1. Các Hiệp hội Công Giáo Truyền thống thảo luận về Tự Sắc Traditionis Custodes giữa lúc có các đồn đoán về các cuộc thanh tra tông tòa

Các Bề trên Tổng quyền của các Hiệp hội Công Giáo Truyền thống chuyên cử hành Thánh lễ theo hình thức tiền Công Đồng, dự kiến sẽ nhóm họp vào tuần tới để thảo luận về Tự Sắc Traditionis Custodes của Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến việc hạn chế sử dụng phụng vụ thánh này. Cuộc họp diễn ra sau khi Tự Sắc Traditionis Custodes được công bố vào tháng Bảy.

Cha Andrzej Komorowski, Bề trên Tổng quyền của Huynh đoàn Linh mục Thánh Phêrô, gọi tắt là FSSP, cho biết các bề trên đang tập hợp “để trao đổi quan điểm và xem chúng ta có thể làm gì cùng nhau”. Ngài nói thêm rằng các ý tưởng đến từ các cấp địa phương của các Hiệp hội Công Giáo Truyền thống ở Pháp ngay sau khi Tự Sắc Traditionis Custodes được công bố.

Trong khi có những đồn đoán về những hạn chế hơn nữa của Vatican đối với các Hiệp hội Công Giáo Truyền thống, Cha Komorowski nhấn mạnh cuộc thảo luận được lên kế hoạch vào tuần tới không dựa trên các báo cáo chưa được xác nhận, nhưng nói thêm rằng những điều này đã làm cho cuộc họp trở nên “khẩn cấp hơn và thậm chí có thể đã đẩy nhanh nó”.

FSSP là Hiệp hội Công Giáo Truyền thống lớn nhất trong số ba Hiệp hội Công Giáo Truyền thống trên thế giới cử hành Thánh lễ theo Hình thức ngoại thường của nghi thức Rôma – đó là hình thức Thánh lễ được sử dụng phổ biến trong gần 500 năm trước khi có những cải cách của Thánh Giáo hoàng Phaolô Đệ Lục vào năm 1970. Hai Hiệp hội Công Giáo Truyền thống khác là Hiệp hội các Linh mục Tối cao Chúa Kitô Vua, và Hiệp hội Mục tử Nhân lành.
Source:National Catholic Register

2. Vắc xin có thể trở thành vấn đề lớn trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Slovakia

Căng thẳng liên quan đến vắc xin COVID đã gia tăng khi các giám mục tổ chức chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Slovakia

Khi chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến gần, Slovakia đang chứng kiến những căng thẳng chính trị gia tăng và sự phản đối ngày càng mạnh hơn đối với vắc xin COVID.

Tháng trước, các giám mục của Slovakia đã thông báo rằng chỉ những người đã được tiêm chủng đầy đủ chống lại COVID-19 mới có thể tham dự các sự kiện được tổ chức cho chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô từ ngày 13 đến 15 tháng 9. Trong khi đó, hơn một nửa số người dân ở quốc gia Trung Âu này không được tiêm chủng và ngày càng có nhiều người nói rằng họ không muốn tiêm vắc xin COVID.

“Chúng tôi biết sẽ có một số vấn đề với việc này,” Cha Martin Kramara, phát ngôn viên của hội đồng giám mục Slovakia, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA.

Vladimír Lengvarský, Bộ trưởng Y tế Slovakia, cho biết trong một cuộc họp báo ngày 20 tháng 7 rằng quyết định trên đã được đưa ra với sự hợp tác của Hội đồng Giám mục Slovakia.

Trong tuyên bố của riêng mình với các phóng viên, Đức Tổng Giám Mục Stanislav Zvolenský của Bratislava, chủ tịch hội đồng giám mục, nói rằng các giám mục “xem quyết định này trong bối cảnh mong muốn của chúng tôi là có càng nhiều người tham gia càng tốt trong các cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha”.

Cha Kramara nói với một nhóm nhà báo một tuần sau đó rằng yêu cầu tiêm vắc xin là một “điều kiện của nhà nước chứ chúng tôi không phát minh ra.” Các giám mục đồng ý với điều kiện này vì nếu không, các ngài phải chấp nhận các giới hạn về số người được tham dự trong mỗi sự kiện ở mức không quá 1,000 người, vị linh mục giải thích trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNA.

“Đối với chúng tôi, quyết định này rõ ràng là thoả đáng hơn việc giới hạn số người tham dự. Tôi nghĩ rằng vắc-xin COVID cũng hữu ích và thậm chí tốt cho sức khỏe của mọi người. Nhưng có một số nhóm chống lại vắc xin và không tin là vắc xin có lợi. Có những người không muốn tiêm phòng”.

“Đương nhiên, chúng tôi tìm kiếm các giải pháp thay thế, chẳng hạn như xét nghiệm COVID-19 nhanh mà mọi người có thể thực hiện. Tuy nhiên, nhà nước nói với chúng tôi họ không chấp nhận giải pháp này”.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu, Slovakia là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 thấp nhất ở Âu Châu, với chỉ 50.9% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin tính đến ngày 25 tháng 8.

Một cuộc thăm dò của Viện Hàn lâm Khoa học Slovakia vào tháng 7 cho thấy 36% người Slovakia nói rằng họ không muốn tiêm vắc-xin COVID, tăng so với mức 30.9% vào tháng Năm.

Cũng trong tháng 7, hàng trăm người đã tụ tập bên ngoài quốc hội Slovakia để phản đối các quy định mới về vắc xin.

Theo một linh mục trẻ người Slovakia, việc phản đối vắc-xin COVID-19 xuất phát từ sự chia rẽ chính trị, thay vì các câu hỏi liên quan đến tác động đạo đức hoặc luân lý của việc tiêm vắc-xin và một số người coi áp lực tiêm vắc-xin là bất công.

Từ Budapest, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thủ đô Bratislava của Slovakia vào ngày 12 tháng 9. Hai ngày đầu tiên của ngài sẽ dành cho các cuộc gặp gỡ với các nhóm nhỏ hơn, bao gồm một sự kiện đại kết với các nhà lãnh đạo Kitô Giáo và các cuộc gặp gỡ với các nhà chức trách chính trị, cộng đồng Do Thái địa phương, và các Giám mục và hàng giáo sĩ Công Giáo.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bay đến phần phía đông của Slovakia. Tại Prešov, ngài sẽ cử hành một Phụng Vụ Thánh theo nghi thức Byzantine, và tại Košice, ngài sẽ gặp gỡ cộng đồng Roma địa phương, và kết thúc với cuộc gặp gỡ với những người trẻ tuổi tại sân vận động Košice.

Ngày cuối cùng của ngài sẽ bao gồm một buổi lễ cầu nguyện với các giám mục tại đền thờ quốc gia Đức Mẹ Bảy Sự Sầu Bi ở Šaštín, sau đó là cử hành Thánh lễ Lễ Đức Mẹ Sầu Bi.

Cha Kramara, phát ngôn viên của các giám mục, nói với CNA rằng hai sự kiện ở Košice về mặt lý thuyết có thể có tới 50,000 người tham dự. Và Thánh lễ tại đền thờ quốc gia ở Šaštín, dự kiến có thể thu hút 100.000 người tham gia.

Ngài nói rằng yêu cầu tiêm chủng COVID-19 là khó khăn lớn nhất mà các giám mục phải đối mặt trong việc tổ chức chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Slovakia


Source:Catholic News Agency

3. Linh mục người Ý đã được đưa ra khỏi Kabul

Cha Giovanni Scalese của dòng Bácnabê, người đứng đầu Miền Truyền Giáo Tự Trị (Mission sui iuris) ở Afghanistan, đã trở về quê hương Italia sau khi thủ đô Afghanistan sụp đổ, nhưng suy nghĩ của ngài vẫn hướng về Giáo Hội địa phương mà ngài buộc phải bỏ lại.

“Chúng tôi tiếp tục cầu nguyện cho Afghanistan. Chúng tôi không thể bỏ rơi đất nước này và những người đang đau khổ của nó”, Cha Scalese nói trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 26 tháng 8 với SIR, hãng thông tấn của hội đồng giám mục Ý.

Cha Scalese nằm trong số hàng nghìn người nước ngoài phải chạy trốn khỏi đất nước sau khi Taliban, một phong trào Hồi giáo cực đoan chiếm được Afghanistan hôm 15 tháng 8.

Ngài cùng với năm nữ tu Thừa sai Bác ái và 14 trẻ em mồ côi, khuyết tật và thanh thiếu niên được họ chăm sóc, đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Fiumicino của Rome vào ngày 25 tháng 8.

Theo báo cáo của tờ La Repubblica của Ý, những đứa trẻ mồ côi, trong đó có nhiều em phải ngồi xe lăn, ở độ tuổi từ 6 đến 20.

“Tôi đã nói và tôi đã làm được,” Cha Scalese nói với tờ báo Ý. “Tôi sẽ không bao giờ trở lại Ý nếu không có những đứa trẻ này. Chúng tôi không thể để mặc các em ở đó”.

Sự hiện diện của Kitô Hữu ở Afghanistan có từ thời các thánh Tông đồ thành lập Giáo hội ở Phương Đông, nhưng ngày nay còn rất ít. Người Công Giáo chỉ lên đến vài trăm người ở quốc gia chủ yếu là Hồi giáo này. Nhà thờ Công Giáo duy nhất, gọi là Nhà thờ Thánh Phaolô, được thành lập vào những năm 1930, là nhà nguyện tại đại sứ quán Ý ở Kabul. Các Giáo sĩ thường trú tại ngôi thánh đường này - thường được gọi là các dòng Thánh Bácnabê – đã đến đây vào năm 1922.

Năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập một Miền Truyền Giáo Tự Trị cho Afghanistan, chỉ vài tháng sau khi Hoa Kỳ dẫn đầu cuộc xâm lược đất nước này sau vụ 11/9 và sau bọn Taliban bị lật đổ. Miền Truyền Giáo Tự Trị là một hình thức tài phán thấp hơn Miền Phủ Doãn Tông Tòa (Apostolic prefecture) và Miền Giám Quản Tông Tòa (Apostolic vicariate), trong một khu vực có rất ít người Công Giáo.

Năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Scalese làm Giám Quản Miền Truyền Giáo tại Afghanistan. Thánh Gioan Phaolô II, với tư cách là giáo hoàng, đã thiết lập Miền Truyền Giáo “sui iuris” tại Afghanistan vào tháng 5 năm 2002, do Giáo sĩ Thường trực của Thánh Phaolô, được gọi là các Cha Dòng Bácnabê, lãnh đạo.

Cha Scalese nói với SIR rằng mặc dù ngài “cảm thấy lo ngại” sau khi Taliban chiếm thủ đô, nhưng ngài cảm thấy an toàn khi ở bên trong đại sứ quán.

“Bên ngoài cổng đại sứ quán của chúng tôi đầy quân Taliban, những kẻ, nếu họ muốn làm hại chúng tôi, có thể đã làm như vậy. Nhưng hoàn toàn không có chuyện gì xảy ra. Tôi lo lắng hơn về những nhà truyền giáo của các tổ chức bác ái, là những người vẫn ở trong nhà của họ và do đó, dễ bị nguy hiểm hơn”.

Theo các thỏa thuận giữa Ý và Taliban, đại sứ quán Ý đã có thể đưa Cha cùng với năm nữ tu Thừa sai Bác ái và 14 trẻ em ra sân bay Kabul bay đến Kuwait trước khi bay về Rôma.

Cha Scalese nói với SIR rằng trong bảy năm ở Afghanistan, ngài không mong đợi “một kết luận đột ngột và bi thảm như vậy”.
Source:Catholic News Service

4. Các Hồng Y hàng đầu Âu Châu chỉ trích Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã bỏ rơi Afghanistan

Các vị Hồng Y hàng đầu của Âu Châu đã chỉ trích các nhà lãnh đạo chính trị của lục địa này và khắp phương Tây, vì đã bỏ rơi người tị nạn Afghanistan, chỉ tập trung vào các con số hơn là cách tốt nhất để giúp những người chạy trốn bạo lực.

Phát biểu với thông tấn xã SIR của Hội Đồng Giám Mục Ý, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng giám mục Luxemburg và là chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Âu Châu, gọi tắt là COMECE, cho biết những hình ảnh về Afghanistan trong tuần qua làm “tổn thương trái tim của tôi. Tôi đau lòng khi nhìn cách mọi người bị đối xử”.

“Chúng ta đã từng mang lại hy vọng cho những người này và bây giờ chúng ta đã để họ trong địa ngục của Dante. Tôi cảm thấy xấu hổ. Xấu hổ cho Âu Châu và phương Tây. Chúng ta nói nhiều về giá trị, nhưng giá trị của chúng ta ở Afghanistan bây giờ ở đâu?”

Taliban đã kiểm soát Afghanistan cho đến khi Hoa Kỳ xâm lược vào năm 2001, sau cuộc tấn công khủng bố 11 tháng 9 vào Hoa Kỳ khiến gần 3,000 người chết. Cuộc tấn công này được điều phối bởi Osama bin Laden của al-Qaida, là người đã được Taliban chứa chấp. Afghanistan đã trở lại, trong tay của nhóm phiến quân Hồi giáo sau khi họ tiếp quản thủ đô Kabul hôm 15 tháng 8.

Đất nước đang trong tình trạng hỗn loạn, với hàng nghìn người đã cắm trại tại sân bay Kabul với hy vọng được di tản trong khi Taliban củng cố quyền kiểm soát đất nước.

Theo Đức Hồng Y Hollerich, phương Tây đã “thực hiện các chính sách sai lầm” đối với Afghanistan.

“Điều duy nhất mà chúng ta đang thảo luận là phải làm gì để rất ít người tị nạn Afghanistan đến được các quốc gia khác, hơn là trợ giúp cho những người này. Và thái độ này khiến tôi xấu hổ”.

Đức Hồng Y Hollerich lưu ý rằng gần đây Hy Lạp đã hoàn thành việc mở rộng bức tường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ như một biện pháp ngăn chặn dòng người tị nạn Afghanistan. Ngài nhận xét chua chát rằng “điều này khiến tôi đau đớn và khiến tôi xấu hổ vì chúng ta nói quá nhiều về các giá trị của Âu Châu nhưng lại không đưa chúng vào thực tế”.

Ngài cũng than thở về điều mà ngài gọi là ngôn ngữ chống người di cư ngày càng gia tăng trong chính trị Âu Châu: “không còn bất kỳ cuộc nói chuyện nào về người tị nạn hoặc người xin tị nạn theo các hiệp định Geneva. Nhưng chỉ có những cuộc nói chuyện về những người di cư bất hợp pháp và điều này thật đáng sợ”.

Bức tường biên giới Hy Lạp, “ là biểu hiện rõ rệt của tâm lý này. Tôi đã hy vọng rằng sự sụp đổ của Bức tường Berlin sẽ báo hiệu kết thúc thời điểm bức tường, nhưng nó không phải là như vậy. Những bức tường mới đã được xây dựng. Không phải thế giới cộng sản trong lịch sử quá khứ của chúng ta làm điều này, mà chính xã hội Âu Châu ngày nay.”

Đức Hồng Y Hollerich nhấn mạnh rằng một bài học cần rút ra trong tương lai là “Phương Tây không phải là các cường quốc duy nhất trên thế giới”.

“Chúng ta phải chấp nhận điều này và hành động một cách thận trọng hơn”
Source:Crux