1. Đền thánh Đức Mẹ Mân Côi tại Nam Dương (Namyang, 남양) Hàn quốc

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Diễn biến tình hình dịch bệnh tại Việt Nam vẫn còn rất phức tạp, chúng tôi xin anh chị em đừng nản chí nhưng hãy cùng chúng tôi hiệp thông với đền thánh Đức Mẹ Mân Côi Nam Dương, Hàn quốc khẩn cầu Đức Mẹ đoái thương xem nước Việt Nam.

Buổi cầu nguyện sẽ được bắt đầu vào lúc 7 giờ tối ngày thứ Tư 25 tháng 8, theo giờ Việt Nam.

Nhân đây, Túy Vân xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một vài nét về đền thánh Đức Mẹ này, và lịch sử của Giáo Hội tại Hàn quốc.

Trên một ngọn đồi nơi nhiều người Hàn Quốc đã hy sinh mạng sống của họ vì đức tin vào Chúa Kitô, ngày nay chúng ta tìm thấy Đền thờ Đức Mẹ Mân Côi ở Nam Dương.

Đền thánh Đức Mẹ Mân Côi tại Nam Dương cách thủ đô Hán Thành 22.4 km về phía Đông- Đông-Bắc. Đây là nơi được cho là đã xảy ra nhiều cuộc hiện ra của Đức Mẹ.

Địa điểm này, còn được gọi là Đồi Mân Côi, tưởng niệm Cuộc khủng bố Bính Nhân (Byungin, 병인) rất kinh hoàng kéo dài từ năm 1866 đến năm 1871 dưới triều Vua Đại Viện Quân (Daewongun,대원군). Đây là đợt bách hại nghiêm trọng thứ tư đối với Giáo hội ở Hàn Quốc, tổng cộng đã khiến khoảng 10,000 người tử vì đạo.

Do cuộc bách hại lan rộng như vậy, và việc chính thức công nhận một số người trong số họ là các vị tử đạo, Hàn Quốc có số lượng các vị thánh lớn thứ tư trong thế giới Công Giáo.

“Giáo hội Hàn Quốc rất độc đáo vì được thành lập hoàn toàn bởi giáo dân”, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói trong lễ phong thánh cho một nhóm các vị tử đạo. “Giáo hội non trẻ này, còn quá non trẻ nhưng có đức tin mạnh mẽ, đã chống chọi được hết làn sóng này đến làn sóng đàn áp khốc liệt khác. Vì vậy, trong vòng chưa đầy một thế kỷ, Giáo Hội tại Hàn quốc có thể tự hào về hơn 10,000 người tử vì đạo. Cái chết của những vị tử đạo này đã trở thành men của Giáo hội và dẫn đến sự nở hoa huy hoàng của Giáo hội ở Hàn Quốc ngày nay”

Đền thánh Đức Mẹ Mân Côi ở Nam Dương được khánh thành vào Lễ Đức Mẹ Mân Côi ngày 7 tháng 10 năm 1991.

Khu phức hợp này bao gồm Con đường Mân Côi, Vườn Chúa Giêsu giàu lòng thương xót, Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, và các địa điểm sùng kính khác.

Nhìn từ trên cao, đường viền của khu phức hợp trông giống như một bức ảnh Đức Mẹ theo kiểu Byzantine do Vua Vladimir vẽ trong đó mô tả Đức Mẹ đồng trinh và Hài nhi Giêsu.

Đền thánh Đức Mẹ này được thiết kế bởi kiến trúc sư người Thụy Sĩ nổi tiếng thế giới Mario Botta.

Bàn thờ bên trong đền thánh Đức Mẹ này có chứa di tích của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Rất nhiều Phật tử đã được rửa tội tại đây khi cải đạo sang Công Giáo.

2. Lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Hàn Quốc

Người Công Giáo đầu tiên của Hàn Quốc

Đạo Công Giáo du nhập vào Hàn Quốc vào thế kỷ 18 sau khi ông Lý Thừa Huân (Yi Seung-hun,이승훈) đã nghiên cứu các bản dịch tiếng Hoa của các văn bản Công Giáo, cùng với cha mình, trong một chuyến đi đến Bắc Kinh vào năm 1784. Khi ở đó, anh đã tìm đến một nhà truyền giáo Dòng Tên và đã được rửa tội. Ông Lý Thừa Huân trở về Hàn Quốc và cùng với một số người khác, thành lập Giáo Hội Công Giáo ở Hàn Quốc vào giữa những năm 1780.

Cuộc bách hại đầu tiên

Vào năm 1801, hơn 300 người đã bị giết dưới triều đại Tiên Quốc (Joseon, 조선), khi vua Thuần Tổ (Sunjo, 순조) mới lên ngôi. Nhà vua phát động một cuộc bách hại kinh hoàng đối với Giáo Hội Công Giáo ở Hàn Quốc, với lý do là do đức tin Kitô xung đột với các lý tưởng Tân Nho giáo và đe dọa hệ thống phân cấp quyền lực trong xã hội. Ông Lý Thừa Huân nằm trong số những người bị hành quyết.

Linh mục Công Giáo đầu tiên của Hàn Quốc

Cha Anrê Kim Đại Kiến (Andrew Kim Tae-gon, 김대건 안드레아) xuất thân trong một gia đình Công Giáo đã phải chịu đựng những cuộc đàn áp. Ngài trở thành một phó tế ở Trung Quốc vào năm 1844. Một năm sau, ngài được thụ phong linh mục Công Giáo đầu tiên của Hàn Quốc. Ngài trở về Hàn Quốc và đi khắp các cộng đồng Công Giáo để giảng dạy, chủ yếu vào ban đêm. Ngài đã cố gắng đưa các nhà truyền giáo Pháp vào đất nước, nhưng bị bắt vào ngày 5 tháng 6 năm 1846, và bị chặt đầu vào ngày 16 tháng 9 cùng năm khi mới 25 tuổi.

Tự do tín ngưỡng

Quyền tự do thực hành tôn giáo của các tín hữu Công Giáo chính thức được công nhận vào những năm 1880, nghĩa là 100 năm sau khi Giáo Hội được thành lập ở nước này. Vào thời điểm đó, khoảng 10,000 người Công Giáo đã bị giết trong các cuộc đàn áp.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đâ được chụp vào ngày 7 tháng 8 năm 2014 này cho thấy một người đàn ông đi qua trước bức tranh treo tường khổng lồ dành cho các vị tử đạo Công Giáo của Hàn Quốc tại đền Solmoe ở thành phố Đường Tân (Dangjin, 당진시) cách thủ đô Hán Thành 85 km về phía tây nam.

Hôm 16 tháng 8, năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã vinh danh lòng dũng cảm và sự hy sinh của những người Công Giáo đầu tiên của Hàn Quốc khi ngài phong chân phước cho 124 vị tử đạo bị tra tấn và hành quyết tại một thánh lễ đặc biệt ở Hán Thành.

Hàng Giáo Phẩm đầu tiên

Năm 1962, Giáo Hội Công Giáo ở Hàn Quốc tái cấu trúc thành ba tổng giáo phận và tám giáo phận, chính thức trở thành một Giáo Hội địa phương tự trị chứ không còn là lãnh thổ truyền giáo như trước. Các Giám Mục của Hán Thành, Đại Khâu (Daegu, 대구시) và Quang Châu (Gwangju, 광주시) được thăng chức tổng giám mục. Vào đầu thế kỷ 21, có khoảng 4.5 triệu người Công Giáo ở Hàn Quốc, hay khoảng 9% dân số.

Tuyên thánh sau hai trăm năm

Tháng Năm, năm 1984, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm Hàn Quốc khi Giáo Hội Công Giáo ở nước này kỷ niệm hai trăm năm thành lập. Trong chuyến thăm này, ngài đã tuyên thánh cho 10 nhà truyền giáo người Pháp và 93 người Hàn Quốc, bao gồm cả vị linh mục đầu tiên, Anrê Kim Đại Kiến. Đây là lần đầu tiên một buổi lễ tuyên thánh được tổ chức bên ngoài Vatican kể từ thời Trung cổ và mang lại cho Hàn Quốc số lượng các vị thánh Công Giáo cao thứ tư trên thế giới.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trở lại thăm Hàn Quốc

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trở lại Hàn Quốc để tham dự Đại hội Thánh Thể Thế giới vào năm 1989.

3. Giáo Hội Hàn Quốc ngày nay

Số người Công Giáo ở Hàn Quốc đã tăng đều đặn trong hai thập kỷ qua, mặc dù sự tăng trưởng có phần chậm lại trong những năm gần đây.

Theo thống kê được công bố vào ngày 15 tháng Tư, 2020, Hội Đồng Giám Mục Hàn Quốc, gọi tắt là CBCK cho biết Giáo Hội tại Nam Hàn có 15 giáo phận, và một giáo phận quân đội, 7 trường Đại Học, và 169 dòng tu và các hiệp hội đời sống tông đồ,

Số Kitô hữu Công Giáo đã tăng 49.85% từ 3,946,844 tín hữu năm 1999 lên 5,914,669 tín hữu, trong tổng số dân là 53,121,668 người, chiếm tỷ lệ 11.1%,

Nếu tính theo từng giáo phận thì giáo phận Thủy Nguyên (Suwon, 수원시) ngay phía nam Hán Thành, được ghi nhận có mức tăng cao nhất lên đến 89.1% trong giai đoạn 20 năm qua, tiếp theo là giáo phận Đại Điền (Daejeon, 대전시) ở miền trung Hàn Quốc với 79.6% và giáo phận Nghị Chính (Uijeongbu, 의정부시), phía bắc thủ đô, với 78.9%.

Tỷ lệ người Công Giáo trong tổng dân số cả nước tăng từ 8.3% lên 11.1% trong giai đoạn 1999 - 2019. Nhưng tỷ lệ tham dự các thánh lễ của họ, được coi là một chỉ số chính về đời sống tôn giáo của các tín hữu, đã giảm từ 29.5% xuống còn 18.3%.

“Việc sụt giảm tỷ lệ tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật là đáng quan ngại. Tất cả các giáo phận đã thực hiện những nỗ lực đa dạng để mang các Kitô hữu trở lại nhà thờ, nhưng chưa có thay đổi đáng kể nào được ghi nhận cho đến nay. Vấn đề này đã được nhắc đi nhắc lại hàng năm,” báo cáo cho biết.

“Đây là thời gian để suy tư về công việc truyền giáo hiện nay của chúng ta và xem xét lại các phương hướng truyền giáo trong nước và ngay cả việc tái truyền giáo”.

Báo cáo cũng nhấn mạnh đến sự già hóa nhanh chóng của dân số Công Giáo. Những người ở độ tuổi 50, 60, 70 và 80 đã tăng lần lượt là 76.9%, 93%, 117% và 251.6%.

Trong khi đó, số lượng nữ tu giảm 41.5%. Năm 1999 có 24,227 nữ tu. Năm 2018 chỉ còn 14,167 dì.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là số linh mục tăng 52.2 phần trăm từ 2,972 vị lên 4,456 vị trong giai đoạn 1999 – 2019. Số các nhà truyền giáo được phái ra nước ngoài đã tăng 204.2 phần trăm từ 356 vị vào năm 1999 lên 1,083 vị vào năm 2018.

Báo cáo của CBCK cũng đề cập đến tình trạng của các tín hữu Công Giáo Bắc Hàn. Vào năm 1945, có khoảng 50,000 người Công Giáo tại các giáo xứ ở Bắc Triều Tiên. Trước Chiến tranh, Bình Nhưỡng đã từng được gọi là “Giêrusalem của phương Đông” và được coi là một trung tâm Kitô giáo ở Đông Bắc Á.

Khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950, hầu hết các linh mục ở Bắc Triều Tiên bị bắt, bị giết, hoặc mất tích. Quá trình phong chân phước đã bắt đầu cho 40 tu sĩ và nữ tu của Tu viện Tokwon Benedictine, đã bị Cộng sản giết chết.

Vào năm 1988, một “Hiệp hội Công Giáo Hàn Quốc” đã được chính phủ Cộng sản tạo ra và có 800 thành viên. Hiệp hội này không được Vatican công nhận, nhưng có một trong ba nhà thờ do nhà nước bảo trợ và hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền Cộng sản.

Thánh lễ thỉnh thoảng được tổ chức tại Nhà thờ Tràng Xuân (Changchung, 长春) ở Bình Nhưỡng khi có một linh mục nước ngoài đi du lịch qua, vào các ngày Chúa Nhật, phụng vụ được cử hành bởi một cư sĩ do nhà nước bổ nhiệm.

Sự đàn áp Kitô hữu ở Bắc Triều Tiên được ghi nhận là tàn bạo hơn hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, theo Open Doors, ước tính rằng có thể có tới 300,000 Kitô hữu đang thực hành đức tin “lén lút” ở Bắc Triều Tiên. Các Kitô hữu bị phát hiện sẽ bị bắt giữ, cải tạo trong trại lao động, hoặc, trong một số trường hợp, bị hành quyết vì đức tin.

Nhiều linh mục và mục sư đã lén đi vào Bắc Triều Tiên với hy vọng bí mật truyền giáo và nhiều người đã bị bắt, nhưng các tổ chức Kitô giáo ở Hán Thành tiếp tục phát các chương trình truyền bá Tin Mừng qua miền Bắc với hy vọng rằng ai đó sẽ có thể bắt được làn sóng phát thanh.