Ngày 15 tháng 9, 2021, Thủ tướng Úc, Scott Morrison cùng Tổng thống Mỹ, Joe Biden, và Thủ tướng anh Boris Johnson, chính thức công bố ngày ra đời của tân liên minh quân sự AUKUS. Phần lớn nội dung của việc công bố hôm ấy cho người ta cảm giác chỉ là để Úc có một đội tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.



Dư luận ở Úc nói chung phấn khởi về tin này, kể cả phe đối lập ở đây. Nhưng chỉ vài phút sau, tin ấy gặp phản ứng dữ dội từ phía một số quốc gia láng giềng của Úc và nhất là của Pháp, nước cảm thấy thiệt thòi hơn cả vì vừa bị mất khế ước trị giá lên đến 53 tỷ Euros xây dựng đoàn tầu ngầm qui ước cho Úc, vừa bị cho ra rìa tại một vùng họ có đến 7 ngàn binh lính trú đóng thường xuyên và đến chục lãnh thổ dưới ảnh hưởng trực tiếp của họ.

Tuy nhiên, câu chuyện không dừng ở đấy khi người ta thấy cả Tòa Thánh cũng lên tiếng không tán thành. Ngay trước khi Đức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, lên tiếng, nhà báo John Allen đã cho rằng với tân liên minh này, Tòa Thánh không hẳn đứng ngoài cuộc để tình hình thế giới muốn xoay vần ra sao thì ra.

Theo ký giả trên, đây là lúc Âu Châu càng phải đoàn kết hơn để tạo một thế đứng độc lập trước việc tái sắp xếp hàng ngũ chuẩn bị cho cuộc chiến thanh lạnh mới giữa AUKUS và Trung Hoa. Ông gọi liên minh mới này là liên minh Anglo-Saxon, một liên minh chắc chắn sẽ buộc thế giới phải thay đổi trục xoay.

Kể từ sau Thế chiến II, luôn luôn là “Tây Phương” nghĩa là Bắc Mỹ, Âu Châu và Úc Châu, chống lại một ai đó, bất luận là Xô Viết thời Chiến tranh Lạnh hay thánh chiến Hồi Gáo hoàn cầu sau ngày 11 tháng 9 năm 2001. Nay xem ra là các cường quốc Anglo-Saxon và Trung Hoa, với Âu Châu một là bị đẩy qua bên lề hai là phải tự tìm ra vai trò mới cho chính mình.

Theo Allen, vai trò đó có thể là cây cầu bắc giữa Trung Hoa và AUKUS, cổ vũ đối thoại, giải quyết tranh chấp và giảm thiểu căng thẳng khi nổ ra. Những mục tiêu này dĩ nhiên được Tòa Thánh hết lòng hỗ trợ.

Và nếu Âu Châu cần ngồi lại với nhau thì điều họ cần là người lãnh đạo. Hiện nay, Merkel của Đức sắp sửa về hưu và đảng của bà đang ở thế đi xuống. Vai trò lãnh đạo Âu Châu dường như sẽ rơi vào trục Pháp Ý nhất là Ý với Thủ tướng Mario Draghi đang trên đà thu hút sự chú ý của quốc tế. Thực thế, nổi tiếng nhờ cứu đồng Euro lúc đứng đầu Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu và sau này với việc mở rộng “Chiếu khán Xanh” (Green Pass) đã cứu Ý thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19, Mario Draghi hiện được công luận Ý chấp nhận đến 70%, làm nền kinh tế Ý gia tăng 6% trong năm 2021 và giảm nợ dưới 10% sản lượng quốc gia.

Theo Allen, Draghi sẽ cung cấp tầm nhìn chiến lược, trong khi Đức Phanxicô cung cấp vai trò lãnh đạo tinh thần.

Dĩ nhiên, đó chỉ là dự kiến. Trên thực tế, như trên đã nói, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Parolin đã chính thức lên tiếng về tân liên minh AUKUS.

Theo Inés San Martín của tạp chí Crux, ngày 23 tháng 9, Đức Hồng Y Parolin tỏ ý lo ngại trước việc công bố sự hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ, Vương quốc Thống nhất (Anh) và Úc.

Trả lời câu hỏi của các ký giả bên cạnh cuộc họp của Đảng Nhân dân Âu Châu (EPP) ở Rome, Đức Hồng Y Parolin nói rằng “Tòa Thánh chống lại việc tái trang bị và mọi cố gắng đã và đang được đưa ra theo chiều hướng loại bỏ vũ khí hạt nhân vì chúng không phải là cách duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới, thậm chí chúng còn tạo thêm nhiều nguy hiểm hơn cho hòa bình và cả nhiều tranh chấp hơn nữa”.

Ngài nói thêm, “trong viễn kiến này, viễn kiến vốn là đặc điểm của Tòa Thánh, người ta không khỏi lo lắng” đối với liên minh mới này.

Trở lại vai trò “bắc cầu”. Dường như chủ tịch Ủy ban Âu Châu không hẳn thích vai trò ấy cho bằng vai trò lãnh đạo quân sự. John Allen, trong bài “Tại sao vị Giáo Hoàng hòa bình có thể đứng đàng sau một Châu Âu đang chuẩn bị chiến tranh” (Why a ‘peace pope’ could get behind a Europe preparing for war), viết rằng Bà Ursula von der Leyden, Chủ Tịch Ủy Ban Âu Châu, vừa lên tiếng thúc giục Liên Hiệp Âu Châu phát triển khả năng quân sự chung sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan. Bà nói: “bạn có thể có các lực lượng tiên tiến nhất thế giới, nhưng nếu bạn không sẵn sàng sử dụng chúng, thì có ích lợi gì?”

Những lời kêu gọi như thế càng gia tăng sau khi liên minh AUKUS được công bố và sau cả lời bảo đảm của Joe Biden tại Liên Hiệp Quốc sẽ không có chiến tranh nóng hoặc lạnh. Chỉ vài giờ sau, tổng ủy viên thị trường Âu Châu Thierry Bretton nói với Hội Đồng Đại Tây Dương rằng niềm tin vào Hoa Kỳ ở khắp Âu Châu “đã xói mòn” và giờ đã đến để Âu Châu tự tái định vị trí để hành động một mình.

Khổ một điều, thứ Tư vừa qua, trên tờ Corriere della Sera, tờ báo hàng đầu của Ý, bình luận gia và nhà khoa học chính trị Ý Ernesto Galli della Loggia nêu câu hỏi: ai đích xác có thẩm quyền phái một lực lượng như thế vào cuộc chiến? Không phải cuộc chiến nhân đạo hay duy trì hòa bình như hiện nay, cũng không phải là cuộc chiến đẩy lui kẻ xâm lược ngay ở Âu Châu, tức một lực lượng phòng vệ như NATO hiện nay mà là một quân đội có sứ mệnh dự phóng và bảo vệ quyền lợi Âu Châu trên khắp thế giới, theo kiểu cổ điển theo đó các nhà nước và đế quốc vẫn triển khai lực lượng quân sự trong các thế kỷ qua như cánh tay vươn dài của ngoại giao.

Chẳng hạn, giả dụ tình hình ở Afghanistan đối với phụ nữ dưới quyền cai trị của Taliba trở nên tồi tệ đến không chịu nổi nhưng Hoa Kỳ chắc chắn không có lòng dạ nào muốn can thiệp, thì ai ở Âu Châu có thể ra lệnh cho tư lệnh quân đội chung lên đường tận diệt Taliba vĩnh viễn?

Galli della Loggia cho rằng chỉ có thể là Hội Đồng Các Quốc Trưởng và Chính Phủ của 27 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Âu Châu. Có bao giờ đa số họ đồng ý ra lệnh không? Galli della Loggia cho hay thoạt đầu, các cha đẻ của Liên hiệp Âu Châu muốn nó là một dự án chính trị, nhưng không thành, Liên hiệp Âu Châu phần lớn chỉ lo giao thương với hy vọng nền kinh tế chung rồi ra sẽ dẫn đến một kết hợp chính trị sâu sắc hơn. Nhưng 70 năm sau, nền kinh tế chung vẫn chỉ là nền kinh tế chung.

Không rõ các biến cố gần đây có thay đổi được gì không? Allen thì hy vọng có, vì gần đây có tường trình cho rằng Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đã ra hiệu ông đang tái xét lời yêu cầu lâu năm của Đức muốn Pháp rời bỏ ghế thường trực trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để đổi lấy việc hỗ trợ một chính sách ngoại giao và một hệ thống quốc phòng chung cho liên hiệp Châu Âu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cùng lắm Liên hiệp này chỉ tiến tới được một dự án chính trị như mơ ước của các cha đẻ ra nó. Và như Đức Phanxicô nhiều lần nhấn mạnh, trong cả chuyến viếng thăm Hungary và Slovakia mới đây, mơ ước của họ là một tinh thần và tinh thần này theo John Allen chính là chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo. Nó nhất định sẽ là nền tảng chung của Liên hiệp Âu Châu mới, dù không ai ở Tây Âu trong thế kỷ 21 lớn tiếng thừa nhận điều đó.

Người ta vẫn cho rằng khối Anglo-Saxon chịu ảnh hưởng của phái Calvin Thệ Phản, đề cao các thành phần ưu tú, trong khi chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo mà các cha đẻ của Liên hiệp Âu Châu ấp ủ bao trùm hết mọi con người không phân biệt. Chỉ có một chủ nghĩa như vậy mới đóng được vai trò bắc cầu như John Allen tưởng nghĩ.