1. Thời đại dịch tử vong kinh hoàng, trong nhà nên có bình nước phép. Nhà trừ tà giải thích.

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #157: No Water in Hell”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 157. Trong hỏa ngục không có nước” nhằm giải thích về tác dụng của nước thánh.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Gần đây, tôi đã được hỏi về hiệu quả của nước thánh trong một lễ trừ tà. Khái niệm này đã vấp phải sự hoài nghi. Có lẽ người ta xem điều đó giống như sự “mê tín” của Công Giáo. Vì vậy, chúng ta hãy xem xét sâu hơn.

Không có nước trong hỏa ngục. Nước là nguồn mạch cần thiết cho sự sống. Trong hỏa ngục, chỉ có cái chết. Có lẽ đây là lý do tại sao người ta cho rằng ma quỷ thường trú ngụ trong sa mạc (Lv 16:10; Is 13:21; Is 34:14; Tb 8: 3). Sa mạc khô khan, cằn cỗi và thiếu sức sống. Nó sẽ là nơi ở quen thuộc của quỷ hỏa ngục.

Tân Ước làm chứng cho bản chất không có nước của hỏa ngục. Một người đàn ông giàu có đáng thương đã chết và bị đưa đến “thế giới bên kia nơi anh ta đang bị dày vò.... Anh ta kêu lên, “Hãy sai Lagiarô nhúng đầu ngón tay vào nước và làm mát lưỡi tôi, vì tôi đang chịu sự dày vò trong những ngọn lửa này”. (Lc 16: 23-24). Anh ta cầu xin một ít nước nhưng, trong hỏa ngục, không thể có được.

Khi bắt đầu sứ vụ, Chúa Giêsu đã vào sa mạc, không chỉ để ở một mình và cầu nguyện, mà còn là để đối đầu và chiến thắng Satan (Lc 4: 1-13). Xua đuổi Satan đã là, và vẫn còn, là một phần thiết yếu trong sứ mệnh mở mang Nước Chúa. *

Cũng thế, các tu sĩ đầu thế kỷ 4 và 5 đã đi vào sa mạc xung quanh Ai Cập, Palestine và Syria để tham gia vào cuộc chiến tâm linh và chiến thắng ma quỷ, giống như Chúa Giêsu đã làm gương cho họ. Sa mạc là nơi vắng vẻ; nó cũng là một nơi trú ngụ đắc địa của ma quỷ.

Nước là một yếu tố cần thiết trong phép rửa tội để loại bỏ ảnh hưởng của Satan và mở ra ân sủng thánh hóa của Thiên Chúa. Tương tự, nước thánh được sử dụng để đuổi ma quỷ trong Nghi thức trừ tà. Nghi thức Trừ tà mới được áp dụng ngày nay phản ánh một cách thích hợp nghi thức rửa tội.

Một cách tự nhiên, nước rất đáng ghét đối với ma quỷ. Khi được một linh mục làm phép, nước trở thành một nguồn ân sủng trên bình diện siêu nhiên. Giáo hội có quyền lực và thẩm quyền, do Chúa Kitô ban cho, để ban ân sủng qua các vật thánh như thế. Chúng bao gồm các cây thánh giá, muối và dầu, các ảnh tượng tôn giáo được làm phép và nhiều thứ khác.

Một trong những bài học tôi học được sau nhiều năm trừ quỷ là ma quỷ căm thù Giáo Hội hết mức và cố gắng phá hủy Giáo Hội. Và tôi thường cảm nghiệm Giáo hội hùng mạnh biết bao vì có sự hiện diện sống động của Chúa Kitô trong đó: “Cửa hỏa ngục không thắng được” (Mt 16:18).

Một chút nước được một linh mục làm phép xem ra chẳng là gì. Nhưng khi nó chạm vào ma quỷ, chúng hét lên trong đau đớn. Khi nó chạm đến các tín hữu, họ nhận được phước lành của Thiên Chúa.
Source:Catholic Exorcism

2. Dung nham phá hủy nhà thờ tại La Palma thuộc quần đảo Canary

Dung nham từ vụ phun trào núi lửa Cumbre Vieja trên đảo La Palma thuộc quần đảo Canary đã phá hủy nhà thờ Thánh Pius 10 ở khu phố Todoque ở thị trấn Llanos de Aridane vào chiều ngày 26/9.

Các nhân viên cứu hỏa đã hy vọng chuyển hướng dòng dung nham tránh xa nhà thờ, nhưng không thành công.

Núi lửa bắt đầu phun trào vào tháng 9 năm ngoái. Lần phun trào trước đó trên đảo là vào năm 1971.

Theo báo chí địa phương, dung nham đã ngừng dòng chảy trong khu vực đã lại tiếp tục tiến ra biển, cách đó khoảng một dặm rưỡi, nhấn chìm nhà thờ Công Giáo và các tòa nhà khác trên đường đi của nó.

Hàng nghìn người đã được di tản và chưa có thương vong về nhân mạng. Vụ phun trào ước tính đã gây thiệt hại hàng trăm triệu euro

Dự đoán trước sự phá hủy có thể xảy ra đối với nhà thờ nằm trong đường đi của dòng dung nham, cách đây vài ngày, cha sở của nhà thờ Thánh Piô X, là Cha Alberto Hernández, với sự giúp đỡ của các công nhân, đã di tản mọi thứ có thể được khỏi nhà thờ, bao gồm các bức tượng, tranh vẽ, cây thánh giá, và nhà tạm.

Trong một tuyên bố gần đây với tuần báo Công Giáo Tây Ban Nha Alfa & Omega, Cha Hernández nói rằng khi đối mặt với những bất hạnh trong khu vực, ngài chỉ còn biết “khóc với những ai khóc” trước sự tàn phá quá kinh hoàng.
Source:Catholic News Agency

3. Người y tá đã cứu mạng Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Giáo Hoàng đã cảm ơn Massimiliano Strappetti, nhân viên chăm sóc sức khỏe đã cứu mạng ngài trong một ca phẫu thuật gần đây tại Bệnh viện Agostino Gemelli.

Trong số rất nhiều tên tuổi được nhắc đến trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Carlos Herrera với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, có một cái tên: Massimiliano. Như chính Đức Thánh Cha đã giải thích, đây là tên của người y tá đã cứu mạng ngài gần đây.

Carlos Herrera đã hỏi Đức Giáo Hoàng rằng tình trạng sức khoẻ của ngài ra sao sau cuộc phẫu thuật đại tràng gần đây hôm 4 tháng 7. Câu trả lời của ngài ngắn gọn: “Tôi vẫn còn sống.”

Đức Thánh Cha Phanxicô sau đó tiết lộ rằng một y tá đã cứu mạng ngài, và đây là lần thứ hai điều này xảy ra trong 84 năm cuộc đời của ngài.

“Đây là lần thứ hai trong đời tôi”, Đức Giáo Hoàng nói với nhà báo:

“Anh ấy đã cứu mạng tôi! Anh ấy nói với tôi: ‘Đức Thánh Cha phải phẫu thuật’. Có những ý kiến khác ‘Tốt hơn là uống thuốc kháng sinh…’ – nhưng người y tá đã giải thích điều đó cho tôi rất tốt. Anh ấy là y tá ở đây, trong dịch vụ y tế của chúng tôi, ở bệnh viện Vatican. Anh ấy đã ở đây 30 năm, một người đàn ông dày dặn kinh nghiệm. Đây là lần thứ hai trong đời tôi được một y tá cứu mạng”.

Lần đầu tiên nó xảy ra, vào năm 1957, người đã cứu sống một chủng sinh lúc bấy giờ là Jorge Mario Bergoglio là một nữ tu người Ý. Chủng sinh Bergoglio bị viêm phổi và chống lại ý kiến của các bác sĩ, bà đã thay đổi liều lượng thuốc cấp cho vị giáo hoàng tương lai.

Nhờ phóng viên Virginia Piccolillo của tờ báo Ý Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều, giờ đây chúng ta biết rằng người y tá mà Đức Giáo Hoàng đã đề cập đến là Massimiliano Strappetti, một y tá được mô tả là “nhiệt tình với công việc của mình và rất thận trọng dè dặt, kín tiếng”.

Chúng ta biết rất ít về Massimiliano vì anh ta rất kín đáo.

Theo báo Ý, y tá này đã có mặt trước và sau ca phẫu thuật của Đức Thánh Cha Phanxicô, và có thể được nhìn thấy trong số những người tháp tùng Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài xuất hiện trên ban công của bệnh viện Gemelli vào ngày 11 tháng 7.

Theo tờ Corriere, Massimiliano đã kết hôn và là một người cha gia đình, anh nổi bật với lòng tốt và sự hào phóng của mình.

Trên trang Facebook của anh ấy có những bức ảnh của hai vợ chồng và những đứa con của họ, cũng như những chi tiết nhẹ nhàng như câu này: “Nếu chúng ta không gặp nhau và hôm nay anh gặp em lần đầu tiên, anh sẽ yêu em lần nữa “.

Một sự thật khác được tiết lộ là anh ấy tình nguyện, giúp đỡ những người khó khăn nhất.

Massimiliano làm việc tại Vatican, nơi anh được gọi đến làm việc sau nhiều năm tại bệnh viện Gemelli ở Rome, trong phòng chăm sóc đặc biệt. Anh đã chăm sóc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội, anh không hề đề cập đến bất cứ điều gì liên quan đến sức khỏe của các Đức Giáo Hoàng. Có vẻ như sự thận trọng và kín đáo là một trong những đức tính đã dẫn đến công việc hiện tại của anh ở Vatican.
Source:Aleteia

4. Đức Thánh Cha Phanxicô lên án việc phá thai và trợ tử là coi cuộc sống con người như rác

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng chê trách việc phá thai và hành vi trợ tử trong một bài phát biểu hôm thứ Hai, trong đó ngài nói rằng “văn hóa vứt bỏ” ngày nay dẫn đến việc giết trẻ em và vứt bỏ người già.

“Có sự vứt bỏ những trẻ em không được người ta hoan nghênh qua luật phá thai, tống khứ chúng bằng thuốc trục thai hay giết chúng trực tiếp. Và ngày nay thực hành đáng ghê tởm này đã trở thành một phương pháp 'bình thường'. Đó thực sự là một vụ giết người”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói hôm 27 tháng 9.

Trong một bài phát biểu được truyền trực tiếp cho các thành viên của Học viện Giáo hoàng về Sự sống, Đức Thánh Cha nói rằng để hiểu phá thai là gì, cần đặt ra hai câu hỏi.

“Có đúng không khi loại bỏ một mạng người để giải quyết một vấn đề? Có đúng không khi thuê một sát thủ để giải quyết một vấn đề? Đó là bản chất của phá thai”,

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng người cao tuổi ngày nay cũng bị coi là “vật phế thải” và “không có ích lợi gì” trong văn hóa vứt bỏ ngày nay.

“Nhưng họ là sự khôn ngoan. Họ là cội nguồn của sự khôn ngoan cho nền văn minh của chúng ta, và nền văn minh này loại bỏ họ”

“Đúng vậy, ở nhiều nơi, cũng có luật 'euthanasia trá hình', như tôi gọi. Đó là điều xảy ra khi người ta nói: 'Thuốc men đắt tiền, chỉ cần dùng một nửa', và điều này đồng nghĩa với việc rút ngắn tuổi thọ của người già”.

Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng cả phá thai và an tử đều “phủ nhận hy vọng” khi bác bỏ “hy vọng mà những đứa trẻ mang lại cho cuộc sống chúng ta và giúp chúng ta tiến bước; cũng như loại bỏ niềm hy vọng nằm trong gốc rễ mà người già mang lại cho chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng đây không phải là con đường cho các trường đại học hoặc bệnh viện Công Giáo đi theo.

Trong cuộc họp báo trên chuyến bay trở về từ Slovakia vào ngày 15 tháng 9, giáo hoàng liên tục nói rằng “phá thai là giết người” và so sánh việc chấp nhận phá thai với “chấp nhận giết người hàng ngày.”

Học viện Giáo hoàng về Sự sống được thành lập bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1994. Nó được dành để thúc đẩy luân lý nhất quán của Giáo hội về sự sống.

Tuần này, học viện sẽ tổ chức hội nghị toàn thể tại Rôma, tập trung vào đại dịch, đạo đức sinh học và tương lai của sức khỏe cộng đồng.

“Tôi giao phó cho Đức Trinh Nữ Maria công việc của hội nghị này và toàn bộ hoạt động của học viện với tư cách là một Học viện bảo vệ và thúc đẩy sự sống,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói trong bài phát biểu tại Sảnh Clementê của Vatican.
Source:Catholic News Agency