bởi vì Thiên Chúa đến gần chúng ta theo cách của Ngài, đó là sự gần gũi, từ bi và dịu dàng. Và, khi chúng ta cảm thấy mình bé mọn vì bất cứ lý do gì, Chúa đến gần hơn, chúng ta cảm thấy Người gần hơn. Ngài ban cho chúng ta sự bình an; Ngài làm cho chúng ta phát triển. Trong lời cầu nguyện, Chúa kéo chúng ta đến gần Ngài, như một người cha với con mình. Đây là cách chúng ta trở nên vĩ đại: không phải trong sự giả vờ hão huyền về khả năng tự cung tự cấp của chúng ta - điều này khiến không ai trở nên vĩ đại - nhưng trong sức mạnh của việc đặt tất cả hy vọng của chúng ta vào Cha, giống như những đứa trẻ nhỏ bé làm, chúng làm như thế.

Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria một ân sủng to lớn, đó là sự nhỏ bé: để trở thành những người con tín thác vào Cha, chắc chắn rằng Ngài sẽ không bỏ qua việc chăm sóc chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau

Anh chị em thân mến,

Tôi rất đau buồn về những gì đã xảy ra trong những ngày gần đây tại nhà tù Guayaquil, Ecuador. Một vụ bạo lực khủng khiếp bùng phát giữa các tù nhân thuộc các băng đảng đối địch đã khiến hơn một trăm người chết và nhiều người bị thương. Tôi cầu nguyện cho họ và cho gia đình của họ. Xin Chúa giúp chúng ta chữa lành vết thương của tội ác, đang nô dịch những người nghèo nhất. Và cầu mong Người giúp những người đang làm việc hàng ngày để cuộc sống trong tù nhân bản hơn.

Tôi cầu xin Chúa ban hòa bình cho đất nước Miến Điện thân yêu: cầu mong bàn tay của những người đang sống ở đó không còn phải lau đi những giọt nước mắt đau thương và cái chết, mà thay vào đó là cùng nhau vượt qua khó khăn và cùng nhau làm việc để mang lại hòa bình.

Hôm nay, tại Catanzaro, Maria Antonio Samà và Gaetana Tolomeo, hai phụ nữ bị liệt giường trong suốt cuộc đời, sẽ được phong chân phước. Được vững mạnh bởi ân sủng thiêng liêng, họ đã ôm lấy thập tự giá của sự yếu đuối của mình, biến nỗi đau thành lời ngợi khen dành cho Chúa. Chiếc giường của họ đã trở thành điểm tham chiếu tâm linh và là nơi cầu nguyện và phát triển Kitô cho nhiều người tìm thấy niềm an ủi và hy vọng ở đó. Chúng ta hãy hoan nghênh các Chân Phước mới!

Vào Chúa Nhật đầu tiên của tháng 10 này, suy nghĩ của chúng ta hướng về các tín hữu tập trung tại Đền thờ Pompeii để đọc kinh Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria. Trong tháng này, chúng ta hãy cùng nhau làm mới lại cam kết lần chuỗi Mân Côi.

Tôi chào anh chị em, những người Rôma thân yêu và những người hành hương! Đặc biệt, các tín hữu của Wépion, giáo phận Namur, ở Bỉ; những người trẻ của Uzzano, thuộc giáo phận Pescia; và những người trẻ khuyết tật đến từ Modena, cùng với các Nữ tu nhỏ của Chúa Giêsu Thợ và các tình nguyện viên. Về vấn đề này, hôm nay ở Ý là Ngày xóa bỏ các rào cản kiến trúc: mọi người có thể chung tay vì một xã hội mà không ai cảm thấy bị loại bỏ. Cám ơn về công việc của anh chị em.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành. Cũng cho những trẻ em Immacolata! Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Holy See Press Office