1. Đức Tổng Giám Mục Du Huỳnh Trị cử hành Thánh lễ tưởng niệm vị linh mục đầu tiên của Hàn Quốc tại Vatican

Đức Tổng Giám Mục Lagiarô Du Huỳnh Trị (유흥식, You Heung-sik), đã chủ trì một thánh lễ tại Vatican để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 200 của linh mục Công Giáo đầu tiên của Hàn Quốc, Thánh Anrê Kim Đại Kiến (Andrew Kim Tae-gon, 김대건 안드레아).

Thánh lễ hôm thứ Bảy 21 tháng 8, được tổ chức tại Đền Thờ Thánh Phêrô là thánh lễ chính thức đầu tiên do Đức Tổng Giám Mục Hàn Quốc chủ sự kể từ khi ngài nhậm chức Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ của Vatican. Đây cũng là thánh lễ đầu tiên được cử hành bằng tiếng Hàn tại Đền Thờ Thánh Phêrô trong hơn sáu năm qua.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp đặc biệt trong dịp này.

Thánh Anrê Kim Đại Kiến bị hành quyết năm 1846 ở tuổi 25 vì thực hành đức tin của mình trong bối cảnh Kitô Giáo bị đàn áp dưới triều đại Tiên Quốc (Joseon, 조선), khi vua Thuần Tổ (Sunjo, 순조) mới lên ngôi. Ngài được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên thánh vào năm 1984.

Đức Tổng Giám Mục Lagiarô Du Huỳnh Trị là người Hàn Quốc đầu tiên và người Á châu thứ hai được bổ nhiệm vào vị trí tổng trưởng một Bộ của Tòa Thánh.

Tổng giám mục Hàn Quốc chủ trì Thánh lễ tưởng niệm vị linh mục đầu tiên của Hàn Quốc tại Vatican


Source:KBS

2. Bức tượng của Thánh Bernadette mới vừa được khánh thành lập tức bị phá hoại

Chiều thứ Sáu 20 tháng Tám, Giáo phận Brooklyn đã đưa ra một tuyên bố, toàn văn như sau:

Giáo phận Brooklyn chiều nay muốn báo cáo với anh chị em một hành động phá hoại đã gây ra sự phá hủy bức tượng Thánh Bernadette mới được lắp đặt, nằm bên ngoài Nhà thờ Công Giáo Tổng Lãnh Thiên Thần Micae ở khu Flushing của Queens.

Vụ việc xảy ra vào khoảng 3h30 sáng nay khi một người đàn ông nhảy qua hàng rào nhà thờ và xô đổ bức tượng. Tượng bị tổn thương ở vùng cánh tay và cổ tay bên trái.

Bức tượng Thánh Bernadette và một bức tượng Đức Mẹ Lộ Đức đã được cung hiến vào đầu mùa hè này, để tưởng nhớ tất cả những giáo dân đã mất mạng vì Coronavirus. Cha Vincentius Do, Cha Sở của Nhà thờ Công Giáo Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, đã lên kế hoạch sửa chữa bức tượng.

“Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đóng một vai trò trung tâm trong đức tin và trong sự chăm sóc cho những người hàng xóm của chúng ta thông qua các thánh lễ và các dịch vụ dựa trên đức tin của chúng ta và cung cấp thực phẩm cho những người đói. Chắc chắn rằng hành động phá hoại này đang gây khó chịu, nhưng các tín hữu của nhà thờ Thánh Thiên Thần Micae và tôi đang cầu nguyện cho kẻ đã thực hiện hành động này chống lại nhà thờ của chúng tôi. Điều quan trọng là phải tìm ra điều tốt đẹp trong mọi sự, và vì vậy tôi muốn nhân cơ hội này để khuyến khích công chúng tôn trọng nhà thờ và tài sản của chúng tôi, cũng như của tất cả các nơi thờ phượng,” Cha Vincentius Do nói.

Quận 109 của Sở Cảnh sát Thành phố New York đang điều tra. Bất kỳ ai có thông tin được yêu cầu gọi cho Crime Stoppers theo số (800) 577-TIPS (8477).

Nhà thờ Công Giáo Tổng Lãnh Thiên Thần Micae là giáo xứ đầu tiên được thành lập ở Quận Queens vào năm 1833, tọa lạc tại 136-76 Đại lộ 41 ở Flushing. Thánh Bernadette là vị thánh bảo trợ cho người nghèo, những người bị nhạo báng vì đức tin của họ, và những người bệnh tật.
Source:Diocese Of Brooklyn

3. Thượng hội đồng Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar thảo luận về hình thức thánh lễ thống nhất

Nỗ lực thực hiện phương thức cử hành Thánh lễ thống nhất của Thượng Hội đồng Giáo hội Syro-Malabar đã gây ra một cuộc thảo luận sôi nổi giữa các linh mục của nhiều giáo phận khác nhau. Một bộ phận các linh mục phản đối động thái của Thượng Hội đồng muốn thực hiện 'Raza Qurbana', mà các ngài e rằng sẽ phá vỡ sự thống nhất của Giáo hội.

Thượng Hội Đồng Giám Mục quan trọng đã thảo luận về thánh lễ thống nhất vào ngày thứ ba Diễn từ của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Sứ thần Tòa thánh hôm thứ Ba, đã thúc đẩy nhu cầu thảo luận thêm của các linh mục trước khi thực hiện Raza Qurbana một cách đồng loạt.

Các cuộc thảo luận về các vấn đề phụng vụ bắt đầu vào thứ Ba sau bài phát biểu của Sứ thần Tòa thánh. Đức Cha Girelli, từng là Đại Diện Không Thường Trú của Đức Thánh Cha tại Việt Nam đã đề cập đến bức thư của Đức Thánh Cha Phanxicô. “Trong hoàn cảnh hiện tại của Giáo hội các bạn, mong muốn của Đức Thánh Cha về việc nhanh chóng thực hiện chế độ cử hành thống nhất là một lời kêu gọi hiệp nhất và không gây chia rẽ, và do đó cần phải được phân tích theo ngữ cảnh. Vì vậy, tôi khuyến khích Thượng Hội đồng đánh giá khung thời gian cho một quá trình thực hiện một cách thận trọng để bảo vệ sự hợp nhất của Giáo hội anh em”.

Sứ thần cũng nói thêm rằng cần có sự rõ ràng về định hướng thống nhất 50/50. Nghĩa là cử hành Phụng vụ Lời Chúa thì đối diện với dân chúng, còn Phụng vụ Thánh Thể thì đối diện với bàn thờ, như một mục tiêu chính cần đạt được tại tất cả các giáo xứ hải ngoại, ở những nơi hành hương, và trong các chủng viện lớn và liên giáo phận.

Sứ thần Tòa Thánh nhấn mạnh rằng:

“Tuy nhiên và chính xác để tránh xung đột không cần thiết, và để duy trì sự hiệp thông, tôi mời anh em khuyến khích tất cả các giáo sĩ của anh em khiêm tốn chấp nhận quyết định của Thượng Hội đồng về sự hiệp nhất phụng vụ, được Đức Thánh Cha Phanxicô tán thành một cách rõ ràng.”
Source:Indian Express

4. Đức Tổng Giám Mục Anh Giáo thành Canterbury phát biểu trước Hạ Viện Anh về tình hình ở Afghanistan

Đức Tổng Giám Mục Justin Welby của Anh Giáo thành Canterbury đã có bài phát biểu thu sẵn được gởi tới Hạ viện vào ngày 18 tháng 8 sau khi Quốc hội được triệu tập vì Afghanistan sụp đổ. Toàn văn bài phát biểu của ngài như sau.

Thưa các ngài,

Tôi đặc biệt mong đợi ngày hôm nay được nghe các vị Dân biểu cao quý và hào hiệp, các nhà ngoại giao và những người khác có kiến thức địa phương ở Afghanistan. Chúng tôi nhớ rất rõ lòng dũng cảm, sự chịu đựng và hy sinh trong 20 năm qua, cũng như sự can đảm được thể hiện bởi vị đại sứ của chúng ta và những người phục vụ ở Afghanistan vào lúc này, cùng với các đồng nghiệp và phóng viên của họ. Khi chúng ta nhìn lại, tôi nhớ đến một nhà thờ chính tòa, đầy chật người trong tang lễ của một người lính: gia đình và nhiều đồng nghiệp im lặng trong trang nghiêm, một số người bị thương, thương tiếc cho sự mất mát của họ.

Thất bại mà chúng ta phải đối mặt ngày nay không phải là quân sự hay ngoại giao: họ đã làm tất cả những gì có thể. Đó là chính trị. Sự phục hồi và hy vọng sẽ đến với Afghanistan với cam kết hỗ trợ của chúng ta cho những người cần nhất và tuyệt vọng nhất. Chúng ta đã chứng minh được năng lực của mình khi đối phó với các thế lực mềm dẻo cũng như cứng rắn.

Chúng ta mắc nợ một giao ước đạo đức tuyệt đối, quảng đại đối với tất cả những người gặp rủi ro vì họ đã phục vụ cùng chúng ta ở Afghanistan; và nghĩa vụ thực hiện nghiêm túc cam kết thường xuyên được tuyên bố của chúng ta đối với tương lai của các công dân của quốc gia này, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái. Một người tị nạn Afghanistan, hiện là công dân Vương quốc Anh đã nói với tôi trong tuần này, “các gia đình trong những lúc khó khăn như vậy đã thuộc về nhau”. Lời nói của ông không phải là chính trị mà là một tiếng nói nhân bản. Đây là về vấn đề đạo đức chứ không phải là những con số. Liệu Chính phủ có xác nhận rằng chính sách của họ sẽ phản ánh nghĩa vụ đạo đức và không bị kiểm soát bởi các con số hay không?

Ở Pakistan, một quốc gia đang phải đối mặt với những áp lực rất lớn, bao gồm cả dòng người tị nạn, chúng ta phải thực hiện đối thoại và hỗ trợ, học cách đào sâu lại kiến thức tôn giáo và văn hóa, là điều cần thiết để làm việc hiệu quả. Chúng ta không được đặt bất kỳ nhóm nào ở đó, hoặc ở Afghanistan, vào một góc mà họ có thể bị đẩy đến những cực đoan lớn hơn. Viện trợ mà chúng ta cung cấp phải hỗ trợ đối thoại, khơi dậy hy vọng và chuẩn bị cho sự hòa giải. Và nguồn viện trợ đó phải thực sự bổ sung chứ không phải được chuyển đến từ những nơi khác cũng đang cần. Tôi xin hỏi Chính phủ, có phải chúng ta đang làm như thế không?

Chúng ta phải tái cam kết với tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở mọi nơi, đó là một điểm cho đến nay vẫn chưa được đề cập nhiều. Điều đó phải được thảo luận ở Pakistan và Afghanistan đối với các tín hữu Kitô và các cộng đồng tôn giáo như Shia, Hindu, Jains, Ahmadis và Sikh. Một WhatsApp, từ một Kitô Hữu ở Afghanistan hôm qua, đã yêu cầu hỗ trợ ở đó và ở Pakistan. Thật đáng nhớ khi người ấy nói “Tôi sẵn sàng chết cho Chúa Giêsu, nhưng tôi không muốn chết trong quên lãng”.

Thưa các ngài, đây là khoảng thời gian rất tồi tệ, đặc biệt là đối với rất nhiều người ở Afghanistan, và đối với những người đã phục vụ ở đó. Đây là thời gian để cầu nguyện khiêm nhường - và để chúng ta thể hiện sự hào phóng, đức hạnh và lòng can đảm. Việc xây dựng lại danh tiếng của chúng ta theo những cách như vậy sẽ mang lại cho nhiều người khác hy vọng.
Source:Anglican News