1. Hội Hiệp Sĩ Kha Luân Bố gây quỹ để thay thế những bức tượng bị phá hoại tại giáo xứ New York

Một cuộc gây quỹ của Hiệp sĩ Kha Luân Bố để thay thế các bức tượng bị phá hoại của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Têrêxa thành Lisieux tại một nhà thờ ở Thành phố New York đã quyên góp được hơn 21,000 đô la, tính đến những thứ Sáu, 30 tháng Bảy.

Các bức tượng đã bị đập vỡ hôm 17 tháng 7 tại Nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Thương xót ở Queens bởi một phụ nữ được nhìn thấy trên camera an ninh. Vụ phá hoại đang được điều tra bởi Đơn vị Tội phạm vì Thù Hận của Sở Cảnh sát Thành phố New York và Khu 112.

Hiệp sĩ Brian Allen của Hội Hiệp Sĩ Kha Luân Bố đã có sáng kiến đưa vụ này lên trang GoFundMe. Hai bức tượng đã được trưng bày tại giáo xứ từ năm 1937.

Việc gây quỹ đã được phát động vào ngày 21 tháng 7, 4 ngày sau khi người phụ nữ điên cuồng phá tan nát hai bức tượng trước khi bỏ trốn.

Giáo xứ nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, ngày 30 tháng 7 rằng họ đang thu thập thông tin và hoạch định cách tốt nhất để bảo vệ các bức tượng mới.

Trong đêm xảy ra vụ phá hoại, vào lúc 3:30 sáng, Đức Ông John McGuirl nghe thấy những tiếng động khi vụ phá hoại đang diễn ra. Ngài chồm người ra cửa sổ và hét lên với thủ phạm để yêu cầu y thị dừng lại.

Bà ta nói với ngài rằng muốn sống thì hãy im đi trước khi bỏ trốn.

Tuyên bố của Giáo phận Brooklyn hôm 17 tháng 7 cho biết “các bức tượng đã bị kéo lê trên một quãng khoảng 180 feet, tức là khoảng 55m, qua Đại lộ 70, nơi người đàn bà dùng búa đập các bức tượng”
Source:Catholic News Agency

2. Các giám mục Hoa Kỳ lên án việc tài trợ cho phá thai trong dự luật chi tiêu vừa được Hạ viện thông qua

Các giám mục hàng đầu của Hoa Kỳ hôm thứ Năm phản đối việc Hạ viện thông qua các dự luật tài trợ cho việc phá thai và loại trừ một số biện pháp bảo vệ lương tâm trong chăm sóc sức khỏe đã từng được bảo đảm dưới thời Tổng thống Trump.

“Tài trợ cho việc hủy diệt những sinh mạng con người vô tội, và buộc mọi người phải giết người là vi phạm lương tâm của họ, đó là những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”, Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York và Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của tổng giáo phận Kansas City ở Kansas đã đưa ra lập trường trên hôm thứ Năm trong một tuyên bố chung. Đức Hồng Y Dolan là chủ tịch Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo của USCCB. Đức Tổng Giám Mục Naumann là chủ tịch ủy ban phò sinh của các giám mục Hoa Kỳ.

Vào chiều thứ Năm, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một gói dự luật phân bổ nhằm cung cấp tài trợ cho các cơ quan và chương trình chính phủ khác nhau, bằng một cuộc bỏ phiếu với tỷ số 219-208. Không có đảng viên Dân chủ nào bỏ phiếu chống và không có đảng viên Cộng hòa nào bỏ phiếu thuận. Bốn thành viên đã không bỏ phiếu.

Các nhà lãnh đạo Hạ Viện Mỹ đã loại bỏ một số điều khoản phò sinh trong các dự luật để buộc các nhân viên chăm sóc sức khỏe phải tham gia vào các hành động phá thai.

Đáng chú ý là việc loại bỏ Tu chính án Hyde, lần đầu tiên được Quốc hội thông qua vào năm 1976. Trong chính trị Hoa Kỳ, Tu chính án Hyde là một đạo luật cấm việc sử dụng quỹ liên bang để chi trả cho việc phá thai ngoại trừ để cứu mạng sống của người phụ nữ, hoặc nếu cái thai phát sinh do loạn luân hoặc cưỡng hiếp. Trước khi Tu chính án Hyde có hiệu lực, ước tính có khoảng 300, 000 ca phá thai được thực hiện hàng năm bằng tiền đóng thuế của dân.

Hạ viện thông qua Tu chính án Hyde vào ngày 30 tháng 9 năm 1976 với tỷ lệ bỏ phiếu 312 trên 93. Tu chính án này có tên là Hyde vì do Dân biểu Cộng hòa Henry Hyde của Illinois đề xuất. Tu chính án thể hiện một trong những thành tựu lập pháp lớn nhất và đầu tiên nhất của phong trào ủng hộ sự sống tại Hoa Kỳ, đặc biệt là các phong trào phò sinh của Công Giáo và Ủy ban Quốc gia về Tu chính án Cuộc sống Con người do nhà vận động hành lang Mark Gallagher đứng đầu.

Trong khi tích cực vận động cho việc dùng tiền thuế dân để tài trợ cho phá thai, Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện, và Xavier Becerra, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, vẫn trâng tráo một cách khốn nạn khi vỗ ngực xưng mình là những người Công Giáo ngoan đạo.
Source:Catholic News Agency

3. Các giám mục Công Giáo Ba Lan bày tỏ tình đoàn kết với cộng đồng Ba Lan sau vụ cháy nhà thờ ở Glasgow

Hôm thứ Năm, các giám mục Công Giáo Ba Lan đã bày tỏ tình đoàn kết với cộng đồng Ba Lan ở Tô Cách Lan sau khi hỏa hoạn thiêu rụi một nhà thờ của họ ở Glasgow.

Các giám mục Ba Lan đã gửi thông điệp vào ngày 29 tháng 7, một ngày sau khi ngọn lửa nhấn chìm nhà thờ Thánh Simons, ở Partick, Glasgow.

Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan và Đức Đức Cha Wiesław Lechowicz, chủ tịch Ủy Ban người Ba Lan sống ở hải ngoại viết:

“Chúng tôi rất buồn khi biết tin về đám cháy tại nhà thờ Thánh Simons ở Glasgow, một trong những nhà thờ Ba Lan quan trọng ở Tô Cách Lan”.

“Thay mặt cho Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, chúng tôi bảo đảm với anh chị em về sự gần gũi và tình đoàn kết thiêng liêng của Giáo hội Ba Lan với các mục tử và tất cả các tín hữu mà nhà thờ Thánh Simons đã là nơi thờ phượng và là một trung tâm quan trọng của các cộng đồng người Ba Lan trong nhiều thập kỷ”.

Theo trang web của giáo xứ, nhà thờ Thánh Simon là nhà thờ Công Giáo lâu đời thứ ba ở Glasgow sau Nhà thờ Thánh Andrew và Nhà thờ Đức Bà ở phía Đông của thành phố.

Ngôi thánh đường này khánh thánh vào năm 1858 bởi Cha Daniel Gallagher, một linh mục người Ái Nhĩ Lan, là người đã dạy tiếng Latinh cho nhà thám hiểm David Livingstone, để ông này được nhận vào trường y khoa.

Nhà thờ, ban đầu được gọi là nhà thờ Thánh Phêrô, và được sử dụng bởi những người lính Ba Lan trong Chiến tranh thế giới thứ hai và vì thế được gọi là Nhà thờ Ba Lan. Các thánh lễ bằng tiếng Ba Lan vẫn tiếp tục được cử hành tại nhà thờ này.

Nhà thờ đã được trùng tu hoàn toàn từ năm 2005 đến năm 2008 để kỷ niệm 150 năm thành lập.
Source:Catholic News Agency